Pad Thai là món ăn rất phổ biến trong ẩm thực Thái. Hầu như quán ăn, nhà hàng nào ở Thái cũng có món này trong menu, con số những quán ăn lề đường bán món này cũng không sao đếm xuể. Giữa muôn ngàn đối thủ đó, vì sao Thip Samai vẫn luôn là cái tên đứng đầu mọi bảng xếp hạng ? Vì sao cái nhà hàng nhỏ bé, nằm lọt thỏm trong một khu dân cư vắng người đó, lại đông khách đến vậy, lại trở thành địa chỉ được mọi tạp chí ẩm thực, mọi food blogger nhắc tới ?

 Sự tò mò đã dẫn đường cho mình đến Thip Samai ở Bangkok vào một buổi tối tháng 4. Từ ga Hua Lamphong, đi xe tuk tuk khoảng 10 phút là đến. Vậy mà mình lại không biết, cứ đi bộ tìm đường, đến khi chân đã mỏi nhừ sau gần nửa tiếng đồng hồ cuốc bộ mới tìm được đến nơi. Thực là "ăn một bát cháo đi ba quãng đồng".

 Ấn tượng đầu tiên là nhà hàng rất sạch sẽ, chuyên nghiệp, phân công công việc rõ ràng. Bếp được đặt ngay một góc cửa ra vào, đầu bếp đứng xào mì trong chảo sắt sâu lòng, lửa to hừng hực. Sợi mì khô giống như hủ tiếu của Việt Nam, được xào chung với nước xốt Pad Thai, tôm khô, tôm tươi, đậu phụ thái lát, giá đỗ, rau hẹ. Chưa cần bước vào ăn, chỉ đứng ở ngoài thôi là đã thấy mì được xào nấu thật ngon lành và hấp dẫn. Nhiều khách du lịch cứ đứng mãi ở đây, quay phim chụp ảnh, chỉ để tìm ra bí mật món mì pad thai này làm sao mà ngon đến thế.

 

Sau khi mì đã được xào xong, bàn chế biến bên cạnh sẽ chia nhỏ ra từng phần vào dĩa sứ, sau đó bọc mì lại bằng một lớp trứng tráng rất mỏng. Sau cùng, trang trí bằng ngò, ớt chuông, và tôm.

 


Bước vào bên trong nhà hàng, là một không khí rất ấm cúng và thân thiện. Bàn ghế gỗ kê san sát, thực khách ngồi chật ních các góc. Trên tường, là các bức ảnh, bài báo về Thip Samai treo kín.



Ngồi vào bàn, người phục vụ sẽ đưa cho bạn một phiếu đặt món ăn, bạn sẽ đánh dấu vào phiếu số lượng từng món ăn mình muốn order, và đưa cho người phục vụ. Một phần pad thai bình thường có giá 60 baht, phần đặc biệt với tôm tươi là 90 baht, ngoài ra còn những phần lớn hơn giá 200 baht, 300 baht. Đây là cái giá không phải là rẻ, nhưng cũng không phải là quá đắt so với mặt bằng chung ở Bangkok. Và nghe nói nước cam tươi ở đây cũng rất ngon.


Trong khi chờ đợi, người phục vụ sẽ mang ra cho bạn một dĩa rau sống, chanh tươi để ăn với pad thai. Và cuối cùng, màn được mong chờ nhất đã đến ! 
Tadaaa ~


 Quả đúng như lời khen tặng của mọi người, nước xốt đậm đà, mì xào vừa tới, không quá khô hay quá ướt, cũng không có cảm giác dầu mỡ nhiều, vị thơm ngon của từng nguyên liệu phối hợp nhau một cách chặt chẽ, không thừa không thiếu chút nào. Mình thích cho thật nhiều đậu phụng rang, và vắt lên một ít chanh để ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt, tôm ở đây cực kỳ tươi và thơm ngon, là tôm biển chứ không phải tôm sông, cắn vào miếng nào là biết miếng đó. Hèn gì mà ai đến Bangkok cũng muốn đến Thip Samai một lần.

