Có những lần vô tình, đi ngang qua một con đường nào đó, một ngõ phố nào đó, bắt gặp một quang gánh, một cửa tiệm, một hàng ăn vỉa hè, không hiểu vì lý do gì mà lại thu hút sự chú ý của mình trong một khoảnh khắc. Cái tích tắc chú ý đó nhiều lần đã mang lại cho mình những địa chỉ ưa thích, những món ăn mới lạ trong mớ "tài sản" ăn uống của mình.

Tiệm sương sa ông già ở quận 5 là một địa chỉ như thế.

Có buổi sáng chủ nhật, mình chạy xe lòng vòng quanh quận 5, quyết tìm cho được quán hủ tiếu sa tế Tô Ký để ăn thử. Chạy xe quanh quanh thế nào mà lại đến đường Gia Phú, rồi bất chợt nhìn thấy một cái xe nho nhỏ dựng bên vỉa hè, có thêm mấy cái ghế nhỏ lúp xúp, và một người đàn ông lụi hụi múc cái gì đó cho vào chén. Không hiểu sao, mình dừng lại, mới đọc thấy mấy vết chữ ố vàng ghi trên thành xe, "Sương sáo ông già". Thực không biết, xe sương sáo này đã có tự bao giờ, và đây cũng là lần đầu tiên mình được ăn một món sương sáo tinh tế, đơn giản, mà lại thanh mát ngọt lịm đến vậy.



Chén sương sáo chỉ gồm có sương sáo và nước đường, tuyệt không có thêm mấy thứ nước dừa, hạt lựu, hay chè đậu xanh đánh, đá bào như những chỗ khác. Ở đây, chỉ là cái chén sứ giản dị, với những miếng sương sáo đen óng ánh, mát rượi, và một ít nước đường ngọt dịu. Vị sương sáo ở đây dai và bùi, thơm nhẹ cái vị riêng của sương sáo, chứ không cưng cứng sần sật như ở những chỗ khác. Cái nắng trưa hè dường như đã lim tắt khi những miếng sương sáo đầu tiên được ăn vào miệng.

Cái miếng ngon, chưa hẳn phải là miếng cầu kỳ.



Lần đầu tiên mình biết tới hai chữ "sương sáo" là sau khi vào Sài Gòn, chứ ở Đà Nẵng quê mình, chỉ gọi là "thạch đen", còn "sương sa", "sương sâm" thì gọi là "thạch trắng", "thạch xanh" thế thôi.
Mấy chữ "sương sa", "sương sáo", "sương sâm" gợi nên âm hưởng của những món ăn gốc Hoa. Không biết người Việt bắt đầu ăn những món ăn có tính giải khát này từ lúc nào, nhưng đây là một món ăn ưa thích của mình và gia đình từ những ngày còn bé. Lúc học cấp 1, mình vẫn thường để dành một ít tiền ăn sáng lại, để lâu lâu được ăn một ly chè thạch bán ở ven trường, hồi đó chỉ có 300, 400 đồng một ly to ụ. Lớn lên chút nữa, vào mùa hè ba mẹ mình thường hay mua những miếng thạch đen, thạch trắng to bằng miệng bát bán ngoài chợ, đem về bỏ tủ lạnh rồi cắt nhỏ ra ăn dần với nước đường, chanh tươi. Ở quê mình, mấy món này còn thường được ăn với nước đường đen thắng với mấy lát gừng.

Những món ăn, theo khu vực, vùng miền mà nhiều khi khoác thêm những lớp áo mới, có khi rực rỡ hơn, tươi mới hơn, nhưng có khi lại giản dị mà tinh tế hơn. Món sương sáo ông già ở quận 5 là một món ăn như thế.

Vài ba chú xe ôm, chị gánh hàng rong vội vã ghé qua, ăn một chén sương sáo, giá chỉ có 5 ngàn đồng, vừa túi tiền mà đủ để giải tỏa cái nóng trưa hè, cái khát mệt nhọc trên con đường mưu sinh vất vả......

Sương sáo ông già
Đường Gia Phú, đoạn giữa đường Gò Công và đường Kim Biên, Q5, Tp HCM


Food & Travel & Everyday Life

.