Trong chuyến đi Malaysia năm ngoái, mình có may mắn đến Kualar Lumpur đúng vào ngày lễ Deepawali của người Ấn Độ. Malaysia là một nước đa sắc tộc, mỗi sắc tộc đều có một ngày lễ lớn nhất trong năm của riêng mình, với người Malay là tuần lễ Rayamadan, người Hoa là tết Nguyên Đán, và người Ấn là lễ Deepawali.

Lễ Deepawali, có nghĩa là "ngày hội của ánh sáng", cũng chính là tiết năm mới của người Ấn Độ, được tổ chức vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hàng năm. Vào ngày này, nghe nói ở khu Ấn Độ của Kualar Lumpur sẽ rất nhộn nhịp, kẹt xe liên tục. Mình không có may mắn được vào thăm khu Ấn Độ, nhưng lại có một may mắn khác, đó là được vào thăm một ngôi đền Hindu ở khu Central Market và chứng kiến những người Ấn Độ cầu nguyện cho năm mới.

Đó là một ngày nắng gay gắt tháng 10, không khí oi nồng. Mình nhìn bản đồ, đi qua đi lại mãi mới tìm thấy được ngôi đền Hindu, với chóp nhọn cao nhiều tầng nằm lọt thỏm trong khu phố xá người Hoa tấp nập. Hai bên đền là các hàng bán hoa, với những chùm hoa lan, hoa cúc kết thành từng vòng, từng dây sặc sỡ để dâng thánh. Trước cửa đền, có trồng hai cây chuối xanh rờn, trông hơi lạ lẫm với khung cảnh đường lát nhựa, lát bê tông trước mặt. Mình đoán, có lẽ hai cây chuối này có một ý nghĩa đặc biệt nào đó với người Hindu. Bên một góc cửa đền, là la liệt những đôi dép trẻ em, đàn ông, đàn bà để lại, vì luật bước vào đền là phải đi chân đất.









Nhập gia tùy tục, mình cũng tháo dép, lặng lẽ đi vào đền với một cảm giác hơi lo lắng, không biết có ai cản một đứa con gái với cái mặt rõ rành rành là non-Indian như mình bước vào đền thờ Hindu linh thiêng hay không. Nhưng không ai có vẻ chú ý đặc biệt gì đến mình. Có lẽ do hôm nay là ngày lễ năm mới, đông khách thập phương, hoặc cũng có lẽ do Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, nên người Ấn có vẻ dễ dãi hơn chăng. Hoặc cũng có lẽ, họ biết mình là khách du lịch nên để mặc mình tự do tham quan, ngắm nghía.

Trong đền, một đám đông đang tụ tập trước thánh điện. Ai ai cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đàn ông thì vest hoặc sơ mi là phẳng phiu, phụ nữ thì nổi bật với những bộ sa ri đỏ, vàng, xanh lam rực rỡ. Trẻ em cũng theo cha mẹ, các bé gái xúng xính trong bộ sa ri lấp lánh, các bé trai mặc trang phục cổ truyền Ấn Độ, nhìn rất xinh xắn và ngộ nghĩnh. Ở phía trên gần đàn thờ, các thầy tu mặc áo sa ri trắng, đang cầm đàn hương, lầm rầm cầu khấn những câu gì mà mình nghe không hiểu, nhưng mọi người xung quanh đều rất yên lặng và thành khẩn. Rồi các thầy tu cầm đàn hương, đi một vòng ra phía sau đền, mọi người đi theo yên lặng cầu nguyện.






Hết buổi cầu nguyện, không khí trở nên náo nhiệt hơn, các trẻ em chạy tung tăng đùa giỡn khắp nơi, những người phụ nữ bắt đầu ngồi bệt xuống dưới thềm lát đá hoa mát lạnh, trò chuyện ríu rít. Trong góc đền, một người đàn ông trong bộ áo cổ truyền màu trắng lặng lẽ đốt nến, cầu nguyện với nét mặt thành kính. Không biết ông ấy cầu nguyện điều gì ?






Mình cũng chọn cho mình một góc, ngồi bệt xuống sàn nhà, cảm nhận sự mát lạnh của đôi chân trần, nhìn ngắm những bộ sa ri sặc sỡ, mỉm cười với những đứa trẻ chạy xung quanh, lắng nghe mùi hương trầm bay trong gió.... Và tự nhiên, thấy lòng bình an lạ.

Phía trên, bầu trời xanh ngăn ngắt, những cánh chim chao mình bay lượn...



Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.