Đợt vừa rồi mình chấp nhận trả thêm một khoản tiền để bay chặng Tokyo - Seoul - Đà Nẵng, thay vì Tokyo - Sài Gòn - Đà Nẵng như mọi khi, thôi thì vừa đỡ phải đi VN Airline kì cạch chờ máy bay ở Tân Sơn Nhất, lại vừa được thăm Seoul mà không phải xin visa, cũng đáng. 
  Bình thường hộ chiếu Việt Nam muốn đi Hàn Quốc phải xin visa, nhưng nếu bạn transit qua Hàn Quốc để đi một nước thứ ba, bạn hoàn toàn có thể ra ngoài chơi mà không cần visa gì cả. Đối với một người đi làm full time, một năm chỉ có hơn 10 ngày nghỉ như mình, thì việc xin nghỉ làm để lên đại sứ quán xin visa là một sự xa xỉ, nên đi kiểu này là khoẻ nhất.
   Vậy là mình mua một quyển sách hướng dẫn du lịch Seoul, nạp đầy pin máy ảnh, vác ba lô lên đường.
   Không biết có phải do ám ảnh gì không, nhưng vừa bước lên máy bay của hãng Asiana Airlines, đã nghe thoang thoảng mùi kim chi :D. Mà thiệt, cả đi lẫn về, menu ăn lúc nào cũng có món kim chi, nên chắc mũi mình ngửi chính xác :)).

  
   Mùa hè, không khí nóng và ẩm bao trùm sân bay Incheon. Thủ tục hải quan cũng đơn giản, bác hải quan hỏi "tranh thủ đi mua sắm hả", mình gật gật dạ dạ nhe răng cười, vậy là đóng dấu cái cộp, qua. Có điều ở đây cũng như Thái Lan, Hồng Kông, trong sân bay không có free-wifi. Về điểm này thì bạn Đài Loan là nhất, xuống máy bay một cái là có thể check in Facebook ngay tắp lự. 
  Mình chọn phương tiện di chuyển chính trong thành phố Seoul là tàu điện. Nếu bạn đã sử dụng thông thạo được hệ thống tàu điện chằng chịt như mạng nhện ở Tokyo, thì sẽ không có hệ thống tàu điện nào trên thế giới có thể làm khó bạn được nữa cả. Mà tàu điện lại rẻ, dễ mua vé, và an toàn hơn taxi nhiều.
 Điểm đến đầu tiên là chợ Dongdaemun. Tới kiosk đầu chợ, mua một ly cà phê nhỏ mang đi. Không biết một tiếng Hàn Quốc bẻ đôi, nên mình cứ ra tay chỉ chỏ, bác bán hàng cũng rất dễ thương, thấy cái hiểu ngay mình là người nước ngoài, còn hỏi "sugar, sugar??", no no sugar, thank kiu.   
Chợ Dongdaemun rất to và rộng, bán đủ thứ từ quần áo, giày dép, thức ăn, đồ lưu niệm... Nó mang lại một cảm giác rất quen thuộc, giống như chợ Shilin ở Đài Bắc, hay Ueno ở Tokyo, hay Ladies market ở Hồng Kông, hàng hóa nhiều, thượng vàng hạ cám, và bạn phải trả giá triệt để.   Trời hơi mưa nên định đi mua dù, nhưng dạo mấy vòng đều bị hét giá, nên thôi. (May sao lúc quay về đúng lúc trời mưa, lại mua được một cái dù với giá phải chăng ở một cửa hàng tạp hóa cách chợ khá xa). 

Chuyển qua tiết mục ẩm thực, mình phát hiện ra một cái ngõ nhỏ có rất nhiều hàng bán bibimba (cơm trộn) hấp dẫn, rồi có cả mấy dì ngồi bán kimbap đầu chợ, tranh thủ chụp hình. Trời, giá mà được ở đây lâu lâu, ta đã nhào vô ăn rồi. Giờ thì phải để bụng đi ăn mì lạnh nên chỉ biết ngó thôi, hichic.



  Điểm đến thứ hai là khu Myodong. Khu này là khu mua sắm, người đông, hàng hóa tấp nập, nhất là quần áo và mỹ phẩm, cũng tranh thủ ôm về một mớ milk lotion, face scrub, kem chống nắng hehe. (Suy này về Nhật xài mới thấy kem chống nắng ở đây tuy bao bì đẹp nhưng kem hơi dày, lên da để lại màu trắng chứ không được mềm mịn và smooth lắm, thôi thì tiền nào của đấy.)
  Đi một lúc, đã thấy đói bụng. Món mì lạnh Hàn Quốc trứ danh đang chờ đợi. Háo hức loanh quanh tìm quán. Quán mình chọn là 明洞成興麺屋, nằm ngay trong khu Myodong.
 Trong quán toàn người Hàn Quốc, thêm một hai nhóm khách du lịch người Nhật. Trong khi ngồi chờ mì, nhẩn nha uống súp yuksu, tức là súp xương bò, với nước súp màu trắng sữa, vị nhàn nhạt nhưng thơm đậm đà.
  Mì đã ra, hehe.
  

  Dì bưng mì xách cái kéo, "cắt hông?", mình gật gật, vậy là dì nhanh chóng thành thạo cắt sợi mì dài ra thành từng đoạn vừa ăn.
  Trời, tô mi hắn ngon ! Nước mì đậm đà, thơm mùi kim chi, thịt bò, dầu mè, kim chi thì ngon khỏi nói, mình cho thêm chút xíu tương kochuyan, cay cay ngọt ngọt, vừa ăn vừa hít hà. 
  Ở Nhật kiếm tô mì như vầy hơi bị khó, vừa ăn vừa tiếc nuối hichic.

