Chắc chẳng có nơi đâu, lại có thể làm người ta vừa kính ngưỡng, say mê, lưu luyến, lại vừa có cảm giác bình yên, thanh thản như ở Bagan.

Chỉ với diện tích khoảng 40 cây số vuông, nhưng Bagan có hơn 2000 chùa và tháp lớn bé. Ở đây, không có khói hương nghi ngút, không có những lễ lạt cầu cúng tấp nập ồn ào. Chỉ có những mái chùa, đỉnh tháp, nền gạch rêu phong cổ kính nằm lặng lẽ bên đường, và những đàn bò trắng, những cô gái mặc longyi mời bạn mua một xâu hoa tươi dâng Phật, tiếng xe ngựa chạy lộc cộc... Và đâu đó, bạn như nghe thấy tiếng trái tim mình thì thầm những lời cầu nguyện...

Khác với Yangon tấp nập xô bồ, nhịp sống ở Bagan chậm rãi, khoan thai, như tự ngàn đời xưa đã thế.












Từ Yangon, có hai cách để đi Bagan là máy bay và xe bus. Mình đi xe bus đêm của hãng JJ, 8h tối xuất phát từ Yangon. Xe bus khá mới và hiện đại, ghế ngồi rộng rãi, còn phục vụ cả cà phê, bánh ngọt, khăn ướt, xem phim, dịch vụ chả khác gì đi máy bay, rất thoải mái. Khoảng 5h30 - 6h sáng xe đến Bagan, đi taxi từ bến xe về khách sạn ở khu New Bagan mất khoảng 7000kyat. Các đền, đài, chùa, tháp nằm chủ yếu trong khu Old Bagan, cách New Bagan khoảng 15 phút đi xe máy.

Phương tiện đi lại tốt nhất trong Bagan là thuê xe ngựa, hoặc xe đạp điện. Xe đạp điện thì tự do, thoải mái hơn, muốn đi đâu thì đi, dừng lại chỗ nào bao lâu tùy ý, còn thuê xe ngựa thì phải đi theo lộ trình vạch sẵn và giới hạn thời gian, nhưng ngồi trên xe ngựa lang thang trên những con đường rộng mở ở Bagan là một trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua. Nói là nói vậy, chứ với số lượng trên 2000 chùa, tháp, chắc chắn bạn chẳng thể nào đi được hết, chỉ có thể đi được vài chỗ chính, và thỉnh thoảng dừng lại ngẫu nhiên ở những chùa, tháp dọc đường đi.



Bagan có tên cũ là Pagan, từng là kinh đô của vương triều Pagan tồn tại từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13 ở Myanmar. Đa số những đền, chùa, tháp, tự viện còn lại ngày nay ở Bagan đều được xây dựng trong giai đoạn này, nghĩa là, tuổi tác của chúng cũng xấp xỉ 1000 năm.

Tất cả các chùa, tháp ở Bagan đều có kiến trúc 4 mặt, phần tâm tháp ở giữa, nên một cách tự nhiên, để chiêm ngưỡng các kiến trúc và tượng Phật mọi khách đến thăm đều phải đi một vòng quanh tháp, như cách hành hương truyền thống của tín đồ đạo Phật. Ở nhiều ngôi đền, phía bên trong sẽ có cầu thang để bạn leo lên phần tháp chính trên cao, nơi mang lại một quang cảnh ngoạn mục toàn Old Bagan với hàng ngàn những ngôi đền, tháp, chùa lớn nhỏ nằm xen lẫn giữa rừng thẳm, như một bức tranh thiên đường hiện ra từ cõi không thực.



Những địa điểm chính mà bạn không nên bỏ qua ở Bagan là Đền Dhammayangyi, Đền Ananda, Đền Htilominlo, Chùa Gawdawpalin, Đền Thatbinnyu, chùa Bu Paya, và chùa Shwe San Daw, nơi có ngọn tháp cao vút có thể ngắm hoàng hôn và bình mình nổi tiếng nhất Bagan.

