Xiaolongbao (小湯包), hay dịch sang chữ hán là "tiểu long bao'', thường được người phương Tây dịch thành "soup-dumpling", là một món dimsum khá đặc biệt.

Đặc biệt ở chỗ, nước ''soup'' của xiaolongbao không được cho vào trong một tô hay chén như các loại há cảo, xíu mại nước thông thường khác, mà nước nằm ở trong nhân của bánh. Ăn xiaolongbao, phải nhẹ nhàng gắp bánh vào một chiếc thìa, rồi dùng đầu đũa khẽ làm rách lớp vỏ bột mì bên ngoài một chút, để nước soup nóng hổi từ trong nhân chảy tràn ra lòng thìa, rồi khẽ suỵt soạt húp chỗ nước ngọt ngào ấy, sau đó mới nhẩn nha ăn đến nhân thịt và lớp vỏ mỏng bên ngoài. Nếu thấy thiếu gia vị, có thể chấm xiaolongbao với một ít nước tương trộn giấm và gừng thái sợi nhỏ.

Hướng dẫn ăn xiaolongbao

Xiaolongbao bắt nguồn từ Thượng Hải vào những năm cuối thế kỷ thứ 19, nhưng lại không mấy nổi tiếng tại quê hương của nó, cho đến khi những người Thương Hải vượt biển sang Đài Loan trong thời gian xảy ra nội chiến tại Trung Quốc. Tại Đài Loan, xiaolongbao đã được nghiên cứu tỉ mỉ và phát triển cực thịnh để trở thành một trong những món ăn nổi bật nhất của ẩm thực Đài Loan.

 Người ta nói rằng, tên xiaolongbao xuất phát từ tên của chiếc lồng nhỏ bằng tre dùng để hấp bánh gọi là lồng ''tiểu long'', nên mới có cái tên bánh là ''tiểu long bao''. Xiaolongbao có nhiều loại, có loại vỏ dày, có loại vỏ mỏng, có loại hấp, có loại chiên trong chảo nóng, có loại nhân thịt heo, có loại nhân thịt cua....

Nhưng nổi tiếng nhất, có lẽ là xiaolongbao của Đài Loan, mà đại diện xuất sắc nhất của nó là xiaolongbao của nhà hàng Din Tai Fung. Xiaolongbao của Din Tai Fung nổi tiếng bởi lớp vỏ ngoài cực mỏng, mỏng đến độ không thể mỏng hơn được nữa. Mỗi cái xiaolongbao ở đây có lớp vỏ nặng 5g, nhân bên trong là 16g, cân lượng này được đảm bảo chính xác một cách tuyệt đối ở mọi chi nhánh nhà hàng. Và phần xếp ly ở phía trên mặt bánh luôn phải đảm bảo đủ 18 ly, tròn trĩnh, vừa vặn. Bánh nhìn trên đĩa như một cái chuông nhỏ, gắp lên đũa thì lại hao hao một chiếc đèn lồng. Din Tai Fung có lẽ là hệ thống nhà hàng chuyên về dimsum suy nhất trên thế giới có 2 chi nhánh nhận được sao Michelin, là chi nhánh Din Tai Fung ở Tsimshasui và ở Causeway của Hồng Kông.

Xiaolongbao ở Din Tai Fung Đài Bắc

Những người thợ đang làm xialongbao ở Din Tai Fung

Tuy nhiên, giá xiaolongbao ở Din Tai Fung không hề rẻ. Mặc dù hàng người xếp hàng rồng rắn chờ ăn xiaolongbao trước Din Tai Fung gần tháp 101 của Đài Bắc luôn kéo dài không ngớt, vẫn có không ít thực khách phàn nàn khi phải trả gần 10$USD cho một lồng xiaolongbao nhỏ xíu. Thật ra ngoại trừ Din Tai Fung, bạn có thể ăn xiaolongbao ở rất nhiều nhà hàng dimsum khác tại Đài Loan, với chất lượng gần như tương đương mà giá cả hoàn toàn chấp nhận được. Mỗi lần đến Đài Bắc, lựa chọn yêu thích nhất của mình để ăn xiaolongbao không phải là Din Tai Fung, mà là nhà hàng Hang Zhou Xiao Long Tang Bao ở gần Quảng trường Tưởng Giới Thạch (''Hàng Châu Tiểu Long Thang Bao'', chữ "thang" có nghĩa là canh, súp trong tiếng Hán). Nơi đây được người Đài Bắc vui miệng gọi là "Din Tai Fung kiểu dân dã" bởi chất lượng bánh không thua gì Din Tai Fung nhưng giá thì chỉ gần bằng 1 nửa.

