Hồi còn hay đi công tác Kuala Lumpur, mình thường hay đi cùng với các sếp Nhật, mà các sếp thì hay sợ đau bụng và ít khi ăn được cay, nên mình ít khi đi ăn đồ ăn Malaysia. Chỉ thỉnh thoảng khi sếp bận họp, mình mới có cơ hội đi ăn trưa cùng với các đồng nghiệp người Malaysia. Và chính trong một dịp như thế, mình đã được các bạn đồng nghiệp dẫn đi ăn ở một tiệm cơm nasi campur. Trong tiếng Malay, nasi nghĩa là cơm, campur nghĩa là trộn, nên nasi campur có thể nói nôm na là cơm trộn.

 
Gà rán, cá rán trong một tiệm nasi campur

Ở Malaysia, bạn có thể bắt gặp nasi campur ở bất cứ đâu, trong góc phố, trên vệ đường, ở nhà ăn của một office, building, hoặc thậm chí trong food court của một shopping mall sang trọng. Trung bình một tiệm nasi campur bao giờ cũng có khoảng gần 20 món khác nhau cho thực khách lựa chọn, có cơm trắng, cơm chiên, mì xào, rau xào, rau trộn, cà ri gà, cà ri cá, trứng kho, cá rán, mực xào.... với cách gia giảm và phối hợp nguyên liệu rất phong phú, riêng biệt và đặc sắc kiểu Malaysia. Bạn có thể chọn bất cứ món nào mà mình muốn, và người bán sẽ cho tất cả lên một đĩa, tính tiền theo đơn vị món ăn. Mặc dù nhìn hình thức có vẻ hơi lộn xộn và không được đẹp mắt cho lắm, nhưng mùi vị của các món ăn ở nasi campur rất đậm đà, ngon miệng. Và hơn hết, vẫn là cái cảm giác sung sướng khi được tự do lựa chọn giữa một rừng các món ăn khác nhau, món nào cũng lạ, cũng muốn ăn, muốn thử. Giá trung bình của các quán nasi campur đều rất mềm, rẻ hơn ăn McDonald hay KFC nhiều mà lại ngon hơn hẳn.
Một đĩa cơm nasi campur với cơm trắng, rau muống xào, đậu bắp trộn, mực xào, cà ri trứng, chan nước cà ri cá

 Cơm nasi campur với cơm chiên cà ri, cá kho, đậu xào, xa lát chua ngọt với thơm, dưa leo, hành tím, rưới nước mắm nêm.

 Dãy món ăn nasi campur trong một shopping mall ở Kuala Lumpur

 Cơm nasi campur với rau xào các loại, và một ly limau (nước quất lạnh)

 Ngồi nhìn lại những bức ảnh về nasi campur, không dưng mình lại nghĩ về Ting, một đồng nghiệp người Malaysia của mình. Ting là người gốc Hoa, nhỏ hơn mình 2 tuổi, cũng sang Nhật du học một thời gian dài, sau đó trở về Malaysia làm việc. Cô gái có vóc dáng nhỏ bé này làm việc rất chăm chỉ, khéo léo và cương quyết, và là người đã hỗ trợ cho mình rất nhiều khi ở Malaysia. Mình và Ting tuy hoàn cảnh xuất thân, bối cảnh văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, nhưng hai đứa đều cùng hâm mộ một ca sĩ, cùng mê một bộ phim TVB Hồng Kông, cùng có những trăn trở như nhau về công việc-sự nghiệp-tình cảm, và cùng mê một món cá thu rán giòn tan thơm lừng ở nasi campur gần office công ty....

Tự nhiên, nhớ nụ cười của Ting dễ sợ.




