Có những lúc, cảm thấy trong lòng thật sự
tịch mịch.
“Tịch
mịch”, hai chữ này không xuất hiện nhiều trong văn chương Việt Nam, vì vốn
là một từ Hán Việt. Trong mấy năm gần đây, “tịch mịch” bắt đầu xuất hiện nhiều trong những bản dịch Việt ngữ của các
tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Và dần dần, "tịch mịch" đã được người đọc Việt Nam thừa
nhận như là một định nghĩa khác của sự ở một mình.
“Tịch mịch” khác với cô đơn, bởi cô đơn
bao hàm cả sự hoảng sợ, hoang mang, nói “ta cô đơn” cũng đồng nghĩa với việc ta
sợ hãi lắm việc ở một mình, đừng rời bỏ ta, đừng từ chối ta. Còn “tịch mịch”,
là vắng vẻ, là cảm giác lặng lẽ chấp nhận cái vắng vẻ ấy, với một chút đau
thương, bi ai, như ẩn chứa một nụ cười nhàn nhạt trong khóe mắt. Trong hai chữ “tịch
mịch” không có sự van xin cầu khẩn, không có nỗi sợ hãi, nó chỉ chấp nhận việc ở
một mình nghiễm nhiên như đã vậy, như một vết thương đã lành sâu.
Trái tim tịch mịch, bởi vì nó hiểu rằng không có gì vô định,
mong manh dễ vỡ hơn cảm giác mê luyến giữa người với người. Ai mà chẳng khao
khát một cái nắm tay tha thiết, một câu nói “có ta ở đây”, một vòng tay kiên định.
Nhưng rồi có gì là thực, có gì là tồn tại mãi mãi ?
Khi trái tim đã khắc đầy những
vết sẹo chồng chéo lên nhau, nó sẽ không còn muốn có thêm đau đớn nữa, chỉ muốn
thiết tha trong tịch mịch của riêng mình. Không phải nó không còn biết đến yêu
thương, chỉ là, với nó, yêu thương đã ngày càng xa vời và không đáng nhắc tới.
Nó không cô đơn, nó chỉ là tịch mịch.