Bước vào nhà hàng, tìm cho mình một chỗ ngồi thoải mái, cầm menu lên, tick vào những món muốn order, rồi giao menu cho người phục vụ. Trong lúc nhẩn nha chờ bánh hấp, có thể ăn rất nhiều món khai vị được nhà hàng bày biện đẹp mắt trong tủ, khách muốn ăn gì, tự động lấy. Sau một ngày mỏi chân thăm thú khắp nơi, hay mải mê ngồi ngắm mặt trời lặn trên những bậc thang ở quảng trường Tưởng Giới Thạch, thì món xiaolongbao ở đây quả thật vô cùng hấp dẫn và quyến rũ....

Tháp 101 ở Đài Bắc

Hang Zhou Xiao Long Tang Bao (杭州小籠湯包)
Address: No.17 Er Section, Hangzhou South Road, Zhongzheng District,TaipeiTaiwan
(đi bộ 5 phút từ ga MTR CKS Memorial Hall)



Nằm ở một góc nhỏ trên đường Jalan Dang Wangi, Yut Kee được biết đến như là một kopitiam - tiệm cà phê kiêm ăn uống - có lịch sử khá lâu đời tại Kuala Lumpur.

Năm 1928, ông Yut Kee, một đầu bếp gốc Hải Nam trôi dạt xuống Malaysia và bắt đầu mở cửa tiệm Yut Kee, nấu những món ăn truyền thống vùng Hải Nam. Sau nhiều năm, cửa tiệm ngày một phát đạt và nổi tiếng khắp Kuala Lumpur, trở thành một kopitiam được rất nhiều người yêu thích. 90 năm sau, tuy ông Yut Kee đã mất đi, nhưng cửa tiệm vẫn tiếp tục kinh doanh những món ăn truyền thống của mình với người quản lý hiện thời là Jack Lee, con trai của ông Yut Kee.


Bước vào Yut Kee, cảm giác dường như nó chẳng mấy thay đổi so với những ngày đầu tiên mở cửa ở những năm 1920s, 1930s. Những bộ bàn ghế đã lên nước sơn đen bóng, những bức ảnh, tranh tường cũ kỹ treo bên cạnh chân dung ông Yut Kee hồi trẻ, vài tủ gỗ lát kính mờ mờ, nền nhà lát gạch hoa hình kỷ hà xanh trắng, bảng menu treo tường ngả màu ố vàng....


Món nổi tiếng nhất ở Yut Kee có lẽ là roti babi, một loại "bánh mì thịt" kiểu Malaysia. Lát bánh mì sandwich thật dày được khéo léo rạch 1 đường ở giữa tạo thành một cái túi nhỏ, trong đó nhồi hỗn hợp thịt heo, thịt cua, rau, rồi dùng trứng đánh đều để khép miệng túi lại, lăn bánh qua trứng một lần nữa và chiên trong chảo dầu nóng. Bánh ở Yut Kee đặc biệt hơn những tiệm khác là ở chỗ, đầu bếp sẽ tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng ra, đánh lòng trắng trứng cho thật cứng rồi mới trộn vào lòng đỏ, sau đó mới nhúng bánh mì đã nhồi thịt vào hỗn hợp trứng. Nhờ đó, bánh có lớp vỏ ngoài xốp mịn, thơm giòn, lớp thịt nhân ở trong không bị khô mà vẫn mềm mại, đậm đà.

Ngoại trừ roti babi, menu Yut Kee còn có cà ri gà - thịt gà nguyên miếng mềm mại nấu với nước sốt cà ri cay thơm mùi lá cà ri, món fish asam chua ngọt, mì Hailam nấu với tôm, thịt heo, rau củ, bánh mì nướng với mứt kaya.....


Thịt gà với nước sốt nâu

Mì bò char koey tiew

Cà phê ở Yut Kee được làm theo kiểu cổ truyền nhất, "cà phê bít tất" với một ít sữa đặc có đường, đen bóng như mực và rất đậm đà. Hạt cà phê ở đây được Yut Kee đặt một người bà con rang riêng cho mình để đạt được màu sắc và mùi vị hoàn hảo nhất..