Tháng 3, hoa sakura kazura đã nở rộ khắp vùng Izu, Kanagawa.
Rực rỡ, tươi mới và đầy sức sống. Mùa xuân, mùa sakura nở, là mùa của nhiều sự kết thúc, và nhiều sự khởi đầu. Một năm học mới bắt đầu, một việc làm mới bắt đầu, một cuộc sống mới bắt đầu... Mùa sakura năm nay, cũng là một mùa đặc biệt đối với mình, mình sắp kết thúc một chặng đường cũ, an toàn và quen thuộc, để bước vào một chặng đường mới, nhiều cam go và thử thách  hơn, nhưng hy vọng cũng sẽ có nhiều say mê và hứng khởi hơn.

"Life begins from the end of your comfort zone"






(photo taken at Matsuda Sakura Festival, Kanagawa 2014.03.09 )



Okonomiyaki là một món "bánh" của Nhật, làm từ bột mì, nhân bắp cải, trứng, tôm, thịt, hải sản..... phía trên phết xốt okonomiyaki, mayonnaise, hành, rắc nori (rong biển khô), katsuo (cá ngừ khô bào mỏng), tenkasu (vụn bột rán), benishoga (gừng chua).....với rất nhiều cách chế biến và kiểu ăn khác nhau. Okonomiyaki là một món ăn chơi rất điển hình và phổ biến ở Nhật, "okonomi" có nghĩa là tùy thích, "yaki" có nghĩ là nướng (thật ra cách chế biến món này gần với rán hơn).

Okonomiyaki có rất nhiều biến thể, nhưng có thể tạm chia thành hai loại.

1. Okonomiyaki vùng Kansai (bao gồm Tokyo, Osaka, Kobe, Kyoto...)



   Đặc điểm cơ bản nhất của okonomiyaki loại này, là các nguyên liệu được trộn chung với nhau rồi mới rán. Bột mì hòa vào nước hoặc nước dùng dashi (nấu từ rong biển konbu và cá khô),  sau đó trộn thêm bắp cải thái sợi, thịt heo, trứng, tùy sở thích mà có thể là bạch tuộc, mực, kim chi, phô mai, bánh nếp thái nhỏ, các loại rau củ.....(đã gọi là okonomi - tùy ý thích mà). Sau đó cho hỗn hợp này lên "chảo" sắt teppan  (giống như mặt bàn làm bằng sắt) rán thành từng bánh tròn. Một số nơi rán vỏ bánh trước, sau đó cho nhân lên trên, rồi phủ một lớp vỏ trên cùng, nhưng đều có điểm chung là trộn chung các loại nhân với nhau. Cuối cùng người ta sẽ phủ lên mặt bánh xốt okonomiyaki, mayonnaise, nori , katsuotenkasu...
 (Có loại không dùng bột mì mà dùng bột củ từ nghiền để rán, gọi là monjayaki )





2. Okonomiyaki vùng Hiroshima


Khác với okonomiyaki kiểu Kansai, đặc điểm của okonomiyaki kiểu Hiroshima là
 a) các nguyên liệu được rán thành từng lớp một 
 b) trong nhân có yakisoba (mì xào) hoặc udon (mì sợi to, dày)
Đầu tiên người ta rán lớp vỏ bánh, sau đó thêm lớp bắp cải lên trên, rồi lớp thịt heo, các nguyên liệu tùy chọn khác cũng được rán theo từng lớp, từng lớp lên trên, sau đó là một lớp mì xào, trên cùng thêm một lớp vỏ bánh nữa. Okonomiyaki của Hiroshima cũng được rán bằng teppan, và ăn với xốt okonomiyaki, mayonnaise, nori , katsuotenkasu...

