Cách đây nhiều năm, khi lần đầu tiên lập tài khoản LinkedIn, trong trang profile tôi được yêu cầu bắt buộc phải đặt một dòng headline (tiêu đề) cho profile của mình. Ái chà, tôi nghĩ, xịn quá, phải viết một cái gì đó thật cô đọng, thật xuất sắc!
Hai mươi phút sau, tôi vẫn ngẩn tò te cắn bút vì không biết phải viết gì...
Vì LinkedIn là trang thông tin tìm kiếm việc làm, nên sau khi đảo một vòng xem profile của những người khác, tôi nhận ra đa số mọi người sẽ ghi vào đây chức vụ hiện tại, hay nghề nghiệp chuyên môn, tên công ty hiện tại đang làm việc.
Ok, vậy là bạn đã biết là tôi viết gì vào profile rồi nhé.
Đây là cái "nhãn" (label) đầu tiên mà tôi khoác lên người mình.
Trong marketing người ta thường nói về khái niệm "nhận diện thương hiệu", thương hiệu của sản phẩm gắn liền với hình ảnh về sản phẩm đó. Có lẽ, mỗi cá nhân cũng được người khác nhận diện tương tự như vậy. Thương hiệu của bạn là điều bạn tự hào viết lên danh thiếp của mình, làm tiêu đề của profile, là câu bạn tự giới thiệu về mình khi tham gia hội họp hay gặp gỡ ai đó lần đầu tiên trong một cuộc hẹn hò. Có thể là "cô RinLinh cao kều của lớp 12A", "cô RinLinh là CEO Tổng giám đốc công ty A kiêm cố vấn tài chính kiêm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm bếp trưởng nhà hàng Con Cá Vàng", "cô RinLinh đến từ xứ Mù Cang Chải thành phố Havana", "cô RinLinh thành viên cuồng nhiệt của fanclub những người yêu màu hường"...
"Nhãn" của bạn nói cho người khác biết bạn thuộc về nhóm/hội nào, đạt được vị trí xã hội gì, đến từ đâu.... Nói tóm lại, nó cho người khác nhận diện tóm tắt về bản thân bạn. Trong một vài từ. Một vài dòng. Có thể là một vài câu.
Đôi khi, tôi thấy điều này khá hữu dụng, đặt biệt là khi lần đầu tiên gặp mặt một ai đó. Ít nhất bạn biết bạn đang nói chuyện với một người mà bạn nghĩ là bạn có thể đoán/hình dung ra người đó như thế nào.
Trong một số trường hợp khác, tôi thấy điều này rất tệ. Cực kỳ tệ.
Vì có lúc tôi bỏ qua không thèm nói chuyện với một anh chàng lông bông tự giới thiệu mình là "freelancer", vì trong tưởng tượng/suy nghĩ của tôi freelancer là mấy thằng cha rỗi hơi lười biếng không việc gì làm, và sau đó tôi hối hận cực kì khi biết anh ta hóa ra lại rất thông minh và đang làm cùng lúc nhiều công việc hay ho. Hoặc cũng có một vài trường hợp, tôi nói chuyện với một vài CEO đáng kính và thất vọng/phì cười vì những xử sự thiếu chuyên nghiệp hoặc trẻ con của họ.
Chúng ta không chỉ có một, mà có rất nhiều "nhãn". Trong hầu hết đa số các trường hợp, chúng ta tự hào với những cái nhãn mình tự gắn cho mình, và có thể căm ghét hoặc khó chịu với một vài cái nhãn người khác đặt cho chúng ta. Những biệt danh hồi đi học cấp 3 là một ví dụ. Hoặc sâu sắc hơn, nếu bạn đã từng ra tòa, li dị, hay phạm phải một sai lầm nào đó trong sự nghiệp, cái "nhãn" đó, hay còn có thể gọi là vết nhơ đó, sẽ theo bạn suốt đời.
Có lẽ, chúng ta không thể tồn tại như một cá thể trong xã hội, trong cộng đồng, trong "làng xã bộ lạc" của mình, mà không có những cái "nhãn". Những cái nhãn cho biết chúng ta thuộc về nhóm nào trong xã hội, giúp người khác nhận diện chúng ta. Hay nói cách khác, mỗi cái "nhãn" cho biết chúng ta là một sản phẩm thuộc "hộp/thùng chứa"(box) nào của xã hội.
