Ở Nhật, đến mùa mưa vào khoảng tháng 5, tháng 6, khi khí trời trở nên nóng và ẩm với những cơn mưa rả rích, thì cũng là lúc bắt đầu mùa hoa ajisai (hoa cẩm tú cầu). Lúc còn ở Tokyo, mỗi năm vào đến mùa này, dù bận rộn đến mấy thì mình và bạn bè cũng cố gắng sắp xếp thời gian để rủ nhau đi Kamakura, ngắm hoa ajisai với đủ sắc màu từ xanh, trắng, hồng, đến cả đỏ và tím.
Lúc ấy, trên những vệ đường, trong công viên ở khắp Tokyo cũng ngập tràn sắc màu của hoa ajisai. Với mình, hình ảnh những bông hoa ajisai nở rộ trong những cơn mưa luôn có cái gì đó mong manh và man mác buồn...

Nhưng ở Việt Nam, mùa hoa ajisai lại hoàn toàn khác hẳn. Mùa hoa ajisai ở Việt Nam (mà chủ yếu là ở Đà Lạt) thường bắt đầu vào khoảng giáp Tết, và kéo dài đến tháng 4, tháng 5 dương lịch. Hôm nay ra chợ, gặp dì bán hoa, hỏi thăm ajisai bao nhiêu một cành thì dì bảo, "bữa nay cuối mùa, tới 15 ngàn 1 cành rồi con, mấy bữa trước Tết, dì bán có 10 ngàn 1 cành hà".

Do chất đất, ajisai ở Việt Nam chủ yếu là màu xanh và trắng, cánh nhỏ và nhiều. Mình mua một cành ajisai, cắm ở phòng, để nhớ về những kỷ niệm cùng bạn bè ở Nhật.

Đi chợ Tân Định, mua được một mớ rau ngon, và 3 lạng cua lột. Lâu lắm rồi mình mới ăn cua lột, và đây là lần đầu tiên mình mua cua sống về nhà tự làm.

Cua rửa sạch, xào đơn giản với sa tế, nước mắm, đường, ớt tươi, hành, ngò, mua thêm ổ bánh mì nữa, vừa ăn vừa chấm vừa hít hà.



Đúng là cua lột, tuy giá hơi mắc một chút, nhưng ăn được cả nguyên con, từ cái mai, cái càng, cái nào cũng mềm và thơm.

Uống một lon bia 333, xem một bộ phim hay, thấy cuộc đời rất đẹp và mãn nguyện.

Hạnh phúc, phải chăng chỉ cần đến thế này...




Lâu lắm rồi mình mới lại nấu obento  (cơm hộp mang đi ăn trưa).
Khác với hồi còn ở Nhật, muốn ăn món gì theo khẩu vị thì phải chịu khó lăn vào bếp, về đến Việt Nam thì có biết bao nhiêu là chọn lựa, nào mì, phở, hủ tiếu, bánh bao, bánh cuốn, bánh mì....., nên mình đâm ra lười nấu, hầu như ngày nào cũng ăn ngoài.
Nhưng dần dần, rồi cũng đến lúc ngán ăn ngoài, mà thèm cái gì đó đơn giản, lành mạnh và tốt cho sức khỏe hơn, nên quyết định nấu lại bento. Hy vọng là sẽ kéo dài được lâu lâu.

Hôm nay là ngày đầu tiên:
- Nấm xào cà rốt
- Chả bò chiên
- Xa lát rau tươi với dressing (dầu oliu, nước tắc, đường, tiêu, muối)


Để tiết kiệm không gian trong bếp, mình quyết định không mua nồi cơm điện mà nấu cơm bằng nồi thường. Lại thấy có cái hay hay của nó, lúc chờ cơm sôi, hạ lửa cho khỏi trào, nghe mùi thơm từ hạt gạo tỏa ra, lâu lâu lại có thêm một ít cơm cháy ở dưới đáy nồi.


Nấu bằng nồi thường lại thấy, cơm dường như ngon hơn.



