Cà ri xanh là món phổ biến ở Thái Lan, thường được nấu từ khá nhiều các nguyên liệu tươi là: quả ớt xanh, lá ớt, rễ ngò, hạt ngò, hạt cumin, củ riềng, tỏi, lá chanh, sả, tiêu sọ, muối, hành tím, mắm tôm, tất cả nghiền nhuyễn bằng cối, sau đó cho vào nồi tao với dầu ăn cho đến khi thật thơm, rồi cho rau, thịt, nước cốt dừa vào, nấu cho đến khi các nguyên liệu vừa chín tới. Món này có thể nấu với thịt bò, thịt gà hoặc thịt heo, rau sử dụng có thể là cà xanh, cà tím, ớt chuông, măng, nấm.....tùy ý thích. 

Tuy phức tạp là vậy, nhưng may sao ở Nhật trong các siêu thị thường có bán Green curry paste làm sẵn hiệu Mae Ploy, tiện hơn rất nhiều, chỉ cần mua về tao nhẹ với dầu ăn cho thơm, sau đó thêm nước cốt dừa, rau, thịt, nêm nếm với đường, nước mắm nữa là ok. 



Loại paste này mình thấy cũng có bán ở Việt Nam trong các cửa hàng bán đồ nhập khẩu. Bạn có thể tham khảo recipe ở đây hoặc ở đây. Mình thường hay ăn món này với cơm trắng và xa lát.

Ngoài ra, ở Thái còn có cà ri đỏ (nấu với ớt đỏ) và cà ri vàng không cay nữa. Nhưng so sánh cả 3 loại cà ri thì mình thích ăn cà ri xanh hơn cả, vì vị cay vừa phải và thơm mùi ớt xanh rất dễ chịu.



Tháng 4 rồi mình vừa mới có dịp đi thăm lại Kyoto, đúng lúc thành phố đang độ vào xuân, hoa sakura nở rộ khắp nơi. Có lẽ, mùa xuân và mùa thu là hai mùa đẹp nhất để viếng thăm Kyoto. Nếu mùa thu Kyoto rực rỡ với sắc màu lá vàng lá đỏ, thì mùa xuân Kyoto lại tươi tắn và tràn đầy sức sống với những chùm hoa sakura khoe sắc khắp mọi góc phố, mọi ngả đường. Thỉnh thoảng, lại bắt gặp vài ba cô gái trong trang phục geisha truyền thống, đi dạo trên những con đường lát đá cổ kính, trong tiếng nói cười ríu rít, tiếng guốc gỗ gheta lách cách, với những sắc màu áo xống sặc sỡ lấp lánh trong nắng vàng....


Nhưng thôi, ta hãy tạm gác câu chuyện lãng mạn ấy lại, để trở về với hiện thực phũ phàng hơn tý xíu : cái bụng đói :) (đi chơi, đi bộ nhiều thì chắc chắn phải đói bụng rùi.....). Người ta nói rằng Kyoto là cái nôi của nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản, là nơi ra đời và gìn giữ những món ăn truyền thống của đất nước mặt trời mọc...... Vậy thì, đến Kyoto ta có thể ăn gì ?

1. Nishin-soba (mì soba với cá trích)
  Mì soba là món ăn truyền thống của Nhật. Có nhiều cách ăn soba, phổ biến nhất là ăn soba lạnh, với tsuke-tare (nước chấm) làm từ nước tương shoyu và nước dùng dashi, ăn với hành lá thái nhỏ, wasabi và nori (rong biển khô). Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Nhật có phong tục ăn toshi-koshi-soba (soba qua năm mới) để cầu may mắn.
 Nishin-soba là món ăn nổi tiếng của Kyoto, với mì soba chan nước dùng nấu từ katsuo (cá khô bào nhỏ), tảo bẹ konbu và nước tương shoyu, ở phía trên đặt một miếng cá trích kho. Cá trích này được kho theo kiểu kanroni, nghĩa là kho cá thật mềm với nước tương, rượu mirin và đường. Khi ăn rắc thêm một ít hành lá.


 Cá trích ngày xưa vốn là loại cá được đánh bắt và tiêu thụ chủ yếu ở vùng Hokkaido, mãi cho đến thời Edo, khi ngành công nghiệp vận chuyển bắt đầu phát triển ở Nhật thì cá trích mới bắt đầu được đưa xuống vùng Kyoto. Người Kyoto bắt đầu ăn cá trích từ đó, và món mì cá trích đã trở thành đặc sản của cả 2 nơi Hokkaido và Kyoto. Ở Kyoto, toshi-koshi-soba năm mới theo truyền thống cũng là món mì soba với cá trích.
Ngoài ra, cá trích còn được ăn với nhiều cách chế biến khác nhau, như nướng, kho, xào, chiên, phơi khô nấu nước dùng, hoặc cuốn với rong biển konbu kho ngọt, ăn với cơm nóng:





2. Đậu nành, đậu phụ



 Người ta nói rằng đậu phụ ở Kyoto là ngon nhất thiên hạ. Mình không biết có phải là nhất thiên hạ hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng ở Kyoto có rất nhiều cửa hàng bán đậu phụ và nhà hàng chỉ chuyên về đậu phụ, nhiều nơi đã có lịch sử hàng trăm năm như cửa hàng Toyoukeya, nhà hàng Nanzenji-tofu, Iriyama-toufuten..... Đậu phụ ở Kyoto được ăn với nhiều cách khác nhau, như đậu phụ lạnh ăn sống với tương, đậu phụ hấp, đậu phụ luộc, đậu phụ nướng, đậu phụ ninh mềm, đậu phụ kho.....thậm chí đậu phụ làm thành các loại bánh ngọt, làm thành latte... Vào ăn một nhà hàng chuyên về đậu phụ sẽ là một trải nghiệm cực kỳ thú vị.
 Nếu không thích ăn đậu phụ, bạn có thể thử những món ăn đường phố chế biến từ đậu nành, cũng rất "đáng đồng tiền bát gạo". Ví dụ như yuba ăn với nước xốt và tương quả yuzu.



