Mình tình cờ biết đến Shakshouka qua một video trên youtube, thấy hay hay nên mới tò mò làm thử.

Shakshouka, gọi nôm na là món trứng chần trong hỗn hợp xốt cà chua, hành tây, ớt chuông, nêm nếm với bột ớt, bột cumin, quế, hồi, nhục đậu khấu... Người ta nói rằng món shakshouka xuất phát từ Tunisia, và chữ "shakshouka" trong tiếng Ả Rập Tunisia có nghĩa là "một hỗn hợp". Đây là món ăn phổ biến ở các nước Bắc Phi như Tunisia, Algeri, Lybia, Ma rốc...., thường được dọn trên một cái chảo gang nhỏ hoặc nồi tajin, ăn kèm với bánh mì. Shakshouka cũng rất được yêu thích ở Isarel, do những người Do Thái từ Tunisia di cư sang Isarel từ những năm 1950s đã mang theo món ăn này trong hành trang của họ.


Một nhà hàng shakshuka ở Tel Avil


Bếp nấu shakshuka ở Israrel

Với nguyên liệu chính là trứng, shakshouka thường được ăn trong các bữa sáng, nhưng ở Isarel thì đây cũng là món ăn tối mùa đông rất được ưa chuộng. Và giờ thì shakshouka cũng thỉnh thoảng xuất hiện trong những bữa sáng cuối tuần yên ả của mình.



Recipe (3 người ăn)
1 quả hành tây nhỏ
200g cà chua (tươi hoặc đóng hộp)
4 tép tỏi
1/4 chén ăn cơm dầu oliu
1 quả ớt chuông xanh
1 quả ớt chuông đỏ
1 chén ăn cơm nước lạnh
1 thìa cafe muối
3/4 thìa cafe tiêu xay
1/2 thìa cafe bột cumin
1/2 thìa cafe bột ớt
6 quả trứng
một chút rau thơm (ngò rí hoặc ngò tây)

- Hành tây, ớt chuông thái hạt lựu. Tỏi thái mỏng hoặc bằm nhỏ.
- Cho dầu oliu vào chảo, cho hành tây vào xào khoảng 5 phút cho đến khi hành mềm và đổi màu nâu nhạt. Tiếp tục cho ớt chuông vào nấu khoảng 8 phút cho ớt mềm.
- Cho cà chua, tỏi vào, nấu đến khi đạt độ đậm đặc ưng ý. Nêm nếm với các loại gia vị, hạ nhỏ lửa.
- Tạo một khoảng trống trong chảo, đập trứng cho vào, đậy nắp lại khoảng 5 phút cho trứng chín.
- Rắc rau thơm lên trên, ăn kèm với bánh mì nướng giòn.


Bette avvon ! (bon appetite bằng tiếng Hebrew :D)


Nghe tiếng đã lâu, cuối cùng mình cũng có dịp đến Tràng An.

Từ Hà Nội, đi ô tô khoảng hơn hai tiếng là đến Tràng An, thắng cảnh nổi tiếng của đất Ninh Bình. Rời khỏi cái ồn ào xô bồ của thành phố Hà Nội, Tràng An mang ta đến một thế giới khác, với núi, hồ, cỏ cây, non nước, thanh bình và rất hiền hòa.



Được UNESSCO công nhận là di sản thế giới, quần thể các dãy núi, hang động, hồ nước ở Tràng An được ví như một trận đồ bát quái, liên thông với nhau một cách kì diệu, đứng ở bất cứ đâu cảnh sắc cũng đẹp như một bức tranh thủy mặc.



Ngồi lên thuyền, chèo nhịp khoan thai, mặt nước trong và xanh ngăn ngắt. Những ngọn núi đá vôi vươn mình cao vút soi mình xuông mặt hồ phẳng lặng, ở giữa nổi lên vài hòn đảo nhỏ với rừng cây, thấp thoáng mái đền dưới bóng cây cổ thụ.




Đoàn thuyền từ từ nối đuôi nhau đi vào những hang động trong lòng núi, mỗi hang động một vẻ đặc trưng khác nhau, như hang Mây, hang Tối, hang Cơm, hang Nấu Rượu,... Không khí trong hang mát rượi, những nhũ đá óng ánh hiện lên với nhiều hình dạng kỳ lạ. Ra khỏi hang, lại thấy mình bồng bềnh giữa một dải đất trời, mây núi, nước non hòa quyện.