Món này mình học từ menu của nhà hàng Limocello ở Đà Nẵng, cách làm không khó, rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian mà lại ngon. Mình thích ngay món này khi lần đầu tiên nếm thử, vị ngọt của nghêu và mùi thơm của thì là thấm đẫm vào sợi mì, ăn rất thơm và đậm đà. (tuy nhiên chống chỉ định cho bạn nào không thích thì là và không thích ăn nghêu :D)

Nguyên liệu (cho 1 người ăn)
Mì spaghetti khô: 70g
Nghêu tươi: 200g
Tỏi: 3 tép
Ớt hiểm tươi: 1 trái
Thì là: khoảng 5,6 nhánh
Rượu trắng: 1 thìa súp (rượu vang trắng, cooking wine..., gì cũng được)
Dầu oliu
Muối

Cách làm
- Nghêu mua về rửa sạch, ngâm nước cho sạch cát.
- Tỏi thái lát nhỏ, ớt hiểm thái làm 3, thì là ngắt lấy phần lá.
- Cho muối vào nồi nước to, nếm thấy nước hơi mặn như nước biển là được. Đợi nước sôi thì cho mì spaghetti vào, luộc trong 2/3 thời gian ghi trên bao bì (ví dụ, trên bao bì ghi là luộc trong 6 phút thì bạn chỉ cần luộc trong 4 phút thôi). Vớt mì ra cho ráo nước, trộn vào 1 tý dầu oliu cho mì không bị dính lại. (tham khảo cách luộc mì ở đây)
- Bắc một cái chảo khác, cho dầu oliu vào, cho tỏi và ớt hiểm vào. Khi dầu đã nóng và tỏi, ớt bắt đầu đổi màu, cho nghêu vào xào.
- Cho rượu trắng vào và đợi cho rượu bay hết.
- Khi nghêu bắt đầu mở miệng, cho mì spaghetti vào, đảo đều tay (có thể cho thêm một ít nước nếu thấy khô). Nêm nếm với muối.
- Tắt lửa, trộn thì là vào mì. Cho ra dĩa và thưởng thức.

Món spaghetti này rất hợp với rượu vang trắng hoặc bia tươi.




 Với mình, Hội An có lẽ là địa điểm du lịch đáng yêu nhất Việt Nam. Mỗi lần về Đà Nẵng, thế nào mình cũng phải chạy vào Hội An một chuyến, nhiều khi chỉ là để "ngó một cái" rồi về, chứ nếu không thì sẽ thấy thiếu thiếu cái gì đó...

Với sự phát triển về du lịch, những năm gần đây các quán cà phê, ăn uống, địa điểm mua sắm của Hội An không ngừng được thay đổi và làm mới, với chất lượng ngày một tốt hơn. Nhờ vậy, mà số lượng những địa điểm yêu thích của mình ở Hội An cũng tăng lên đáng kể sau mỗi lần quay lại.

Và lần này, Cocobox thực sự là một phát hiện mới và thú vị.

Cocobox có tất cả những gì mà mình luôn tưởng tượng về một quán cafe lý tưởng. Nội thất mộc mạc và tinh tế, những menu smoothies, blend juices vô cùng sáng tạo (vd: The Redhead với cà rốt, cam, thơm, ớt và gừng, hay Relax Thu Bon với xoài, rau muống, chuối, quế và sữa đậu nành....), rồi cà phê trồng ở Đà Lạt, chocolate tự làm, sandwich với bánh mì tự làm....., Cocobox thực sự đã chinh phục được mình.

Và cái làm cho mình mê mẩn nhất, là số lượng những sản phẩm organic và local được bày bán ở đây. Rau quả theo mùa trồng tại Hội An, trà, cà phê, dầu dừa, muối biển, mứt, gia vị....  được trình bày rất đẹp mắt trên kệ, menu softdrink có sự góp mặt của dòng sản phẩm mới made in Vietnam là Saigon Cider. Ngoài ra, Cocobox còn có cả những sản phẩm non-edible như rose hip oil, facial scub.... handmade tại Việt Nam, mà những chỗ khác có đi tìm đỏ mắt cũng chưa chắc mua được.


