(tiếp theo part 1)

 Mười bốn ngày trước, mình xách balô ra ga Shinagawa ở Tokyo, bắt tàu xuôi về miền nam.
 Dự kiến hành trình sẽ xuất phát từ Tokyo, đi dọc theo chiều dài nước Nhật, qua Kyoto, Okayama, vòng qua Kawaga, Kochi, về lại Hiroshima, rồi Fukuoka, đến cực nam đảo Kyushu là thành phố Kagoshima và ga cực nam của đất nước là Nishi-oyama.


  Trong cả chuyến đi, mình chủ yếu đi bằng tàu, sử dụng vé seishun 18-kippu. Đây là loại vé rẻ, chỉ được bán vào kỳ nghỉ xuân, nghỉ hè và nghỉ đông, chủ yếu để hỗ trợ cho sinh viên học sinh đi du lịch. Khi mua vé này phải bạn mua theo 1 set gồm 5 vé, có giá là 11,850 yen. Mỗi vé có thể sử dụng trong 1 ngày 24 tiếng, đi bất cứ tàu nào đến bất cứ đâu trên toàn nước Nhật, miễn là không phải tàu cao tốc Shinkansen hay tàu nhanh Express.
  Ngày đầu tiên, mình đi dọc theo tuyến JR Tokaido-sen, qua Atami, Hamamatsu, Toyohashi, Meibara, đến Kyoto khi trời vừa xẩm tối. Dọc theo khu vực này hệ thống nối chuyến tàu khá thông suốt, mình đi rất nhanh và thuận lợi, không gặp vấn đề gì lớn dọc đường. Đến Kyoto, mình đặt một youth hostel ở gần khu trung tâm Kyoto, và lưu lại đó 2 ngày.
  Ngày thứ nhất, mình thăm lại chùa Kyomizu-dera, ngắm hoa sakura vừa mới nở rộ, rồi đến khu Sannenzaka đi dạo loanh quanh....


  Chùa Kyomizu-dera, hay theo tên hán tự là Thanh Thủy Tự, nằm trên một ngọn đồi phía đông thành phố Kyoto với lịch sử hơn một ngàn năm, là di sản thế giới được Unessco công nhận. Toàn bộ ngôi chùa được xây dựng bằng phương pháp ghép lộng, không sử dụng một cây đinh nào. Trong chùa, từ chính điện rẽ sang phải một chút, là phần lan can bằng gỗ cao 13m so với mặt đất, đứng từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh thành phố Kyoto ở dưới chân đồi, và những cây sakura nở rộ rợp cả một góc trời.



Hôm ấy là một ngày mùa xuân dịu mát, thỉnh thoảng mưa lất phất, người đi thăm chùa rất đông, có cả những tốp nam nữ mặc kimono đủ màu sắc rực rỡ. Trong chùa, một vài đoàn du lịch của Vietravel nói tiếng Việt í ới. Việc nới lỏng visa cho khách du lịch trong mấy năm gần đây đã giúp tăng số lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản một cách đáng kể. Còn khách du lịch người Trung Quốc thì gần như đông đúc quanh năm, đặc biệt ở Kyoto là điểm đến của hầu như mọi tour du lịch.



 Mình đi dạo vòng quanh chùa, rồi xuống vườn, qua thác nước Otowa, rẽ vào đường xuống núi. Ven đường quanh núi, có một trà thất, với những chiếc ghế gỗ cho khách ngồi uống trà. Mình ghé vào, uống một chén trà matcha và ăn một ít bánh ngọt.


 Từ chùa Kyomizu-dera, mình đi bộ lững thững xuống khu dốc San-nen-zaka, Ni-nen-zaka, nơi tập trung các của tiệm, nhà hàng cổ kính, đông đúc người qua lại. Lác đác, còn thấy bóng dáng một vài cô gái mặc kimono theo kiểu geisha, cổ áo sau lưng trễ nải xuống một cách cố tình, với phần thắt lưng obi, dải tay áo nổi bật, đầu cài hoa màu rực rỡ. Trên mặt các cô bôi phấn trắng, trang điểm đậm, dưới chân đi guốc gỗ lách cách.



  Ở khu này, mình ghé vào ăn hai món nổi tiếng là bánh bao nhân đậu nành và mì nishin-soba. Ăn xong mình lại đi bộ tiếp đến đền Kodaiji. Đền Kodaiji nổi tiếng với khu vườn cát, cát trong một khoảng đất trống được bố trí với nhiều gợn sóng, là một kiểu vườn thiền nổi tiếng của Kyoto. Giá như nơi đây ít khách du lịch đi một chút, để được ngồi ngắm nhìn vườn cát này một cách yên tĩnh và tập trung, thì chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thiền không thể nào quên được. Nhưng đáng tiếc, vì khách đến thăm quá đông, nên một người không thể ngồi ở đây quá lâu hơn 15 phút.