Yuba là phần váng sữa nổi lên khi nấu nóng sữa đậu nành, đây là một món ăn làm từ đậu nành rất được yêu thích ở Nhật, vì độ mềm mại, béo mịn không khác gì pho mát, nhưng lại ít béo và rất tốt cho sức khỏe.

Hoặc bạn có thể thử món bánh bao chay nhân đậu nành nghiền nát xào với rau, được phục vụ với trà hoji của Nhật. Ở Kyoto có một tiệm rất nổi tiếng về món này gần khu Sannenzaka, vỏ bánh ở đây được trộn với sữa đậu nành, làm cho bánh ăn rất xốp, mềm, thơm và đậm đà.


 (Nhìn màu sắc giản dị thế thôi chứ thơm ngon cực kỳ....)


3. Tsukemono (rau củ ngâm)



 Tsukemono là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người Nhật, nhất là những ngày xa xưa khi nước Nhật còn nghèo khó. Không có cá, không có thịt, nhiều khi chỉ cần một quả mơ muối, hay một ít củ cải ngâm cũng đủ làm nên bữa cơm. Rau củ ngâm của Nhật hơi khác với kim chi Hàn Quốc hay dưa muối của Việt Nam, không sử dụng nhiều loại gia vị mạnh như tỏi, ớt, gừng, riềng, nghệ.... mà chỉ sử dụng muối, đường, nước tương, miso, tảo bẹ konbu, cá khô katsuo là chính. Ngoài ra, một nguyên liệu khác cũng được người Nhật thích sử dụng khi làm tsukemono là cám gạo.



 Món rau củ ngâm của Kyoto được đặc biệt gọi là kyo-tsuke, làm từ các loại rau củ trồng tại đất Kyoto. Có rất nhiều loại rau củ được sử dụng làm kyo-tsuke, từ củ cải, cải bắp, dưa chuột, cải bẹ.... cho đến cà tím, cà pháo, gừng, hành, măng, mơ, khoai môn, khoai từ.... cái gì cũng có, và mỗi loại lại được ngâm, muối một cách khác nhau. Nhiều hàng bán rau củ ngâm cho bạn ăn thử thả dàn, chỉ nhìn số lượng các món ăn thử thôi cũng đã chóng mặt..... Rau củ ngâm của Kyoto là món quà người Nhật rất thích mua mang về cho bạn bè mỗi khi có dịp đến Kyoto.


4. Trà xanh Uji


 Trà xanh Nhật Bản khác với trà xanh của Việt Nam hay Trung Quốc, trà xanh của Trung Quốc và Việt Nam thì được xào trên chảo nóng và ủ để lên men, còn trà Nhật thì được hấp để kích thích chất men trong trà. Nhật có 3 vùng trồng trà lớn, được xưng tụng là "Nhật Bản tam đại trà", đó là trà của vùng Shizuoka, trà vùng Sayama và trà của Uji. Uji là vùng đất nằm ở phía nam Kyoto, bắt đầu trồng trà từ thời Kamakura (khoảng thế kỷ thứ 12,13), ban đầu chủ yếu phục vụ cho giới tăng lữ, quan chức, võ sĩ, sau dần mới mở rộng bán cho dân thường.
 Nhắc đến trà Nhật Bản, thường người ta hay liên tưởng đến matcha, tức là loại trà bột nghiền từ lá trà cao cấp nhất, chủ yếu được sử dụng trong các buổi trà đạo. Quả thực matcha mang thương hiệu Uji có giá trị rất cao, nhưng vì mình không rành về trà đạo lắm và muốn uống matcha thì phải có dụng cụ và biết cách đánh tan trà hơi bị phiền phức, nên mình ít khi mua matcha về uống, mà thường hay mua trà vẫn còn lá như trà Ngọc Lộ (gokuro-cha), Tiễn trà (ten-cha) của Uji. Mấy loại này thì cách uống cũng giống như trà bình thường, chỉ cần cho vào ấm, đổ nước nóng vào là được. Có điều cần chú ý là trà có phẩm chất càng tốt, thì càng nên để nước hơi nguội một chút (70 đến 80 độ) rồi mới pha để tránh bị "cháy" trà.


   Uống trà Uji thì phải ăn Yatsuhashi, món bánh ngọt wagashi nổi tiếng của Kyoto. Yatsubashi có hình tam giác, gồm lớp vỏ mỏng bên ngoài làm từ bột gạo, kẹp trong lớp nhân là đậu đỏ nấu nhừ. Yatsubashi có nhiều vị khác nhau, từ quế, dâu, matcha, đậu nành.... nhưng mình nghĩ ngon nhất là loại plain không pha bất cứ vị gì.



5. Và kaiseki....
 Ở phần đầu của bài này, thực ra mình đã cố tình lờ đi một phần rất quan trọng trong nghệ thuật ẩm thực Kyoto, đó là kaiseki. Vì đáng lẽ bàn tới ẩm thực Kyoto thì phải bàn tới kaiseki đầu tiên, nhưng mà cái món này hơi bị cầu kỳ, sức mình không đủ để bàn sâu, nên mình xin phép chỉ nói sơ một chút ở phần cuối.