Chủ nhân của Cocobox là anh Jan Ekholm, một nhà báo chuyên viết về mảng du lịch người Thụy Điển. Với vốn sống, vốn kinh nghiệm và khiếu thẩm mỹ của một người đã từng đi nhiều, thấy nhiều, Jan đã mang đến cho Hội An một không gian ấm cúng, lãng mạn và tinh tế.

Chắc chắn đây sẽ là địa chỉ ghé thăm thường xuyên của mình ở Hội An.

Cocobox
94 Lê Lợi, Hội An.
mở của từ thứ hai đến thứ bảy, 9am-9pm.
http://www.cocoboxvietnam.com/




Cupcake luôn làm cho người ta cảm thấy ngọt ngào.

Bởi vậy, nếu muốn tặng cho ai đó, hay cho mình một chút ngọt ngào
hãy thử nướng một vài chiếc cupcake xinh xinh...

Bạn có thể tham khảo công thức cupcake dừa cơ bản ở đây hoặc cupcake dừa topping với cream cheese ở đây.

Bánh mình làm chưa được đẹp lắm, nướng chưa được đều, nhưng thôi kệ, cứ homemade là ngon tất :)






Roppongi là một trong những nơi tập trung nhiều người giàu có nhất Tokyo, với những cửa hiệu thời trang, nhà hàng, quán bar, nơi vui chơi giải trí xa xỉ nhất, thượng lưu nhất. Đa số đại sứ quán các nước cũng đều được đặt ở đây, và giá cả mọi thứ ở Roppongi đều đắt hơn các nơi khác một bậc. Những trào lưu mới nhất, xu hướng tiêu dùng mới nhất đều có thể tìm thấy ở Roppongi.

Nếu không có việc gì đặc biệt, mình hiếm khi đi Roppongi, một phần vì quá xa nơi mình ở, phần khác vì giá cả ở đây rất đắt đỏ nên hiếm khi mua sắm, ăn uống được gì. Tuy nhiên, có một chỗ ở Roppongi mà mình rất yêu thích, chính là chợ nông sản hữu cơ. Chợ được tổ chức 2 lần mỗi tháng tại một khuôn viên trống giữa các tòa nhà cao tầng, cách ga tàu điện ngầm Roppongi khoảng 10 phút đi bộ.



Trong nhiều năm trở lại đây, xu hướng sử dụng rau quả hữu cơ với chất lượng cao, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc trừ sâu, đang được các bà mẹ trẻ, các office lady tại Nhật rất yêu thích và tín nhiệm. Chợ nông sản hữu cơ ở Roppongi tập trung gian hàng của các nhà nông vùng phụ cận Tokyo, với rất nhiều rau, củ, quả sạch, tươi ngon, cùng nhiều chế phẩm từ rau quả như mứt, bánh kẹo, nước trái cây..... thu hút rất nhiều người tham dự.


Củ cải, rau cải xanh, cà tím, ớt chuông, đậu ván, bí đỏ, bắp, khổ qua...... cái gì cũng có, và đều là không thuốc trừ sâu, không hóa chất

Các loại mứt quả hữu cơ, nước xốt cho pasta

...và rau củ ngâm 

Cà chua bi ngọt (fruit tomato)

Cây rubarb, thường hay được dùng làm mứt, nhân bánh ngọt

.... cả ginger ale cũng hữu cơ :)

Tuy giá không hề rẻ, nhưng với chất lượng tuyệt hảo, trình bày bắt mắt, chợ nông sản ở Roppongi đã cho mình thấy được giá trị thực sự của hàng nông sản chất lượng cao. Với quá trình chăm sóc, tuyển lựa nghiêm ngặt và cẩn thận, từng ngọn rau, cây, quả ở đây đều xứng đáng được người tiêu dùng nâng niu và trân trọng.

