Luôn luôn, mỗi khi đến một nước nào đó, nếu được, tôi luôn cố gắng làm sao để có thể ăn được ít nhất là một bữa sáng giống như những người ở nơi đó ăn, chứ không phải là bữa sáng được phục vụ trong khách sạn. Vì dường như, không gì phản ánh khẩu vị, thói quen và văn hóa ăn uống của một nơi rõ nét như cách ở nơi đó người ta ăn sáng như thế nào.

Chẳng hạn, bữa sáng của người Việt Nam thế nào cũng phải có bánh mì, bún, phở, xôi, bánh cuốn, bánh bèo các loại. Còn bữa sáng đúng kiểu của một gia đình người Nhật thế nào cũng phải có cơm trắng, xúp miso, natto, cá nướng hoặc trứng cuộn. Và bữa sáng của người Đài Loan thế nào cũng phải có sữa đậu nành, you tieu (quẩy nóng), bánh bao hoặc bánh củ cải. Và bữa sáng của người Malaysia, với người gốc Malay là chắc chắn phải có nasi lemak, người Ấn thì phải có roti canai, người Hoa là phải có bánh bao, xôi nếp thịt, dim sum và trà nóng.

                                               (Bữa sáng của người Hoa ở Malaysia)

Ở các nước châu Á, người ta có thể ăn sáng ở nhà hoặc ra quán, tùy theo thói quen và sở thích. Nếu ăn ở ngoài, thì không đâu mà sự lựa chọn về ăn sáng lại phong phú như ở các nước Đông Nam Á. 

Muốn ăn bánh giò, trứng vịt lộn, bún thang, bánh cuốn, phở bò ? Ra Hà Nội. 
Hủ tiếu, bún mắm, cơm tấm, bò kho, bánh mì thịt ? Sài Gòn.
Nasi lemak, cà ri, mì Quảng Đông, cháo trắng, dim sum ? Kuala Lumpur lah. 
Và còn nhiều, nhiều lắm nữa, không sao kể hết. 

Người đi ăn sáng không cần cái gì sang trọng quá, một cái bàn thấp thấp con con, vài cái ghế đẩu, một gánh hàng rong với cái nồi bốc khói nghi ngút, vậy là thành một địa điểm ăn sáng hấp dẫn cho vô vàn thực khách rồi. Đàng hoàng hơn một chút, có thể chọn quán trong nhà, với ghế tựa, bàn cao, nhân viên phục vụ chạy như mắc cửi, thức ăn lúc nào cũng nóng sốt mà giá cả cũng phải chăng. 

Vào những lúc cuối tuần, quán ăn sáng còn là nơi người ta ngồi đủng đỉnh khề khà chuyện nọ chuyện kia, tám chuyện với bà hàng xóm, bạn bè rủ nhau "đãi một chầu", hay đơn giản chỉ là ngồi nhẩn nha với tách cà phê ngó người qua lại.

                                (Bánh nướng, món quà sáng phổ biến ở Đài Loan)

Ngày xưa khi tôi còn ở Việt Nam, ba mẹ tôi thường hay ăn sáng ở nhà, món thường xuyên là cơm chiên, bún xào hoặc bánh mì. Đa số là chiên xào lại cơm nguội, bún hoặc thức ăn còn lại từ bữa tối hôm trước, hoặc mẹ dậy sớm ra tiệm đầu ngõ mua cái bánh mì không mang về, ăn với trứng chiên, thịt nguội, hoặc chấm với sữa đặc có đường. Bà nội tôi thì khó tính hơn, bà thích ăn bún bò, nên thường là ba mẹ tôi dậy thật sớm đi mua về cho bà ăn, hoặc sau này khi chuyển nhà thì nhờ cô hàng bún gần đó sáng sáng bưng qua một tô cho bà. Chị em tôi lúc còn nhỏ được ba chở đi học thì ăn sáng ở nhà với ba mẹ hoặc ghé quán nào đó trên đường ăn luôn, sau này lớn lên thì mỗi đứa tự đạp xe đi học, tự ăn một mình hay ăn với bạn.