 Nhưng có lẽ, điều lớn nhất mà mình cảm nhận được ở Thip Samai chính là, một quán ăn ngon được yêu mến không thể chỉ dựa vào hương vị của món ăn, mà còn phải dựa vào cách quản lý, cách phục vụ, cách mà thực khách cảm nhận được mỗi khi đến. Cái cần phải bán không phải là món ăn, mà chính là bán "trải nghiệm" cho thực khách.

 Mình đã từng thấy rất nhiều nhà hàng, quán ăn nổi tiếng ở Việt Nam, tuy hương vị món ăn không tồi, nhưng quản lý thì lỏng lẻo, chất lượng món ăn không đồng đều, có món ngon, món dở, phục vụ thì thiếu lễ phép và chuyên nghiệp vì chỉ toàn nhân viên thời vụ, đặc biệt là bếp thì cực kỳ nhếch nhác, lộn xộn, bẩn thỉu. Mình nghĩ những nơi như thế, sẽ không thể nào tồn tại được lâu dài được, khi mà yêu cầu của khách hàng ngày một khe khắt hơn, và thị trường ngày một cạnh tranh khốc liệt hơn.
 Món ngon thôi chưa đủ, mà "trải nghiệm" ở đó, cũng phải thật "ngon". Đó chính là bài học mình đã học được qua Thip Samai.

  Nếu có dịp đến Bangkok, hãy thử ghé qua đây một lần. Và, không chỉ ăn pad thai, bạn còn có thể mua được cả xốt pad thai của Thip Samai về nhà nữa !



Pad Thai Thip Samai (Pad Thai Pratu Pi) ผัดไทยทิพย์สมัย (ผัดไทยประตูผี)

Address: 313 313 Thanon Mahachai, Phra Nakorn
Hours: 5 pm – 3 am daily
Phone: 022216280


(tiếp theo part 1)

 Mười bốn ngày trước, mình xách balô ra ga Shinagawa ở Tokyo, bắt tàu xuôi về miền nam.
 Dự kiến hành trình sẽ xuất phát từ Tokyo, đi dọc theo chiều dài nước Nhật, qua Kyoto, Okayama, vòng qua Kawaga, Kochi, về lại Hiroshima, rồi Fukuoka, đến cực nam đảo Kyushu là thành phố Kagoshima và ga cực nam của đất nước là Nishi-oyama.


  Trong cả chuyến đi, mình chủ yếu đi bằng tàu, sử dụng vé seishun 18-kippu. Đây là loại vé rẻ, chỉ được bán vào kỳ nghỉ xuân, nghỉ hè và nghỉ đông, chủ yếu để hỗ trợ cho sinh viên học sinh đi du lịch. Khi mua vé này phải bạn mua theo 1 set gồm 5 vé, có giá là 11,850 yen. Mỗi vé có thể sử dụng trong 1 ngày 24 tiếng, đi bất cứ tàu nào đến bất cứ đâu trên toàn nước Nhật, miễn là không phải tàu cao tốc Shinkansen hay tàu nhanh Express.
  Ngày đầu tiên, mình đi dọc theo tuyến JR Tokaido-sen, qua Atami, Hamamatsu, Toyohashi, Meibara, đến Kyoto khi trời vừa xẩm tối. Dọc theo khu vực này hệ thống nối chuyến tàu khá thông suốt, mình đi rất nhanh và thuận lợi, không gặp vấn đề gì lớn dọc đường. Đến Kyoto, mình đặt một youth hostel ở gần khu trung tâm Kyoto, và lưu lại đó 2 ngày.
  Ngày thứ nhất, mình thăm lại chùa Kyomizu-dera, ngắm hoa sakura vừa mới nở rộ, rồi đến khu Sannenzaka đi dạo loanh quanh....