Tuy nhiên, trải nghiệm tuyệt vời nhất của mình ở Bagan chính là ngắm hoàng hôn ở chùa Phya That Gyi, một ngôi chùa nhỏ nằm sâu trong rừng phía đông Old Bagan, hoàn toàn không nổi tiếng như chùa Shwe San Daw và có rất ít khách đến thăm, nhưng lại cho một view nhìn tuyệt vời về toàn cảnh Bagan khi mặt trời buông xuống. Rất tiếc, lần này mình đi Bagan đúng mùa mưa, tuy khí trời mát mẻ hơn mùa khô đôi chút, nhưng bầu trời đầy mây, nên không thể nhìn rõ được mặt trời lúc lăn xuống. Đây là một điều nuối tiếc, vì tất cả những ai đã từng đến Bagan đều nói rằng khung cảnh hoàng hôn và bình minh ở Bagan là khung cảnh đẹp đẽ, mỹ lệ nhất mà họ từng thấy trong đời. Và người ta cũng nói rằng, Bagan là nơi đẹp nhất thế giới để ngắm từ trên cao trong khinh khí cầu buổi sáng sớm, bởi vậy mà từ tháng 9,10 đến tháng 2,3 hàng năm, hàng nghìn du khách đổ về Bagan chỉ để được trải nghiệm cảm giác đi khinh khí cầu ở đây.



Không hiểu sao, khác với lúc thăm những ngôi đền ở Angkor Wat với niềm kinh ngạc bởi sự huy hoàng tráng lệ cổ xưa, thì ở Bagan, lại là cảm giác rất thanh thản, rất bình yên. Kiến trúc, khung cảnh và không khí ở Bagan có một cái gì đó thật chan hòa, gần gũi, khiến người ta chỉ muốn ngồi mãi ở bậc tam cấp, góc sân đền, trên đỉnh tháp, cảm nhận những con gió mát nhè nhẹ, bầu trời xanh, mặt trời, cây cỏ, khuôn mặt Phật hiền từ, mọi tham vọng sân si trên cõi đời đều chỉ là vô nghĩa như một làn gió thoảng qua....

Chỉ có sự hiện hữu của ta ở đây, sự tĩnh lặng này, hơi thở này, giây phút này, là có ý nghĩa nhất, đáng quý nhất....

Rời Bagan để trở về với thế giới hiện thực, trong lòng không khỏi có nhiều nuối tiếc. Bagan quả thực là một giấc mơ hoang sơ, mỹ lệ khiến người ta không nỡ rời xa.....



(Previous part : Yangon, đô thị và chùa vàng lộng lẫy)


Mùa mưa ở Sài Gòn lại đến.

Không khí ẩm, mát và dịu nhẹ. Có lẽ đây là mùa mát mẻ nhất trong năm ở Sài Gòn. Đêm ngủ không cần bật máy lạnh, buổi trưa đi ăn trưa cũng thấy dễ chịu hơn. Chỉ là, đôi lúc những cơn mưa bất chợt đổ xuống, khiến người đi xe máy phải vội vàng dừng xe lại để mặc áo mưa, một ngày có khi đến mấy bận.

Được một người bạn là đầu bếp cho mượn quyển sách nấu ăn của Bobby Chin. Ngày xưa bạn đã từng làm việc trong bếp của Bobby, nên được bạn kể cho nghe nhiều chuyện, từ việc Bobby khó tính thế nào, nấu nước mắm, làm bánh mì ra sao, cho đến chuyện cô người yêu Hà Anh của bác "chảnh" đến độ nào :). Rất tiếc nhà hàng của bác ở Việt Nam đã đóng cửa, chứ nếu không mình cũng muốn đến ăn thử một bữa xem sao.