Bốn phía xung quanh thật tĩnh lặng, chỉ có tiếng mái chèo khuya nhẹ nhàng vang lên khe khẽ. Hơn bao giờ hết, cảm thấy như mình đã được hòa vào làm một với thiên nhiên.



Vẻ đẹp nguyên sơ, mỹ lệ của Tràng An đã thực sự làm mình xúc động. Khung cảnh ớ Tràng An như đưa ta ngược thời gian trở về quá khứ, tưởng như mình đang ở đất cố đô Hoa Lư xưa, với những nhân vật hào kiệt một thời như vua Đinh Tiên Hoàng, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, thái hậu Dương Vân Nga.... Tiếc là lần này mình không có đủ thời gian để vào thăm Đền Trình, Đền Tứ Trụ, những di tích lịch sử của triều Đinh xưa, để được tưởng nhớ Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.


Đến Tràng An, mới thấy non nước Việt Nam thật đẹp. Chẳng cần đi đâu xa, nơi chốn quê nhà còn bao nhiêu điều mà ta chưa biết. Để ta thêm tự hào về một đất Việt,

"Từ Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
 Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu từng có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có"



Đã giữa tháng 10, thu đang đến.

Những năm còn ở Nhật, mùa thu nào mình cũng cùng bạn bè đi ngắm lá đỏ. Năm thì đi núi Takao, năm thì đến công viên Tachikawa, năm thì lòng vòng quanh khuôn viên Đại Học Tokyo, có năm thì lái xe đến các vùng núi ở tỉnh Gunma,Yamanashi để ngắm những sắc màu nâu, đỏ, vàng của lá. Nhưng cũng lắm khi, chẳng cần bỏ công đi đâu xa quá, chỉ cần dạo bước trên những con đường quen thuộc, ngước mắt nhìn lên, đã thấy những tán cây gingko (bạch quả) nhuộm một màu vàng rực rỡ.

Lá gingko vàng ở sân trường ĐH Tokyo

Lá phong đỏ trên núi Takao

Thế nhưng ở đất Sài Gòn một năm chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa rất nóng này, cảm nhận về thu là một cái gì đó rất khác. Không có những cây phong lá đỏ, không có những tán lá đổi màu, khí trời cũng không dịu mát đi là mấy, vẫn mưa và nắng đuổi tiếp nhau ngày qua ngày.

Thu ở Sài Gòn chỉ cảm nhận được qua cái háo hức của đám trẻ con ngày tựu trường, cái rộn rã của phố phường tấp nập bánh nướng, bánh dẻo, lồng đèn Trung Thu, và qua những buổi sáng hiếm hoi hơi se se lạnh với bầu trời trong vắt.
                              

Về Đà Nẵng quê mình, những bước chân mùa thu tuy chỉ khe khẽ thôi, nhưng đã làm lòng người như dịu lại. Tán lá xanh mọi ngày nay đã bắt đầu đổi khác. Những chiếc lá vàng rụng lả tả bên đường. Những cơn gió lành lạnh buổi đêm nhắc nhở ta về thời khắc giao mùa.



 

*   *   *

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
  Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao"

Tháng 7, 8 âm lịch là mùa măng tươi, và hình ảnh những ngọn măng cao vút cũng có cái gì đó thanh thoát, tao nhã, gợi người ta liên tưởng đến khí chất của mùa thu. Và ở miền Bắc, nói đến mùa thu là nói đến cốm xanh, sấu chín, là nói đến hương hoa sữa nồng nàn.

Ở Nhật Bản, nói đến ẩm thực mùa thu, người ta lại nghĩ ngay đến những thực phẩm đặc trưng của mùa thu, là các loại nấm, hạt dẻ, bí đỏ, khoai lang, và quả hồng. Mùa thu là mùa những thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất, ngon nhất và rẻ nhất.


*   *   *

Có lẽ, mùa thu là mùa đẹp nhất, lãng mạn nhất trong năm. Cái lạnh se se đủ để ta cần một bàn tay sưởi ấm. Sự đổi màu rõ rệt của vạn vật nhắc nhở ta về sự hạn hữu của thời gian, để ta biết trân trọng thêm từng phút giây hiện tại với những người mà mình thương mến.