 Nói về lịch sử, thì cách đây mấy trăm năm, trong các quán trà đạo, trước khi uống trà người ta thường hay dọn một bữa ăn cho thực khách, bữa ăn đó gọi là cha-kaiseki. Sau này người ta tách bữa ăn ra riêng trở thành một hình thức ăn uống gọi là kaiseki, và để nấu được một bữa kaiseki tử tế thì bếp phải có trình độ cực kỳ chuyên nghiệp, đầu bếp người nào người nấy cũng phải học nghề ít nhất từ mười năm trở lên. Trung bình một phần ăn của kaiseki sẽ có khoảng từ 8 đến 16 món, món nào cũng bé bé công phu cầu kỳ, chú trọng không chỉ về mùi vị mà còn yêu cầu rất cao về cách bài trí, màu sắc, thứ tự, thậm chí là cách sử dụng chén, dĩa....

 Kyoto là cái nôi của kaikseki, và đây là nơi có nhiều nhà hàng, quán trọ cổ (ryokan hoặc ryotei) phục vụ kaiseki nhất của Nhật, nhiều nơi có từ 1 đến 3 sao Michelin. Khỏi phải nói giá cả thì rất đắt, và không phải cứ có tiền là ăn được đâu, vì nhiều ryotei sử dụng chính sách "Ichigensama okotowari", nghĩa là "Xin lỗi nhé chúng tớ không tiếp khách lạ" :) ..... Tức là nếu bạn muốn đến ăn thì bạn phải được một khách quen của ryotei đấy mời đi cùng, chứ không phải cứ vung vẩy credit card ra là tung tăng vào được đâu, và thường thì những nơi nổi tiếng sẽ yêu cầu bạn đặt trước từ 1 đến 2 tháng.


  (Hyotei, nhà hàng ryotei nổi tiếng ở Kyoto. Nhìn ngoài giản dị thế thôi chứ muốn ăn thì phải đặt trước mấy tháng đấy nhé ....)

Đi sâu vào nghệ thuật kaiseki , như cách nấu, cách trình bày, cách phối hợp nguyên liệu, màu sắc, hương vị như thế nào,.... thì quả thực trình độ của mình chưa dám mon men tới, nên mình cũng chả dám viết nhiều. Nhưng nếu bạn có dịp đến Kyoto, thì dứt khoát là nên thử một bữa kaiseki. Tốt nhất là ....4 bữa, mỗi mùa xuân hạ thu đông một bữa ;)), vì đặc điểm của kaiseki là mùa nào thức ấy, nhìn vào cách sử dụng nguyên liệu và trình bày thức ăn có thể dễ dàng đoán được bữa kaiseki ấy được phục vụ vào mùa nào trong năm.

  Kaiseki mùa thu của nhà hàng Gion Kurashita, có thể thấy các nguyên liệu đặc trưng của mùa thu như nấm, khoai lang, ngoài ra còn dùng lá phong đỏ để trang trí.

* * *
Những món trên đây chỉ là những món đặc trưng trong ẩm thực Kyoto mà mình biết, nhưng thực ra vẫn còn rất nhiều món ăn khác như canh mochi, mitarashi-dango, cá nướng, măng nướng, bánh ichisen-yaki,...... của Kyoto cũng rất ngon và đáng thưởng thức.... Và quan trọng hơn, nếu có cơ hội, hãy thử làm bạn và nói chuyện với một người Kyoto, bạn sẽ khám phá ra vô vàn những câu chuyện hấp dẫn hơn về nghệ thuật "ăn" của vùng đất vương giả kinh kỳ này.....





Naka-meguro là khu trung tâm của thành phố Tokyo, với rất nhiều cửa hàng thời trang, quán cà phê sành điệu.... nằm yên tĩnh dọc hai bên bờ sông Meguro rợp mát những bóng cây sakura.


Hôm nọ tình cờ mình lại phát hiện ra được một tiệm ramen rất ngon ở đây, khá là bất ngờ vì ramen thường chỉ hay có ở các khu đông người hơi "bình dân" nhộn nhạo tý chút, như Ikebukuro, Shinjuku, chứ khu "thượng lưu" như Naka-meguro thì ít khi thấy có.

Tiệm ramen này tên là Afuri, được trang web ẩm thực nổi tiếng ở Nhật là Tabelog cho điểm đánh giá rất cao. Món nổi tiếng của tiệm là ramen vị muối (shio-ramen) có hương thơm quả yuzu, với trứng lòng đào ngâm shoyu (aji-tamago) và yaki-cha-shu (thịt heo nướng thái lát). Quả yuzu là một giống chanh của Nhật, ruột thì ít nước rất chua nhưng vỏ thì dày và cực thơm, chuyên sử dụng để nấu ăn và làm nước giải khát, mỹ phẩm.....


Shio-ramen ở đây có sợi mì nhỏ, luộc không quá mềm, nhai vẫn còn sực sực một chút, hơi giống như sợi mì hoành thánh. Nước dùng trong veo, nấu từ xương gà, cá khô, rong biển.... có vị thanh ngọt, vừa miệng chứ không quá mặn như nhiều quán ramen khác, lại thoảng mùi thơm quả yuzu rất nhẹ nhàng. Yaki-cha-shu thì thơm, mềm, béo vừa phải. Ngoài ra quán còn có món cha-shu-donburi là cơm trắng với thịt heo nướng, nước xốt, củ hành thái sợi, trông cũng rất hấp dẫn, chắc chắn lần sau mình sẽ đi ăn thử.
Mata - kimasu !

Bạn có thể tham khảo thông tin quán ở đây (tiếng Nhật).



Cơm phần với cá thu kho lạt (với gừng và củ ngưu bàng), konnyakku xào, xa lát khoai tây, dưa chuột muối, xúp miso, cơm trắng.