                                               (Quán ăn sáng trong hẻm ở Đà Nẵng)

 Luôn luôn, mỗi khi nghĩ về bữa ăn sáng, là tôi lại nhớ đến những buổi sáng ba mẹ phải dậy từ thật sớm, khi tôi và em tôi vẫn còn đang quấn mình trong chăn, để lo chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Ba tôi ít khi vào bếp, nhưng tôi vẫn luôn nhớ hình ảnh ba đứng trong bếp, miệng vừa ngậm thuốc lá, vừa chiên cơm vào sáng sớm khi trời còn mờ đất. Và đến bây giờ, dù đã đi xa mấy ngàn dặm ra khỏi gia đình, nhưng thỉnh thoảng, có những buổi sáng thức dậy còn lơ mơ ngủ, tôi vẫn như đang nghe thấy tiếng xe vespa của ba bình bịch nổ nhè nhẹ, tưởng như là mình vẫn đang ở nhà, nghe tiếng xe ba chạy đi mua đồ ăn sáng cho bà. 

Và tôi vẫn nhớ lắm cái cảm giác những ngày còn nhỏ, buổi sáng khoảng 5h, 5h30, tôi nằm trong chăn, nghe tiếng ba mẹ nói chuyện khe khẽ trong bếp, tiếng thìa cà phê kêu lách cách, mùi cà phê, mùi thơm xào nấu bay nhè nhẹ trong không khí, nghe tiếng mẹ quét lá ngoài sân, tiếng xe vespa của ba bình bịch nổ.... 

Bây giờ, tôi đã lớn, thỉnh thoảng về thăm nhà, cứ nói thôi ba mẹ khỏi cần dậy sớm lo đồ ăn sáng chi cho mệt, để hai đứa con xách xe chạy một vòng là mua được đủ thứ đồ ăn mà. Vậy mà phần nhiều những buổi sáng khi tôi thức dậy, đã thấy khi thì dĩa cơm chiên, khi thì tô bún, cái bánh mì thịt để sẵn trên bàn rồi. Ba mẹ luôn luôn là những người dậy sớm nhất, luôn luôn lo, "không biết hai đứa nó có gì ăn sáng chưa...".

Sáng sớm tinh sương, nghe đâu có mùi thơm nhè nhẹ thoảng qua...
Ngày đang tới....




Tuần vừa rồi sau khi làm xong món bánh quiche và nấu xúp minestrone, trong tủ lạnh của mình còn một "cơ số" thịt xông khói, rau spinach, cà chua, và có thêm một ít tôm còn lại sau khi nấu mì trộn Penang. Làm gì với "bọn chúng" bây giờ ?

Cách giải quyết dễ nhất mình hay làm đó là...... cho tất tần tật chúng nó vào chảo hehe. Thêm mì spaghetti, ta đã có một món mì "vét tủ lạnh" tuyệt vời ! Dầu oliu thơm thơm, rắc thêm một chút ớt bột ba mình đặc biệt mua từ Huế (cho mình mang sang Nhật để dành nấu bún bò, tại mình nghiện bún bò Huế), món spaghetti "vét tủ lạnh" đã sẵn sàng. (^-^)

Bon apetite !







Vào mùa đông, sau một ngày làm việc kéo dài có khi đến 10, 12 tiếng đồng hồ, cả người vừa mệt, vừa đói và vừa lạnh, mình thường hay nấu xúp rau, vì nó khá đơn giản, dễ ăn, dễ tiêu hóa, nhiều vitamin, mà lại .... rất ấm áp.

Có nhiều loại xúp rau, nhưng món dễ nhất mà mình hay làm là xúp minestrone, một món xúp rau kiểu Ý, với thành phần chính là cà chua, các loại rau củ thái nhỏ, xúc xích hoặc thịt nguội. Nguyên liệu dễ tìm. cách nấu lại khá nhanh và đơn giản.