Bởi vậy, hãy yêu và cảm nhận thu nhiều hơn chút nữa, bởi thu đẹp và ngắn ngủi lắm.

"bây giờ là tháng mười
em như hoa cúc nhỏ
sao anh không là gió
thổi mùa thu vào em....."
                                 (Thơ Trần Mộng Tú)





Núi Mao Kong (猫空, nghĩa hán tự là miêu không) nằm ở ngoại ô của Đài Bắc, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 1 tiếng đi tàu điện và xe cáp.

Mao Kong đã từng là một trong những vùng trồng trà lớn nhất xứ Đài, tuy nhiên hiện nay diện tích trồng đã trở nên ít lại, chỉ chủ yếu là trồng trà Thiết Quan Âm. Thay vào đó, đa số người Đài Bắc đến đây để thưởng thức trà trong các quán trà trên đỉnh núi, và ngắm nhìn cảnh Đài Bắc về đêm.

Từ trung tâm Đài Bắc, đi tàu điện của Wenshan Line đến ga Taipei Zoo, rồi từ đây bắt xe cáp lên đỉnh núi. Có hai loại xe cáp, một loại bình thường, một loại có sàn xe bằng kính trong suốt để du khách có thể ngắm nhìn cảnh trên cao.

Để lên được đến đỉnh núi phải đi qua 2 trạm là Taipei Zoo South Station, Zhinan Temple Station, cuối cùng mới đến Mao Kong Station, cách mặt nước biển 4033m.



Dọc đường khung cảnh núi rừng chập chùng, rừng cây xanh thẳm, lác đác vài ba mái nhà, đó đây những mảnh ruộng trồng trà vuông vức nằm xen lẫn trong thung lũng. Một màu xanh ngút ngàn bao phủ tầm mắt.



Ngước mắt nhìn lên cao, phía xa xa là núi đồi trùng điệp, và thành phố Đài Bắc hiện lên trong nắng chiều. Tháp 101 hiện lên cao vút giữa nền trời xanh thẳm. Không khí yên tĩnh mà đẹp lạ thường.





Xe cáp lên đến ga Mao Kong Station, những quán trà nằm yên tĩnh quanh rìa núi. Nếu có thời gian, bạn có thể đi bộ hoặc chạy xe men theo sườn núi, để ngắm nhìn cảnh thành phố Đài Bắc từ trên cao, khi nào mệt hãy dừng chân lại và thưởng thức một chén trà thơm.

Nói đến trà Đài Loan, chắc chắn phải nói đến ô long. Trà ô long Đài Loan nổi tiếng từ lâu bởi hương thơm ngan ngát, uống đến nước thứ 7, thứ 8 hãy còn ngon. Ô long cũng có nhiều loại, có Đông Đỉnh Ô Long, Thiết Quan Âm, Thiết La Hán, Thủy Tiên, Đông Phương Mỹ Nhân, Văn Sơn Bao Chủng..... mỗi loại trà cũng tùy theo phẩm chất mà chia thành nhiều cấp bậc khác nhau.

Gọi một bình trà, từ từ chậm rãi cảm nhận mùi thơm lan tỏa, hơi nóng ấm áp khi khẽ chạm tay vào chiếc ly sứ trắng. Nhấp một ngụm trà, tâm như tĩnh lại, lòng thấy bình yên hơn....



Không hiểu sao, bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại cảm giác lúc đó, khi ngồi uống trà trên đỉnh núi Mao Kong, trong đầu mình lại cứ liên tưởng đến bài hát "A life time of waiting" của Vương Nhược Lâm (Joanna Wang), kể về sự chờ đợi trong tình yêu. Vương Nhược Lâm là ca sĩ Đài Loan yêu thích của mình, với chất giọng nhẹ như hơi thở trong giai điệu bossa nova trôi bồng bềnh.

Có lẽ, là sự tương đồng của cảm giác khi uống trà và cảm giác của bài hát, thứ cảm giác chậm rãi, khoan thai, không gấp gáp, không đòi hỏi, không tính toán bất kỳ điều gì....



Chiều đã dần dần buông xuống, thành phố Đài Bắc bắt đầu lấp lánh ánh đèn....





Có thể nói, Le Planteur là một trong những nhà hàng bậc nhất tại Myanmar.

