Mỗi lần đi Kuala Lumpur, mình đều không tránh được cảm giác lo lắng, hồi hộp và mệt mỏi. Đi vì công việc nên cũng cũng chẳng còn cách nào khác, cũng như câu nói của một người bạn đồng nghiệp Malay, "regardless which country you go, a job is always a job".
  Thỉnh thoảng, vào những buổi tối, nếu không phải đi ăn uống cùng với các sếp (để vào quán Nhật, ăn những món Nhật và uống bia Nhật), thì mình lại sung sướng được lỉnh ra các quán vỉa hè, nơi không có máy lạnh và chật ních dân địa phương. Ở một góc độ nào đó, mình thích được ngồi ở những quán lề đường, được nói chuyện với người bản địa, được ăn những thức ăn mà họ ăn, uống những thứ mà họ uống, và ngắm nhìn cuộc sống của họ. Hơn là ngồi trong nhà hàng Nhật, nói tiếng Nhật với người Nhật giữa bốn bề là những người bản xứ đang cố-gắng-phục-vụ-theo-kiểu-Nhật.
  Vào một trong những buổi tối như thế, mình đã đến Nasi Kandar Pelita. 
  Nasi Kandar Pelita là một quán mamak điển hình, chật đầy dân địa phương, nằm ngay bên cạnh khu KLCC sang trọng, nơi khách du lịch và tầng lớp giàu có đến để sắm những chiếc túi Louis Vuitton kiểu mới nhất.
  Mamak, là tên gọi để chỉ những quán ăn của người Ấn Độ theo đạo Hồi ở Malaysia, ở đây bạn có thể ăn mọi thứ, roti canai, cà ri, goreng, soup kambing,.....cái gì cũng có. Và ở mamak bạn có thể gặp mọi loại người, từ sinh viên, bác tài xế, công nhân viên, đến những gia đình với em bé lít nhít. Mamak, giống như quán cơm bình dân ở Việt Nam vậy.
  Và Nasi Kandar Pelita là một quán mamak như thế. Khi mình bắt taxi đi từ khách sạn, bác tài xế đã khen không ngớt lời, "mày đến đúng chỗ rồi đó, cà ri ở đó mới gọi là cà ri !".


  Tên quán, là lấy từ tên món nasi kandar, một món ăn miền bắc Malaysia, gồm cơm đi kèm với nhiều loại cà ri khác nhau. Thường thì ở mamak sẽ có mười mấy loại cà ri khác nhau, bạn có thể tùy ý chọn loại nào cũng được. 
  Và mình đã chọn cà ri đầu cá :).



  Thiệt tình, không ngờ cá nấu cà ri lại ngon thế.
  Một chút đắng đắng nhẫn nhẫn, một chút ngọt, một chút cay, sự hòa quyện mùi thơm của nhiều loại gia vị....Thật tình mình chả biết tả thế nào cho đúng, nhưng đây là món ăn khiến mình nhớ mãi, vì hương vị, và vì sự độc đáo trong phối hợp nguyên liệu. Có ai nghĩ lấy đầu cá đi nấu cà ri đâu trời..... >*<.
  Ở Nasi Kandar Pelita, ngoài cà ri đầu cá ra, mình còn bị bất ngờ bởi 2 thứ nữa. 
  Thứ nhất, là lần đầu tiên trong đời mình được tận mắt thấy người Ấn Độ, ăn bốc bằng tay, với cà ri, một cách bình thản. Cả quán, tất cả mọi người ! Trẻ em, người lớn, đàn ông, phụ nữ, ông bà già. Ở mamak, ăn bằng tay là một việc rất đỗi bình thường và đương nhiên, nhưng dù sao lần đầu tiên mình được nhìn thấy tận mắt, nên cũng không tránh khỏi mắt chữ o, mồm chữ a (mải nhìn nên quên chụp hình òi ).
  (Tất nhiên, lúc mang cà ri đầu cá ra, anh phục vụ đã rất lịch sự mang thêm cho mình một bộ thìa nĩa, kèm theo nụ cười mím chi kiểu "yên tâm nhá, tớ cũng có thìa" hihi ^^ ).

Và bất ngờ thứ hai, là cái này.