Địa điểm: một nhà hàng nhỏ gần Kappa-bashi, khu chuyên bán sỉ và lẻ dụng cụ nấu ăn ở Tokyo

Mình thích cách chế biến và phối hợp nguyên liệu, rất đơn giản nhưng ngon miệng và healthy.



Hình như năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 6 là thế nào mình cũng đi Kamakura, có năm thì bạn rủ đi, năm thì mình rủ mọi người đi.

Mùa hè ở Kamakura rất đẹp, vì có biển, và có hoa ajisai (cẩm tú cầu) nở rộ khắp nơi. Biển ở Kamakura thì chắc chắn không thể nào đẹp bằng biển ở Đà Nẵng, vì cát không vàng và nước không xanh bằng. Nhưng những làn gió nhẹ mang vị mặn của muối, tiếng sóng vỗ rì rầm, tiếng hò hét nói cười của mọi người khắp nơi.... cũng làm mình thoả nỗi lòng nhớ biển.

Kamakura là thiên đường của hoa ajisai, vì ở đây có rất nhiều chùa, mà hầu như chùa nào cũng có trồng vài bụi hoa ajisai, vài hàng hoa ajisai. Cá biệt có những ngôi chùa nổi tiếng vì có vườn hoa ajisai cực lớn như Hase-ji, Meigetsu-in thì suốt tháng 6 ngày nào cũng chen kín người đi ngắm hoa ajisai.


Ngoài ra ở Kamakura còn có một ngôi chùa nổi tiếng vì có vườn tre rất rộng không thua gì vườn tre ở Kyoto, đó là chùa Hokoku-ji. Mùa hè đi vào đây cứ mát rười rượi và nghe mùi tre thơm thoang thoảng....


Có lẽ đây cũng là một đặc điểm của người Nhật, rất yêu quý thiên nhiên và chú trọng cảm quan về thiên nhiên, mùa nào thức ấy, như mùa xuân thì đi ngắm hoa đào, ăn sakura-mochi, mùa hè thì đi ngắm ajisai, ăn dưa hấu, đi xem đốt pháo hoa, mùa thu thì ngắm lá vàng lá đỏ, ăn khoai lang, hạt dẻ, mùa đông thì đi trượt tuyết, ăn nabe (lẩu các loại).....

Cảm giác về sự chuyển động bốn mùa quả thực luôn làm cho người ta xúc động....



Hồi ở Việt Nam, thì mình ít khi ăn spaghetti, vì các loại bún-phở-mì ở Việt Nam đã quá phong phú và hấp dẫn rồi, mình chả mấy khi ngó ngàng đến các món ăn nước ngoài. Nhưng từ hồi sang Nhật, muốn ăn các loại bún-phở-mì của Việt Nam thì phải lọ mọ đi mua nguyên liệu về nấu hơi bị lâu nên mình sinh bệnh lười, toàn bay vô bếp nấu đại cái gì đó vừa nhanh vừa tiện và không đòi hỏi nguyên liệu khó tìm quá. Dần dần, trong số các món "vừa nhanh vừa tiện" đó, mì Ý đã trở thành món ăn quen thuộc của mình, vì cách nấu đơn giản, không quá cầu kỳ, mùi vị lại ngon.

Nói đến mì Ý - gọi chung trong tiếng Anh là pasta, chúng ta thường liên tưởng ngay đến mì spaghetti, nhưng trên thực tế mì Ý có tới hàng trăm chủng loại khác nhau, từ hình dáng, kích thước, đến nguyên liệu chế biến, xuất xứ.... đều muôn hình vạn trạng. Ví dụ như hình này liệt kê một số loại pasta thông dụng:

(nguồn cj3b.info)

Trong bài viết này, mình sử dụng mì spaghetti là loại pasta thông dụng nhất, có thể dễ dàng mua ở bất cứ đâu. Về nước xốt, mình giới thiệu cách nấu nước xốt đơn giản nhất chỉ với cà chua tươi, dầu oliu, tỏi và lá basil (húng tây - nếu ở Việt Nam không mua được lá húng tây bạn có thể thử với lá húng quế - mình đã thử, cũng khá ổn, nhưng tất nhiên là không có mùi thơm ngọt đặc trưng của húng tây).

Recipe (cho 3 người ăn )
Mì spaghetti khô đóng gói        210g
Cà chua tươi                         450g (nên chọn loại cà chua chín đỏ và ngọt)
Tỏi                                      1 hoặc 2 tép
Lá basil (húng tây)                  6 đến 7 lá
Dầu oliu                                30g
Muối, tiêu, đường

*Luộc mì spaghetti
- Bắc một nồi nước sôi, bỏ muối vào nước cho đến khi nếm nước bạn thấy nó có độ mặn tương đương như độ mặn của nước biển là được (nếu có thể hãy chọn loại nồi có thành cao để dễ luộc).

- Khi nước đã sôi, cho mì vào, thời gian luộc bạn tham khảo trên bao bì của gói mì※.

- Khi mì đã chín vớt ra một cái rổ cho ráo nước. Nếu không trộn với nước xốt ngay thì bạn nên rưới vào mì một chút xíu dầu oliu rồi xóc đều cho sợi mì khỏi dính vào nhau. Thường thì các đầu bếp Ý sẽ vừa luộc spaghetti vừa làm nước xốt, và họ sẽ canh sao cho mì vừa luộc chín là nước xốt cũng vừa tới luôn, sau đó sẽ trộn ngay mì vừa chín vào nước xốt.