  Chùa Kyomizu-dera, hay theo tên hán tự là Thanh Thủy Tự, nằm trên một ngọn đồi phía đông thành phố Kyoto với lịch sử hơn một ngàn năm, là di sản thế giới được Unessco công nhận. Toàn bộ ngôi chùa được xây dựng bằng phương pháp ghép lộng, không sử dụng một cây đinh nào. Trong chùa, từ chính điện rẽ sang phải một chút, là phần lan can bằng gỗ cao 13m so với mặt đất, đứng từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh thành phố Kyoto ở dưới chân đồi, và những cây sakura nở rộ rợp cả một góc trời.



Hôm ấy là một ngày mùa xuân dịu mát, thỉnh thoảng mưa lất phất, người đi thăm chùa rất đông, có cả những tốp nam nữ mặc kimono đủ màu sắc rực rỡ. Trong chùa, một vài đoàn du lịch của Vietravel nói tiếng Việt í ới. Việc nới lỏng visa cho khách du lịch trong mấy năm gần đây đã giúp tăng số lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản một cách đáng kể. Còn khách du lịch người Trung Quốc thì gần như đông đúc quanh năm, đặc biệt ở Kyoto là điểm đến của hầu như mọi tour du lịch.



 Mình đi dạo vòng quanh chùa, rồi xuống vườn, qua thác nước Otowa, rẽ vào đường xuống núi. Ven đường quanh núi, có một trà thất, với những chiếc ghế gỗ cho khách ngồi uống trà. Mình ghé vào, uống một chén trà matcha và ăn một ít bánh ngọt.


 Từ chùa Kyomizu-dera, mình đi bộ lững thững xuống khu dốc San-nen-zaka, Ni-nen-zaka, nơi tập trung các của tiệm, nhà hàng cổ kính, đông đúc người qua lại. Lác đác, còn thấy bóng dáng một vài cô gái mặc kimono theo kiểu geisha, cổ áo sau lưng trễ nải xuống một cách cố tình, với phần thắt lưng obi, dải tay áo nổi bật, đầu cài hoa màu rực rỡ. Trên mặt các cô bôi phấn trắng, trang điểm đậm, dưới chân đi guốc gỗ lách cách.



  Ở khu này, mình ghé vào ăn hai món nổi tiếng là bánh bao nhân đậu nành và mì nishin-soba. Ăn xong mình lại đi bộ tiếp đến đền Kodaiji. Đền Kodaiji nổi tiếng với khu vườn cát, cát trong một khoảng đất trống được bố trí với nhiều gợn sóng, là một kiểu vườn thiền nổi tiếng của Kyoto. Giá như nơi đây ít khách du lịch đi một chút, để được ngồi ngắm nhìn vườn cát này một cách yên tĩnh và tập trung, thì chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thiền không thể nào quên được. Nhưng đáng tiếc, vì khách đến thăm quá đông, nên một người không thể ngồi ở đây quá lâu hơn 15 phút.

Image result for kodaiji

  Ra khỏi vườn cát, là đến khu vườn tre xanh mướt, và một khu vườn nữa theo kiểu tsukiyama, với hồ nước, núi nhân tạo, đá, cây thông, cây bách, cây phong. Vào mùa thu, khi lá đổi màu, chắc chắn khu vườn này sẽ rất đẹp.
  Rời Kodaiji, mình đi bộ tiếp tục, và lát sau thế nào lại đi lạc vào công viên Maruyama. Nơi đây đang có lễ hội mùa xuân, còn gọi là hanami matsuri, để ngắm hoa anh đào (sakura). Công viên Maruyama là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất để ngắm hoa sakura vào mùa xuân ở Kyoto, nên khách đi chơi nườm nượp, gồm cả khách du lịch và người dân Kyoto. Có rất nhiều hàng quán bán đồ ăn vặt hai bên lối vào công viên, nào là mì xào, ebisen, mực nướng, takoyaki, nước ngọt.... Trong công viên, từng dãy từng dãy hoa sakura nở rộ, tương phản với bầu trời xanh biêng biếc.
 Ra khỏi công viên, đi thêm một chút nữa là đến đền Yasaka, hay còn gọi là đền Gion, nằm ngay bên cạnh công viên Maruyama. Đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 14, nổi tiếng với lễ hội Gion Matsuri diễn ra vào tháng 7 hàng năm.