  Há há, độ phủ sóng của anh Mark Zuckerberg thật là vô đối, và trình marketing của bạn chủ quán thật là chuyên nghiệp :))

Nasi Kandar Pelita
149 Jalan Ampang, Kuala Lumpur
Tel: 03 2162 5532
Giá: Tùy theo mùa, theo đầu cá

 (Nếu trích dẫn, vui lòng ghi tên tác giả và dẫn đường link vào blog RinLinh's Cafe)


  (photo credit to Vivian Nguyen :D)
  Đi Đài Loan, ăn bao nhiêu thứ, nhưng mì Ah Chung là món ăn duy nhất đã khiến mình phải quay lại ăn lần thứ 2 trong chuyến du lịch ngắn ngủi có mấy ngày. 
  Bởi vì đơn giản, thật sự là ngon quá.
  Mặc dù mình rất ghét ăn nội tạng, trong mì Ah Chung lại có lòng lợn, vậy mà mình vẫn cứ thấy ngon, vậy mới lạ.
  Sợi mì rất nhỏ, nhỏ như sợi miến. Gọi là mì, nhưng nước lèo hơi đặc đặc, có lẽ hơi giống bánh canh. Nước lèo được nấu từ măng, cá khô (bonito flake カツオ),lòng lợn, thêm một ít húng quế, rau thơm, ngoài ra còn cái gì nữa thì mình chịu. Tương ớt, tỏi bằm, giấm đen để sẵn, ai muốn ăn bao nhiêu thì tùy (nhưng mà cẩn thận nha, tương ớt hơi bị cay đó). Và..... ăn đứng nha! Quán không có ghế đâu, cứ mua rồi....đứng ăn tại chỗ thôi hehe. Nhưng mà từ sáng đến trưa, không lúc nào là không nườm nượp người, hầu như lúc nào cũng phải xếp hàng.
  Mì A Tôn là một thương hiệu lâu đời ở Đài Bắc, bắt đầu bán từ năm 1975. Nghe nói (ờ internet nói :D) thì ở Đài Bắc mì Ah Chung có 2 tiệm, một tiệm ở khu Wanhua, một tiệm ở khu chợ đêm Shilin. Hai lần mình ăn đều ở khu Wanhua, hai lần đều ngon hết xảy.
  Khu Wanhua và gần đó là khu Ximending đều là những khu ăn chơi nổi tiếng của Đài Bắc, gần giống như Shibuya hay Shinjuku ở Tokyo, hay quận 1 của SG. Nếu có cơ hội đi Đài Bắc, mình sẽ lại ăn mì Ah Chung thêm lần nữa cho ......bõ ghét hehe.

Ah Chung Mien Xien (阿宗麺線)

Chang Ning District No. 699 Xian Xia Road (Xi Men Ding, between Anlong Road and Weining Road), Xi Men Ding, Taipei, Taiwan. 长宁区仙霞路699号(安龙路威宁路之间)
Tel:  021 62905001 (ghi dzậy thôi chớ có gọi cũng ko đặt chỗ được đâu nha :D)
Giá: Tô nhỏ 45 đồng (khoảng 135yen, 27.000VND)
       Tô lớn 60 đồng  (khoảng 180yen, 36.000VND)

For more information (tiếng Nhật): 

http://www.tabitabi-taipei.com/html/data/10241.html



  Mình biết đến cà phê Daibo qua lời giới thiệu của tạp chí Hanako, tạp chí chuyên về du lịch và ẩm thực nổi tiếng ở Nhật. Cà phê Daibo nằm ở khu vực Omotesando, là khu thượng lưu nổi tiếng ở Tokyo với các nhà hàng sang trọng và cửa hàng thời trang hàng hiệu, nhưng Daibo lại chỉ là một quán cà phê nhỏ nằm trên tầng 2 của một tòa nhà cũ, cách bài trí và phục vụ rất cổ điển, mang hơi hướng của những quán cà phê kiểu cũ ở Nhật những năm 60s,70s.


  Cả quán chỉ có chưa đầy 20 ghế, menu rất đơn giản, không có capuchino hay latte, chỉ có blend coffee và straight coffee. Straight coffee là cà phê chỉ sử dụng một loại hạt cà phê, có thể chọn loại hạt theo ý thích, như Blue Mountain, Guatemala, Kilimanjaro….Còn blend coffee là cà phê được pha trộn từ nhiều loại hạt cà phê khác nhau, bao gồm cả Arabica và Robusta. Mình thấy điều thú vị ở quán này là blend coffee được chia thành nhiều loại tùy theo lượng cà phê (10g, 20g, 30g) và lượng nước (60ml, 70ml). Mình gọi một ly blend coffee 30g, thơm nồng, cân bằng giữa vị chua và đắng, có hơi một chút mùi thơm hoa quả và sô cô la nhè nhẹ. Cà phê ở đây được chiết xuất bằng phễu vải, ngồi ở bàn counter có thể xem cả quá trình chiết xuất, rất tỷ mỷ và công phu.

