Đã quen thuộc với cuộc sống ở Sài Gòn, nên thật sự mình có đôi chút không quen khi đến Hà Nội. Tuy cả hai đều là thành phố lớn, đông đúc dân cư, nhịp sống hối hả, nhưng Sài Gòn luôn có cái gì đó tràn đầy năng lượng tươi vui, hồ hởi, náo nhiệt và vồn vã. Còn Hà Nội, không hiểu sao cứ mang lại cho mình cảm giác đôi chút bức bối, ngột ngạt, mặc dù mình biết rằng đây là một thành phố đẹp với nhiều điều để khám phá.
Có lẽ với mình, Hà Nội đẹp nhất là những buổi sáng sớm ở bờ Hồ, hay những lúc đi dạo bắt gặp gánh hàng hoa, hàng chè chén nằm im lặng khiêm nhường ven đường, và những ngôi nhà cổ. Số lượng những toà biệt thự từ thời Pháp thuộc, những vườn hoa, công viên mang đậm dấu ấn thuộc địa ở Hà Nội có lẽ còn vượt xa Sài Gòn.
Trong số đó, kiến trúc làm mình say mê nhất, chính là Nhà Thờ Lớn.
Nếu ở Sài Gòn, Nhà Thờ Đức Bà luôn là hiện hữu cho một vẻ đẹp hoàn mỹ, tinh tế, rõ nét với sắc màu gạch nung đỏ ấm áp, thì sắc màu xám xưa cũ của Nhà Thờ Lớn Hà Nội lại có cái gì đó hơi buồn bã, xen lẫn ý vị khổ hạnh của kiến trúc thời trung cổ. Những đường nét của cửa sổ, tháp chuông, mái vòm mang đậm dấu ấn Gothic, mang lại cho người xem một cảm giác choáng ngợp, xen lẫn với niềm kính sợ sâu xa.
Mình đến thăm nhà thờ đúng vào buổi sáng chủ nhật, lúc đức cha đang tiến hành thánh lễ.
Một điều lạ là hôm đó, đức cha giảng đạo bằng tiếng Pháp, hát những bài hát cầu nguyện cũng bằng tiếng Pháp, mà các con chiên đi lễ thì lại toàn người Việt. Vậy mà mọi người vẫn lắng nghe chăm chú, và hát theo một cách nhẹ nhàng, thuần thục. Có lẽ đây là một buổi thánh lễ đặc biệt chăng ? Mình không phải là người theo đạo, nên không hiểu rõ lắm, nhưng khi đứng trong thánh đường, nghe giọng đức cha ngân nga tiếng Pháp, mình chợt có cảm giác như quay lại nhiều năm về trước, khi mình sang Paris, thăm những nhà thờ cổ ở đó. Cảm giác, thực sự cũng không có gì khác biệt. Vẫn là âm thanh ấy, không khí ấy, khung cảnh ấy.
Ấy thế mà, bước ra ngoài, đã là một thế giới hoàn toàn khác biệt, với những quán ăn, cửa hiệu thời trang, quán cà phê với tiếng nhạc pop, hip hop ồn ã, làm người ta phải giật mình vì sự khác biệt quá lớn đó.
Hà Nội, quả thực là một thành phố của hai thái cực, giàu và nghèo, tinh tế và kệch cỡm, cổ xưa và hiện đại, thanh lịch và hỗn độn. Có lẽ, đây mới chính là màu sắc thực sự của Hà Nội buổi giao thời.
Mình chỉ mong, những kiến trúc cổ như thế này, và những ngôi chùa, đình đài, miếu mạo, những công viên, hồ nước, những kiến trúc đặc sắc nhất của Hà Nội sẽ không vì quá trình đô thị hoá mà bị mất đi. Để lớp con cháu của mình, nó còn được ngắm Nhà Thờ Lớn, Văn Miếu, sen Hồ Tây, cầu Thê Húc, phố cổ như trong tranh Bùi Xuân Phái... như mình bây giờ.
Để làm được điều đó, có lẽ, trước hết phải là sự cố gắng của thế hệ bọn mình.