Cách đây ba năm, mình đã có một chuyến hành trình, một mình đi từ Tokyo đến tận mũi cực nam của Nhật Bản.
  Chuyến đi đó một phần là để rong chơi, nhưng một phần cũng là để trả lời câu hỏi, “rốt cuộc thì, mình muốn làm gì với cuộc đời mình?”. Đó là giai đoạn mình đang đấu tranh tư tưởng cho bài toán, "về, hay ở ?", là bài toán mà ai đi xa rồi cũng có lúc sẽ phải đối mặt.
  Nước Nhật thật sự như thế nào ? Mình đã hiểu gì về nước Nhật, về người Nhật? Mình đã sẵn sàng để rời bỏ hay chưa. Hay còn có gì để mà lưu luyến ? Đấu tranh nội tâm có rất nhiều dằn vặt, nên mình chưa bao giờ viết về những trải nghiệm trong chuyến đi đó. Bởi có những ký ức phải rất lâu sau người ta mới tìm được can đảm để ngồi nhớ lại.
  Hôm nay, mình sẽ kể về chuyến đi ấy, để nhìn lại một chặng đường đã qua, và chia sẻ cùng bạn đọc những gì mình đã mắt thấy, tai nghe ở xứ sở mặt trời mọc.

 *   *   *
  Hãy bắt đầu, bằng một ngày nắng đẹp ở Vườn Sengan (Tiên Nghiêm Viên 仙巌園), thành phố Kagoshima, thuộc phía nam quần đảo Kyushu. Từ đây, chỉ cần đi thêm vài mươi cây số nữa, là đã đến mũi cực nam của Nhật Bản.
  Hãy cho phép mình kể lại câu chuyện, bắt đầu từ lát cắt ký ức ở điểm gần cuối hành trình ấy.

  Vườn Sengan với tổng diện tích 5ha, là thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Kagoshima, được xây dựng từ thế kỷ 17. Năm 2015, với tư cách là một phần của tổng thể di tích "Di sản cách mạng công nghiệp Minh Trị", vườn đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới,



  Nếu ai yêu thích kiến trúc Nhật Bản, chắc chắn sẽ cực kỳ thích nơi này. Ở đây có tất cả những gì là mẫu mực của nghệ thuật hoa viên thời Minh Trị, với cách bài trí, phối cảnh rất Nhật Bản, giản ước, nhưng rất chi tiết, tinh tế và diễm lệ.



  Nhà chính là nơi sinh hoạt của dòng họ samurai Shimazu, dòng họ đã cho xây dựng ngôi vườn này từ thế kỷ 17. Các đời samurai Shimazu thừa hưởng ngôi vườn này, từ đó mở rộng, và thêm thắt hơn nữa cho khu vườn. Năm 1736, Shimazu Yoshitaka đã cho xây thêm khu vực ngồi thưởng ngoạn ngâm thơ quanh suối gọi là kyokusui-no-en, và trồng một vườn tre Giang Nam lấy giống từ xứ Lưu Cầu.


  Thời Mạc Phủ, samurai đời thứ 28 của dòng họ là Shimazu Nariakira đã sử dụng một phần của khu vườn để xây lò rèn và xưởng chế tạo thủy tinh theo phương pháp Châu Âu. Sau đó, từ cuối thời Mạc Phủ đến thời kỳ Minh Trị, vườn Sengan đã trở thành nơi tiếp đón các vị khách quan trọng đến từ Hà Lan, Nga, Anh Quốc thăm Kagoshima. Từ đó, vườn Sengan đã trở thành một trong những chứng nhân quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Nhật Bản cận đại.


  Trong vườn, cây tùng trăm năm tuổi cũng nghiêng ngả theo thời gian, khiến người ta phải dựng lên rất nhiều cột chống cho cây. Dưới góc tùng, thấp thoáng một cái đình nhỏ, là nơi dòng họ Shimazu đặc biệt xây nên để ngắm bán đảo Sakurajima nằm chếch phia bên phải đối diện, chỉ cách vườn một eo biển nhỏ.

  Đứng trên con đường lát đá dăm thoai thoải trong vườn, mình lặng lẽ đứng ngắm nhìn bán đảo Sakurajima, hay theo như đúng cái tên, có thể dịch là Đào Hoa Đảo. Nước xanh trong vắt, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh.


  Bán đảo này thực ra chính là một núi lửa đang còn hoạt động, nằm lọt thỏm trong eo biển của quần đảo Kyushu. Không ai biết nó sẽ lại phun trào vào lúc nào, cũng như không ai biết trận động đất tiếp theo sẽ đến vào lúc nào. Người Nhật sống điềm tĩnh, nghiễm nhiên đối mặt với những tai họa thiên nhiên. Với họ, Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa qua đi đều quý giá, thơ ca ẩm thực văn hóa Nhật luôn dành những lời ngợi ca trân trọng nhất cho cái đẹp của những khoảnh khắc giao mùa. Có lẽ, bởi họ biết cái mỏng manh, vô định của cuộc sống, và cái hữu hạn của thời gian. 
  Khoảnh khắc đó, khi nhìn thấy gốc tùng già, trong lòng bỗng dâng lên một nỗi mệt mỏi, hoài nghi, nghiêng ngả mơ hồ.
  Mười bốn ngày trước, mình đã rời khỏi Tokyo quen thuộc, để bắt đầu một chuyến hành trình....

-> tiếp theo: part 2 


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.