 


 Trong khuôn viên đền, phía trước chính điện là một sân khấu nhỏ, khách xem có thể đứng nhìn từ bốn phía, trên sân khấu đang biểu diễn nhạc truyền thống Nhật Bản với những người phụ nữ mặc kimono, vừa hát, vừa đánh đàn shamisen. Giai điệu những bài hát trầm, thấp, như chan chứa một nỗi niềm không sao tả được, lẫn trong tiếng gió xuân dịu nhẹ.
  Kyoto đang độ vào xuân, nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu. Thế nhưng, sao giai điệu của tiếng đàn shamisen vẫn cứ buồn đến thế ?

  *  *  *
  Ngày thứ hai, mình thức đậy từ lúc sáng sớm, đi tàu điện đến gần khu chợ nổi tiếng của thành phố, chợ Nishiki (錦市場). Nơi đây được khách thập phương gọi ưu ái là Kyoto's Kitchen, là nơi bạn có thể khám phá ra rất nhiều đặc sản của Kyoto, cũng như những gì được coi là tinh túy nhất của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Chợ Nishiki có kiến trúc là một dãy hành lang rất dài, hai bên hành lang là các cửa tiệm bán đủ thứ, từ hải sản tươi sống, rau củ quả, đồ khô, các loại dưa muối, bánh kẹo.... cho đến chén, bát, dụng cụ nấu ăn... Nhiều cửa hiệu ở đây đã có từ rất lâu đời, buôn bán truyền nghề qua nhiều thế hệ, nghe nói cửa hiệu đầu tiên ở chợ Nishiki đã được mở cửa năm 1310.

Image result for nishiki market

  Ở đây, mình thích nhất là những hàng dưa muối, với hàng trăm chủng loại khác nhau, gọi chung là kyo-tsuke. Người bán hàng sẵn sàng cho bạn ăn thử rất nhiều chủng loại dưa muối khác nhau, từ bắp cải, cà rốt, dưa chuột, đến măng, cà tím, củ gobo... Ở hàng bán đồ khô, mình bắt gặp những khúc cá  katsuo-bushi, khô cứng rất lâu năm, nhìn qua cứ tưởng là cá gỗ ! Người ta bào mỏng những lát cá katsuo-bushi này, trở thành món cá bào katsuo, đây là nguyên liệu truyền thống không thể thiếu cho các món canh kiểu Nhật, hoặc trộn rau, làm topping cho okonomiyaki, takoyaki....



Kyoto cũng rất nổi tiếng với món đậu phụ, ở chợ Nishiki có một cửa hàng nhỏ chuyên làm đậu phụ và sữa đậu nành, đặc biệt có món váng sữa đậu nành gọi là yuba, ăn với tương shoyu và yuzu rất ngon. (Những điều thú vị về ẩm thực Kyoto trong mấy ngày này được mình ghi lại trong bài Món ngon Kyoto.)

  Rời chợ Nishiki, mình đi tàu điện đến thăm Fushimi Inari Taisha, ngôi đền có hàng ngàn cổng tori sơn đỏ thần bí, có thể được coi là biểu tượng du lịch của Kyoto.
 

Phải mất đến gần 3 tiếng đồng hồ để leo hết đồi Fushimi, đi qua hết hàng ngàn cánh cổng tori đỏ. Giữa tháng 4, cái lạnh thấm vào da thịt hòa trộn với những giọt mồ hôi thấm mệt sau mấy tiếng đồng hồ leo núi. Ở giữa chặng đường, có một hồ nhỏ nằm tĩnh lặng ven vách núi, bên hồ có một cây sakura nở bung những cánh hoa hồng nhàn nhạt, tương phản với màu đỏ chói mắt của tori, làm mình cứ đứng mãi mà nhìn ngẩn ngơ...