※Về thời gian luộc mì, nếu theo đúng kiểu Ý thì nguời ta sẽ luộc sao cho đến độ al dante, nghĩa là sợi mì chín ở ngoài nhưng vẫn còn một chút lõi cứng ở bên trong, nhai sực sực. Nhưng theo kinh nghiệm của mình thì người Việt Nam thích ăn mì luộc thật mềm, chứ theo kiểu al dante thì sẽ có cảm giác mì bị sống, ăn không ngon, nên thời gian luộc mì bao nhiêu lâu để đạt được độ mềm mong muốn thì tùy bạn tự điều chỉnh theo sở thích nhé. Nếu không yên tâm lâu lâu có thể lấy ra ăn thử. Trung bình ở đây mình luộc mì spaghetti đường kính 0.5mm thì khoảng từ 5 đến 7 phút, tùy hãng sản xuất.

*Làm nước xốt
- Cà chua rửa sạch, bỏ cuống. Nếu quả cà chua có vỏ dày thì bạn có thể luộc sơ cà chua với nước sôi rồi lột vỏ. Nếu cà chua có kích thước to thì bạn bổ làm đôi hoặc làm tư. Mình hay sử dụng cà chua bi, vỏ mềm và quả nhỏ nên có thể bỏ qua các bước này.


-Tỏi bóc vỏ, thái lát mỏng.
- Lá basil (húng tây) rửa sạch, thái sợi nhỏ.
- Cho tất cả cà chua vào một cái thố to, sau đó dùng tay bóp cho cà chua dập nát. Lưu ý là không xay, người ta chỉ xay khi sử dụng cà chua đóng hộp hoặc nấu các loại nước xốt cà chua công nghiệp, chứ khi nấu cà chua tươi thì ở Ý phương pháp bóp nát cà chua bằng tay là thông dụng nhất. Chỉ cần bóp cho cà chua dập ra sơ sơ là được rồi, không cần bóp nhừ đâu nhé, bình thường mình chỉ làm công đoạn này trong vòng 2,3 phút tùy lượng cà chua. Khi bóp cà chua bạn nhớ chú ý đừng để nước cà chua văng lên quần áo nhé. Nếu ngại công đoạn "bầy hầy" này, bạn có thể thái nhỏ cà chua ra cũng được, nhưng mình thì mình khoái bóp hơn, hehe.
- Cho dầu oliu lên chảo, cho tỏi đã thái mỏng vào, sau đó mới mở lửa lên, chờ cho dầu sôi (nếu cho tỏi vào khi dầu đã sôi thì sẽ làm cháy tỏi).
- Khi dầu đã sôi, cho cà chua đã bóp nát vào, trộn đều, và nấu trong khoảng 5 phút. Trộn một nửa phần lá basil đã thái sợi vào. Nêm nếm muối, tiêu, đường sao cho vừa ăn.



*Trộn mì vào nước xốt
- Cho mì đã luộc chín vào nước xốt ở trên, đảo nhanh tay và tắt lửa (nếu để lửa quá lâu mì sẽ bị mềm nhũn mất ngon).
- Cho mì ra đĩa, rắc phần lá basil thái sợi còn lại lên trên để trang trí.


Dựa vào cách làm nước xốt cà chua cơ bản ở trên, bạn có thể biến tấu thành các loại mì Ý khác nhau, như thêm thịt viên, hoặc hải sản, ớt, các loại rau củ, nấm, phô mai mài nhuyễn...... tùy theo ý thích. Hoặc thay thế basil bằng các loại rau thơm khác, hoặc sử dụng phối hợp nhiều loại lá thơm, hay hương liệu khác nhau. Ngoài ra nước xốt cà chua có thể dùng cho rất nhiều loại pasta khác nhau, không chỉ spaghetti mà còn có thể ăn với linguine, fusilli, farfalle, penne, shell....
Enjoy ! (^-^)


Nằm ở khu trung tâm của thành phố Tokyo, chợ cá Tsukiji có thể nói là nơi phản ánh rõ nét nhất đời sống ẩm thực của người dân Tokyo. Đây là đầu mối hải sản lớn nhất của khu vực Kanto, chủ yếu là bán buôn và bán sỉ, hầu như tất cả các nhà hàng sushi ở Tokyo và vùng phụ cận đều mua nguyên liệu từ đây về làm sushi. Vì vậy, chợ cá Tsukiji là một địa điểm du lịch rất hấp dẫn đối với khách nước ngoài, đặc biệt là những ai yêu thích ẩm thực Nhật Bản. Những năm gần đây do số lượng khách đến tham quan chợ ngày càng đông, Tsukiji bắt đầu có bán lẻ hàng hóa cho khách vãng lai, nhưng nguồn thu chủ yếu vẫn là bán sỉ cho các nhà hàng khách sạn.


Mặc dù mình ở Nhật đã nhiều năm, nhưng lại chưa có dịp đi chợ Tsukiji lần nào, một phần vì địa điểm chợ khá xa nhà, một phần là do muốn tham quan được chợ thì phải đi thật sớm. Chợ lại nghỉ ngày chủ nhật, nên chỉ có thể đi xem vào các ngày trong tuần hoặc thứ bảy. Tuần vừa rồi, N. - một người bạn thân của mình ở Tokyo đã rủ mình đi Tsukiji một lần "cho biết", thế là sáng sớm thứ bảy, mình, N. và một người bạn Nhật nữa, cố gắng đón chuyến tàu sớm nhất có thể để đến Tsukiji. (Vậy mà khi tụi mình đến nơi thì cũng đã gần 8h rưỡi sáng....)