Với sự có mặt của chef Felix Episer, một đầu bếp sao Michelin danh tiếng, Le Planteur đảm bảo chất lượng phục vụ ở trình độ fine-dining cao cấp nhất. Rất nhiều VIP khi đến Yangon đã chọn ăn tối ở đây, từ các diễn viên nổi tiếng cho đến quốc vương và hoàng gia Thái Lan.

Mình biết đến Le Planteur một cách hết sức tình cờ. Trong chuyến đi Yangon, một người bạn trong nhóm mách rằng "có một nhà hàng rất hay ho ở Yangon", thế là cả bọn kéo nhau đi ăn thử.

Và mình đã bị choàng ngợp khi bước vào khuôn viên của Le Planteur, nhất là khi so sánh không gian ấy với tất cả những hỗn tạp xô bồ bên ngoài của đô thị Yangon, thì Le Planteur quả thực là một thiên đường trên mặt đất.

Kiến trúc chính của Le Planteur là một tòa biệt thự kiểu Pháp hai tầng màu trắng nằm ven hồ Inle, với bãi cỏ xanh mướt bên ngoài, thảng hoặc có đôi ba chú ngỗng trắng chạy nhởn nhơ. Phía bên trong là những bàn ăn thoáng đãng dọc theo ban công, bên trong nữa là những bàn tiệc sang trọng, hầm rượu, phòng ăn riêng với tất cả những gì xa xỉ nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra.













Tụi mình ăn set lunch buổi trưa giá 18USD/người, có thể nói là giá rẻ nhất có thể của nhà hàng, với thực đơn tự chọn gồm một khai vị, một món chính, cà phê hoặc trà với bánh ngọt tráng miệng.

 Menu set lunch

Nhờ đi đông người, nên tụi mình gọi mỗi người một món khác nhau, để có thể ăn thử tất cả các món.

Khai vị : Bánh mì lá hương thảo (rose mary) chấm xốt basil paste

 Khai vị : Bánh mì nướng với pate vịt kiểu Pháp

 Khai vị : Cà tím và ớt chuông nướng kiểu Tây Ban Nha với dầu oliu, cà chua và tỏi

Về khai vị, mình vote cho món cà tím và ớt chuông nướng, mùi xông khói rất rõ nhưng không quá mạnh làm át đi vị tươi ngon của rau củ, phối hợp với nước xốt giấm balsamic và dầu oliu mang lại cho món ăn một hương vị thanh tao, nhẹ nhàng nhưng vẫn rất cá tính và riêng biệt.

Món bánh mì với pate vịt mình thấy ngon, nhưng chắc tại hồi ở Nhật đã ăn nghiện món pate gan gà kiểu Ý do bác Maruyama chỉ cách làm, mình vẫn thấy món pate vịt này thiếu đi một chút đặc sắc. Bù lại, món bánh mì trộn với rose mary nướng trong nồi sắt nhỏ nhỏ xinh xinh rất thơm và giòn, làm cho người ta cứ muốn ăn mãi không thôi (mém tí nữa thì ăn no bụng không còn chỗ cho món chính :D)

 Món chính : Bouillabaise
 (Hải sản hầm dọn cùng với khoai tây nghiền, bánh mì chiên giòn và xốt rouille)

 Món chính : Beef Bourguignon
(Thịt bò hầm rượu đỏ với cà rốt, hành tây, nấm,dọn cùng với khoai tây nghiền và salad)

Món chính hôm ấy gồm có hai lựa chọn, là Bouillabaise hoặc Beef Bourguigono. Đây là lần thứ hai mình ăn Bouillabaise, lần đầu tiên là ở một nhà hàng trong khu Aoyama, Tokyo, lần thứ hai là ở đây Le Planteur, lần nào cũng thấy hài lòng và mãn nguyện. Bí quyết cho một món Bouillabaise ngon chính là tôm, cá và cua không bị quá chín, vẫn mềm và thơm, nước sốt và khoai tây thì phải nhuyễn, mịn, nêm nếm vừa vặn. Beef Bourguignon thì thịt ninh rất mềm, nước sốt sánh và đậm đà, nấu đủ lửa, không còn chỗ nào có thể chê được. 

Tráng miệng với cà phê và bánh ngọt.