Recipe:
150g hành tây
100g cà rốt
3 quả cà chua to
100g thịt nguội hoặc xúc xích
3 tép tỏi
2.5g viên súp gà
1 lá nguyệt quế (bay leaf)
600ml nước
tiêu, lá thơm parsley, muối, dầu ô liu

Cách làm:
- Thái nhỏ hành tây, cà rốt, xúc xích (hoặc thịt nguội), cà chua.
- Làm nóng dầu oliu, phi tỏi thơm (lửa nhỏ thôi nhé không cháy tỏi), cho hành tây vào xào khoảng từ 3 đến 5 phút cho hành ngọt.
- Cho cà rốt, xúc xích (thịt nguội) vào xào sơ.
- Cho cà chua vào xào. Thêm nước, viên súp gà, lá bay leaf, hầm lửa riu riu khoảng 15 phút. Nêm nếm với muối.
- Dọn ra tô hoặc đĩa lòng sâu, rắc lên một ít tiêu, lá parsley, thêm một chút dầu oliu.
  Ăn nóng với bánh mì.

Trên đây chỉ là recipe xúp minestrone đơn giản nhất của mình. Ngoài ra bạn có thể gặp rất nhiều recipe minestrone khác nhau, có thể có thêm đậu trắng, bắp cải, cần tây, khoai tây..... Thậm chí có thể cho mì pasta vào xúp minestrone để làm món soup pasta cũng rất ngon.

Bon apetite !

(Nhân tiện, nếu bạn ở Nhật, mình rất recommend bạn ăn thử bánh mì lạt của Andersen, nhất là dòng bánh Organic "Green Bread" hoặc dòng bánh làm từ bột mì Steinmetz, cực ngon. Bánh mình chụp trong hình là bánh mì tròn và bánh mè của Andersen. Ngọt, thơm, mềm, chỉ ăn bánh mì không hoặc chấm với dầu oliu thôi cũng đã thấy tuyệt vời rồi.)




Một lần dạo hiệu sách ở sân bay Kuala Lumpur, mình tình cờ mua được "Penang Heritage Food", một quyển sách giới thiệu các món ăn và văn hoá ẩm thực của vùng Penang, Malaysia. Tác giả sách là ông Ong Jin Teong, tuy không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng mẹ ông, bà Khoo Chiew Kin là một đầu bếp tài năng và nổi tiếng tại Penang lúc sinh thời.

Với "Penang Heritage Food", Ong Jin Teong đã kể lại những câu chuyện về thuở ấu thơ của mình, với những món ăn của mẹ, của gia đình, những kỷ niệm xa xưa về nơi chôn nhau cắt rốn là thành phố nhỏ Penang. Nhờ quyển sách này, mình đã học được cách nấu nhiều món ăn Malaysia cổ truyền.


Penang, cũng như mọi thành phố khác của Malaysia, là nơi tập hợp của nhiều người từ những vùng đất khác nhau, vì vậy món ăn ở đây cũng chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá, như Hoa, Ấn, Mã Lai, Thái Lan.

Món mì trộn mà mình giới thiệu lần này là món ăn chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Thái Lan, với cách sử dụng sả và lá chanh, nhưng đồng thời cũng sử dụng sambal, một hỗn hợp gia vị truyền thống của người Malaysia. Đúng ra nguyên gốc nó là món bún trộn, nhưng trong tủ mình hôm nay hết bún khô nên mình thay thế bằng mì somen của Nhật.

Recipe
300g bún gạo khô (mình thay thế bằng mì somen)
150g giá đỗ
250g tôm tươi
3 củ sả nhỏ
12 quả quất nhỏ (mình thay thế bằng một quả chanh và một ít đường)
2 quả ớt tươi
5 lá chanh
3 quả trứng
300g đậu phụ
đường, muối
3 thìa Sambal Belacan
Optional:  3 thìa nhỏ dừa nạo
              1 bông hoa gừng (ginger bud) nếu có

Sambal Belacan là một gia vị truyền thống rất hay được sử dụng trong món ăn Malaysia, gồm có ớt tươi, ruốc khô, nước quất, trộn đều và giã nhỏ trong cối.
Mình sử dụng Sambal Belacan làm sẵn đóng lọ của hãng Sing Long mua ở Malaysia:


Bạn có thể thay thế Sambal Belcan bằng hỗn hợp:  4 quả ớt tươi thái nhỏ + một thìa cà phê ruốc + nửa quả chanh + 3 thìa đường rồi trộn đều.