Tháng 8 năm 2014, do giá thuê nhà đột ngột tăng cao, Yut Kee buộc phải thay đổi địa điểm lâu đời nay ở Jalan Dang Wangi, sang một địa điểm khác gần đó ở Jalan Kamunting. Mervyn, tiếp nối Jack Lee cha mình chính thức tiếp quản cửa tiệm. May thay, địa điểm mới ở rất gần khu nhà của gia đình ông Yut Kee xưa kia sinh sống, nên khách đến ăn vẫn cảm thấy có cái gì đó quen thuộc, gần gũi. Cửa tiệm tuy có rộng hơn, khang trang hơn, nhưng menu của Yut Kee vẫn không thay đổi, hương vị những món ăn vẫn giữ vững ổn định, và Yut Kee bắt đầu bước sang một trang mới trong lịch sử của mình....



Yut Kee
Jalan Kamunting
Off Jalan Dang Wangi
Bandaraya
Kuala Lumpur
50100



Mỗi khi nghĩ về những món ăn ở Campuchia, là ngay lập tức mình lại nhớ đến hương vị đặc biệt của mắm prohok, mà người Việt mình hay gọi là mắm bồ hóc. Mắm là món ăn quen thuộc ở Đông Nam Á, từ Việt Nam, tới Thái Lan, Lào, Campuchia đều sử dụng mắm để chế biến thức ăn. Người Việt ăn cơm không thể thiếu nước mắm, thì người Campuchia cũng không thể thiếu mắm prohok trong bữa ăn.



Prohok được làm từ cá nước ngọt làm sạch, giã nát, phơi một nắng, sau đó mới ủ trong vại với các loại gia vị như tiêu, tỏi ớt, cơm nguội để lên men. Xác cá đã lên men sau đó còn được sấy thêm một lần nữa, giã nát và ủ lại một lần nữa trong vài tháng để cho ra thành phẩm.



Mắm prohok có thể làm nước chấm, xào với thịt để ăn kèm rau sống, hoặc làm gia vị nêm nếm món ăn, hoặc chưng với trứng, hoặc dùng để nấu bún nước lèo.... Có thể nói prohok là hương vị quốc hồn quốc túy của người Khmer nói chung, và tất nhiên không có nó thì sẽ không ra ẩm thực Campuchia.

Sau mắm prohok, không thể không kể đến đường thốt nốt.



Để  lấy nước thốt nốt, người ta buộc những ống tre vào dưới đọt thốt nốt trên các ngọn cây cao, sau một đêm, từng giọt nước thốt nốt thơm ngọt sẽ chảy đầy vào ống tre. Nước này được những người thợ trèo lên ngọn cây đem xuống, dùng để làm nước giải khát, hoặc nấu cô đặc lại thành đường thốt nốt. Đường thốt nốt có vị ngọt thanh dịu mà lại đậm đà, nhiều chất khoáng và tốt cho sức khỏe hơn nhiều so với đường mía. Đường thốt nốt được người Campuchia sử dụng để nêm nếm thức ăn, pha nước chấm, hoặc nấu các loại chè, các món tráng miệng ngọt.

Ngoài ra, trong các tour du lịch, người ta thường quảng cáo thêm một đặc sản nữa của Campuchia là các loại côn trùng chiên giòn, như nhện chiên giòn, châu chấu, dế chiên giòn.... , để thử thách lòng dũng cảm của thực khách.

Thế nhưng, chẳng lẽ những điều thú vị của ẩm thực Campuchia chỉ dừng lại ở đó?


Không, mình nghĩ, cũng như du khách nước ngoài đến Việt Nam đa số chỉ biết đến phở, gỏi cuốn hay bánh mì, nhưng trên thực tế thì ẩm thực Việt Nam phong phú hơn rất nhiều, trải dài từ Bắc đến Nam với vô vàn điều thú vị. Ẩm thực Campuchia cũng vậy, phải có một cái gì đó hơn nữa, ẩn sau những con đường, những ngôi nhà, những con người mà mình đã đi qua.

Mình nhớ đến lò bánh mì ngay bên cạnh khách sạn mình ở tại Siem Riep, bánh nhìn bề ngoài tưởng giống bánh mì Việt Nam, nhưng khi bẻ ra thì toàn bộ ruột bánh lại có màu vàng nhạt, nhai vào có vị ngòn ngọt, bùi bùi....