Menu set lunch thay đổi theo từng ngày khác nhau, chứ không ngày nào giống ngày nào. Với chất lượng như vậy, có thể nói cái giá 18USD/người là hoàn toàn chấp nhận được, thậm chí còn có thể nói là rẻ hơn so với những nhà hàng cùng tầm cỡ ở các nơi khác. Tất nhiên, đây chỉ là giá set lunch buổi trưa, giá rẻ nhất, chứ nếu đi ăn tối thì một món a la carte trung bình ở Le Planteur phải từ 10USD đến 15USD, chưa kể phí phục vụ. Xét trên mặt bằng chung của đời sống người dân Myanmar đa số còn nghèo khổ, khi mà một cuốc taxi từ sân bay về trung tâm Yangon mất gần một tiếng đồng hồ chỉ có 9USD, một bữa trưa trong nhà hàng trung bình chỉ khoảng 3 hay 4USD cho 1 người, thì việc ăn một bữa ăn ở Le Planteur không phải là cái giá mà ai cũng có thể trả nổi.

Nhưng có lẽ, trải nghiệm ở Le Planteur không chỉ là món ăn, mà còn là ở không gian, nghệ thuật bài trí chú ý đến từng chi tiết nhỏ, vừa hiện đại, sang trọng, mà vẫn có nét gì đó rất đặc trưng Myanmar. Le Planreur là một không gian khác, một đẳng cấp khác, với chất lượng Michelin hoàn hảo hiếm hoi trên đất nước Myanmar. 

Với mình, Le Planteur không chỉ là một nhà hàng, mà còn là nơi để chiêm ngưỡng và ngưỡng mộ.

 Phòng vệ sinh với bồn tắm hình vỏ sò, vòi nước hình miệng voi.

Không gian bàn ăn tầng 2

Bàn tiệc trong hầm rượu

Le Planteur Restaurant
No. 22B KayarAye Pagoda Road, Yangon
Telephone: 541 997
http://www.leplanteur.ne






Chắc chẳng có nơi đâu, lại có thể làm người ta vừa kính ngưỡng, say mê, lưu luyến, lại vừa có cảm giác bình yên, thanh thản như ở Bagan.

Chỉ với diện tích khoảng 40 cây số vuông, nhưng Bagan có hơn 2000 chùa và tháp lớn bé. Ở đây, không có khói hương nghi ngút, không có những lễ lạt cầu cúng tấp nập ồn ào. Chỉ có những mái chùa, đỉnh tháp, nền gạch rêu phong cổ kính nằm lặng lẽ bên đường, và những đàn bò trắng, những cô gái mặc longyi mời bạn mua một xâu hoa tươi dâng Phật, tiếng xe ngựa chạy lộc cộc... Và đâu đó, bạn như nghe thấy tiếng trái tim mình thì thầm những lời cầu nguyện...

Khác với Yangon tấp nập xô bồ, nhịp sống ở Bagan chậm rãi, khoan thai, như tự ngàn đời xưa đã thế.












Từ Yangon, có hai cách để đi Bagan là máy bay và xe bus. Mình đi xe bus đêm của hãng JJ, 8h tối xuất phát từ Yangon. Xe bus khá mới và hiện đại, ghế ngồi rộng rãi, còn phục vụ cả cà phê, bánh ngọt, khăn ướt, xem phim, dịch vụ chả khác gì đi máy bay, rất thoải mái. Khoảng 5h30 - 6h sáng xe đến Bagan, đi taxi từ bến xe về khách sạn ở khu New Bagan mất khoảng 7000kyat. Các đền, đài, chùa, tháp nằm chủ yếu trong khu Old Bagan, cách New Bagan khoảng 15 phút đi xe máy.

Phương tiện đi lại tốt nhất trong Bagan là thuê xe ngựa, hoặc xe đạp điện. Xe đạp điện thì tự do, thoải mái hơn, muốn đi đâu thì đi, dừng lại chỗ nào bao lâu tùy ý, còn thuê xe ngựa thì phải đi theo lộ trình vạch sẵn và giới hạn thời gian, nhưng ngồi trên xe ngựa lang thang trên những con đường rộng mở ở Bagan là một trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua. Nói là nói vậy, chứ với số lượng trên 2000 chùa, tháp, chắc chắn bạn chẳng thể nào đi được hết, chỉ có thể đi được vài chỗ chính, và thỉnh thoảng dừng lại ngẫu nhiên ở những chùa, tháp dọc đường đi.