  Kyoto khi đêm xuống, những cây sakura vẫn nở rộ dưới ánh đèn. Những đôi yêu nhau vẫn đi dạo dưới trời đêm mát dịu, tiếng hát của một người hát dạo đánh ghi ta vang lên trong đâu đó. Ai ai, cũng có cái vội vã của riêng mình...


 Hôm sau, tạm biệt Kyoto, mình khởi hành đi Hiroshima...


  Cách đây ba năm, mình đã có một chuyến hành trình, một mình đi từ Tokyo đến tận mũi cực nam của Nhật Bản.
  Chuyến đi đó một phần là để rong chơi, nhưng một phần cũng là để trả lời câu hỏi, “rốt cuộc thì, mình muốn làm gì với cuộc đời mình?”. Đó là giai đoạn mình đang đấu tranh tư tưởng cho bài toán, "về, hay ở ?", là bài toán mà ai đi xa rồi cũng có lúc sẽ phải đối mặt.
  Nước Nhật thật sự như thế nào ? Mình đã hiểu gì về nước Nhật, về người Nhật? Mình đã sẵn sàng để rời bỏ hay chưa. Hay còn có gì để mà lưu luyến ? Đấu tranh nội tâm có rất nhiều dằn vặt, nên mình chưa bao giờ viết về những trải nghiệm trong chuyến đi đó. Bởi có những ký ức phải rất lâu sau người ta mới tìm được can đảm để ngồi nhớ lại.
  Hôm nay, mình sẽ kể về chuyến đi ấy, để nhìn lại một chặng đường đã qua, và chia sẻ cùng bạn đọc những gì mình đã mắt thấy, tai nghe ở xứ sở mặt trời mọc.

 *   *   *
  Hãy bắt đầu, bằng một ngày nắng đẹp ở Vườn Sengan (Tiên Nghiêm Viên 仙巌園), thành phố Kagoshima, thuộc phía nam quần đảo Kyushu. Từ đây, chỉ cần đi thêm vài mươi cây số nữa, là đã đến mũi cực nam của Nhật Bản.
  Hãy cho phép mình kể lại câu chuyện, bắt đầu từ lát cắt ký ức ở điểm gần cuối hành trình ấy.

  Vườn Sengan với tổng diện tích 5ha, là thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Kagoshima, được xây dựng từ thế kỷ 17. Năm 2015, với tư cách là một phần của tổng thể di tích "Di sản cách mạng công nghiệp Minh Trị", vườn đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới,



  Nếu ai yêu thích kiến trúc Nhật Bản, chắc chắn sẽ cực kỳ thích nơi này. Ở đây có tất cả những gì là mẫu mực của nghệ thuật hoa viên thời Minh Trị, với cách bài trí, phối cảnh rất Nhật Bản, giản ước, nhưng rất chi tiết, tinh tế và diễm lệ.



  Nhà chính là nơi sinh hoạt của dòng họ samurai Shimazu, dòng họ đã cho xây dựng ngôi vườn này từ thế kỷ 17. Các đời samurai Shimazu thừa hưởng ngôi vườn này, từ đó mở rộng, và thêm thắt hơn nữa cho khu vườn. Năm 1736, Shimazu Yoshitaka đã cho xây thêm khu vực ngồi thưởng ngoạn ngâm thơ quanh suối gọi là kyokusui-no-en, và trồng một vườn tre Giang Nam lấy giống từ xứ Lưu Cầu.


  Thời Mạc Phủ, samurai đời thứ 28 của dòng họ là Shimazu Nariakira đã sử dụng một phần của khu vườn để xây lò rèn và xưởng chế tạo thủy tinh theo phương pháp Châu Âu. Sau đó, từ cuối thời Mạc Phủ đến thời kỳ Minh Trị, vườn Sengan đã trở thành nơi tiếp đón các vị khách quan trọng đến từ Hà Lan, Nga, Anh Quốc thăm Kagoshima. Từ đó, vườn Sengan đã trở thành một trong những chứng nhân quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Nhật Bản cận đại.


