Nhật đã gần qua hết mùa thu, mùa đông đã tới, Việt Nam đang ở những tháng cuối năm bận rộn với nhiều biến cố. Ngoài kia, 2020, 2021 đã là những năm khó quên của lịch sử thế giới. Năm 2022 vẫn đang chờ đợi phía trước với nhiều thử thách.

  Những ngày phải ở nhà, không được ra ngoài tự do như trước, làm ta ý thức được mình đã từng có gì, để biết trân quý nhiều hơn. Và tự nhiên, hôm nay một ngày cuối tuần, tôi lại lãng đãng nhớ về những hồi ức thật đẹp trước đây. Không phải nhớ lại để tiếc nuối, mà nhớ lại để mỉm cười, mình đã từng có những ngày tháng như thế...

  Những mối tình đi qua, có nhiều tiếc nuối và đau khổ. Nhưng sao mà khi nhìn lại, tôi chỉ nhớ trong đầu mình những hồi ức ngọt ngào. 

  Người bạn trai lớp bên, ngày nào cũng cùng chơi cờ caro với tôi mỗi buổi nghỉ trưa ở trường, với nụ cười ấm áp. Lần hẹn hò đầu tiên trong mùa hoa đào nở rộ, bạn ấy khẽ vòng tay che chở tôi khi chúng tôi đi qua khu phố Ueno đông kín người, cái cảm giác ngỡ ngàng khi phải nói lời tạm biệt.... Mới đó, mà đã mười bảy năm rồi.

  Và người đã chỉ dám nắm lấy cổ tay tôi trong rạp chiếu phim mờ tối vì không dám nắm bàn tay, và những nụ hôn bất ngờ dịu dàng, những bữa ăn tối, đi dạo, những day dứt và rời xa...

  Và người đã chở tôi đi khắp Kualar Lumpur, trong nắng và trong mưa, những câu chuyện bên dòng sông, nhà thờ hồi giáo, trường đại học, những món ăn halal, những câu chuyện kể....

  Có phải chăng khi chúng ta già đi, sẽ có thói quen hoài niệm về quá khứ ?

  Những người tôi từng yêu xưa kia, giờ họ đều đã có gia đình ấm áp hạnh phúc, bên người vợ và những đứa con. Khi lướt qua ảnh họ trên facebook, tôi khẽ mỉm cười. Cầu chúc cho anh luôn hạnh phúc nơi đó. Mãi hạnh phúc nhé.

  Tôi không biết ngày mai, mình sẽ gặp gỡ ai, và có thêm những khoảnh khắc, những kỷ niệm nào nữa để mà ghi nhớ lúc về già. Nhưng tôi hy vọng mình sẽ luôn sống đẹp như thế, và là chính mình như thế. Có thể khờ dại, yếu đuối như thế, nhưng cũng mạnh mẽ, và tự tin như thế.

  Nếu cuộc đời mỗi người là một quyển sách, tôi hy vọng rằng quyển sách của mình sẽ chứa nhiều những câu chuyện đẹp và có ý nghĩa. Và thật nhiều tình yêu.





Thực sự không biết mình bắt đầu yêu món Thái từ khi nào. Có lẽ, là từ những ngày còn ở Nhật, khi thèm thiết tha một mùi hương của nước mắm, rau ngò, hành lá, sả, riềng, vị cay thanh mà đọng lâu ở đầu lưỡi của ớt xanh, ớt hiểm, vị thơm dịu của me chua... Đa số những nhà hàng Việt Nam ở Nhật thường gia giảm mùi vị món ăn dịu đi, bớt mặn, bớt cay, bớt ngọt, cho phù hợp với khẩu vị của người Nhật, nên nhiều khi ăn không đã "thèm". May thay, những nhà hàng Thái ở Tokyo lại vẫn giữ hầu như nguyên vẹn hương vị đậm đà, đặc trưng của món Thái, với sự hòa quyện của chua-cay-mặn-ngọt-đắng trong một món ăn, cách sử dụng gia vị đôi khi có phần dứt khoát và quyết liệt như trong món tom yum hay cà ri xanh. Nhờ vậy, mà làm dịu đi cái sự "thèm" của mình một cách đáng kể, và chắc có lẽ mình đã trở thành một fan trung thành của món Thái từ dạo ấy.



