Finally !! 

Cuối cùng thì Đà Nẵng cũng đã có một nhà hàng Ý "ngon lành", nấu đúng kiểu Ý, chứ không pha trộn biến tấu lung tung như những chỗ khác.

Nội thất nhà hàng lấy màu vàng tươi làm chủ đạo, cảm giác tươi vui, sống động và rất Ý. 


Mình thích nhất là xa lát ở đây được làm theo đúng kiểu Ý, nghĩa là xa lát không trộn dressing, mà ở trên bàn ăn để sẵn dầu oliu, giấm balsamic, muối, sau đó khách hàng tự pha trộn dầu, giấm, muối vào rau. Mùi thơm, vị béo của dầu oliu, cộng với vị chua ngọt đậm đà của giấm balsamic, làm cho món xa lát thêm hấp dẫn. Phô mai parmesan và thịt ham trong xa lát cũng rất ngon.




Pizza thì khỏi phải nói, quá tuyệt vời. 


Đầu bếp của Limocello là anh Filippo người Ý, cực kỳ dễ thương. Anh chạy đến bàn mình hỏi món ăn có ngon không, rồi còn tặng bọn mình món bánh Foccacia mới nướng thơm lừng, sau đó thêm  mỗi người một ly Limoncello (rượu vỏ chanh) truyền thống của Ý do anh tự làm, thơm lừng và dịu ngọt.



Quá tuyệt vời !

Definitely my favourite restaurant in Danang !! 



Limoncello
Số 167, Trần Phú, Đà Nẵng



Trong những ngày ở Manila, mình có dịp đến ăn tối tại nhà hàng Mesa, nơi được chọn là một trong những nhà hàng ngon nhất Phillipines.

Đây là lần đầu tiên mình được tiếp xúc với ẩm thực Phillipines, quả thực có rất nhiều trải nghiệm mới lạ và thú vị.
 Salad đậu phụ với trứng muối và tôm, Sisig (thịt má, thịt thủ và gan lợn đun trên chảo nóng) gói thành gói nhỏ

 Da cá chiên giòn ăn với xoài chín

 Canh chua

 Cơm trắng

 Cripschon (thịt lợn quay) cuộn trong bánh kếp vị lá dứa, chấm với 3 loại xốt.

Tráng miệng là bánh rán ngọt ăn với xốt caramel

Những món ăn Philippines không có vị cay nồng như món ăn của các nước láng giềng Malaysia, Indonesia, mà chủ yếu là sự phối hợp của vị mặn, vị ngọt và vị chua. Có lẽ, do ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha từ thời thuộc địa, những món ăn ở Philippines có một cái gì đó rất Nam Mỹ trong cách sử dụng các nguyên liệu, trong cách sử dụng thìa nĩa trong bữa ăn...., nhưng mặt khác cũng phảng phất màu sắc Á Đông trong những món canh chua, thịt kho, trong cách chọn cơm làm thực phẩm chính. Người Philippines ăn nhiều cơm, nhiều thịt, và có lẽ là khá ít rau so với người Việt Nam.

Hy vọng trong những lần sau mình sẽ có cơ hội ăn những món khác nữa, để biết thêm nhiều hơn về ẩm thực Phillipines.

Mesa, Filippino Moderne
G/F Greenbelt 5, Makati, Manila



Manila là sự hòa trộn của những khu trung tâm thương mại khổng lồ, những thương hiệu xa xỉ, và những khu ổ chuột, những con đường mù bụi nằm xen kẽ xếp lớp bên nhau.
Thành phố này mang lại cho mình một cảm giác thật kỳ lạ. 
Có lẽ, là sự choáng ngợp bởi tốc độ phát triển ồ ạt, và cảm giác hoang mang bởi những bờ vực của phân cách giàu - nghèo.





Sáng nay, trước khi lên đường đi Biei, mình và mọi người tranh thủ thời gian chơi thêm một tý ở Furano.