Cách làm:
- Luộc bún (mì), xả qua nước lạnh cho mì hết bột và để ráo nước.
- Bắc một nồi nước sôi khác, trụng giá, luộc tôm đã làm sạch.
- Đậu phụ rán vàng, thái miếng. Trứng luộc chín, bóc vỏ, thái đôi.
- Sả chỉ sử dụng phần gốc trắng, thái nhuyễn. Lá chanh thái sợi nhỏ. Ớt thái nhỏ.
- Trộn đều nước quất (chanh), đường, muối, ớt, Sambal Belacan, nếm vừa ăn.
   Sau đó cho vào bún (mì), tôm, đậu phụ, sả thái nhuyễn, lá chanh, trộn đều.
- Rắc dừa nạo và hoa gừng lên trên nếu có. Cho ra dĩa, trang trí với trứng luộc chín thái đôi.

Bon apetite !







Hôm trước đi chợ đồ cũ ở Yasukuni-Jinza, mua được bộ tách này với giá chỉ 150 yên, tách bé xinh xinh và có màu xanh sẫm óng ánh rất mê hoặc. Nên dạo này sáng nào mình cũng nó để uống cà phê sáng.

Gần mấy tháng nay mình không ăn sáng bằng bánh mì nướng nữa, cứ thấy khô khô thế nào ấy. Nên buổi sáng hoặc là không ăn gì cả, chỉ uống cà phê, hoặc hâm nóng thức ăn tối qua còn lại, hoặc thỉnh thoảng mua một cái gì đó từ hôm trước để dành ăn sáng. Có khi, mình lại nấu sẵn một nồi cháo trắng, sáng hôm sau hâm nóng lại và ăn với dưa muối, cá kho khô, vậy là đủ ấm bụng.

Từ hồi cơ quan chuyển chỗ, phải đi làm bằng tàu điện chứ không đi xe đạp nữa, mình lại có thêm thói quen sáng nào cũng pha một ly cà phê thật nóng, cho vào ly tumbler, rồi mang đi làm. Không gì ấm áp hơn bằng cảm giác một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, đứng trên sân ga chờ tàu đi làm, được uống một cà phê thật thơm và thật nóng.

Nhưng có những buổi sáng dậy muộn, chẳng kịp gì cả chỉ đủ thời gian vội vã thay quần áo rồi đi làm ngay. Cuộc sống hối hả và bận rộn, đến nỗi nhiều khi ăn một bữa sáng thong thả cũng là một điều xa xỉ. Những lúc như vậy, mình lại nhớ những buổi sáng ở Việt Nam, chỉ cần ghé qua một quán bên đường nào đó là có đủ món ăn ngon, bún, phở, mì bánh cuốn, bánh bèo, bánh nậm.....

Nhưng mình biết, đến khi nào về hẳn Việt Nam, chắc chắn, mình sẽ lại vừa ngồi ăn sáng ở quán lề đường, vừa ngẩn ngơ nhớ những phút chờ tàu đi làm trong mùa đông lạnh lẽo ở Nhật.

Con người thật là kì lạ, lúc nào cũng mâu thuẫn với chính mình.






Lâu lắm rồi mình không làm bánh quiche, nhớ hồi sinh viên có một dạo ghiền làm bánh tart và quiche đến nỗi hầu như tuần nào cũng làm một cái. Mấy năm gần đây từ khi đi làm, mình ít nấu nướng hẳn, khuôn bánh cũng xếp xó trong tủ. Hôm nay dọn dẹp lại đống recipe, bắt gặp cái recipe cũ mà hồi mới vào công ty, một bác đầu bếp chuyên về món Pháp đã dạy cho mình. Thế là quyết định làm quiche, mua một chai vang ngon, vừa ăn vừa enjoy mấy ngày cuối tuần.Lần này mình làm về cơ bản hoàn toàn theo recipe của bác đầu bếp cho, nhưng không sử dụng kem tươi vì...sợ béo hihi. Làm bánh quiche khá phức tạp và tốn thời gian, nhưng bù lại, hương vị của nó thì thật là quyến rũ và tuyệt vời, rất hợp khi uống vang và làm món khai vị.

