Mình nghĩ đến một lúc nào đó, nhắc đến món ăn Nhật có lẽ người ta sẽ nghĩ đến ramen, cũng giống như nhắc đến món ăn Việt Nam người ta sẽ nghĩ đến phở vậy. Bởi ở Nhật, ramen đã trở thành một món ăn phổ biến, gần gũi với tất cả mọi người, trẻ già lớn bé. Đặc biệt, đối với đàn ông Nhật, ramen có lẽ cũng giống như bia hay manga, nếu không có nó thì chắc cuộc sống sẽ vô cùng nhàm chán và buồn tẻ. Phụ nữ thì có thể người thích người không, nhưng trong hơn mười năm ở Nhật, mình chưa gặp một người đàn ông Nhật nào không thích ramen.

Nguồn gốc ramen là món mì Trung Quốc, bắt đầu du nhập vào Nhật từ cuối thế kỷ 19, khi thời Minh Trị bắt đầu bãi bỏ chế độ bế quan tỏa cảng. Những tiệm mì Trung Quốc đầu tiên được mở ra ở Yokohama, Hakodate....,những vùng đất cảng tấp nập thuyền bè giao thương qua lại. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Nhật gặp khó khăn về thực phẩm, món mì Trung Quốc với đặc điểm sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền và có tính dinh dưỡng cao đã trở nên ngày càng phổ biến, và người Nhật đã dần dần thay đổi cách nấu truyền thống của mì Trung Quốc để hình thành nên món ramen như ngày nay.

Cho đến ngày nay, trong khắp nước Nhật, không có quận huyện nào mà không có ít nhất là một quán ramen, rất nhiều sách về ramen đã được bán ra, ở Yokohama còn có một bảo tàng về ramen. Ramen đã được nâng cấp thành một món ăn quốc hồn quốc túy của người Nhật, các quán ramen cạnh tranh nhau về độ dai của mì, hương vị thịt heo, nori, măng trong tô ramen, độ nóng của nước dùng..... Về hương vị của nước dùng ramen thì đúng là trăm hoa đua nở, không quán nào giống quán nào. Và không khó để thấy những hàng dài người xếp hàng trước các quán ramen.


(hàng người xếp hàng trước quán Jiro-Ramen)
Về cơ bản, có thể chia ramen thành 5 loại dựa trên nước dùng:
1. Shio ramen : nước dùng có thể được nấu từ xương heo, xương gà, cá khô, rau củ,.....hoặc phối hợp  với rất nhiều nguyên liệu khác, nhưng khi nêm nếm thì chỉ dùng muối thôi (shio nghĩa là muối). Vì muối chỉ có vị mặn, nên nước dùng shio ramen có đặc điểm là có thể làm cho người ăn cảm nhận rõ hương vị các nguyên liệu khác.
2. Shoyu ramen: tương tự như shio ramen, nhưng thay vì dùng muối để nêm nếm thì lại dùng shoyu (xì dầu Nhật Bản). Nước dùng shoyu ramen có màu nâu cánh gián, vị thơm và ngọt hậu.
3. Miso ramen: tương tự như shio ramen hay shoyu ramen, nước dùng của miso ramen sử dụng miso (tương đậu nành lên men của Nhật) để nêm nếm. Nước dùng của miso ramen là sự hòa quyện của các hương vị rau củ, vị ngọt của thịt và vị thơm đặc trưng của miso
4. Tonkotsu ramen: nước dùng sử dụng xương heo và tủy heo để nấu. Vì sử dụng nhiều tủy heo, nên nước dùng tonkotsu có màu trắng đục và vị thơm của xương heo
5. Gyokai-kei ramen: nước dùng sử dụng nguyên liệu chính là để nấu. Cách nêm nếm thì tùy từng quán.

Phân loại là như vậy, nhưng thường thì mỗi quán sẽ có cách nấu nước dùng khác nhau, ví dụ ninh xương heo để nấu, nhưng trong nước dùng cũng có cả cá, rau củ, hương liệu.... Ngoài ra độ dày của sợi mì, các nguyên liệu topping cũng khác nhau ở mỗi nơi. Hàng năm, các trang web ở Nhật luôn ranking những quán ramen ngon nhất.
Thật ra thì mình cũng không thực sự ghiền ramen lắm. Nhưng thỉnh thoảng, vào những tối mùa đông, khi đi làm về muộn, cả người đói và mệt rã rời, thì một tô shio hay shoyu ramen có thể làm ta ấm áp và dễ chịu.
Và mỗi khi vào một quán ramen, mình có thói quen hay nhìn những người đàn ông đứng luộc mì, nấu nước dùng trong bếp (đa số các quán ramen ở Nhật đều có bàn counter ngay sát bếp, bạn có thể vừa ngồi xem bếp nấu như thế nào vừa chờ tô ramen của mình). Đa số những người làm việc trong quan ramen đều là đàn ông, và mình thấy những người đàn ông làm việc trong quán ramen luôn có một cái gì đó rất mạnh mẽ, chắc chắn và quyết đoán. Họ yêu công việc của mình và luôn đảm bảo để mang lại những tô ramen với chất lượng tốt nhất cho thực khách. Mình thấy ở họ, sự nhiệt tâm, thái độ chăm chỉ, và lòng say mê.
Bạn chỉ có thể làm tốt nhất công việc của mình, khi bạn có lòng say mê.




Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.