Về xốt okonomiyaki, thì ở Nhật phổ biến nhất là xốt dành riêng cho okonomiyaki của hãng Otafuku.   Tiền thân của okonomiyaki là ichisenyaki (bánh nướng 1 đồng), kích thước nhỏ hơn okonomiyaki ngày nay rất nhiều và là món quà vặt dành cho trẻ em. Xốt dành cho okomiyaki ban đầu chỉ là xì dầu nhật hoặc xốt kiểu Worcestershire của Mỹ, sau này hãng Otafuku mới chế ra loại xốt dành riêng cho okonomiyaki, với vị ngọt hơn, chứa nhiều rau củ và hương liệu hơn, và đặc hơn để khi phết lên okonomiyaki xốt không bị chảy và tràn ra ngoài. Loại xốt này giờ đây cực kỳ phổ biến ở Nhật, nói đến xốt okonomiyaki là nói đến xốt của Otafuku, công ty Otafuku đặt văn phòng chính ở Hiroshima, đất của okonomiyaki. Nhưng ngoài ra cũng có một số thương hiệu xốt khác dành cho okonomiyaki, như xốt Ikari ở Osaka, xốt Oliver ở Kobe, xốt Kagome ở Nagoya...


Trong tiếng Việt, nhiều nơi dịch okonomiyaki là "bánh xèo Nhật Bản", "pizza Nhật Bản"...thực ra mình cũng không biết dịch thế nào là chính xác nhất, với mình thì okonomiyaki chỉ là okonomiyaki thôi :). Điều buồn cười là trong tiếng Nhật, bánh xèo Việt Nam được dich là ベトナム風お好み焼き - "okonomiyaki kiểu Việt Nam" :))




ayu, dịch ra tiếng Việt nghĩa là cá chẽm, nhưng thực sự mình cũng không biết cá ayu ở Nhật và cá chẽm Việt Nam có gì khác nhau không, vì khoản phân biệt các loại cá thì mình mù tịt.

Nhưng ở Nhật, cá ayu nướng muối là món ăn mà mình rất thích, vì hương vị tươi ngon của thịt cá tươi, mùi thơm cháy xém của da cá khi nướng bằng lửa than rất hấp dẫn và kích thích vị giác. Cá ayu ở Nhật không nướng trực tiếp trên lửa, mà thường được xiên trên một que gỗ hoặc que tre nhọn, đặt cách xa ngọn lửa một tẹo và để cá chín tự nhiên từ hơi nóng của lò lửa. Cá được sử dụng để nướng phải là cá thật tươi, không tẩm ướp gì cả mà chỉ rắc lên một ít muối hạt - arashio, để tăng vị ngọt của thịt cá.



Khi nướng cá bao giờ cũng phải để miệng cá hướng xuống phía dưới, người ta nói rằng sở dĩ phải làm như vậy vì cá ayu là loại cá sông, thịt chứa nhiều nước hơn cá biển, nên phải để miệng cá chúc xuống phía dưới để nước từ thịt cá chảy ra, thịt sẽ săn lại và có hương vị đậm đà.

Cá ayu nướng muối thường hay bán ở các khu hội chợ, các khu du lịch ở Nhật, giống như một món street food, và thường gặp nhất là vào khoảng cuối xuân, đầu hè.

Da cá giòn giòn, thịt tươi, thơm, ngọt, vị muối arashio không quá mặn, có thêm một ly bia nữa thì tuyệt vời.....





Thực ra thì cũng chẳng có gì để viết, nhưng tự nhiên hôm nay mình thèm món Thái quá đi.
Nấu ở nhà thì lười, mà muốn đi ăn ngoài thì phải đi xa, nên thôi lục ảnh cũ năm ngoái đi Thái ra ngắm cho đỡ thèm (??) vậy.

Biết đâu ngắm một hồi, lại có hứng vào bếp....