Recipe
*Cho phần vỏ bánh:
- Bột all purpose               150g
- Bơ                                   75g
- Lòng đỏ trứng gà          1 cái
- Nước                              25g
- Một chút xíu muối (khoảng 5g)

*Cho phần nhân lỏng:
- Trứng gà nguyên quả     3 quả
- Sữa                                  200g
- Kem tươi                         150g (mình thay thế bằng sữa)
- Muối, tiêu, nutmeg

*Cho phần nhân đặc:
- Thịt xông khói (bacon)  100g
- Rau spinach                   100g

*Cách làm
- Rây bột vào một cái tô lớn, cho bơ đã thái miếng nhỏ, nhanh tay trộn bơ và bột cho thật đều trước khi bơ chảy. Cho vào tô lòng đỏ trứng, nước, muối, nhào trộn kỹ cho đến khi vo được viên tròn lại và hết dính tay. Cho vỏ bánh này vào tủ lạnh và để nghỉ 30 phút.
Trong thời gian bột nghỉ, ta làm nhân bánh. Rau spinach rửa sạch, để ráo nước, cắt miếng vừa ăn. Thịt xông khói thái miếng dài cỡ lóng tay. Xào sơ thịt xông khói và rau spinach với một chút muối, tiêu. Cho vào một cái tô khác trứng, sữa, muối, tiêu, thịt xông khói, trộn đều để làm nhân lỏng.

- Lấy vỏ bánh ra, cán mỏng cỡ 3mm, kích thước sao cho vừa với khuôn. Trải vỏ bánh vào khuôn và nhấn nhẹ cho vỏ dính vào thành khuôn. 

Tip 1: trải một lớp nylon thực phẩm lên mặt bàn hoặc thớt rồi mới cán mỏng, thì sẽ rất dễ lấy vỏ ra để cho vào khuôn.


Cắt vỏ ra khỏi khuôn bằng chày cán bột.





Tip 2: sau khi nướng vỏ bánh sẽ co lại, nên kéo thành bánh cao hơn một chút xíu so với khuôn.
-
 Cho thịt xông khói và rau spinach vào khuôn, đổ nhân lỏng vào. 

-Nướng ở 180 độ, 45 phút.


Lorraine nằm ở miền đông bắc nước Pháp, là quê hương của bánh pie, tart, và quiche. Bánh quiche cơ bản nhất là quiche với nhân thịt xông khói và rau spinach, nhưng ngoài ra bạn có thể cho vào đó nhân nấm, cà tím, phô mai.... Món quiche ngon nhất mà mình từng được ăn là quiche khai vị của nhà hàng Mikuni ở Tokyo, là món ruột của đầu bếp món Pháp danh tiếng Mikuni Kiyomi.Bon apetite !



Mình nghĩ đến một lúc nào đó, nhắc đến món ăn Nhật có lẽ người ta sẽ nghĩ đến ramen, cũng giống như nhắc đến món ăn Việt Nam người ta sẽ nghĩ đến phở vậy. Bởi ở Nhật, ramen đã trở thành một món ăn phổ biến, gần gũi với tất cả mọi người, trẻ già lớn bé. Đặc biệt, đối với đàn ông Nhật, ramen có lẽ cũng giống như bia hay manga, nếu không có nó thì chắc cuộc sống sẽ vô cùng nhàm chán và buồn tẻ. Phụ nữ thì có thể người thích người không, nhưng trong hơn mười năm ở Nhật, mình chưa gặp một người đàn ông Nhật nào không thích ramen.

Nguồn gốc ramen là món mì Trung Quốc, bắt đầu du nhập vào Nhật từ cuối thế kỷ 19, khi thời Minh Trị bắt đầu bãi bỏ chế độ bế quan tỏa cảng. Những tiệm mì Trung Quốc đầu tiên được mở ra ở Yokohama, Hakodate....,những vùng đất cảng tấp nập thuyền bè giao thương qua lại. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Nhật gặp khó khăn về thực phẩm, món mì Trung Quốc với đặc điểm sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền và có tính dinh dưỡng cao đã trở nên ngày càng phổ biến, và người Nhật đã dần dần thay đổi cách nấu truyền thống của mì Trung Quốc để hình thành nên món ramen như ngày nay.