Ở Furano, ngoài hoa lavender ra còn có một đặc sản khác, chính là Yubari Melon - dưa lưới giống Yubari. Đây là loại dưa lưới cơm vàng, rất ngọt, thuộc hàng cao cấp trong các giống dưa lưới ở Nhật. Du khách đến đây có thể mua trực tiếp dưa lưới từ các nông trại và gửi chuyển phát nhanh hoặc bưu điện về tận nhà mình.


Đến Furano, mặc dù không có ý định mua dưa về nhà nhưng mình cũng tranh thủ ăn tại chỗ một lát dưa lưới ướp lạnh, vàng ươm và ngọt mát. 


Sau đó mình ăn bánh mì dưa lưới, với nhân bánh là mứt dưa lưới và vỏ bánh cũng thơm mùi dưa lưới. 


Ngoài ra, ở đây bạn còn có thể ăn bánh plan vị dưa lưới, sô cô la vị dưa lưới, và nước giải khát cũng làm từ dưa lưới :)).

Sau khi đã ăn no nê, bọn mình lái xe tiến về phía Biei. Khung cảnh ruộng đồng với núi đồi trùng điệp của Biei làm cho người ta cứ tưởng như mình đang ở một miền quê Châu Âu, hay trong một bộ phim lãng mạn nào đó chứ không phải đang ở Nhật Bản.



Những con đường trải dài với hai bên là các mảng màu sắc khác nhau của đồng ruộng nơi đây được mệnh danh là The road of Patchwork, vì khi đi trên đó ta có cảm tưởng như cả cánh đồng được ghép từ nhiều mảnh vải có màu sắc khác nhau của nghệ thuật may patchwork.

Chiều xuống, sự yên tĩnh và vẻ đẹp tuyệt đối của nơi đây khiến người ta cảm thấy mình như nhỏ bé lại, và cảm thấy yêu thiên nhiên hơn bao giờ hết.




Có lẽ đối với mình, Furano là trái tim của Hokkaido. Vì ở đây có những cánh đồng hoa bạt ngàn mà không nơi nào trên thế giới có thể có được, đặc biệt mỗi năm vào khoảng tháng 7, tháng 8, du khách nô nức đến Furano để được nhìn ngắm những cánh đồng hoa lavender ( hoa oải hương - tử y thảo) trải dài ngút tầm mắt. Đó thực sự là một khung cảnh ngoạn mục.




Vườn hoa lavender rộng và nổi tiếng nhất ở Furano là Farm Tomita. Ngoài hoa lavender, ở đây còn có rất nhiều loại hoa khác như poppies, cúc, pansee... đua nhau khoe sắc. Trong vườn, bầu không khí thoang thoảng mùi hoa thơm ngây ngất, quyến rũ.



Sau khi đi dạo khắp vườn, hãy nghỉ mệt và refresh tý xíu với món kem độc nhất vô nhị của Farm Tomita, kem sữa tươi vị lavender !


Kem mát lạnh, dẻo, thơm, ngọt, mát, vị hoa lavender thoang thoảng. 

Ngoài ra, ở Farm Tomita còn có bán rất nhiều quà lưu niệm, như xà phòng thơm, túi hương, nến, bưu thiếp... với mùi hoa lavender nhè nhẹ dễ thương. Bạn cũng có thể mua một ít hoa khô về làm quà cho bạn bè, người thân.


What a sweet day !


Phải hơn 6 năm rồi mình mới trở lại Hokkaido. Sau Châu Âu, thì Hokkaido thực sự là một dream land của mình,   với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình, thức ăn ngon và con người hiền hậu. Hokkaido luôn làm cho mình cảm thấy như mình đang ở một vùng đất khác chứ không phải đang ở Nhật Bản.

Chuyến đi này mình đi cùng với gia đình một anh chị người quen, bọn mình đi ô tô từ Tokyo đến tận miền bắc nước Nhật là tỉnh Aomori, sau đó đi ferry từ Aomori sang thành phố Tomakomai của Hokkaido. Từ đó, địa điểm đầu tiên lái xe đi chơi tiếp là vùng Tokachi.