Chợ Tsukiji gồm có 2 phần, chợ ngoài (soto ichiba), và chợ trong (naka ichiba). Chợ ngoài là nơi bán các loại thực phẩm khác ngoài cá như rau quả tươi, thịt, các loại gia vị, bột, đậu, trứng chiên sẵn kiểu Nhật (dashi-tamagoyaki), các dụng cụ nấu ăn như dao, nồi, chén dĩa, các nhà hàng hải sản tươi sống, có cả gian hàng bán bánh ngọt nữa ^-^



Chợ trong là khu vực chính bán cá và hải sản, Chợ hoạt động từ 3,4 giờ sáng, khi cá tươi và hải sản được chuyển về từ các tàu biển lớn. Các loại hải sản thông thường thì sẽ được định giá tùy theo thị trường, nhưng đối với các loại hải sản cao cấp như cá ngừ đại dương vây xanh thì sẽ được mang ra đấu giá giữa các nhà thầu (chỉ có những người có thẻ đặc biệt mới được tham gia đấu giá). Buổi đấu giá sớm nhất trong ngày diễn ra vào khoảng 5 giờ sáng, muộn nhất là 7 giờ, mỗi phiên đấu giá chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Nghe nói nếu đi thật sớm thì khách du lịch có thể được tham quan đấu giá từ xa, nhưng chuyến này mình đi quá trễ nên đành ngậm ngùi chờ dịp khác để "phục thù".... Ngoài những phiên đấu giá là giới hạn người tham dự, các gian hàng còn lại mở cửa tự do, khách đến tham quan có thể mua các loại hải sản phục vụ cho những món Nhật cao cấp như bào ngư sống, trứng cá, bạch tuộc tươi, tôm hùm, nhím biển với giá rẻ hơn bên ngoài khá nhiều......

Chợ Tsukiji là nơi nhập hàng quan trọng của các nhà hàng khách sạn quanh Tokyo và vùng phụ cận, thông thường đầu bếp hoặc nhà cung cấp cho các nhà hàng trong thành phố sẽ vào chợ trong mua cá, sau đó rảo một vòng ra chợ ngoài để mua các nguyên liệu còn lại cho nhà hàng.

Dù đã được dặn trước là khi vào chợ trong phải cẩn thận đi đứng, vì ưu tiên giao thông ở chợ trong là xe mô tơ chở hàng, chứ không phải người đi bộ (vì chợ chủ yếu bán sỉ), nhưng mình cũng mấy phen hoảng hồn trước rất nhiều cỗ xe chạy hối hả khắp nơi, kiểu xe giống như xe chở hàng thỉnh thoảng ở Việt Nam hay thấy trong siêu thị Metro. Mặc dù lúc đó đã gần 9h sáng, chợ đã qua đi thời điểm bận rộn nhất trong ngày, nhưng số lượng hàng hóa ở đây vẫn rất phong phú, và giá lại rẻ hơn các siêu thị ở ngoài rất nhiều. Những con cá ngừ to khổng lồ, đi kèm theo nó là một bộ dao xẻ cá cũng khổng lồ không kém.


Những phần thịt cá to, mềm và ngon chỉ để làm sushi được cắt riêng thành từng tảng lớn, lau sạch, rồi bọc thật kín trong mấy lớp giấy, dán nhãn cẩn thận để vận chuyển đến các nhà hàng hay ông chủ lớn. Nếu may mắn, bạn có thể mua được những phần thịt cá ngừ đại dương đặc biệt (mà trong các cửa hàng hay siêu thị bình thường không thể nào có) như hon-maguro, chu-toro..... được bán riêng trong từng hộp nhỏ. Ở những gian hàng khác, cua, mực, tôm tươi... quấy nhè nhẹ trong thùng xốp. Các loại ốc biển, lươn biển, bào ngư, nhím biển, trứng cá.....bày ngồn ngộn trong các sạp....


Để đến chợ Tsukiji, bạn có thể đi tàu điện ngầm tuyến Hibiya, xuống ga Tsukiji đi bộ 3 phút là đến. Và nhớ, cố gắng để đi thật sớm nhé !




Tokyo đã vào tháng 6, đầu mùa hạ.

Trên những con đường, hoa ajisai (cẩm tú cầu) đã bắt đầu nở rộ. Sắc trắng tinh khiết, hồng mỏng manh, rồi tím ngan ngát dịu dàng, và cả màu xanh biêng biếc của sắc trời mùa hạ.



Tháng 6, cũng là tháng của mùa mưa, hay ở đây người ta gọi là tsuyu, là quãng thời gian mà hầu như ngày nào cũng mưa rả rích, cái nóng ẩm của mùa hạ len vào da thịt, chẳng có lúc nào ra đường mà không phải mang ô.

Trong những ngày mưa của tháng 6, thú vị nhất là được nấp vào một quán cà phê nào đó, gọi một ly cà phê nóng, và ngồi lười biếng ngắm người lại qua....




Cũng phải gần 7,8 năm rồi mình mới trở lại Huế, mặc dù đường từ Đà Nẵng ra Huế chỉ mất gần 3 tiếng đi ô tô. Sau 7, 8 năm, vậy mà Huế vẫn không có gì thay đổi lắm, vẫn cái nắng gay gắt như đốt da đốt thịt giữa buổi trưa hè, vẫn sự tĩnh lặng trầm lắng của buổi đêm, và nhịp sống vẫn trôi chầm chậm như dòng sông Hương muôn đời không thay đổi...

Người ta bảo, Huế quá buồn, loanh quanh chỉ Hoàng Thành, chợ Đông Ba, chùa Thiên Mụ, mấy cái lăng tẩm của vua Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định, vậy là hết, nếu không phải mùa Festival Huế thì chắc chỉ ở 2 ngày là thấy chán. Nhưng mình lại thích Huế như vậy hơn, nhẹ nhàng, từ tốn, đài các một cách thâm trầm, không có lớp son phấn rực rỡ thường thấy của một thành phố du lịch, mà chỉ có những câu chuyện, những di tích lịch sử nhuốm bụi thời gian...