Cho đến ngày nay, trong khắp nước Nhật, không có quận huyện nào mà không có ít nhất là một quán ramen, rất nhiều sách về ramen đã được bán ra, ở Yokohama còn có một bảo tàng về ramen. Ramen đã được nâng cấp thành một món ăn quốc hồn quốc túy của người Nhật, các quán ramen cạnh tranh nhau về độ dai của mì, hương vị thịt heo, nori, măng trong tô ramen, độ nóng của nước dùng..... Về hương vị của nước dùng ramen thì đúng là trăm hoa đua nở, không quán nào giống quán nào. Và không khó để thấy những hàng dài người xếp hàng trước các quán ramen.


(hàng người xếp hàng trước quán Jiro-Ramen)
Về cơ bản, có thể chia ramen thành 5 loại dựa trên nước dùng:
1. Shio ramen : nước dùng có thể được nấu từ xương heo, xương gà, cá khô, rau củ,.....hoặc phối hợp  với rất nhiều nguyên liệu khác, nhưng khi nêm nếm thì chỉ dùng muối thôi (shio nghĩa là muối). Vì muối chỉ có vị mặn, nên nước dùng shio ramen có đặc điểm là có thể làm cho người ăn cảm nhận rõ hương vị các nguyên liệu khác.
2. Shoyu ramen: tương tự như shio ramen, nhưng thay vì dùng muối để nêm nếm thì lại dùng shoyu (xì dầu Nhật Bản). Nước dùng shoyu ramen có màu nâu cánh gián, vị thơm và ngọt hậu.
3. Miso ramen: tương tự như shio ramen hay shoyu ramen, nước dùng của miso ramen sử dụng miso (tương đậu nành lên men của Nhật) để nêm nếm. Nước dùng của miso ramen là sự hòa quyện của các hương vị rau củ, vị ngọt của thịt và vị thơm đặc trưng của miso
4. Tonkotsu ramen: nước dùng sử dụng xương heo và tủy heo để nấu. Vì sử dụng nhiều tủy heo, nên nước dùng tonkotsu có màu trắng đục và vị thơm của xương heo
5. Gyokai-kei ramen: nước dùng sử dụng nguyên liệu chính là để nấu. Cách nêm nếm thì tùy từng quán.

Phân loại là như vậy, nhưng thường thì mỗi quán sẽ có cách nấu nước dùng khác nhau, ví dụ ninh xương heo để nấu, nhưng trong nước dùng cũng có cả cá, rau củ, hương liệu.... Ngoài ra độ dày của sợi mì, các nguyên liệu topping cũng khác nhau ở mỗi nơi. Hàng năm, các trang web ở Nhật luôn ranking những quán ramen ngon nhất.
Thật ra thì mình cũng không thực sự ghiền ramen lắm. Nhưng thỉnh thoảng, vào những tối mùa đông, khi đi làm về muộn, cả người đói và mệt rã rời, thì một tô shio hay shoyu ramen có thể làm ta ấm áp và dễ chịu.
Và mỗi khi vào một quán ramen, mình có thói quen hay nhìn những người đàn ông đứng luộc mì, nấu nước dùng trong bếp (đa số các quán ramen ở Nhật đều có bàn counter ngay sát bếp, bạn có thể vừa ngồi xem bếp nấu như thế nào vừa chờ tô ramen của mình). Đa số những người làm việc trong quan ramen đều là đàn ông, và mình thấy những người đàn ông làm việc trong quán ramen luôn có một cái gì đó rất mạnh mẽ, chắc chắn và quyết đoán. Họ yêu công việc của mình và luôn đảm bảo để mang lại những tô ramen với chất lượng tốt nhất cho thực khách. Mình thấy ở họ, sự nhiệt tâm, thái độ chăm chỉ, và lòng say mê.
Bạn chỉ có thể làm tốt nhất công việc của mình, khi bạn có lòng say mê.





Sủi cảo, há cảo, xíu mại, các món dim sum là món ăn yêu thích của mình. Đi Hong Kong hay Đài Loan, thế nào cũng phải ăn một bữa dim sum cho đã thèm. Ở Nhật mình cũng hay mua gyoza (há cảo) làm sẵn ở siêu thị về ăn. Nhưng mình chưa bao giờ nghĩ sẽ thử làm món này tại nhà, vì lười và nghĩ sẽ phức tạp. Nhưng sau khi xem video này ở kitchenart, mình quyết định sẽ thử làm ở nhà một lần xem sao.
Kết quả thành công khá mỹ mãn. Mình không làm theo như recipe của kitchen art, vì mình thích ăn lá hẹ, nên đã quyết định cho vào nhân thật nhiều lá hẹ, để bánh không bị ướt nên mình hấp chứ không luộc bánh. Khi gói bánh, mình cũng không gói bánh theo hình sủi cảo, mà gói theo kiểu bánh shoronpo (tiểu long bao) của Đài Loan. Thành phẩm bánh ra thơm, mềm, mọng nước và đầy đặn.