Bagan có tên cũ là Pagan, từng là kinh đô của vương triều Pagan tồn tại từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13 ở Myanmar. Đa số những đền, chùa, tháp, tự viện còn lại ngày nay ở Bagan đều được xây dựng trong giai đoạn này, nghĩa là, tuổi tác của chúng cũng xấp xỉ 1000 năm.

Tất cả các chùa, tháp ở Bagan đều có kiến trúc 4 mặt, phần tâm tháp ở giữa, nên một cách tự nhiên, để chiêm ngưỡng các kiến trúc và tượng Phật mọi khách đến thăm đều phải đi một vòng quanh tháp, như cách hành hương truyền thống của tín đồ đạo Phật. Ở nhiều ngôi đền, phía bên trong sẽ có cầu thang để bạn leo lên phần tháp chính trên cao, nơi mang lại một quang cảnh ngoạn mục toàn Old Bagan với hàng ngàn những ngôi đền, tháp, chùa lớn nhỏ nằm xen lẫn giữa rừng thẳm, như một bức tranh thiên đường hiện ra từ cõi không thực.



Những địa điểm chính mà bạn không nên bỏ qua ở Bagan là Đền Dhammayangyi, Đền Ananda, Đền Htilominlo, Chùa Gawdawpalin, Đền Thatbinnyu, chùa Bu Paya, và chùa Shwe San Daw, nơi có ngọn tháp cao vút có thể ngắm hoàng hôn và bình mình nổi tiếng nhất Bagan.

Tuy nhiên, trải nghiệm tuyệt vời nhất của mình ở Bagan chính là ngắm hoàng hôn ở chùa Phya That Gyi, một ngôi chùa nhỏ nằm sâu trong rừng phía đông Old Bagan, hoàn toàn không nổi tiếng như chùa Shwe San Daw và có rất ít khách đến thăm, nhưng lại cho một view nhìn tuyệt vời về toàn cảnh Bagan khi mặt trời buông xuống. Rất tiếc, lần này mình đi Bagan đúng mùa mưa, tuy khí trời mát mẻ hơn mùa khô đôi chút, nhưng bầu trời đầy mây, nên không thể nhìn rõ được mặt trời lúc lăn xuống. Đây là một điều nuối tiếc, vì tất cả những ai đã từng đến Bagan đều nói rằng khung cảnh hoàng hôn và bình minh ở Bagan là khung cảnh đẹp đẽ, mỹ lệ nhất mà họ từng thấy trong đời. Và người ta cũng nói rằng, Bagan là nơi đẹp nhất thế giới để ngắm từ trên cao trong khinh khí cầu buổi sáng sớm, bởi vậy mà từ tháng 9,10 đến tháng 2,3 hàng năm, hàng nghìn du khách đổ về Bagan chỉ để được trải nghiệm cảm giác đi khinh khí cầu ở đây.



Không hiểu sao, khác với lúc thăm những ngôi đền ở Angkor Wat với niềm kinh ngạc bởi sự huy hoàng tráng lệ cổ xưa, thì ở Bagan, lại là cảm giác rất thanh thản, rất bình yên. Kiến trúc, khung cảnh và không khí ở Bagan có một cái gì đó thật chan hòa, gần gũi, khiến người ta chỉ muốn ngồi mãi ở bậc tam cấp, góc sân đền, trên đỉnh tháp, cảm nhận những con gió mát nhè nhẹ, bầu trời xanh, mặt trời, cây cỏ, khuôn mặt Phật hiền từ, mọi tham vọng sân si trên cõi đời đều chỉ là vô nghĩa như một làn gió thoảng qua....

Chỉ có sự hiện hữu của ta ở đây, sự tĩnh lặng này, hơi thở này, giây phút này, là có ý nghĩa nhất, đáng quý nhất....

Rời Bagan để trở về với thế giới hiện thực, trong lòng không khỏi có nhiều nuối tiếc. Bagan quả thực là một giấc mơ hoang sơ, mỹ lệ khiến người ta không nỡ rời xa.....



(Previous part : Yangon, đô thị và chùa vàng lộng lẫy)


Food & Travel & Everyday Life

.