Vẫn còn nhớ, nhà hàng Thái mà mình thường hay tui tới nhất là một nhà hàng Thái nằm ở tầng hầm của shopping mall Lumine, cửa tây ga Shinjuku, tên là Khao San Lumine. Mỗi lần đến Shinjuku, thế nào mình cũng phải ăn trưa ở đó. Set ăn trưa quen thuộc mà mình hay gọi ở đó là một phần gồm có một tô mì tự chọn, một đĩa miến trộn hoặc cơm chiên, cộng với một phần tráng miệng nhỏ, thường là chè bí đỏ nước dừa hay chè đậu xanh nước dừa. Mình mê những món mì ở nhà hàng này, như mì trộn khô, mì tom yum, mì cari, mì yen ta fu, và đặc biệt là mì "thuyền chài" với nước mì được nấu rất đặc biệt với nước tương, huyết heo và gia vị. Và cũng như bất cứ xe mì hàng rong nào của Thái, khi order mì bạn luôn có quyền chọn, giữa sợi mì gạo nhỏ senlek, sợi mì gạo to, sợi mì vàng ba mee, hoặc miến. Không chỉ riêng mình, mà cho đến tận bây giờ, những người bạn thân mê món Thái của mình ở Tokyo vẫn luôn nhắc về nhà hàng Thái này, như một kỷ niệm thân thương ở Nhật.

Bởi vậy, mà kì đi Thái vừa rồi của mình, đã trở nên giống như một chuyến "du khảo các món mì" ở Thái. Kể ra, bây giờ vẫn còn cứ thấy thèm....

1. Mì gà/bún gà : Kuay Teow Gai


      

Lúc đầu khi thấy bảng hiệu ghi "Chicken noodle", mình cứ tưởng mì gà/bún gà ở đâu cũng giống nhau, với nước hầm xương trong vắt, trên rải thịt gà xé, ăn với rau các loại... Nhưng mì gà /bún gà ở Thái thật khác bún gà Việt Nam, nước dùng được nêm nếm bằng nước tương, nên có màu nâu cánh gián, và rau ăn kèm cũng là các loại rau cần, dưa chua, khổ qua sống, chứ không phải là giá trụng, rau thơm như ở Việt Nam.



Mình ăn mì gà trong một gian hàng ở khu chợ đêm Rod Fai gần ga Culture Centre, khoảng gần 9h đêm, một hàng dài người đứng xếp hàng, ăn tại chỗ có, mang về có. Khách gọi món, rồi tự phục vụ nêm nếm gia giảm thêm nước mắm, rau, ớt, muỗng, đũa. Cái gian hàng nhỏ xíu, không có chỗ chen chân, gọi xong bát mì bưng ra tìm chỗ ngồi ăn cũng ... không đơn giản.

2. Bún trộn cá nướng



Lúc đầu khi đi ngang qua gian hàng này, mình thật không biết là họ bán món gì. Cả gian hàng chỉ gồm mấy cái mẹt đựng cá nướng, bún tươi, chả cá, rau tươi, dưa chua, thêm mấy hũ gia vị nhỏ nhỏ, không có nồi nước lèo hay nước sôi gì hết. Sau tò mò gọi thử, mới biết là món bún trộn cá nướng, một món trộn theo kiểu miền núi Issan.



Cá, không biết là cá gì, được trên lửa than, sau đó xé nhỏ ra. Chả cá hấp thái sợi. Bún tươi, rau thơm, dưa chua, bắp cải. Tất cả trộn lại với nước sốt trộn chua ngọt gồm chanh tươi, nước mắm, đường, ớt. Món ăn thơm, thanh, nhẹ, chua chua, những vẫn đảm bảo no bụng nhờ có bún, cá và rau tươi.

3. Bún cà ri trộn rau thập cẩm: Kanom Jeen Nam Ya Kati



Hầu như, bạn không thể tìm thấy món Kanom Jeen này ở bất cứ nhà hàng sang trọng nào. Bởi lẽ đây là món ăn đường phố chỉ hay bắt gặp ở các khu chợ, quán hàng rong, thường là món ăn trưa, hay món ăn nhẹ giữa buổi.