Recipe:
-200g thịt heo bằm
-30g lá hẹ
-6 cái nấm hương khô
-5g gừng
-3 tép hành tím
-Xì dầu, tiêu, muối
-20 lá vỏ há cảo (có bán ở siêu thị)

・Lá hẹ, gừng, hành tím thái hạt lựu. Nấm hương khô ngâm nước cho mềm, thái hạt lựu.
・Trộn các nguyên liệu trên với thịt heo bằm, nêm một muỗng canh xì dầu, một chút muối, tiêu. Trộn đều các nguyên liệu cho thật đều và mịn.
・Dùng thìa xúc nhân đặt vào giữa lá sủi cảo, túm các mép lại cho thành hình tròn như bánh bao,  thắt chặt đầu bánh cho nhân khỏi rơi ra.
・Bắc nồi nước sôi, hấp bánh khoảng 3 phút và lấy ra.

Bánh ngon khi ăn nóng. Mình trộn xì dầu với một ít tương ớt và nước cốt chanh để làm nước chấm.
Lần này mình chỉ hấp và ăn một nửa số bánh đã gói. Nửa còn lại cho vào tủ lạnh, để dành ăn dần.

Bon apetite !





Malacca, hay gọi theo tiếng Malay là Melaka, là một thành phố nhỏ của Malaysia, nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 2h đi xe bus. Năm 2008, Malacca được Unessco công nhận là di sản văn hoá thế giới, cùng lúc với George Town của Penang. Ngày đầu tiên đến thành phố này, mình thấy nó hơi xô bồ và náo nhiệt, nên không thích lắm. Nhưng đến ngày thứ hai, khi thức dậy thật sớm, đi dạo loanh quanh, mình mới thật sự ngạc nhiên và xúc động trước vẻ đẹp duyên dáng, độc đáo của thành phố này. Những đường nét và màu sắc của Malacca trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết, khi cả thành phố còn đang say ngủ trong im lặng.
* * *
Ngày đầu tiên, sau bữa sáng vội vàng ở bến xe trung tâm Kuala Lumpur, mình mua vé đi Malacca, khoảng 1h chiều đã đến nơi. Bến xe Malacca có bầu không khí ồn ào, náo nhiệt điển hình của Malaysia, với những hàng ăn, hàng bán quần áo, khăn trùm đầu, đồ trang sức màu sắc sặc sỡ. Mình trả giá với bác tài xế taxi để đi vào trung tâm thành phố, chiếc taxi cọc cạch cũ kỹ, và bác tài trong lúc chở mình đi còn tranh thủ....đón vợ đi chợ về, vì nó "tiện đường" :D.
Mình lang thang một vòng thành phố, vào nhà thờ St. Francis Xavier, leo lên đồi xem di tích nhà thờ Saint Paul, nhìn ra biển, rồi lặng yên say sưa ngồi nghe một người hát rong hát những bản tình ca. Sau khi "bon chen" xếp hàng ăn món "cơm viên thịt gà hấp" nổi tiếng của Malacca, mình mua thêm một ly quy linh cao ngòn ngọt, mát lạnh. 
Ở quảng trường Dutch Square ngay trung tâm thành phố, mình bị loá mắt, điếc tai và mém xỉu trước những chiếc xe Trishaw, với các kiểu trang trí xe không thể sặc sỡ hơn được nữa, mỗi xe kèm theo loa phóng thanh phát đủ kiểu nhạc Tây-Tàu-Ấn Độ ầm ĩ. Có cả một đôi vợ chồng người Ấn đang chụp ảnh cưới ngay trước quảng trường.