 Rau rừng cuốn



Gai Yan - Thịt nướng chấm nước mắm ớt me


 Tom Yum Kung



 Xúc xích kiểu Thái

 Laab - Xa lát thịt bò nướng


 Xốt tương đậu xanh, rau chiên giòn, ớt chiên giòn, lá me tươi

 Bún tươi, đu đủ bào sợi, đậu cô ve

 Hai món này đi kèm với nhau

 Đổ tương đậu xanh lên bún và xoài

 Vậy là ta đã có món bún trộn tương đậu xanh

 Cà ri xanh, với chả cá, cà pháo, tiêu sọ xanh


 Rau muống xào

 Chuối nướng

Chè đậu đỏ


1. Trà sữa trân châu

Hồi còn ở Việt Nam, nói đến trà sữa là mình sẽ nghĩ ngay đến trà sữa trân châu, thứ quà vặt hấp dẫn của học sinh, sinh viên. Những viên trân châu tròn tròn nho nhỏ làm từ bột tapioca, màu đen tuyền trong suốt, nằm trong ly trà sữa nâu nâu nhạt nhạt, tựa như mấy cái chấm bi tinh nghịch trên nền áo. Trà sữa trân châu uống lạnh, thơm thơm, béo béo, ngọt ngọt, lúc dùng ống hút "tóm" được mấy viên trân châu vào miệng, cảm giác dai dai, mềm mại, mát rượi buổi trưa hè.

Hồi mình còn học cấp 3, thì ở Đà Nẵng chưa có bán trà sữa trân châu, lần đầu tiên mình uống trà sữa trân châu là lúc vào Sài Gòn, hình như uống ở chỗ gì đó gần chợ Bến Thành, lâu quá rồi không nhớ. Nhiều năm trôi qua, giờ thì món quà vặt xuất xứ từ Đài Loan này đã trở thành thứ đồ uống phổ biến ở Việt Nam, là món giải khát khoái khẩu của tuổi teen và mấy đứa "lau nhau mới lớn".

Năm 2011, lần đầu tiên mình đi Đài Bắc, hớn hở đi tìm uống cho bằng được trà sữa trân châu "chính gốc" của xứ Đài. Khi thấy được tận mắt các quán giải khát ở Đài Bắc làm trà sữa trân châu như thế nào, thì mình hơi bị "cụt hứng". Người ta đổ vào ly plastic hỗn hợp gồm bột trà + bột sữa + đường, thêm nước lạnh, đá, cho mấy viên trân châu vào, rồi cho vào một cái máy xóc xóc lắc lắc một hồi, là ra thành phẩm. Mọi thứ rất "công nghiệp hóa", nhanh lẹ, 30 giây là xong, chứ không "lãng mạn" pha nước trà, đun sữa thủ công như mình tưởng tượng.


Thôi thì, thời đại công nghiệp hóa, thứ thức uống thuộc loại street food, fast food như trà sữa trân châu thì phải vậy. Miễn uống vào thấy ngon là được rồi, đòi hỏi chi nhiều. Tưởng tượng nhiều quá, dễ làm ta thất vọng.

2. Masala Chai

Masala chai là thứ thức uống duy nhất, luôn luôn khiến cho mình phải bất giác mỉm cười mỗi lần uống, nhất là khi được nếm một ngụm masala chai nóng giữa một ngày mùa đông lạnh giá thì không còn gì tuyệt vời bằng. Mùi thơm và hương vị quyến rũ đặc biệt của masala chai luôn khiến người ta cảm thấy mình như được bao bọc trong một làn hơi ấm áp, ngọt ngào và hạnh phúc.

 "Chai" có nghĩa là trà trong tiếng Hindi, người ta nói rằng nó xuất phát từ cách phát âm chữ trà (茶) trong tiếng Trung. "Masala" tiếng Hindi có nghĩ là "spice-mix",  nên masala chai có thể dich nôm na là "spice tea". Masala chai có nguồn gốc từ Ấn Độ, thành phần chủ yếu gồm có trà đen, sữa tươi, đường, và các loại hương liệu như quế, gừng, đinh hương, nhục đậu khấu, bạch đậu khấu... Bạn có thể pha một ly masala chai đơn giản ở nhà, bằng cách đun sôi hỗn hợp nước+ lá trà trên bếp cho đến khi thật sôi, sau đó thêm gia vị tùy ý, đường, sữa, đun cho đến khi sữa vừa ấm (đừng để sôi) là được, sau đó lọc bã trà ra, vậy là bạn đã có một ly masala chai tuyệt vời rồi. Không có công thức cố định cho một ly masala chai, ở Ấn Độ mỗi gia đình đều có công thức pha masala chai riêng của mình, với các thành phần hương liệu gia giảm tùy theo sở thích. Nhà mình bây giờ trữ cả một dãy chai lọ các loại gia vị, dành để nấu nướng thì ít mà để pha masala chai thì nhiều.

