Người xưa hay nói, "tửu tướng, trà nô", nghĩa là khi uống rượu thì phải có cái phóng khoáng, hào sảng như một vị tướng sắp ra trận, còn khi uống trà thì lại phải biết khiêm nhường, cung kính như một kẻ nô bộc, nô bộc của trà. Lại có người nói, rượu làm ta quên mình, còn trà giúp ta soi lại chính mình. Có lẽ vì vậy, mà tìm bạn uống rượu thì dễ, mà tìm người tri kỷ để cùng nhau uống một chén trà, đôi khi lại không dễ chút nào.
Trà có nguồn gốc từ Châu Á. Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam... mỗi nước có một cách uống trà khác nhau, dân dã có, cầu kỳ có. Người Trung Quốc có trà pháp, chú trọng về cách pha chế, về trà cụ, và cách uống sao cho có thể thưởng thức được cái hương vị tinh tuý của trà. Người Nhật Bản lại có trà đạo, thông qua nghi lễ, cách thức uống trà để tìm thấy trạng thái tinh thần hài hoà, kính trọng và thanh tĩnh. Trà của người Việt Nam lại mộc mạc, chân chất, gắn liền với đời sống, như mời bạn đến chơi nhà một chén trà mạn, hay lúc nghỉ trưa giữa buổi làm đồng uống một bát chè xanh...
Trà cũng chia thành nhiều loại, có loại được ủ và lên men kỹ như trà đen của Anh, có loại lên men bán phần như trà Trung Quốc, lại có loại không ủ lên men như trà xanh, mạt trà Nhật Bản. Ngoài ra, tùy theo cách chế biến mà lại chia thành bạch trà, thanh trà, lục trà, hồng trà, hắc trà. Bạch trà thì nổi tiếng có Bạch Mao Ngân châm, búp trà thon dài, trắng muốt, phủ lông tơ mịn mềm mại. Lục trà thì có Tây Hồ Long Tĩnh, Động Đình Bích Loa Xuân, thanh trà thì có Đông Đỉnh Ô Long, Thiết Quan Âm, Thiết La Hán, Đại Hồng Bào, Văn Sơn Bao Chủng..., tất cả đều là những danh trà của Trung Quốc. Hồng trà phổ biến là các loại trà đen như Earl Grey, Assam, Darjeeling, hắc trà thì có trà Phổ Nhĩ nổi tiếng của vùng Vân Nam.
Ở Việt Nam, trà Thái Nguyên cũng được chế biến theo cách làm héo, vò, ủ lên men và sấy, nổi tiếng nhất là giống chè Tân Cương Thái Nguyên, có mùi hương cốm thoang thoảng, ngày xưa thường được tuyển lựa để tiến vua. Trà Việt nổi tiếng còn có trà shan tuyết Suối Giàng trên dãy Hoàng Liên Sơn, trà cổ thụ Hà Giang ở vùng Tây Côn Lĩnh, rồi các loại trà ướp hương như trà hoa sen, hoa nhài, hoa ngâu, mà phải mấy trăm, có khi đến cả ngàn búp hoa mới được một cân trà... Người Việt Nam còn thói quen uống lá trà tươi, cứ thế mà châm nước sôi vào lá trà xanh ngăn ngắt mới hái trên cây, vị đắng chát, ngọt hậu. Có lẽ người Việt Nam mình thích uống trà đặc, cái đậm đặc và ngọt hậu mà ông bà ta hay nói "đi tám dặm đường còn nghe ngọt trong cổ".
Có lẽ sẽ có người nói, cũng một chén trà, mà làm chi rắc rối đến vậy? Trà nào chẳng là trà. Đôi khi, người ta uống trà, chỉ bởi vì muốn uống một thứ nước khác không phải nước lã mà thôi. Một chén trà Ô Long thượng phẩm, hay một chén trà xanh ở những quán nhỏ vỉa hè nơi góc phố, dưới bóng cây, thực ra cũng chỉ khác nhau trong gang tấc. Tôi nghĩ, có khác nhau chăng, là ở tâm thế của người uống trà. Uống trà chỉ để mà uống, để giải khát, hay uống trà để thưởng trà, thức trà, phẩm trà, để đàm đạo với bạn yêu trà, thì cái tâm trạng nó khác nhau nhiều lắm. Ban ngày, mời trà xã giao vời người này kẻ nọ vì những lo toan trong cuộc mưu sinh, đến tối lại lặng lẽ pha một bình trà độc ẩm, nâng một chén trà để cảm nhận cái giây phút tự tại, chỉ có ta và trà, cái cảm giác nó khác nhau nhiều lắm.
Trà cũng như người, nếu ta yêu quý nó, tự dưng ta sẽ không dễ dãi với nó, mà sẽ muốn tìm hiểu về nó, trân trọng nó. Điều này cũng giống như bất cứ niềm đam mê nào khác trong cuộc đời, nếu cố gắng truy tìm đến mức tận cùng, phải cần tốn rất nhiều thời gian, sinh lực, tâm huyết, mà nhiều khi cũng chưa chắc đã đạt thành. Nhưng bản thân việc say mê một điều gì đó, một cách liên tục và kiên trì trong cả cuộc đời, là một thành tựu quý giá mà không phải ai cũng làm được.
Trà cũng như người, nếu ta yêu quý nó, tự dưng ta sẽ không dễ dãi với nó, mà sẽ muốn tìm hiểu về nó, trân trọng nó. Điều này cũng giống như bất cứ niềm đam mê nào khác trong cuộc đời, nếu cố gắng truy tìm đến mức tận cùng, phải cần tốn rất nhiều thời gian, sinh lực, tâm huyết, mà nhiều khi cũng chưa chắc đã đạt thành. Nhưng bản thân việc say mê một điều gì đó, một cách liên tục và kiên trì trong cả cuộc đời, là một thành tựu quý giá mà không phải ai cũng làm được.
Trà học thì thâm sâu lắm, có khi cả đời cũng chưa hiểu hết. Nhưng tôi yêu trà, vì hương thơm thanh tao, vì cái vị đắng chát mà lại ngọt hậu nhẹ nhàng như ông bà ta hay nói "khổ tận cam lai". Và tôi yêu trà, vì cái tĩnh đậm chất thiền mà trà đem lại cho người yêu nó, như ai đó đã từng viết,
"Trong một chén trà thơm
Có hồ sen bát ngát
Trong một làn gió mát
Có muôn vạn trùng dương
Trong trang giấy bình thường