Mỏi chân, mình ghé một quán cà phê nho nhỏ nằm dọc bờ sông, gọi một ly gin tonic, và lười biếng ngồi tới tận tối. Trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, mình ngồi ở quán cà phê, uống gin tonic, nhìn những cánh chim chiều bay xao xác, ngắm cơn mưa giông mùa hạ, nhìn những con thuyền chở khách du lịch chạy ngang qua lâu lâu lại vẫy tay chào "Hi !" với nụ cười thân thiện. Đến bây giờ, mình cũng không còn nhớ rõ trong suốt hơn 2 tiếng đó mình đã làm gì hay nghĩ gì cụ thể, có thể mình đã suy nghĩ rất rất nhiều chuyện mà bây giờ mình cũng không còn nhớ rõ, cũng có thể mình chỉ ngồi lãng đãng ngắm người lại qua. Ký ức duy nhất còn đọng lại, chỉ là một cảm giác yên bình, tự do và thanh thản.


Buổi tối, mình đi dạo chợ đêm ở phố Jonker, nhưng sau những trải nghiệm ở chợ đêm Shilin và chợ Namdaemun thì chợ đêm Jonker cũng không có gì làm mình ngạc nhiên lắm. 
Sáng hôm sau, để tiết kiệm thời gian trước khi quay về Kuala Lumpur, mình quyết định dậy thật sớm để đi dạo loanh quanh thành phố một lần nữa. Và, đó là một quyết định đúng. 
* * *
Thành phố vẫn còn đang ngái ngủ. Đa số khách du lịch chắc vẫn đang còn nằm cuộn trong chăn. Các cửa hàng lưu niệm, quần áo, bánh kẹo còn chưa mở cửa. 
Lúc ấy, khi đường phố còn vắng lặng, mình mới phát hiện ra, Malacca còn có rất nhiều màu sắc khác, thứ màu sắc không quá sặc sỡ, mà yên bình, giản dị hơn, nhưng cũng rất độc đáo và không kém phần quyến rũ. 
Đó là khung cửa gỗ đỏ bên bụi trúc xanh rì, ngôi nhà sơn xanh biếc, những bức tường vẽ hoạ tiết cắt giấy Trung Hoa tinh tế, đâu đó thấp thoáng những lớp gạch men, gốm sứ phối màu trang trí tỉ mỉ, nhà thờ hồi giáo trắng muốt, nhà thờ thiên chúa giáo vàng ươm trong nắng mai, những mái nhà nghiêng nghiêng, những bảng hiệu cửa hàng xưa cũ ... Kiến trúc Malacca là bản giao hưởng màu sắc sống động với sự hoà hợp nhịp nhàng giữa các tôn giáo, chủng tộc, màu da và phong cách sống.











Lật lại lịch sử một chút, thế kỷ thứ 15, 16, Malacca đã từng là một thương cảng sầm uất với nhiều thuyền bè qua lại, nơi đây cũng từng trải qua các giai đoạn thuộc địa của người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, rồi người Anh. Đồng thời, sự phát triển của cộng đồng người Hoa cũng như thế hệ người Peranakan (con lai của người nước ngoài và người bản xứ) đã mang lại cho Malacca một bề dày văn hoá phong phú, độc đáo, có thể thấy qua các kiến trúc còn sót lại.
Thật tình, mình đã ước giá như mình có nhiều thời gian hơn, hoặc mình dậy sớm hơn, để có thể nhìn được nhiều hơn và kỹ hơn những góc phố nho nhỏ, những mái nhà, thứ mà đôi khi trong những lúc đông người tấp nập, ta dễ vô tình không chú ý và bỏ quên...

Mặt trời dần lên cao. Gần đó, người quét đường đang thong thả dọn dẹp. Từ quán ăn bên đường toả ra mùi thơm của bánh bao, dim sum, yong tow foo để ăn sáng, những người đàn ông người Hoa ngồi uống trà, ăn bánh bao và bàn chuyện phím, trẻ em ríu rít cắp sách đến trường...Không có tiếng mời chào mua bán, không có tiếng la gọi í ới của những đám đông khách du lịch, không có tiếng nhạc ầm ĩ của những chiêc xe Trishaw, Malacca được trả về với cuộc sống yên bình giản dị vốn có của nó.

Và với mình, khi ấy, là lúc thành phố đẹp nhất.


Food & Travel & Everyday Life

.