Image result for kodaiji

  Ra khỏi vườn cát, là đến khu vườn tre xanh mướt, và một khu vườn nữa theo kiểu tsukiyama, với hồ nước, núi nhân tạo, đá, cây thông, cây bách, cây phong. Vào mùa thu, khi lá đổi màu, chắc chắn khu vườn này sẽ rất đẹp.
  Rời Kodaiji, mình đi bộ tiếp tục, và lát sau thế nào lại đi lạc vào công viên Maruyama. Nơi đây đang có lễ hội mùa xuân, còn gọi là hanami matsuri, để ngắm hoa anh đào (sakura). Công viên Maruyama là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất để ngắm hoa sakura vào mùa xuân ở Kyoto, nên khách đi chơi nườm nượp, gồm cả khách du lịch và người dân Kyoto. Có rất nhiều hàng quán bán đồ ăn vặt hai bên lối vào công viên, nào là mì xào, ebisen, mực nướng, takoyaki, nước ngọt.... Trong công viên, từng dãy từng dãy hoa sakura nở rộ, tương phản với bầu trời xanh biêng biếc.
 Ra khỏi công viên, đi thêm một chút nữa là đến đền Yasaka, hay còn gọi là đền Gion, nằm ngay bên cạnh công viên Maruyama. Đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 14, nổi tiếng với lễ hội Gion Matsuri diễn ra vào tháng 7 hàng năm.

 


 Trong khuôn viên đền, phía trước chính điện là một sân khấu nhỏ, khách xem có thể đứng nhìn từ bốn phía, trên sân khấu đang biểu diễn nhạc truyền thống Nhật Bản với những người phụ nữ mặc kimono, vừa hát, vừa đánh đàn shamisen. Giai điệu những bài hát trầm, thấp, như chan chứa một nỗi niềm không sao tả được, lẫn trong tiếng gió xuân dịu nhẹ.
  Kyoto đang độ vào xuân, nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu. Thế nhưng, sao giai điệu của tiếng đàn shamisen vẫn cứ buồn đến thế ?

  *  *  *
  Ngày thứ hai, mình thức đậy từ lúc sáng sớm, đi tàu điện đến gần khu chợ nổi tiếng của thành phố, chợ Nishiki (錦市場). Nơi đây được khách thập phương gọi ưu ái là Kyoto's Kitchen, là nơi bạn có thể khám phá ra rất nhiều đặc sản của Kyoto, cũng như những gì được coi là tinh túy nhất của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Chợ Nishiki có kiến trúc là một dãy hành lang rất dài, hai bên hành lang là các cửa tiệm bán đủ thứ, từ hải sản tươi sống, rau củ quả, đồ khô, các loại dưa muối, bánh kẹo.... cho đến chén, bát, dụng cụ nấu ăn... Nhiều cửa hiệu ở đây đã có từ rất lâu đời, buôn bán truyền nghề qua nhiều thế hệ, nghe nói cửa hiệu đầu tiên ở chợ Nishiki đã được mở cửa năm 1310.

Image result for nishiki market

  Ở đây, mình thích nhất là những hàng dưa muối, với hàng trăm chủng loại khác nhau, gọi chung là kyo-tsuke. Người bán hàng sẵn sàng cho bạn ăn thử rất nhiều chủng loại dưa muối khác nhau, từ bắp cải, cà rốt, dưa chuột, đến măng, cà tím, củ gobo... Ở hàng bán đồ khô, mình bắt gặp những khúc cá  katsuo-bushi, khô cứng rất lâu năm, nhìn qua cứ tưởng là cá gỗ ! Người ta bào mỏng những lát cá katsuo-bushi này, trở thành món cá bào katsuo, đây là nguyên liệu truyền thống không thể thiếu cho các món canh kiểu Nhật, hoặc trộn rau, làm topping cho okonomiyaki, takoyaki....



Kyoto cũng rất nổi tiếng với món đậu phụ, ở chợ Nishiki có một cửa hàng nhỏ chuyên làm đậu phụ và sữa đậu nành, đặc biệt có món váng sữa đậu nành gọi là yuba, ăn với tương shoyu và yuzu rất ngon. (Những điều thú vị về ẩm thực Kyoto trong mấy ngày này được mình ghi lại trong bài Món ngon Kyoto.)

  Rời chợ Nishiki, mình đi tàu điện đến thăm Fushimi Inari Taisha, ngôi đền có hàng ngàn cổng tori sơn đỏ thần bí, có thể được coi là biểu tượng du lịch của Kyoto.
 

Phải mất đến gần 3 tiếng đồng hồ để leo hết đồi Fushimi, đi qua hết hàng ngàn cánh cổng tori đỏ. Giữa tháng 4, cái lạnh thấm vào da thịt hòa trộn với những giọt mồ hôi thấm mệt sau mấy tiếng đồng hồ leo núi. Ở giữa chặng đường, có một hồ nhỏ nằm tĩnh lặng ven vách núi, bên hồ có một cây sakura nở bung những cánh hoa hồng nhàn nhạt, tương phản với màu đỏ chói mắt của tori, làm mình cứ đứng mãi mà nhìn ngẩn ngơ...

  Kyoto khi đêm xuống, những cây sakura vẫn nở rộ dưới ánh đèn. Những đôi yêu nhau vẫn đi dạo dưới trời đêm mát dịu, tiếng hát của một người hát dạo đánh ghi ta vang lên trong đâu đó. Ai ai, cũng có cái vội vã của riêng mình...


 Hôm sau, tạm biệt Kyoto, mình khởi hành đi Hiroshima...


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.