   Chiết xuất cà phê bằng phễu vải

    Ở Việt Nam quen uống cà phê phin, và với người Việt Nam, cà phê ngon là phải đậm và sánh. Mình cũng là một tín đồ của cà phê phin, thêm một ít sữa đặc, thơm và đậm đà cực kỳ. Nhưng dạo gần đây đi học về cà phê, được cô giáo dạy thế nào là chiết xuất cà phê bằng phễu giấy, phễu vải, bằng siphon, bằng máy expresso… mình mới bắt đầu học để uống cà phê loãng. Và phải công nhận là để so sánh chất lượng hạt thì uống loãng dễ so sánh hơn với uống đặc.
  Cà phê, cũng như rượu vang và trà, là những thứ làm người ta rất dễ “say” :).

Daibo Coffee
Minato-ku Aoyama 3-13-20, Tokyo
Tel: 03-3403-7155
Giá: 600~700yen/ 1 ly

大坊珈琲店
http://tabelog.com/tokyo/A1306/A130602/13001233/


  Ai mê món Thái chắc không thể nào bỏ qua Som Tum, gỏi đu đủ kiểu Thái. Trong tiếng Thái, "som" nghĩa là chua, "tum" nghĩa là đập hoặc giã. Cho nên dịch theo ngữ nghĩa, thì Som Tum có nghĩa là "món gì đó chua chua bị đập hoặc giã", nghe ngồ ngộ há. 
  Gỏi đu đủ không chỉ có ở Việt Nam, mà còn là một món ăn rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Ở Cambodia thì có Bok l'hong, ở Lào có Tam maak hoong, và ở Thái thì có Som Tum.
  Mình chưa có dịp đi Lào và Cambodia để ăn và so sánh Bok l'hong, Tam maak hong, nhưng mình rất mê món Som Tum ở Thái.
  Điểm khác biệt lớn nhất của Som Tum và gỏi đu đủ Việt Nam, là gỏi đu đủ thì dùng tay bóp đều cho đu đủ ngấm gia vị, còn Som Tum thì dùng chày, cối để giã đu đủ và các nguyên liệu khác cho ngấm gia vị.
  Thế nên nếu bạn đến một quán ăn chuyên bán Som Tum ở Thái, bạn sẽ nghe tiếng chày giã "lóc cóc, lóc cóc, lóc cóc". Tất nhiên chỉ giã vữa phải cho ngấm gia vị chứ không giã nát nhừ.
  Ngoài ra, trong Som Tum, người ta thường hay cho vào cả cua đồng muối con ba khía, đường thốt nốt (thank kiu em Cún Con nha :X:X ! ), đậu đũa sống, cà chua, là những nguyên liệu không có trong món gỏi đu đủ truyền thống Việt Nam.

                                           Những nguyên liệu để làm Som Tum


   
 Và, muốn ăn Som Tum đúng điệu, là phải ăn cùng với xôi nếp, sang nữa thì thêm gà nướng Gaiyang, xúc xích Thái. Đây là cách ăn mà một người bạn Lào rất rành món Thái đã dạy cho mình.
    Mong có dịp đi được Thái nữa, để được nghe tiếng "lóc cóc, lóc cóc" rộn ràng.



 Nyonya, là những món ăn với cách chế biến được pha trộn khéo léo giữa ẩm thực Malaysia và ẩm thực Trung Quốc. Món ăn Nyonya xuất hiện tại Malaysia từ thế kỷ thứ 15, ngày càng phát triển mạnh mẽ và ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa ẩm thực Malaysia. Với vị trí địa lý gần gũi, món ăn Nyonya có rất nhiều điểm tương đồng với món ăn Việt Nam,Thái Lan. Tuy nhiên, món ăn Nyonya vẫn có những bản sắc rất riêng không lẫn vào đâu được, như cách sử dụng nước cốt dừa, cách pha trộn các loại gia vị như mắm tôm, hoa gừng, lá chanh, sả, mù tạc...
  Dù không không nổi tiếng bằng món Ấn Độ hay món Trung Quốc, nhưng bạn sẽ không bao giờ quên được Nyonya một khi đã ăn nó một lần trong đời. Và nếu có dịp đến Kuala Lumpur, mình sẽ mách bạn một nơi ăn món Nyonya ngon nhất...