Gian hàng Kanom Jeen thường chỉ gồm 1 hay 2 nồi cà ri, một rổ bún tươi. Trên bàn ăn cho khách sẽ để mấy dĩa rau ăn kèm gồm bắp cải thái sợi, dưa chuột, có khi có cả rau thơm, rau rừng, dưa chua các loại. Cà ri cho món này thường là cà ri đỏ nấu với cá hấp xé sợi, chả cá viên. Mình đặc biệt thích ăn chả cá viên ở các quán Kanon Jeen, vì thường là chả cá viên tươi tự làm, mềm, thơm, chứ không bị cứng hay giòn sần sật như các loại chả cá viên đông lạnh làm sẵn.



Giữa trưa hè, ăn một tô bún cà ri Kanon Jeen cay nồng gia vị, dậy mùi cá thơm, kèm với các loại rau tươi, dưa chua, đâu đó thoảng qua một con gió nhẹ, làm dịu đi cái nóng của mùa hè nhiệt đới.

4. Mì cà ri Khao Soi


Món mì cà ri nước dừa Khao Soi này là món ăn đặc sản của miền bắc Thái, đặc biệt là ở thành phố Chiang Mai, nơi bạn có thể tìm thấy món Khao Soi được bán ở khắp góc phố, ngõ hẻm.
Thế nhưng, tìm được nơi bán Khao Soi ngon ở Bangkok thì lại không hề đơn giản. Mình đã rất may mắn khi vô tình đi ngang qua Hann Khao Soi Lover, nơi được nhiều người khen là có món Khao Soi ngon nhất, đúng vị nhất ở Bangkok, trong một con hẻm ngay cạnh ga BTS Ari.

Món Khao Soi đúng kiểu có vị cà ri thơm, cay, béo mùi nước dừa nhưng lại không quá ngấy, các gia vị vừa phải, không có cái nào lấn át cái nào. Thịt gà mềm mà không dai, sợi mì vàng chần sơ đúng vừa chín, rải thêm vài sợi mì vàng chiên giòn rụm bên trên, làm tăng khẩu cảm cho thực khách. Ăn kèm với mì Khao Soi là hành tím thái lát, giá sống, bắp cải thái sợi và dưa chua. Trên bàn cũng có để sẵn nước chanh tươi, nước mắm, đường, ớt, bạn có thể nêm nếm sao cho vừa miệng.

5. Mì cuộn Koay Jab Nam Koon
Món mì này sử dụng "lá mì" được làm từ bột gạo, rồi cuộn tròn lại, ăn với nước súp ninh từ xương heo với một chút vị tiêu cay nồng, topping cùng với  thịt heo quay, gan, sườn, tai heo, lòng hay nội tạng tùy khẩu vị. Hơi tiếc là hôm đó mình đi ăn mì cuộn, vì cái tội tham ăn mà quên cả chụp ảnh tô mì hichic, tới lúc về nhà ngồi viết bài blog mới kiếm đỏ mắt không ra cái hình :((.




Ở khu China Town, đường Yaowarat có một tiệm mì cuộn rất nổi tiếng là Nai-Ek, đối diện White Orchid Hotel, bạn sẽ dễ dàng nhận ra nhà hàng này bởi dòng người xếp hàng nườm nượp trước cửa.