Sinh ra tại New Zealand trong một gia đình có mẹ là người Ai Cập, bố là người Mỹ gốc Hoa, Bobby mang trong mình nhiều dòng máu, chịu ảnh hưởng nhiều nền văn hóa khác nhau. Khi còn trẻ, Bobby cũng đã từng lạc hướng trên con đường sự nghiệp, không biết mình muốn làm gì, lúc thì muốn trở thành vận động viên chuyên nghiệp, rồi lại học kinh tế, ra trường đi làm cho các công ty, cho sàn chứng khoán phố Wall, để rồi cuối cùng mới biết mình không thuộc về thế giới của sơ mi, cà vạt, suit đen và cặp táp. Thế là Bobby bỏ việc, đi bán cá ngoài cảng.

Rồi đi học làm bếp, làm bồi bàn. Sang Việt Nam, mở nhà hàng chung với bạn, lần nào cũng thất bại nặng nề. Phải đến nhà hàng thứ 4, mới gặt được chút tiếng tăm và ổn định.

Đọc cuộc đời của Bobby, mới thấy chặng đường thành công nào cũng chứa nhiều vất vả, thất bại, đôi lúc đi sai đường, và những gì đạt được hôm nay chưa chắc sẽ còn tồn tại đến ngày mai. Bởi vậy mà người ta cứ phải đi, đi mãi, trong chặng hành trình cuộc đời mình. 


Sau một tuần bận rộn, không gì thoải mái hơn là được từ từ nhâm nhi ly cà phê do mình tự tay drip lấy, đọc sách, và suy nghĩ vẩn vơ. Một hôm nào đó, mình sẽ nấu thử những công thức đã học được của Bobby từ quyển này xem sao.

Ngoài trời mây đen đã nặng hạt, bắt đầu mưa rồi...


Đã muốn đi Myanmar từ lâu, cuối cùng năm nay mình cũng có dịp đi Yangon và Bagan. Sau nhiều sự cố trước lúc khởi hành, mình cũng cầm vé yên vị lên máy bay rời Sài Gòn, tuy vậy trong lòng vẫn còn hơi buồn và day dứt, vì một người bạn đáng lý sẽ đi cùng với mình nhưng do gặp trục trặc phải bỏ cuộc ngay giờ chót, khi vé máy bay và khách sạn đã đặt sẵn hết cả. Nếu không có người bạn đó, chắc chắn mình đã không thể có chuyến đi này.

Máy bay bị delay khoảng nửa tiếng, đến hơn 3h chiều mình mới đến sân bay quốc tế Yangon. Sân bay còn khá mới và đẹp, nhập cảnh xong mình và hai người bạn đi cùng tìm taxi về trung tâm thành phố. Taxi ở Yangon không quá đắt, đi từ sân bay về trung tâm thành phố mất khoảng từ 7000 - 10,000kyat (đọc là "chạt"), khoảng gần bằng 7 ~ 10 USD tùy theo bạn trả giá (taxi ở Yangon không có đồng hồ tính tiền), cho quãng đường kéo dài khoảng 1 tiếng. Giao thông ở Yangon chủ yếu là ô tô, thỉnh thoảng lắm mới gặp một vài chiếc xe đạp (sau này về Bagan thì thấy có thêm nhiều xe máy), nên kẹt xe cũng diễn ra khá thường xuyên.



Ấn tượng đầu tiên về Yangon, là một thành phố xanh. Cây cối mọc san sát um tùm hai bên ven đường, thành phố có hai hồ lớn là hồ Kandawgyi và hồ Inya, cùng với các công viên cây xanh thoáng mát. Đa số đàn ông và phụ nữ mặc longyi, một loại váy truyền thống của người Myanmar, với rất nhiều họa tiết khác nhau. Thi thoảng mới gặp vài bạn trẻ mặc âu phục với quần Jean hoặc váy. Cái tật shopping lại rục rịch, thế là mình rinh ngay một chiêc longyi ở chợ Bogyoke (hay còn gọi là Scott market), chợ bán đồ lưu niệm lớn nhất Yangon.