Một câu chuyện có thật xảy ra ở Tp HCM năm 1995, do sự cố máy bay nên nghệ sĩ piano lớn của thế giới là Vladimir Ashkenazy phải dừng lại Tp HCM hai ngày. Vì vậy, ông được mời tổ chức một buổi hòa nhạc tại Tp HCM, và ông đã chọn tổ chức một buổi hòa nhạc khiêm tốn tại khán phòng nhỏ trong Nhạc viện Tp HCM, với một lượng công chúng hẹp. Tại buổi hòa nhạc, người lãnh đạo Nhạc viện lúc đó là giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, đã hỏi nghệ sĩ (để đưa vào tờ program chương trình), tôi phải viết về ông như thế nào, Ashkenazy là gì?. Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là: "Tôi chỉ là Ashkenazy." Hỏi đi hỏi lại mấy lần, chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Truy mãi, truy mãi, mà cuối cùng cũng chỉ nhận được câu trả lời có pha thêm tí khó chịu từ ông "Tôi chỉ là Ashkenazy!"
Tất nhiên chúng ta không phải ai cũng là nghệ sĩ lớn như Ashkenazy, mỗi ngày còn phải còng lưng đi làm, nịnh sếp, chăm con, lượn facebook, giảm cân... Chúng ta luôn phải tự giới thiệu mình là ai trước người khác. Và khi đó, ở một khía cạnh nào đó, những cái "nhãn" và "hộp" giúp chúng ta cảm thấy an toàn hơn, được bảo vệ hơn, được tôn trọng hơn, được thỏa mãn hơn, được cảm thấy mình ưu việt hơn/khác biệt/nổi trội hơn người khác,.... Những cái "nhãn" và "hộp" cho chúng ta biết mình thuộc về nhóm nào trong xã hội. Và một trong những bản chất của con người từ thời tiền sử săn bắt hái lượm là phải "sống theo bầy đàn". Không có đồng đội, bầy đàn, thì không thể săn bắt những con lớn, không có thịt ăn.
Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó, một vài cái "nhãn" mà bạn tự hào bị mất đi, thì, Bi ơi đừng sợ. "Nhãn" chỉ là một tờ giấy trên bao bì thôi. Nó không đại diện cho tất cả mọi thứ bên trong bạn. Và thậm chí cả cái "hộp" nữa. Có những lúc, mất đi "nhãn" và "hộp" sẽ khiến bạn lạc lối, hoang mang, mất lòng tin vào bản thân, ngã quị, hoặc có những hành động ngu ngốc. Bị cách chức, nghỉ việc, tăng cân, trở nên xấu xí, di chuyển chỗ ở, li dị, sinh con, chuyển hướng sự nghiệp,... là những ví dụ thay đổi "nhãn" và "hộp" như thế. Bạn luôn luôn có thể tạo ra một cái "nhãn" mới đẹp hơn, một cái "hộp" mới rộng hơn.
Nhưng điều quan trọng là, những cái "nhãn" và "hộp" đó, chúng chỉ là một lớp bao bì. Chúng không phải là sản phẩm bạn thực sự. Sản phẩm bạn mới là cái cốt lõi chỉ bạn mới có, là giá trị thực sự của bạn. Và ý nghĩa cuộc sống, thành công, hạnh phúc của bạn, được quyết định bởi sản phẩm bạn, chứ không phải bao bì của bạn.
Và nếu được, nên hạn chế dán những cái "nhãn" xấu xí không cần thiết lên người khác. Nó không làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Ngày mai, nếu bạn gặp cô RinLinh ngoài đường, cô RinLinh hy vọng là cô ấy có thể mỉm cười trả lời bạn chỉ đơn giản "Tôi là cô RinLinh".
(mặc dù vậy, là một người bình thường, cô RinLinh cũng vẫn rất yêu những cái "nhãn" sáng bóng danh giá, và lâu lâu cũng sẽ cố gắng dán đâu đó lên mình một vài cái "nhãn" hay ho và vênh váo lên đôi chút với con mèo trong nhà. Bởi vì đa số trong các trường hợp, cô ấy thường hay viết về rất nhiều thứ cô ấy bối rối và không biết phải làm sao).
Hết.
Cám ơn độc giả đã đọc được đến đây. Chúc bạn có nhiều những cái "nhãn" sáng bóng và có thể thoải mái gỡ ra dán vào lúc nào cũng được. Và luôn mỉm cười :).
Yêu bạn.