Lần đầu tiên mình uống masala chai là vào năm thứ 6 ở Tokyo. Hồi đó, mình vẫn còn là một con bé nhà quê, suốt ngày cắm đầu cắm cổ làm việc trên lab, rồi đi dạy thêm, đi làm nhân viên bán hàng ở siêu thị để trang trải tiền học và tiền sinh hoạt phí. Có một ngày, mình vẫn còn nhớ đó là một ngày mùa đông tháng 12 rất lạnh, tuyết rơi lất phất, một chuyện gì đó đã xảy ra làm mình rất buồn, nên mình cứ thế đi dạo lang thang, hết dãy phố này đến dãy phố khác. Tình cờ, mình ghé vào một quán Starbucks bên đường, và gọi một ly masala chai, vì thấy cái tên nghe là lạ. Mình ngồi ở quán Starbucks, vừa uống vừa lặng lẽ nhìn tuyết rơi.... Đó là lần duy nhất, mình đã không cười được khi uống masala chai....


3. Uyên ương
Mình là một fan ruột của phim bộ Hồng Kông, bắt đầu coi phim Hồng Kông từ hồi còn học cấp 2, hồi đó chưa có đĩa DVD mà phải ra ngoài quầy thuê băng từ, khoảng 2000 đồng một cuốn. Hồi đó mình cứ thấy các diễn viên trong phim, vào quán trà hay kêu "một ly uyên ương" để uống. Mình cứ thắc mắc, uyên ương là cái chi, sao tên một đồ uống mà lấy cái tên chi "sến" rứa ? Vì nói tới uyên ương, là mình cứ tưởng tượng ra hình mấy con vịt sặc sỡ mấy cô tiểu thư trong phim hay thêu trên khăn tay hồng hồng, giả bộ tặng người yêu, nói chung là "sến rện"....

Sau này, mình mới biết uyên ương, đọc theo tiếng Quảng Đông là yuan yang (鴛鴦), là một thức uống phổ biến ở Hồng Kông, gồm trà sữa và cà phê trộn lẫn với nhau, có đôi có cặp, hèn gì mới gọi là uyên ương, lãng mạn dữ. Có dịp đi Hồng Kông, mình cũng tranh thử uống thử một ly uyên ương, quả thật nó có một hương vị đặc biệt mà không thức uống nào có được. Vị đắng của cà phê, mùi thơm của trà, vị ngọt béo của sữa, tất cả hòa quyện với nhau một cách bất ngờ. Không biết người Hồng Kông nào đã nghĩ ra thứ đồ uống lạ lùng này, nhưng quả thật, đó là một sáng kiến bất ngờ thú vị. 

Trà sữa cũng là món mà bạn nên thử khi đến Hồng Kông, nó đậm đà hơn hẳn trà sữa ở những nơi khác, nhất là khi bạn uống ở những quán trà kiểu cũ (cha chaan teng). Ở Hồng Kông, trà sữa thường được pha bằng trà đen, thường là trộn giữa trà Pu-erh và trà Ceylon, trà được nấu liu riu trên bếp khoảng 5-6 phút, sau đó được lọc bằng một túi vải giống như cái bít tất mỏng của phụ nữ, nên ở Trung Quốc đại lục còn gọi trà kiểu Hồng Kông là trà "bít tất".  Trà này sau đó được pha với sữa đặc có đường hoặc sữa đánh ngầu bọt, thêm một chút bơ để tăng thêm vị béo. Ở những quán trà Hồng Kông chính hiệu, ngoài trà sữa ra thế nào cũng có bán kèm bánh trứng (egg-tart), giòn, xốp, thơm lựng, nhân trứng cực kỳ mịn màng, là món bánh ngọt được người Hồng Kông, Macau cực kỳ yêu thích. Nếu "dũng cảm" hơn một chút, bạn có thể thử món bánh mì chiên (Hong Kong style French toast), với bánh mì lát kẹp bơ đậu phộng hoặc mứt kaya, sau đó nhúng đều trong trứng gà, rồi rán ràng với bơ trên chảo thật nóng, dọn ra đĩa với một ít bơ nữa lên trên và thêm thật nhiều xi rô đường hoặc mật ong. Được CNN bầu chọn là một trong số 50 world's best food, món ăn này có hương vị rất tuyệt vời, miễn là bạn đừng nghĩ tới calori hay cholesterol :). 