 Ngẫm lại, không biết đến bao giờ người nông dân Việt Nam mới có thể trồng được những rau quả với chất lượng như thế này, và nhận được sự công nhận của người tiêu dùng như ở đây. Trồng được rau ngon, sạch, an toàn đã khó, nhưng có hệ thống - phương pháp - chiến lược lâu dài để đưa rau sạch đến được với người tiêu dùng và được người tiêu dùng chấp nhận còn khó hơn. Dẫu đường còn xa, nhưng mình tin, ngày đó chắc chắn sẽ tới...

Đi chợ nông sản Roppongi, có cảm giác dường như mình không phải đang ở Tokyo, mà như đang đi giữa chợ rau tươi ở Pháp, Ý, hay một nước Châu Âu nào đó.....






Mình đến Hà Nội vào một ngày mưa, không khí ẩm và se se lạnh.
Phố phường vẫn đông như mắc cửi, bầu trời đầy mây xám, thi thoảng vài cơn gió nhẹ lùa qua những tán cây rợp bóng bên bờ hồ, làm xao động rung rung mặt nước, gợn lên vài cơn sóng nhỏ.

Tối hôm ấy, mình tìm đến cà phê Giảng ở khu phố cổ, để được uống cà phê trứng. Có nhiều món ăn nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng không hiểu sao, cà phê trứng lại gây ấn tượng đặc biệt nhất với mình. Có lẽ, vì mình là một người yêu cà phê, và đây là món cà phê đặc biệt được phát minh bởi người Việt.


Cà phê Giảng được cụ Nguyễn Văn Giảng bắt đầu mở từ năm 1946, và hiện nay do con trai cụ, ông Nguyễn Trí Hòa làm chủ. Cụ Giảng đã từng là đầu bếp ở khách sạn Sofitel Legend Metropole, và cụ đã biến tấu món cappuchino thành món cà phê trứng, sử dụng những nguyên liệu và cách làm quen thuộc với người Việt. Nếu muốn pha cappuchino, người ta cần phải có máy pha expresso, máy đánh bông sữa, thì với cà phê trứng, tất cả những gì bạn cần cà phê kiểu Việt Nam, và một cây đánh trứng giản dị. Chỉ có thế, mà mùi vị đậm đà thơm béo, uống một lần là nhớ mãi.

Nhưng nói là nói vậy, chứ thực ra pha được một ly cà phê trứng ngon cũng không dễ chút nào. Cái khó là làm sao cân bằng được độ ngọt, béo, thơm của trứng, và vị đắng, thơm nồng của cà phê, cũng như phải biết đánh lòng đỏ trứng gà sao cho thật bông, thật xốp, thật thơm mà không bị tanh. Và để thêm vị béo, người ta còn cho thêm sữa đặc có đường, bơ, pho mát vào hỗn hợp trứng.



Buổi tối Hà Nội, len lỏi trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Huân, để bắt gặp cà phê Giảng nằm khiêm nhường, cũ kỹ và giản dị. Cà phê trứng được pha trong một chiếc ly nhỏ, đặt trong một bát nước nóng để giữ ấm. Màu vàng của lòng đỏ trứng đánh bông, màu nâu đen của một ít cà phê rưới lên trên mặt ly, nhìn ngon lành và ấm áp. Dùng một cái thìa nhỏ, khẽ nếm vị trứng thơm nồng ngọt ngào, rồi khuấy nhẹ cho cà phê nổi lên hòa trộn cùng với trứng, từ từ uống từng ngụm nhỏ, vị đắng, vị ngọt, vị béo hòa trộn vào nhau khiến người ta cứ muốn nếm mãi, nếm mãi không thôi.....

Ngày mưa xuân, Hà Nội dường như ấm áp hơn, ngọt ngào hơn, và đáng yêu hơn khi trong tay ta là một ly cà phê trứng ...



Cà phê Giảng
39 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội


Food & Travel & Everyday Life

.