6. Mì "thuyền chài" boat noodle : Kuay Teow Rua



Đây phải nói là món mì yêu thích nhất của mình ở Thái. Lần nào đi Thái, mình cũng phải "mò" đến nhà hàng Sud Yod Kuay Teow Rua  ga Victory Monument, để ăn cho được món này thì mới "cam lòng" về Việt Nam :).
Gọi là mì "thuyền chài", vì món mì này bắt nguồn từ những chợ nổi, chợ ven sông hay ven kênh rạch, trong những hàng mì nhỏ nhỏ, bán món mì cũng nằm trong bát nhỏ xíu, chỉ vừa đủ ăn 2,3 gắp đũa là hết, dành cho người lao động nghèo, ăn giữa bữa.
Đến nay thì món mì "thuyền chài" đã trở thành một món ăn rất đặc biệt, mà đặc biệt nhất là cách ăn. Mỗi tô mì giá rất rẻ, thường chỉ khoảng 14,15baht (cỡ 10,000 vnd), và phần mì chỉ có một chút xíu, nằm trọn đáy tô, vừa ăn cỡ 2,3 gắp đũa. Nên thông thường mỗi khi gọi món, mỗi người sẽ gọi từ 2 đến 3 tô, có khi 4,5 tô. Sau khi ăn xong, bàn của ai cũng xếp một chồng tô cao ngút, giống như xếp chồng đĩa ăn sushi vậy !




Có nhiều loại mì "thuyền chài" cho bạn lựa chọn, nhưng phổ biến nhất là mì với nước dùng nấu từ gia vị và huyết heo, mì trộn, mì tom yum, mì yen ta foo (đậu phụ lên men). Bạn có thể tha hồ ăn thử bao nhiêu món tùy thích, vì mỗi tô mì chỉ có một chút xíu hà ! Và đừng quên, sau khi ăn mì xong, nhớ tráng miệng bằng món bánh hấp nước dừa đậu xanh trứ danh của các quán mì "thuyền chài" nhé. Bánh hấp nước dừa ở đây được cho vào những cái chén hột mít nhỏ xíu, với một lớp đậu xanh đánh ở dưới, một lớp custard dừa béo mịn, ngọt ngọt, mằn mặn lên trên. Nhiều người ăn xong còn mua cả hộp đem về nhà.




Ngoại trừ những món mì kể trên, Bangkok còn vô vàn những món mì khác, như mì xào Pad Thai, miến trộn Yam Un Sen, bún trộn gỏi xoài.... tha hồ cho bạn khám phá. Nói chung là đi Thái, không bao giờ sợ đói :).

--------------------------------------------
Các địa chỉ:

NAI-EK ROLL NOODLES
442 Yaowarat Rd, Khwaeng Samphanthawong, Khet Samphanthawong, Krung Thep Maha Nakhon 10100, Thailand
Đơn giản nhất là bạn cứ đến ga MRT Hua LamPhong, bắt xe tuk tuk đến đường Yaowarat là được, tiệm này nổi tiếng lắm, cả con đường ai cũng biết :).

Sud Yod Kuay Teow Rua Restaurant
Ga BTS Victory Monument, Bangkok
Ra cổng ga, đi hướng về phía tượng đài trung tâm, đi dọc theo đường đi bộ trên không về hướng trung tâm thương mại Fashion Mall, đi qua Fashion Mall về hướng bắc bạn sẽ thấy một khu chợ và ăn uống nhỏ, kế bên đó có cây cầu nhỏ khoảng 10m bắc qua con kênh, đi qua cầu, nhà hàng nằm bên tay phải ngay đầu cầu. Đi sâu vào một chút thì sẽ gặp cả một con hẻm với nhiều nhà hàng bán món mì "thuyền chài" này. Hoặc tham khảo cách đi ở đây.

Hann Khao Soi Lover
Ga BTS Ari
Ra cổng số 1, sẽ thấy một con hẻm nhiều quán ăn vỉa hè san sát cạnh nhau, nằm vuông góc với đường tàu. Tiệm nằm ở cuối hẻm, bên tay phải. Tham khảo thêm ở đây.

Bon appetite in Bangkok :) !




Cách đây nhiều năm, khi lần đầu tiên lập tài khoản LinkedIn, trong trang profile tôi được yêu cầu bắt buộc phải đặt một dòng headline (tiêu đề) cho profile của mình. Ái chà, tôi nghĩ, xịn quá, phải viết một cái gì đó thật cô đọng, thật xuất sắc! 

Hai mươi phút sau, tôi vẫn ngẩn tò te cắn bút vì không biết phải viết gì...