Điều thú vị nhất ở Myanmar là phụ nữ ai cũng quệt lên má bột thanaka, một loại bột được nghiền từ cây thanaka, là cây thân gỗ, ruột màu vàng nhạt hoặc trắng. Phụ nữ Myanmar tin rằng bôi bột thanaka lên mặt sẽ có tác dụng chống nắng, làm mát da, trị mụn, dưỡng da.... (riêng mình thì vẫn bán tín bán nghi vụ này...) nên ai ra đường cũng phết bột thanaka lên má. Những khuôn mặt phụ nữ với vết bột thanaka màu vàng nhạt có lẽ là hình ảnh điển hình nhất của người Myanmar.



Ở Myanmar vẫn còn giữ thói quen ăn trầu, đặc biệt là đàn ông, họ ăn trầu như đàn ông ở các nơi khác hút thuốc lá. Bởi vậy, bạn đừng giật mình ngạc nhiên, nếu anh tài xế taxi của bạn đột ngột dừng xe lại, và .... nhổ bã trầu cái toẹt xuống đường, rồi thản nhiên đi tiếp. Cái đó, là khung cảnh bình thường ở Myanmar. Trầu được bán khắp nơi, trong chợ, trên vỉa hè, các quầy bán thuốc lá luôn luôn bán kèm lá trầu, cau, vôi sống.


Cô gái bán trầu trên vỉa hè đường phố Yangon

So với các thành phố lớn ở Đông Nam Á, Yangon tương đối kém phát triển, nhưng là thành phố lớn nhất Myanmar. Ở đây không thiếu những tòa nhà đồ sộ, bề thế còn sót lại từ thời thuộc địa Anh, nằm xen lẫn với rất nhiều chung cư cũ, các khu ổ chuột, nhiều chung cư còn cũ và xập xệ hơn rất nhiều so với các chung cư cũ ở quận 4, quận 5 Sài Gòn. Đại bộ phận người dân Myanmar vẫn còn rất nghèo khổ, nhưng tất nhiên cũng như các thành phố Đông Nam Á khác, cũng có một bộ phận rất giàu có thừa hưởng những tiện nghi sang trọng nhất.





Là đất nước với gần 90% là Phật Giáo, Myanmar có rất nhiều đền chùa. Yangon có nhiều chùa với cái tên độc đáo như chùa Phật nằm, chùa tóc Phật, chùa răng Phật..., nhưng không thể không nhắc đến cái tên nổi tiếng nhất, chùa Shwedagon, hay còn gọi là chùa Vàng, ngôi chùa lớn nhất, linh thiêng nhất Myanmar. Người ta nói rằng nơi đây có lưu giữ 4 báu vật linh thiêng của Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Nếu bạn muốn đến thăm chùa, thì tốt nhất là nên mặc quần dài, áo có tay, còn nếu không thì nên chuẩn bị sẵn 5000kyat để mua longyi trước khi vào cửa ! Bởi vì luật ở Myanmar không cho phép mặc quần đùi, váy ngắn, áo ba lỗ để vào chùa. Ngoài ra, bạn phải bỏ dép đi chân không để vào chùa (cũng vì vụ đi chân không này mà mình bị chảy máu chân ở chùa Nandawlin ở Bagan vì dẫm phải đá nhọn hichic ...).

Chùa nằm trên đỉnh đồi cao, có kiến trúc hình tháp stupa, cao tới những 98 mét. Đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng mỏng. Trên đế tháp là sân hiên khá hẹp, nghe nói chỉ có các nhà sư và nam giới được phép đi vào. Cao tít trên đỉnh tháp là phần vương miện, được nạm hơn 5000 viên kim cương, 2000 viên hồng ngọc, trên cùng là cánh hình cờ cũng được nạm vô số đá quý, và đỉnh cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat. Bạn có thể quan sát phần vương miện và búp kim cương này qua một kính viễn vọng đặt ở dưới chân tháp. Xung quanh tháp là 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và bảy ngày trong tuần, để cho các tín đồ đến cầu nguyện và tưới nước tắm cho tượng Phật. Và cũng ở đây lần đầu tiên trong đời mình cầu nguyện và thực hiện nghi lễ tắm cho tượng Phật.