Tokachi là vùng đất trù phú, trồng nhiều ngũ cốc và có nhiều trang trại nuôi bò sữa, dê, cừu, ngựa....




Thiên nhiên ở đây rất xanh tươi, mật độ dân số thưa, thỉnh thoảng lại gặp nhiều hồ nhỏ rất đẹp, cảm tưởng giống như đang ở Bắc Âu vậy.


Một số đặc sản của vùng Tokachi:

Phô mai làm từ 100% sữa tươi nguyên chất vắt từ bò nuôi tại Tokachi

Mật ong lấy từ ong mật chuyên hút nhuỵ hoa cải trong vùng


Các loại mứt sản xuất tại Tokachi

Ngoài ra vì Tokachi là vùng nuôi bò sữa nên sữa tươi, sữa chua ở đây rất ngon.

Ngày mai cả hội sẽ tiến về Furano, Biei....



Tuần trước, mình cùng với một người bạn đi thăm đền Tokyo-daijingu ở Itabashi. Đây là một ngôi đền rất nổi tiếng ở Tokyo, đặc biệt linh thiêng khi cầu về.... tình duyên :)). 

Mình cũng xin ở đền một quẻ, và được quẻ "Trung cát", nghĩa là khá tốt. Hy vọng mọi chuyện được như lời quẻ nói.

 
Sau đó mình mua một cái omamori (bùa hộ mệnh) để mang theo bên người, cầu mong thần linh của đền phù hộ. Đây là một tập tục rất phổ biến ở Nhật, xin omamori ở các đền, chùa, nhằm cầu mong sự bình yên, sức khoẻ, may mắn, đạt được thành tựu.... Mỗi omamori thường chỉ có hiệu lực trong một năm, sau đó thì sẽ được mang dâng trả lại chùa hoặc đền.

Omamori lần này của mình gồm có hai phần, phần thắt dây trắng dùng để treo lại trong đền, phần thắt dây đỏ để mang theo bên người, mỗi phần là một cái thẻ gỗ xinh xinh.


À, và mình đã ăn hết lọ mứt hôm trước được tặng, bây giờ thì nó đã trở thành lọ cắm hoa nhà mình ^^




Mình thích những lọ hoa đơn giản, nhẹ nhàng như thế này thôi, nhưng luôn làm cho mình cảm thấy thanh thản, bình yên và dễ chịu..



Khoảng 3 năm trước, lần đầu tiên mình biết đến mineral make up (mỹ phẩm khoáng) nhờ một lần sử dụng mineral foundation dạng bột của Maybelline. Cảm giác nhẹ nhàng, màu sắc tự nhiên, cũng như khả năng tạo cho da không gian để "thở" đã làm cho mình bắt đầu falling in love với dòng sản phẩm này. Từ đó đến nay, mineral make up đã trở thành người bạn thân thiết trong túi trang điểm của mình. Mình bắt đầu thử nhiều dòng mineral make up hơn, từ alima pure, bareMinerals của Mỹ, cho đến naturaglacé, ETVOS của Nhật đều là những dòng sản phẩm yêu thích của mình. 

Ngày xưa, trước khi biết đến mineral make up, mình khá là mù quáng trong việc sử dụng mỹ phẩm. Mình mua rất tạp nham, thấy màu son này đẹp, màu má hồng này xinh, màu mắt này lạ..... là lại khệ nệ ôm về nhà, nhiều sản phẩm chỉ sử dụng một hai lần là bỏ xó. Nhiều khi mình mua mỹ phẩm vì thấy người này người kia khen là tốt, vì cô bán hàng nói da mình hợp màu này hay nhãn hiệu này, vì sách báo tạp chí review sản phẩm mới hay quá, hoặc đôi khi mình mua chỉ vì thích cái bao bì đẹp..... tóm lại là không biết bản thân thực sự cần gì và hợp với cái gì. Phải nhiều năm sau, qua rất nhiều sai lầm, may thay cuối cùng mình cũng tìm được mineral make up. Và bây giờ, cách trang điểm yêu thích nhất của mình chỉ là kem chống nắng, concealer, một ít phấn nền hoặc phấn phủ dạng mineral, kẻ chân mày một tý, và một chút son. Thế là đủ.