Mình nhớ đến fish amok, món ăn nổi tiếng của Campuchia. Cá thịt trắng được ướp với kroeung, một hỗn hợp gia vị gồm sả, nghệ, tỏi, hành, riềng, củ ngải bún (fingerroot), sau đó nấu với nước cốt dừa, lá slok ngor (giống lá chùm ruột hay rau ngót) thái nhỏ. Ở các nhà hàng, món này thường được hấp trong lá chuối xếp thành hình hộp nhỏ, nhìn rât xinh xắn dễ thương.


Mình nhớ đến các loại bánh gói trong lá chuối, nướng trên lửa than mà có lần mình tình cờ mua được ở Phnom Phenh. Bánh được làm từ gạo nếp, có loại trộn với nước cốt dừa, có loại trộn đậu trắng, có loại trộn dừa nạo, khoai lang, có loại nhân chuối chín..... Vị mềm mại, thơm ngọt, béo mịn, bùi bùi khiến cho người ta nhớ mãi....


Trong sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa, kinh tế với Việt Nam, những món ăn ở Campuchia có một cái gì đó rất quen thuộc và gần gũi với người Việt, nhưng mặt khác, chắc chắn ẩm thực ở đây cũng mang một màu sắc khác, riêng biệt và độc đáo.

Với nền kinh tế còn đang phát triển, Campuchia chưa có nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp, đường phố cũng chưa có điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức street food như Thái Lan, Malaysia...., chưa kể người dân Campuchia còn phải trải qua nạn diệt chủng Pol Pốt với rất nhiều tri thức, kiến thức văn hóa bị mai một. Có lẽ vì vậy, mà ẩm thực Campuchia vẫn chưa có điều kiện để bộc lộ được hết vẻ đẹp tiềm ẩn của nó.

Mình tin rằng, theo thời gian, cùng với Angkor Wat, ẩm thực Campuchia sẽ dần hé lộ những màu sắc, đường nét riêng của mình, và được thế giới biết đến.


Hành trình xe bus mười mấy tiếng từ Sài Gòn, qua cửa khẩu Mộc Bài, đi qua rất nhiều quận, huyện của Campuchia, qua những ngôi nhà sàn, những con đường đất, những hàng cây thốt nốt chạy dài tít tắp..... cuối cùng mình cũng đến được thành phố Siem Riep. 

Hôm sau, dù rất mệt sau một chuyến xe dài, mình cũng 
cố gắng dậy thật sớm để đi thăm di sản thế giới Angkor, viên ngọc của xứ sở này. Và quả thật, Angkor đã không làm mình thất vọng.

Bắt đầu chuyến hành trình, buổi sáng mình tranh thủ leo bộ lên đền Bakheng của vua Yasovarman xây dựng cách đây hơn 1000 năm, để có thể ngắm nhìn toàn cảnh Angkor mênh mông rộng lớn giữa rừng già. 


Rồi đến Angkor Thom, thăm đền Bayon với hàng trăm khuôn mặt phật chạm khắc trên đỉnh tháp, mỗi khuôn mặt là một thần thái hoàn toàn khác nhau, có khuôn mặt cười hiền từ, có khuôn mặt nghiêm nghị, có khuôn mặt trầm mặc thanh thản.... Từng bức tường, tay vịn, bậc thềm, cột chống.... đều san sát những bức phù điêu sống động đến sững sờ. 










Và đền Angkor Wat quả thật là một kỳ quan của nhân loại với 5 cấu trúc tháp nhọn còn nguyên vẹn, những hành lang dài san sát hoa văn chạm khắc, những hồ nước, những cửa sổ, những bức tượng.... đẹp đến độ không thể nào tin được là tất cả lại được kiến tạo từ cách đây gần cả nghìn năm.