 Đó là "The Precious Old China", nằm trong chợ Central Market nhộn nhịp, thuộc khu vực trung tâm thành phố Kuala Lumpur. Quán ăn này rất nổi tiếng với cả khách du lịch lẫn người Malaysia.

Vài món Nyonya mình đã ăn ở đây:



   Pai Tee, hay Top Hat, là món khai vị cực kỳ đáng yêu, nhìn như một chiếc mũ nhỏ xíu. Bánh rán mỏng hình phễu được làm từ bột gạo, bạn cho vào trong cái phễu ấy một ít rau trộn chua ngọt (củ cải, cà rốt, rau thơm), rắc lên một trứng rán nghiền nhỏ, thêm một lát ngò, chấm với một chút xíu tương ớt... và ăn :). Hương vị thanh mảnh, nhẹ nhàng, vỏ bánh giòn giòn thơm thơm, ăn kèm với rau trộn, làm mình liên tưởng đến gỏi ngó sen ăn với bánh phồng tôm của Việt Nam.
  
Lady Finger KerabuĐây là món mình mê cực kỳ, làm thử mấy lần ở nhà rồi mà vẫn không được. Xa lát đậu bắp với tôm nghiền nhuyễn, hành, ớt, chanh, lá chanh, hoa gừng....,công thức  thế nào thì mình chịu, hưng nđây là lần đầu tiên mình có thể ngồi ăn hết 5 quả đậu bắp to bự mà vẫn thòm thèm :))  



  Devil Chicken Curry. Trong số tỷ tỷ những món cà ri mà mình được ăn trong vòng gần 30 năm nay, đây là món cà ri đứng hàng top 3 (top 2 và top 1.... vẫn đang đi tìm ^-^ ). Cà ri gà với khoai tây, rau củ và hạt mù tạc đen. Vị thơm của mù tạc rất dậy và nổi bật, là linh hồn của cả món ăn. Cà ri Ấn Độ với nhiều gia vị khác nhau phối hợp thì đã là rất tuyệt rồi, nhưng riêng với món cà ri này, chỉ riêng vị mù tạc thôi cũng đã là quá đủ, quá thuyết phục, không cần thêm bất cứ gia vị nào khác nữa.


  Và để ăn kèm với cà ri, ta có Blue Coconut Rice nhé. Cơm được trộn với một ít nước cốt dừa rồi nấu, thêm hoa pea tạo màu xanh lạ mắt. Bùi, béo và thơm, rất hợp với cà ri.


Precious Old China Restaurant & Bar
Lot 2, Mezzanine Floor, Central Market,
Kuala Lumpur.
Tel: (603)2273 7372
Giá: Khoảng 10$/người


Ẩm thực Nyonya có từ đâu ?

  Ngày xửa ngày xưa, thế kỷ thứ 15, có rất nhiều người Hoa di cư. Với ước mong xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ vượt biển, hoặc theo đường bộ qua cửa ngõ Lào, Thái Lan, tiến vào các hòn đảo phía nam thuộc MalaysiaĐó là những hòn đảo xanh mát rợp bóng dừa, với những cái tên Penang, Malacca,..... xa xôi và huyền bí. 
  Ở đó, những người đàn ông Hoa kiều đã kết hôn với những người phụ nữ bản địa Malay, và họ sinh ra những đứa con được biết đến là thế hệ Peranakan. 
  Peranakan, tiếng Malay cổ có nghĩa là "được sinh ra ở đây", hay "born here" nếu dịch sang tiếng Anh, chỉ thế hệ những người con lai giữa người di dân và người Malay bản xứ. Trong cộng đồng người Peranakan, đàn ông được gọi là "baba", phụ nữ được gọi là "nyonya" (giống như gentlement, lady trong tiếng Anh). 
  Và những người phụ nữ nyonya đó, mang trong mình hai dòng máu Hoa-Malay, họ đã sáng tạo ra một phong cách ẩm thực Nyonya tuyệt vời, là sự hòa trộn tinh tế giữa ẩm thực Trung Quốc và ẩm thực Malaysia.


(Nếu trích dẫn, vui lòng ghi tên tác giả và dẫn đường link vào blog RinLinh's Cafe)


Food & Travel & Everyday Life

.