Đi ăn ở Huế quả thực rất thú vị. Thành phố nhỏ bé này là thánh địa cho các tín đồ ẩm thực, với vô vàn món ăn như bún bò Huế, cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh khoái, bánh canh cá lóc, chè, các món chay... món nào cũng ngon và rẻ.

1. Bún bò Huế



Lần này mình chọn đi ăn bún bò bà Phụng, quán nằm trên đường Nguyễn Du, gần góc giao với đường Chi Lăng, là quán nổi tiếng chỉ bán buổi chiều, người Huế ăn nườm nượp. Mình đến lúc khoảng gần 4h chiều mà đông nghẹt khách, hầu như không còn bàn trống.

Khi tô bún được bưng ra, lúc đầu mình hơi...thất vọng. Vì mình quen ăn bún bò Huế ở Sài Gòn, sợi bún to, nước màu nhiều, trên mặt tô bún có bò bắp, huyết, chả cua, nhưng tô bún này lại có sợi bún nhỏ, trên mặt tô chỉ có thịt bò tái và chả viên, nước dùng lại trong chứ không đỏ nhiều nước màu.
Nhưng khi ăn vào thì mình phải công nhận là nước bún rất ngon, vị thanh và ngọt, cái ngọt từ xương chứ không phải ngọt do bột nêm, nước lại không bị gắt vị sả hay vị mắm ruốc như nhiều quán khác, cay cay, ăn đến đâu biết đến đó. Thịt bò tái mềm, chả bò quết dai và mịn, thiệt đúng là một tô bún "đạt chuẩn". Nếu bạn thích ăn bò bắp hay giò heo thì cứ thoải mái gọi, bảo đảm sẽ được một tô .... ăn đã ghiền luôn ;))

Ngoài ra, một trong những cái hay ở những quán bún bò Huế là nồi nước bún, không giống với nồi nước bún thường có hình tròn mà lại có hình như chiếc bình hoa, cổ eo, miệng loe, sâu lòng, được làm bằng nhôm. Nhìn người bán nhanh tay thoăn thoắt múc từng tô bún từ cái nồi mang hơi hướng cổ xưa đó, không khỏi làm cho thực khách bâng khuâng nghĩ về một truyền thống ẩm thực lâu đời của xứ kinh kỳ...

Một số địa chỉ bún bò Huế nổi tiếng khác ở Huế:
- Bún bò đường Bạch Đằng (đoạn gần cầu Gia Hội, chỉ phục vụ vào buổi sáng)
- Bún bò Mỹ Tâm đường Lê Duẩn (chỉ phục vụ buổi chiều và tối, chân cầu Phú Xuân)
- Bún bò ông Dũng đường Nguyễn Sinh Cung (đối diện trường tiều học Vĩ Dạ
- Bún bò bà Rớt trong công viên Thương Bạc (chỉ phục vụ vào buổi chiều tối sau 5h)
- Bún bò Huế 14 Lý Thường Kiệt


2. Cơm hến



Chắc chẳng có ở đâu mà mật độ các quán cơm hến lại dày đặc như ở Huế. Cảm tưởng như hầu như con đường nào ở Huế cũng có một vài quán cơm hến, gánh cơm hến. Một nồi nước hến nóng nghi ngút, một nồi hến xào, thêm vài cái lọ đựng mắm ruốc, tóp mỡ, mè, da heo chiên giòn, đậu phộng, tương ớt, một rổ rau trộn thiệt ngon, vài ba cái bàn cái ghế con con, vậy là đã thành một gánh cơm hến hấp dẫn. Rau trộn cơm hến nhất định phải có môn, rau thơm, khế, tất cả thái nhỏ, trộn đều. Hến thì chắc chắn phải là hến từ cồn Hến rồi, thịt mập và tròn. Nồi nước hến phải thiệt là nóng, thêm chút gừng, bột canh, người ta hay nói ăn cơm hến phải uống nước hến để ngon hơn và không bị đau bụng vì hến có tính hàn. Ngoài ra, bún hến cũng là một món hấp dẫn ở đây, thay vì trộn cơm thì trộn bún.

Ở Huế, nổi tiếng nhất các quán cơm hến ở cồn Hến (hơi bị xa), hoặc quán chị Nhỏ, bán trong ngõ đường Phạm Hồng Thái, góc giao với Trương Định (nhưng chỉ bán buổi sáng), bán cả ngày thì có cơm hến ở số 2 Trương Định cũng có khá nhiều người khen ngon. Lần này vì khách sạn mình ở gần chợ Đông Ba, nên mình đi ăn cơm hến của o Móm trong chợ Đông Ba. O Móm làm cho mình một tô cơm hến thiệt ngon, rồi cứ hỏi mình từ đâu tới, rồi lại liên tục nhắc bằng cái giọng Huế nằng nặng, "trộn đều đi nghe, trộn đều vô ăn mới ngon ! ".

Cơm hến, bún hến, có lẽ là món "fast food" bình dân được yêu thích nhất ở Huế.