 Ở Angkor, dù rất nhiều chỗ đã bị thời gian bào mòn, nhưng chỉ cần nhắm mắt lại tưởng tượng ra diện mạo thật sự của những ngôi đền này ở thời kỳ rực rỡ, huy hoàng nhất của nó, khi nơi đây còn là vùng đất linh thiêng của các nhà vua, các bậc tăng sĩ, thánh thần, là tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh của vương quốc Khmer cổ xưa, khi mọi thứ còn nguyên vẹn và hoàn hảo, mới thấy được tầm vóc vĩ đại và vẻ đẹp thật sự của Angkor. Người ta nói rằng ở thời kỳ cực thịnh nhất, diện tích Angkor bao phủ gần mấy trăm cây số vuông, nếu tính cả những ngôi làng nhỏ nằm xung quanh quần thể này thì tổng diện tích chỉ nhỏ hơn thành phố Los Angles ngày nay một chút.






Chiều xuống dần, và Angkor Wat lại càng đẹp hơn khi người ta ngắm nhìn nó một cách chậm rãi, chăm chú, từng chi tiết nhỏ, từng chi tiết nhỏ hiện lên óng ánh trong ánh nắng chiều vàng như mật...




Không chỉ có Angkor, chuyến đi này mình cũng có rất nhiều kỉ niệm đặc biệt. Ăn mắm prohok, uống nước thốt nốt, ngồi xe tuk tuk dạo quanh Siem Riep, Phnom Penh, thì thầm cầu nguyện trong tiếng nhạc Khmer réo rắt dưới chân tượng Phật vàng ở chùa Wat Nom..... là những trải nghiệm thực sự đáng giá và khó quên...




Mình sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nên mình rất tự hào về những bãi biển ở quê mình, biển Đà Nẵng là đẹp nhất, là yên bình nhất.
Nhưng, khi đến Phú Quốc, suy nghĩ ấy của mình đã thay đổi, hay nói đúng hơn, mình đã bị Phú Quốc chinh phục. Những làn nước trong vắt, những dải cát trắng mịn màng, những đám mây trắng hiền hòa giữa bầu trời xanh ngăn ngắt....tất cả như một bản hòa nhạc êm đềm làm lòng người dịu lại, nhẹ nhàng đi.... Con người ở đây rất hiền hòa, chân thật, thích nhất là dịch vụ du lịch ở đây vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như các vùng khác nên vẫn còn giữ lại nhiều nét đẹp hoang sơ và tự nhiên, như bãi Khem, bãi Sao, bãi Rạng.....



Đến đảo ngọc Phú Quốc, chắc chắn không thể nào bỏ lỡ những món hải sản. Cá, cua, tôm, mực ở đây đều tươi roi rói, vừa mới bắt lên, nướng, hấp hay làm gỏi, nộm đều ngon tuyệt vời. Mình và nhóm bạn thuê xe máy chạy thẳng từ khách sạn ra bãi Khem, vào một quán ven biển, gọi cá nướng, gỏi cá trích, mực tươi hấp gừng, ốc hấp lá sả, vừa nhâm nhi uống bia vừa tám chuyện linh tinh.




Đây là lần đầu tiên mình ăn gỏi cá ở miền Nam, thấy mùi vị ngon và lạ hơn hẳn so với gỏi cá ở miền trung, nhất là nhờ thịt cá tươi nên rất thanh và ngọt. Mực thì đúng là thứ mực vừa mới bắt lên, thịt thơm, giòn, mượt, nhai đến đâu biết đến đó.


Ăn xong, cả bọn hò nhau xuống biển tắm. Nước mát rười rượi, xanh và trong đến mức có thể nhìn thấy bàn chân mình đang dẫm lên cát trắng. Bọn mình đi đúng mùa ít khách du lịch nên tha hồ tắm thoải mái, tắm xong lại tha thẩn đi dạo dọc bờ biển ngắm những làn sóng trắng xô bờ, hàng dừa rì rào trong gió, thi thoảng gặp vài ba người khách du lịch dọc đường nói chuyện bâng quơ.


Thấy có dì bán cua tươi xách rổ đi ngang qua, thế là cả bọn lại kéo nhau mua 2kg cua nhờ quán hấp hộ để ăn luôn tại chỗ .



Cua ở đây rẻ mà thịt chắc và ngọt, ăn một miếng cua, uống một ngụm bia mát lạnh, thấy cuộc đời sao mà đẹp vô ngần !


Chiều xuống, mặt biển long lanh những sắc màu hồng, vàng, tím của bầu trời lúc hoàng hôn. Chỉ chốc lát nữa thôi, sự yên lặng của đảo, bầu trời đầy sao và những làn gió nhẹ dịu dàng đêm mùa hè sẽ tới....



Food & Travel & Everyday Life

.