  Trong vườn, cây tùng trăm năm tuổi cũng nghiêng ngả theo thời gian, khiến người ta phải dựng lên rất nhiều cột chống cho cây. Dưới góc tùng, thấp thoáng một cái đình nhỏ, là nơi dòng họ Shimazu đặc biệt xây nên để ngắm bán đảo Sakurajima nằm chếch phia bên phải đối diện, chỉ cách vườn một eo biển nhỏ.

  Đứng trên con đường lát đá dăm thoai thoải trong vườn, mình lặng lẽ đứng ngắm nhìn bán đảo Sakurajima, hay theo như đúng cái tên, có thể dịch là Đào Hoa Đảo. Nước xanh trong vắt, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh.


  Bán đảo này thực ra chính là một núi lửa đang còn hoạt động, nằm lọt thỏm trong eo biển của quần đảo Kyushu. Không ai biết nó sẽ lại phun trào vào lúc nào, cũng như không ai biết trận động đất tiếp theo sẽ đến vào lúc nào. Người Nhật sống điềm tĩnh, nghiễm nhiên đối mặt với những tai họa thiên nhiên. Với họ, Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa qua đi đều quý giá, thơ ca ẩm thực văn hóa Nhật luôn dành những lời ngợi ca trân trọng nhất cho cái đẹp của những khoảnh khắc giao mùa. Có lẽ, bởi họ biết cái mỏng manh, vô định của cuộc sống, và cái hữu hạn của thời gian. 
  Khoảnh khắc đó, khi nhìn thấy gốc tùng già, trong lòng bỗng dâng lên một nỗi mệt mỏi, hoài nghi, nghiêng ngả mơ hồ.
  Mười bốn ngày trước, mình đã rời khỏi Tokyo quen thuộc, để bắt đầu một chuyến hành trình....

-> tiếp theo: part 2 



Có những lúc, cảm thấy trong lòng thật sự tịch mịch.

 “Tịch mịch”, hai chữ này không xuất hiện nhiều trong văn chương Việt Nam, vì vốn là một từ Hán Việt. Trong mấy năm gần đây, “tịch mịch” bắt đầu xuất hiện nhiều trong những bản dịch Việt ngữ của các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Và dần dần, "tịch mịch" đã được người đọc Việt Nam thừa nhận như là một định nghĩa khác của sự ở một mình.

“Tịch mịch” khác với cô đơn, bởi cô đơn bao hàm cả sự hoảng sợ, hoang mang, nói “ta cô đơn” cũng đồng nghĩa với việc ta sợ hãi lắm việc ở một mình, đừng rời bỏ ta, đừng từ chối ta. Còn “tịch mịch”, là vắng vẻ, là cảm giác lặng lẽ chấp nhận cái vắng vẻ ấy, với một chút đau thương, bi ai, như ẩn chứa một nụ cười nhàn nhạt trong khóe mắt. Trong hai chữ “tịch mịch” không có sự van xin cầu khẩn, không có nỗi sợ hãi, nó chỉ chấp nhận việc ở một mình nghiễm nhiên như đã vậy, như một vết thương đã lành sâu.

Trái tim tịch mịch, bởi vì nó hiểu rằng không có gì vô định, mong manh dễ vỡ hơn cảm giác mê luyến giữa người với người. Ai mà chẳng khao khát một cái nắm tay tha thiết, một câu nói “có ta ở đây”, một vòng tay kiên định. Nhưng rồi có gì là thực, có gì là tồn tại mãi mãi ? 

Khi trái tim đã khắc đầy những vết sẹo chồng chéo lên nhau, nó sẽ không còn muốn có thêm đau đớn nữa, chỉ muốn thiết tha trong tịch mịch của riêng mình. Không phải nó không còn biết đến yêu thương, chỉ là, với nó, yêu thương đã ngày càng xa vời và không đáng nhắc tới.

Nó không cô đơn, nó chỉ là tịch mịch.


Food & Travel & Everyday Life

.