 Vì LinkedIn là trang thông tin tìm kiếm việc làm, nên sau khi đảo một vòng xem profile của những người khác, tôi nhận ra đa số mọi người sẽ ghi vào đây chức vụ hiện tại, hay nghề nghiệp chuyên môn, tên công ty hiện tại đang làm việc. 
Ok, vậy là bạn đã biết là tôi viết gì vào profile rồi nhé. 
Đây là cái "nhãn" (label) đầu tiên mà tôi khoác lên người mình. 

Trong marketing người ta thường nói về khái niệm "nhận diện thương hiệu", thương hiệu của sản phẩm gắn liền với hình ảnh về sản phẩm đó. Có lẽ, mỗi cá nhân cũng được người khác nhận diện tương tự như vậy. Thương hiệu của bạn là điều bạn tự hào viết lên danh thiếp của mình, làm tiêu đề của profile, là câu bạn tự giới thiệu về mình khi tham gia hội họp hay gặp gỡ ai đó lần đầu tiên trong một cuộc hẹn hò. Có thể là "cô RinLinh cao kều của lớp 12A", "cô RinLinh là CEO Tổng giám đốc công ty A kiêm cố vấn tài chính kiêm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm bếp trưởng nhà hàng Con Cá Vàng", "cô RinLinh đến từ xứ Mù Cang Chải thành phố Havana", "cô RinLinh thành viên cuồng nhiệt của fanclub những người yêu màu hường"...

"Nhãn" của bạn nói cho người khác biết bạn thuộc về nhóm/hội nào, đạt được vị trí xã hội gì, đến từ đâu.... Nói tóm lại, nó cho người khác nhận diện tóm tắt về bản thân bạn. Trong một vài từ. Một vài dòng. Có thể là một vài câu.
Đôi khi, tôi thấy điều này khá hữu dụng, đặt biệt là khi lần đầu tiên gặp mặt một ai đó. Ít nhất bạn biết bạn đang nói chuyện với một người mà bạn nghĩ là bạn có thể đoán/hình dung ra người đó như thế nào.

Trong một số trường hợp khác, tôi thấy điều này rất tệ. Cực kỳ tệ. 

Vì có lúc tôi bỏ qua không thèm nói chuyện với một anh chàng lông bông tự giới thiệu mình là "freelancer", vì trong tưởng tượng/suy nghĩ của tôi freelancer là mấy thằng cha rỗi hơi lười biếng không việc gì làm, và sau đó tôi hối hận cực kì khi biết anh ta hóa ra lại rất thông minh và đang làm cùng lúc nhiều công việc hay ho. Hoặc cũng có một vài trường hợp, tôi nói chuyện với một vài CEO đáng kính và thất vọng/phì cười vì những xử sự thiếu chuyên nghiệp hoặc trẻ con của họ.

Chúng ta không chỉ có một, mà có rất nhiều "nhãn". Trong hầu hết đa số các trường hợp, chúng ta tự hào với những cái nhãn mình tự gắn cho mình, và có thể căm ghét hoặc khó chịu với một vài cái nhãn người khác đặt cho chúng ta. Những biệt danh hồi đi học cấp 3 là một ví dụ. Hoặc sâu sắc hơn, nếu bạn đã từng ra tòa, li dị, hay phạm phải một sai lầm nào đó trong sự nghiệp, cái "nhãn" đó, hay còn có thể gọi là vết nhơ đó, sẽ theo bạn suốt đời.

Có lẽ, chúng ta không thể tồn tại như một cá thể trong xã hội, trong cộng đồng, trong "làng xã bộ lạc" của mình, mà không có những cái "nhãn". Những cái nhãn cho biết chúng ta thuộc về nhóm nào trong xã hội, giúp người khác nhận diện chúng ta. Hay nói cách khác, mỗi cái "nhãn" cho biết chúng ta là một sản phẩm thuộc "hộp/thùng chứa"(box) nào của xã hội.