                               Uyên ương ở Hồng Kông


                                            Bánh trứng ở Hồng Kông


Hong Kong style French toast



4. Teh Tarik
Đối với mình, teh tarik có một vị trí rất đặc biệt, cực kỳ đặc biệt, vì teh tarik gắn liền với một câu chuyện đặc biệt trong cuộc đời mình. Mỗi lần uống teh tarik, luôn gợi cho mình rất nhiều cảm xúc, có niềm vui, nỗi buồn, những nuối tiếc, và những kỷ niệm đẹp... 

Teh tarik là tên món trà sữa rất phổ biến ở Malaysia, Brunei và Singapore, đặc biệt nó được coi là thứ thức uống quốc gia (national drink) của Malaysia. "Teh" có nghĩa là trà trong tiếng Malay, đọc trại ra từ chữ tea của tiếng Anh. "Tarik" có nghĩa là kéo, giống ta kéo dây thừng vậy , vì vậy Teh Tarik có thể gọi là "trà kéo". Tên gọi này xuất phát từ hành động pha trà, trà sữa sau khi được pha xong sẽ được chia ra hai bình nhỏ, sau đó người ta sẽ lần lượt đổ trà từ bình này sang bình kia và ngược lại, với dòng trà sữa thật cao và thật dài, có cảm giác như đang kéo một sợi dây. Làm như vậy trà và sữa sẽ hòa quyện với nhau đều hơn, cho ra món trà sữa có hương vị sâu hơn và đằm hơn. 


Biểu diễn pha teh tarik

Trà dùng để pha teh tarik không phải là trà gì quý giá quá, thường chỉ là trà vụn, nhưng vị phải mạnh, màu phải đậm, sau đó được pha với sữa đặc có đường. Nguyên liệu tuy đơn giản chỉ có vậy, nhưng chọn loại trà nào, pha loại sữa nào, tỷ lệ bao nhiêu, công phu kéo như thế nào, lại là bí quyết của mỗi quán.

Đến Malaysia, bạn có thể uống teh tarik ở bất cứ đâu, từ nhà hàng sang trọng trong các khu trung tâm thương mại, đến các quán cà phê bình dân kopi tiam, hay các quán ăn mamak chuyên bán các những món Ấn-Malay với đủ mọi loại người... Mình thích nhất được ngồi uống teh tarik ở một quán cà phê bình dân, nơi bạn có thể gọi một ly teh tarik và thoải mải tám chuyện bao lâu cũng được, trong cái nóng của xứ nhiệt đới, với tiếng người cười nói xung quanh, và những cơn gió mùa hè thổi nhè nhẹ từ dòng sông Klang...

Và có lẽ câu chuyện vẫn chưa dứt, có lẽ bạn sẽ muốn gọi thêm một ly teh tarik nữa....


                                   Teh tarik ở Kuala Lumpur



Trong chuyến đi Malaysia năm ngoái, mình có may mắn đến Kualar Lumpur đúng vào ngày lễ Deepawali của người Ấn Độ. Malaysia là một nước đa sắc tộc, mỗi sắc tộc đều có một ngày lễ lớn nhất trong năm của riêng mình, với người Malay là tuần lễ Rayamadan, người Hoa là tết Nguyên Đán, và người Ấn là lễ Deepawali.