3. Bánh canh Nam Phổ
Mình nghe tiếng món bánh canh này đã lâu mà chưa có dịp ăn thử, nên định bụng lần này ra Huế nhất định phải ăn cho biết.
Bánh canh Nam Phổ được các o, các mệ ở làng Nam Phổ nấu và gánh đi bán vào các buổi chiều trên những con đường xứ Huế, được nấu chủ yếu từ bột gạo và tôm thịt, nước bánh canh sền sệt, có màu đỏ của gạch tôm và ớt, hạt điều. Chan vào tô bánh canh một ít nước mắm cốt pha với ớt thiệt là cay, vừa ăn vừa hít hà cái vị cay cay của ớt, vị thơm ngọt của tôm thịt vo thành từng viên nhỏ nhỏ, vị mềm mại dai dai của sợi bánh canh, rất lành bụng và không ngán.


Lần này lý ra mình định đi ăn bánh canh Nam Phổ ở quán o Thu số 374 đường Chi Lăng, qua cầu An Cựu khoảng 1km, nhưng xui sao mà lúc đi bộ tới nơi là khoảng 3h chiều thì quán vừa bán hết ! Thế là đành ngậm ngùi sáng hôm sau ra chợ Đông Ba, ăn ở gánh bánh canh Nam Phổ kế bên hàng cơm hến....

Một chỗ bán bánh canh Nam Phổ rất nổi tiếng khác đó là gánh bánh canh của mệ Sau ở chợ Dinh, ngoài ra nếu canh me được mấy mệ gánh bánh canh từ làng Nam Phổ ra bán dọc trên mấy con đường vào mỗi buổi chiều thì ăn cũng rất ngon và thú vị...


4. Bánh canh cá lóc



Một món bánh canh Huế khác cũng rất nổi tiếng đó là bánh canh cá lóc. Cá lóc tươi mua về xát muối làm sạch, hấp cho vừa chín tới thì lọc kỹ từng phần thịt nạc ra khỏi xương, rồi dùng nhíp lấy sạch những phần xương còn dính. Xương và đầu cá đem giã thành từng miếng nhỏ, cho vào một bọc vải sạch rồi đem ninh cùng gia vị, làm nước bánh canh. Thịt cá ướp với nước mắm, ruốc, tiêu, hành, tỏi, nghệ, rồi cho vào chảo xào sơ cho thịt cá thấm gia vị và săn lại. Bột bánh canh là bột gạo được giã kỹ, nhồi mịn, sau đó được cán mỏng trên một cái ống bằng sắt, rồi dùng dao thái thành từng sợi dài cho vào nồi nước sôi để luộc chín bánh. Cho vào tô một ít bánh canh đã luộc chín, thịt cá lóc, chan nước bánh canh lên, thêm hành lá, nước mắm, tiêu, vậy là đã có một tô bánh canh nóng hổi, ngon lành, ngọt thơm thịt cá.

Ở Huế, chỗ bán bánh canh cá lóc nhiều nhất là dọc đoạn quốc lộ 1A trước cổng Nhà máy dệt Huế (người ta gọi là bánh canh cá lóc Thủy Dương). Nhưng lần này mình lại không ăn ở đó mà lại ăn ở một quán nhỏ trên đường Mai Thúc Loan. Chuyện cũng khá vui, thực ra tối đó do đi bộ nhiều nên mình khá mệt và đói bụng, trong đầu chưa nghĩ ra là sẽ đi đâu hay ăn món gì nên leo lên đại một chiếc xích lô, rồi nói với bác xích lô, "bác ơi, bác biết giờ này ở đâu có món gì ăn ngon thì chở con đi ăn thử cho biết với, món nào mà bác hay ăn á". Vậy là bác chở mình tới một quán bánh canh ở đường Mai Thúc Loan, cực rẻ và cực ngon, một tô chỉ có 10 ngàn ! Ở thời điểm 2014, một tô bánh canh 10 ngàn thì chắc chỉ ở Huế mới có ! Mà lại ngon cực kỳ ! Thịt cá thơm, mềm, đậm đà, nước thì trong, ngọt vị cá, sợi bánh canh luộc vừa độ chín. Trên bàn còn có sẵn chả bò gói lá, trứng cuốc luộc nóng hổi, bóc một cái trứng luộc, cho vào tô bánh canh, vị trứng bùi bùi ăn với bánh canh thiệt sự là...rất hợp !


5. Cơm chay
Cơm chay không nằm trong danh sách các món ăn nổi tiếng của Huế, nhưng theo mình, cơm chay là một món rất nên thử khi đến Huế. Bởi Huế là vùng đất Phật Giáo lâu đời, đa số người Huế đều theo đạo Phật, ngày rằm mùng một ăn chay. Lần này mình đến quán Liên Hoa (gần nhà văn hóa thiếu nhi) là quán chay rất nổi tiếng và lâu đời mà ở Huế ai cũng biết. Trúng dịp lễ Vesak, nên quán đông kinh khủng, hầu bàn chạy không kịp thở, khách thì đông nườm nượp. Mình gọi một đĩa cơm phần và một đĩa bún trộn, vậy mà ăn rồi chỉ muốn ăn nữa, vì quá ngon.

Bún trộn là bún tươi trộn với rau sống, rau trộn, tàu hủ ky, đậu phộng, nước xốt tương xì dầu. Cơm phần gồm có cơm trắng ăn với mít non chiên dòn, rau xào, nấm xào, muối mè, chao. Hương vị mộc mạc, nhẹ nhàng, đúng chất món chay thuần túy chứ không phải là chay giả mặn như nhiều quán khác. Đây là một địa chỉ mà mình thực sự muốn quay lại nếu có lần sau đi Huế...





Huế vẫn còn có nhiều món lắm, như chè bột lọc thịt heo quay, bánh khoái, bánh ép, bánh bèo bánh nậm bánh bột lọc..... mà mình vẫn chưa kịp thử.

Thôi thì, đành hẹn lại Huế, một lần sau !


Food & Travel & Everyday Life

.