Đã muốn đi Myanmar từ lâu, cuối cùng năm nay mình cũng có dịp đi Yangon và Bagan. Sau nhiều sự cố trước lúc khởi hành, mình cũng cầm vé yên vị lên máy bay rời Sài Gòn, tuy vậy trong lòng vẫn còn hơi buồn và day dứt, vì một người bạn đáng lý sẽ đi cùng với mình nhưng do gặp trục trặc phải bỏ cuộc ngay giờ chót, khi vé máy bay và khách sạn đã đặt sẵn hết cả. Nếu không có người bạn đó, chắc chắn mình đã không thể có chuyến đi này.

Máy bay bị delay khoảng nửa tiếng, đến hơn 3h chiều mình mới đến sân bay quốc tế Yangon. Sân bay còn khá mới và đẹp, nhập cảnh xong mình và hai người bạn đi cùng tìm taxi về trung tâm thành phố. Taxi ở Yangon không quá đắt, đi từ sân bay về trung tâm thành phố mất khoảng từ 7000 - 10,000kyat (đọc là "chạt"), khoảng gần bằng 7 ~ 10 USD tùy theo bạn trả giá (taxi ở Yangon không có đồng hồ tính tiền), cho quãng đường kéo dài khoảng 1 tiếng. Giao thông ở Yangon chủ yếu là ô tô, thỉnh thoảng lắm mới gặp một vài chiếc xe đạp (sau này về Bagan thì thấy có thêm nhiều xe máy), nên kẹt xe cũng diễn ra khá thường xuyên.



Ấn tượng đầu tiên về Yangon, là một thành phố xanh. Cây cối mọc san sát um tùm hai bên ven đường, thành phố có hai hồ lớn là hồ Kandawgyi và hồ Inya, cùng với các công viên cây xanh thoáng mát. Đa số đàn ông và phụ nữ mặc longyi, một loại váy truyền thống của người Myanmar, với rất nhiều họa tiết khác nhau. Thi thoảng mới gặp vài bạn trẻ mặc âu phục với quần Jean hoặc váy. Cái tật shopping lại rục rịch, thế là mình rinh ngay một chiêc longyi ở chợ Bogyoke (hay còn gọi là Scott market), chợ bán đồ lưu niệm lớn nhất Yangon.



Điều thú vị nhất ở Myanmar là phụ nữ ai cũng quệt lên má bột thanaka, một loại bột được nghiền từ cây thanaka, là cây thân gỗ, ruột màu vàng nhạt hoặc trắng. Phụ nữ Myanmar tin rằng bôi bột thanaka lên mặt sẽ có tác dụng chống nắng, làm mát da, trị mụn, dưỡng da.... (riêng mình thì vẫn bán tín bán nghi vụ này...) nên ai ra đường cũng phết bột thanaka lên má. Những khuôn mặt phụ nữ với vết bột thanaka màu vàng nhạt có lẽ là hình ảnh điển hình nhất của người Myanmar.



Ở Myanmar vẫn còn giữ thói quen ăn trầu, đặc biệt là đàn ông, họ ăn trầu như đàn ông ở các nơi khác hút thuốc lá. Bởi vậy, bạn đừng giật mình ngạc nhiên, nếu anh tài xế taxi của bạn đột ngột dừng xe lại, và .... nhổ bã trầu cái toẹt xuống đường, rồi thản nhiên đi tiếp. Cái đó, là khung cảnh bình thường ở Myanmar. Trầu được bán khắp nơi, trong chợ, trên vỉa hè, các quầy bán thuốc lá luôn luôn bán kèm lá trầu, cau, vôi sống.


Cô gái bán trầu trên vỉa hè đường phố Yangon

So với các thành phố lớn ở Đông Nam Á, Yangon tương đối kém phát triển, nhưng là thành phố lớn nhất Myanmar. Ở đây không thiếu những tòa nhà đồ sộ, bề thế còn sót lại từ thời thuộc địa Anh, nằm xen lẫn với rất nhiều chung cư cũ, các khu ổ chuột, nhiều chung cư còn cũ và xập xệ hơn rất nhiều so với các chung cư cũ ở quận 4, quận 5 Sài Gòn. Đại bộ phận người dân Myanmar vẫn còn rất nghèo khổ, nhưng tất nhiên cũng như các thành phố Đông Nam Á khác, cũng có một bộ phận rất giàu có thừa hưởng những tiện nghi sang trọng nhất.





Là đất nước với gần 90% là Phật Giáo, Myanmar có rất nhiều đền chùa. Yangon có nhiều chùa với cái tên độc đáo như chùa Phật nằm, chùa tóc Phật, chùa răng Phật..., nhưng không thể không nhắc đến cái tên nổi tiếng nhất, chùa Shwedagon, hay còn gọi là chùa Vàng, ngôi chùa lớn nhất, linh thiêng nhất Myanmar. Người ta nói rằng nơi đây có lưu giữ 4 báu vật linh thiêng của Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Nếu bạn muốn đến thăm chùa, thì tốt nhất là nên mặc quần dài, áo có tay, còn nếu không thì nên chuẩn bị sẵn 5000kyat để mua longyi trước khi vào cửa ! Bởi vì luật ở Myanmar không cho phép mặc quần đùi, váy ngắn, áo ba lỗ để vào chùa. Ngoài ra, bạn phải bỏ dép đi chân không để vào chùa (cũng vì vụ đi chân không này mà mình bị chảy máu chân ở chùa Nandawlin ở Bagan vì dẫm phải đá nhọn hichic ...).

Chùa nằm trên đỉnh đồi cao, có kiến trúc hình tháp stupa, cao tới những 98 mét. Đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng mỏng. Trên đế tháp là sân hiên khá hẹp, nghe nói chỉ có các nhà sư và nam giới được phép đi vào. Cao tít trên đỉnh tháp là phần vương miện, được nạm hơn 5000 viên kim cương, 2000 viên hồng ngọc, trên cùng là cánh hình cờ cũng được nạm vô số đá quý, và đỉnh cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat. Bạn có thể quan sát phần vương miện và búp kim cương này qua một kính viễn vọng đặt ở dưới chân tháp. Xung quanh tháp là 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và bảy ngày trong tuần, để cho các tín đồ đến cầu nguyện và tưới nước tắm cho tượng Phật. Và cũng ở đây lần đầu tiên trong đời mình cầu nguyện và thực hiện nghi lễ tắm cho tượng Phật.







Khuôn viên chùa rất rộng lớn, để đi hết một vòng cũng khá mỏi chân. Đâu đâu cũng thấy tượng Phật, tháp thờ, khu cầu nguyện, chỗ nào cũng dát vàng trang trí óng ánh. Chọn một chỗ ít người qua lại, ngồi xếp bằng chờ đến lúc đèn lên. Khi hoàng hôn dần buông xuống, đèn rực sáng, tháp stupa ửng lên một màu vàng kỳ diệu, rực rỡ trên nền trời xanh thẳm. Người ta nói rằng, đó là khoảnh khắc đẹp nhất của chùa Shwedagon, ngôi chùa có hơn nghìn năm tuổi.



Shwedagon, là hiện thân rõ rệt nhất cho tấm lòng thành kính của tín đồ Phật giáo. Tất cả những gì huy hoàng nhất, rực rỡ nhất, tôn nghiêm nhất, trang trọng nhất, mà con người có thể tạo ra, từ cổ xưa cho đến hôm nay, đều tụ về một hướng....

Những nhà sư đi khất thực trên đường phố Yangon

(Next part : Myanmar part 2 - Bagan, đất Phật bình yên)


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.