Lễ Deepawali, có nghĩa là "ngày hội của ánh sáng", cũng chính là tiết năm mới của người Ấn Độ, được tổ chức vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hàng năm. Vào ngày này, nghe nói ở khu Ấn Độ của Kualar Lumpur sẽ rất nhộn nhịp, kẹt xe liên tục. Mình không có may mắn được vào thăm khu Ấn Độ, nhưng lại có một may mắn khác, đó là được vào thăm một ngôi đền Hindu ở khu Central Market và chứng kiến những người Ấn Độ cầu nguyện cho năm mới.

Đó là một ngày nắng gay gắt tháng 10, không khí oi nồng. Mình nhìn bản đồ, đi qua đi lại mãi mới tìm thấy được ngôi đền Hindu, với chóp nhọn cao nhiều tầng nằm lọt thỏm trong khu phố xá người Hoa tấp nập. Hai bên đền là các hàng bán hoa, với những chùm hoa lan, hoa cúc kết thành từng vòng, từng dây sặc sỡ để dâng thánh. Trước cửa đền, có trồng hai cây chuối xanh rờn, trông hơi lạ lẫm với khung cảnh đường lát nhựa, lát bê tông trước mặt. Mình đoán, có lẽ hai cây chuối này có một ý nghĩa đặc biệt nào đó với người Hindu. Bên một góc cửa đền, là la liệt những đôi dép trẻ em, đàn ông, đàn bà để lại, vì luật bước vào đền là phải đi chân đất.









Nhập gia tùy tục, mình cũng tháo dép, lặng lẽ đi vào đền với một cảm giác hơi lo lắng, không biết có ai cản một đứa con gái với cái mặt rõ rành rành là non-Indian như mình bước vào đền thờ Hindu linh thiêng hay không. Nhưng không ai có vẻ chú ý đặc biệt gì đến mình. Có lẽ do hôm nay là ngày lễ năm mới, đông khách thập phương, hoặc cũng có lẽ do Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, nên người Ấn có vẻ dễ dãi hơn chăng. Hoặc cũng có lẽ, họ biết mình là khách du lịch nên để mặc mình tự do tham quan, ngắm nghía.

Trong đền, một đám đông đang tụ tập trước thánh điện. Ai ai cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đàn ông thì vest hoặc sơ mi là phẳng phiu, phụ nữ thì nổi bật với những bộ sa ri đỏ, vàng, xanh lam rực rỡ. Trẻ em cũng theo cha mẹ, các bé gái xúng xính trong bộ sa ri lấp lánh, các bé trai mặc trang phục cổ truyền Ấn Độ, nhìn rất xinh xắn và ngộ nghĩnh. Ở phía trên gần đàn thờ, các thầy tu mặc áo sa ri trắng, đang cầm đàn hương, lầm rầm cầu khấn những câu gì mà mình nghe không hiểu, nhưng mọi người xung quanh đều rất yên lặng và thành khẩn. Rồi các thầy tu cầm đàn hương, đi một vòng ra phía sau đền, mọi người đi theo yên lặng cầu nguyện.






Hết buổi cầu nguyện, không khí trở nên náo nhiệt hơn, các trẻ em chạy tung tăng đùa giỡn khắp nơi, những người phụ nữ bắt đầu ngồi bệt xuống dưới thềm lát đá hoa mát lạnh, trò chuyện ríu rít. Trong góc đền, một người đàn ông trong bộ áo cổ truyền màu trắng lặng lẽ đốt nến, cầu nguyện với nét mặt thành kính. Không biết ông ấy cầu nguyện điều gì ?






Mình cũng chọn cho mình một góc, ngồi bệt xuống sàn nhà, cảm nhận sự mát lạnh của đôi chân trần, nhìn ngắm những bộ sa ri sặc sỡ, mỉm cười với những đứa trẻ chạy xung quanh, lắng nghe mùi hương trầm bay trong gió.... Và tự nhiên, thấy lòng bình an lạ.

Phía trên, bầu trời xanh ngăn ngắt, những cánh chim chao mình bay lượn...



Food & Travel & Everyday Life

.