Thỉnh thoảng, khi hẹn hò hay gặp gỡ bạn bè, hoặc khi nào muốn thay đổi không khí, thì mình điệu thêm tý chút với eye shadow, mascara, má hồng của M.A.C, Nars hay Bobbi Brown, nhưng nói chung thì mấy em này không phải là everyday routine của mình. 


Nói về skin care, thì thật ra lúc 19, 20 tuổi, mình chả biết một tý gì về skin care. Hồi ấy, mỗi ngày mình chỉ rửa mặt bằng sữa rửa mặt, chấm hết. Sau này khi sang Nhật, thấy mọi người chăm sóc da rất kỹ thì mình mới bắt đầu có ý thức hơn về chuyện sử dụng các sản phẩm dưỡng da. Nhưng giữa rừng sản phẩm bạt ngàn, thực sự mình cũng không biết bắt đầu từ đâu. Nghe mọi người nói Shiseido tốt nên mình cũng bắt chước dùng lotion, sữa dưỡng ẩm của Shiseido, từ dòng bình dân như Aqua Label cho đến cao cấp hơn là Exilir, rồi sang các hãng khác như Kanebo, Kosé...... nhưng thực sự mình không cảm thấy da cải thiện gì mấy. Mùa hè thì ra dầu nhiều, mùa đông thì lại khô, tóm lại là cực kỳ khổ sở.... 

Cuối cùng cách đây vài năm, một người bạn recommend mình dùng thử dòng Revital của Shiseido, thì da mình đỡ hơn hẳn, chỉ mỗi tội dòng này đắt tiền quá, lần nào mua cũng xót cái hầu bao (mà lotion và sữa dưỡng da thì ngày nào cũng dùng hai lần sáng và tối nên tiêu hao rất nhanh). Bây giờ, thì mình đang trong hành trình tìm kiếm một dòng sản phẩm dưỡng da vừa túi tiền và hợp với da mặt hơn. Ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay đang là bạn La Roche Posay, rất lành tính, mát da, và mình mê mùi thơm sữa rửa mặt của bạn này.


Hy vọng là trong tương lai, túi mỹ phẩm của mình sẽ chỉ có ít sản phẩm thôi, nhưng là những sản phẩm thật sự phù hợp, thân thiện và cần thiết đối với làn da. Dần dần, mình sẽ cố gắng không mua những sản phẩm màu mè, không cần thiết nữa.

Bởi vì, after all, as they always say, less is more.




Hôm vừa rồi đến thăm nhà bà Nomura, được bà tặng cho lọ mứt quất tự tay bà làm lấy. Ôi khỏi phải nói là mình thích đến như thế nào. Quất vườn nhà bà trồng, tự tay bà hái xuống, lột vỏ, bóc múi, sên đường, rồi nấu cả tiếng đồng hồ mới được một mẻ mứt. Mứt thơm mùi quất ngào ngạt, ngọt dịu, ăn với bánh mì nướng hay pha trà thì cực kỳ tuyệt vời. 


Vườn nhà bà còn có trồng cả quả mơ, cam sành, năm nào khi quả chín cũng thấy bà hì hục làm mứt mơ, mứt cam, để dành tặng người thân, hàng xóm hay khách đến chơi nhà. Bếp nhà bà thường hay trữ sẵn rất nhiều lọ nhỏ (lọ bánh kẹo, lọ gia vị, lọ mứt mua ở siêu thị..... sau khi dùng hết thì rửa sạch phơi khô) để dành cho những dịp như thế này. Có năm mình cũng tham gia giúp bà làm mứt cam, ngồi cả mấy tiếng đồng hồ để thái mỏng vỏ cam, rồi bóc múi, tách hạt, đến là kỳ công ! Nhưng rất vui, cả bếp thơm toàn là mùi cam và mùi đường ngào ngạt....