Khuôn viên chùa rất rộng lớn, để đi hết một vòng cũng khá mỏi chân. Đâu đâu cũng thấy tượng Phật, tháp thờ, khu cầu nguyện, chỗ nào cũng dát vàng trang trí óng ánh. Chọn một chỗ ít người qua lại, ngồi xếp bằng chờ đến lúc đèn lên. Khi hoàng hôn dần buông xuống, đèn rực sáng, tháp stupa ửng lên một màu vàng kỳ diệu, rực rỡ trên nền trời xanh thẳm. Người ta nói rằng, đó là khoảnh khắc đẹp nhất của chùa Shwedagon, ngôi chùa có hơn nghìn năm tuổi.



Shwedagon, là hiện thân rõ rệt nhất cho tấm lòng thành kính của tín đồ Phật giáo. Tất cả những gì huy hoàng nhất, rực rỡ nhất, tôn nghiêm nhất, trang trọng nhất, mà con người có thể tạo ra, từ cổ xưa cho đến hôm nay, đều tụ về một hướng....

Những nhà sư đi khất thực trên đường phố Yangon

(Next part : Myanmar part 2 - Bagan, đất Phật bình yên)




Lần cuối cùng ta nhìn được thấy một trái thị là khi nào ?

Có lẽ là từ xưa lắm, khi ta hãy còn là một cô bé, được bà, mẹ đi chợ về mua cho quả thị làm quà. Quả thị về nhà chỉ được để trên bàn, hay để ở đầu giường cho thơm chứ nhất định không được ăn. Thị chín vàng, tỏa mùi thơm man mát, ngọt ngào, khiến đứa trẻ là ta khi ấy cứ mãi chun mũi hít hà....

Ta đã lãng quên mùi hương ngọt ngào ấy từ lâu lắm, sau nhiều năm trời lang thang phiêu bạt, mải mê với những giấc mơ, những ham muốn và tham vọng, những thành công và thất bại, những được và mất của đời người..... Thế rồi, tình cờ giữa Sài Gòn hối hả, bỗng bắt gặp một người bán dạo đậu xe ven đường, trong giỏ là vài trái thị vỏ vàng ươm, căng tròn, nằm im lìm dưới nắng trưa. Có lẽ, đã lâu quá rồi, phải không....

Đặt một trái thị lên bàn tay, khe khẽ ngửi. Mùi hương tha thiết ấy như làm lòng ta se lại. Cái niềm hạnh phúc bé nhỏ giản đơn của những ngày thơ bé. Cái hương thơm hiền lành, giản dị và ngọt ngào. Thị ơi, thị à...

Những tháng năm qua, trong lâu dài ký ức, những mùi hương nào khiến ta không thể lãng quên ?

 Mùi cỏ dại buổi sáng sớm đầu xuân nhắc ta về một mảnh vườn xưa cũ, mùi thức ăn mẹ nấu khiến ta bỗng nhớ về mái nhà xưa, mùi hương nước hoa của người bạn trai ta từng yêu tha thiết gợi nhớ về một mối tình dang dở....

"Mùi hương là vị phù thủy đầy uy lực, đưa bạn vượt qua hàng ngàn dặm và tất cả những tháng năm mà bạn đã sống*."

Tự nhiên, bỗng thấy như muốn ứa nước mắt. Sau tất cả những toan tính, những khó khăn trong quan hệ giữa người và người, chỉ để mưu cầu hạnh phúc trong một tương lai không đoán định được, thứ làm ta hôm nay cảm thấy bình yên, nhẹ nhõm và thanh thản nhất, chỉ đơn giản là một mùi hương ngọt ngào, giản dị của một trái thị thơm....

''Thị ơi, thị rụng bị bà
 Bà để bà ngửi chứ bà không ăn".......



(*trích Helen Keller)


Food & Travel & Everyday Life

.