Một câu chuyện có thật xảy ra ở Tp HCM năm 1995, do sự cố máy bay nên nghệ sĩ piano lớn của thế giới là Vladimir Ashkenazy phải dừng lại Tp HCM hai ngày. Vì vậy, ông được mời tổ chức một buổi hòa nhạc tại Tp HCM, và ông đã chọn tổ chức một buổi hòa nhạc khiêm tốn tại khán phòng nhỏ trong Nhạc viện Tp HCM, với một lượng công chúng hẹp. Tại buổi hòa nhạc, người lãnh đạo Nhạc viện lúc đó là giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, đã hỏi nghệ sĩ (để đưa vào tờ program chương trình), tôi phải viết về ông như thế nào, Ashkenazy là gì?. Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là: "Tôi chỉ là Ashkenazy." Hỏi đi hỏi lại mấy lần, chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Truy mãi, truy mãi, mà cuối cùng cũng chỉ nhận được câu trả lời có pha thêm tí khó chịu từ ông "Tôi chỉ là Ashkenazy!"

Tất nhiên chúng ta không phải ai cũng là nghệ sĩ lớn như Ashkenazy, mỗi ngày còn phải còng lưng đi làm, nịnh sếp, chăm con, lượn facebook, giảm cân... Chúng ta luôn phải tự giới thiệu mình là ai trước người khác. Và khi đó, ở một khía cạnh nào đó, những cái "nhãn" và "hộp" giúp chúng ta cảm thấy an toàn hơn, được bảo vệ hơn, được tôn trọng hơn, được thỏa mãn hơn, được cảm thấy mình ưu việt hơn/khác biệt/nổi trội hơn người khác,.... Những cái "nhãn" và "hộp" cho chúng ta biết mình thuộc về nhóm nào trong xã hội. Và một trong những bản chất của con người từ thời tiền sử săn bắt hái lượm là phải "sống theo bầy đàn". Không có đồng đội, bầy đàn, thì không thể săn bắt những con lớn, không có thịt ăn. 

Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó, một vài cái "nhãn" mà bạn tự hào bị mất đi, thì, Bi ơi đừng sợ. "Nhãn" chỉ là một tờ giấy trên bao bì thôi. Nó không đại diện cho tất cả mọi thứ bên trong bạn. Và thậm chí cả cái "hộp" nữa. Có những lúc, mất đi "nhãn" và "hộp" sẽ khiến bạn lạc lối, hoang mang, mất lòng tin vào bản thân, ngã quị, hoặc có những hành động ngu ngốc. Bị cách chức, nghỉ việc, tăng cân, trở nên xấu xí, di chuyển chỗ ở, li dị, sinh con, chuyển hướng sự nghiệp,... là những ví dụ thay đổi "nhãn" và "hộp" như thế. Bạn luôn luôn có thể tạo ra một cái "nhãn" mới đẹp hơn, một cái "hộp" mới rộng hơn. 

Nhưng điều quan trọng là, những cái "nhãn" và "hộp" đó, chúng chỉ là một lớp bao bì. Chúng không phải là sản phẩm bạn thực sự. Sản phẩm bạn mới là cái cốt lõi chỉ bạn mới có, là giá trị thực sự của bạn. Và ý nghĩa cuộc sống, thành công, hạnh phúc của bạn, được quyết định bởi sản phẩm bạn, chứ không phải bao bì của bạn. 

Và nếu được, nên hạn chế dán những cái "nhãn" xấu xí không cần thiết lên người khác. Nó không làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Ngày mai, nếu bạn gặp cô RinLinh ngoài đường, cô RinLinh hy vọng là cô ấy có thể mỉm cười trả lời bạn chỉ đơn giản "Tôi là cô RinLinh".

(mặc dù vậy, là một người bình thường, cô RinLinh cũng vẫn rất yêu những cái "nhãn" sáng bóng danh giá, và lâu lâu cũng sẽ cố gắng dán đâu đó lên mình một vài cái "nhãn" hay ho và vênh váo lên đôi chút với con mèo trong nhà. Bởi vì đa số trong các trường hợp, cô ấy thường hay viết về rất nhiều thứ cô ấy bối rối và không biết phải làm sao).

Hết. 

Cám ơn độc giả đã đọc được đến đây. Chúc bạn có nhiều những cái "nhãn" sáng bóng và có thể thoải mái gỡ ra dán vào lúc nào cũng được. Và luôn mỉm cười :).
 Yêu bạn.


Food & Travel & Everyday Life

.