Thêm nữa, chị L người quen của mình ở Việt Nam sang, lại khệ nệ ôm cho mình một mớ măng cụt thiệt là ngon. Chắc phải cả thế kỷ rồi mình không ăn măng cụt ! Thèm cái vị ngọt ngọt chua chua ấy chết thôi. 


Những ngày đầu tiên của tháng 7 thật là đẹp :)



Lần đầu tiên mình ăn quy linh cao (hay còn được gọi là cao quy linh, phục linh cao) là ở quán Hà Ký trong Sài Gòn, lúc đó thì thực sự mình không thấy ấn tượng lắm, vì thấy vị cũng hơi hơi giống thạch đen (sương sáo), chỉ đắng hơn một chút chứ không có gì đặc biệt. Mãi cho đến sau này khi đi Kuala Lumpur, ăn quy linh cao do người Malay gốc Hoa nấu thì mình lại đâm ra chết mê chết mệt món này, vị thơm, dai, bùi, đậm đà hơn hẳn (thành ra cứ lần nào đi công tác Kuala Lumpur mình cũng tranh thủ mua một phần quy linh cao thiệt bự ăn cho đã ghiền.)

Ở Kuala Lumpur, quy linh cao thường được bán trong các tiệm chè ngọt, ở các nhà hàng món Hoa hoặc ở các tiệm thuốc bắc. Quy linh cao ở đây thường được cho vào một hũ lớn cỡ cái chén ăn cơm, để lạnh và ăn với nước đường. Tuy hương vị của mỗi tiệm có hơi khác nhau đôi chút, nhưng nói chung đều rất đắng, rất đậm, rất thơm, ăn với nước đường mát lạnh, vị đắng và vị ngọt hòa quyện với nhau vừa phải, tinh tế, không có cái nào quá mạnh át mất cái kia. Ảnh trên là quy linh cao của tiệm 恭和堂 (Koong Who Tong), nổi tiếng chỉ chuyên về quy linh cao, có rất nhiều chi nhánh khắp Malaysia. (Mình rất mê cái ấm nhỏ màu vàng đựng nước đường của tiệm 恭和堂 , trang trí theo kiểu miền nam Trung Quốc, đặc sắc và dễ thương.)

Theo như wikipedia, thì quy linh cao "là món tráng miệng đặc sản của người Hoa vùng Ngô Châu (Quảng Tây), đồng thời cũng là món ẩm thực truyền thống của vùng Lưỡng Quảng. Theo truyền thống, quy linh cao được làm từ hai thành phần chủ yếu là thổ phục linh (Smilax glabra), bột mai rùa hộp ba vạch (Cuora trifasciata), cam thảo cùng một số thành phần khác. Ngày nay, quy linh cao thường không có bột mai rùa hộp ba vạch do loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng." Người ta nói rằng ăn quy linh cao có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp da. 

Ở Việt Nam, thấy mọi người thường hay nấu quy linh cao từ hỗn hợp làm sẵn mua ở tiệm thuốc, và ăn kèm với đậu hũ (tào phớ), mật ong, sữa đậu nành hoặc sữa tươi cho bớt đắng. (Ví dụ như cách nấu ở đây hoặc ở đây). Nếu lười nấu bạn có thể ăn ở ngoài tiệm, mình search google một vòng thì thấy ngoài Hà Ký còn có mấy tiệm này cũng bán quy linh cao (chất lượng thế nào thì mình chưa ăn nên chưa biết thế nào...):
-Chè Thanh Tâm đường Bùi Hữu Nghĩa
-Chè Trần Hưng Đạo gần chợ vải Soái Kình Lâm
-Nhà hàng Ái Huê đường Trần Hưng Đạo, gần ngã tư Châu Văn Liêm

Không biết có tiệm nào nấu ngon như ở Malaysia không nhỉ ?


Food & Travel & Everyday Life

.