  *   *    *
  No bụng rồi, khởi hành đi Insadong, khu phố cổ của Seoul. 
  Phải nói là, mình thích Insadong, cái gì cổ cổ xưa xưa là khoái.
  Thật ra nói khu phố cổ vậy thôi, chứ Insadong làm sao so sánh được với Hội An hay Chiufen của Đài Loan, vì không có nhiều tòa nhà di tích cổ còn nguyên vẹn. Nhưng mình thích không khí ở đây, với những cửa hàng bán sách cũ, bút lông, đồ gốm, xen kẽ với cửa hàng ăn, quần áo, cà phê cho giới trẻ. Nếu được trở lại Seoul lần nữa, mình sẽ chỉ đi Insadong là đủ rồi.


  Tần ngần mãi trước cửa hàng đồ gốm, không biết có nên rinh mấy cái về không, vì mình vốn mê đồ gốm. Mĩ phẩm, máy ảnh xách cũng đủ nặng tay rồi. Mà nghĩ mai mốt chuyển nhà từ Nhật về VN mà lại thêm một mớ đồ gốm thì cũng ngại, nên thôi. Giờ nghĩ lại cứ thấy tiếc mãi, vì đồ gốm của Hàn Quốc có một phong cách rất riêng, mộc mạc và độc đáo.

  Đến giờ về, leo lên tàu điện ra sân bay mà cứ tiếc mãi. Giá như được ở lại Insadong lâu hơn một chút. Giá như....được ăn nhiều thêm một chút :D. Và giá như mình biết tiếng Hàn, hehe.

  Trời, cái đoạn đường từ Insadong ra sân bay Incheon hắn xa diệu vợi !
  


                                                                                                                                                (imdb)
Vừa mới xem xong " Cú và chim se sẻ" của đạo diễn gốc Việt Stephane Gauger. 
Ngoại trừ một số chỗ lời thoại còn cứng và không hợp với ngữ cảnh Việt, (điều khó tránh khỏi ở một bộ phim của đạo diễn nước ngoài), "Cú và chim se sẻ" thực sự là một tác phẩm tinh tế, tự nhiên, rất đời thường và giàu tính nhân văn. Một bức tranh sống động hiếm hoi trong làng phim Việt ngữ. 
Cách quay phim, ánh sáng, bối cảnh...mang không khí gần với phim tài liệu, sống động và rất thực. Mạch phim nhẹ và hơi chậm, đảm bảo cho người xem có đủ thời gian nghe nhìn và cảm nhận những điều mà diễn viên và đạo diễn muốn chuyển tải. Thú vị nhất là ở cuối phim, đạo diễn không sử dụng âm nhạc như thông thường mà dùng tiếng rao mì gõ xen lẫn tiếng huyên náo của phố phường làm âm thanh chủ đề. Có lẽ "Cú và chim se sẻ" sẽ không hợp lắm với những ai quen xem phim hành động hay giải trí hiện đại sử dụng nhiều kỹ xảo với tiết tấu nhanh và mạnh.
Lúc đầu mình cảm thấy không thích lắm nữ diễn viên chính Catly Đỗ, nhưng càng xem phim càng cảm thấy mến Catly ở nét diễn quyến rũ và tự nhiên. Nhưng diễn tự nhiên nhất trong phim, có lẽ lại chính là những diễn viên nhỏ tuổi, như Thúy, cậu bé bán mì gõ, cô bé bán bánh bao....
Có lẽ bạn sẽ nói rằng, câu chuyện của "Cú và chim se sẻ" sẽ không bao giờ xảy ra trong thực tế. Ừ thì có lẽ vậy. Mà cũng có lẽ không. Điều quan trọng nhất không phải ở đó, mà quan trọng là, bộ phim ấy muốn nói gì với người xem qua câu chuyện của nó. Có lẽ ở mặt này, Stephane has done a very good job. 
Hình ảnh nhân vật chính, cô bé Thúy, gợi nhớ về một người bạn thời ấu thơ của mình. Đó là người bạn duy nhất mà mình biết là một đứa trẻ mồ côi, không gia đình, sống trong trại trẻ lang thang cơ nhỡ. Bạn và mình học cùng chung một lớp hồi cấp 1 và thường tan học về cùng nhau. Bạn rất hay cười, hoạt náo và thường hay trêu chọc mọi người. 
Mười mấy năm đã qua, người bạn nhỏ, không biết bây giờ bạn đang ở đâu, làm gì....Cầu mong thật nhiều điều hạnh phúc sẽ đến với bạn.



                                             
Buổi tối, ngồi xem TN 91, nghe câu ca dao Nam Bộ sao mà thương lạ:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về…
Chợt nhớ đến tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Với nhiều người, tác phẩm văn học viết về Nam Bộ thành công nhất có lẽ là Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, nhưng với mình, những câu chuyện về đất rừng U Minh “muỗi vắt nhiều như cỏ, chướng khí mù như sương…”, với hương tràm bạt ngàn và sức sống của những con người đi mở đất trong câu văn chất phác của nhà văn Sơn Nam đã lưu lại một ấn tượng khó phai mờ.
Những năm 13, 14 tuổi, thường hay ngồi một mình trên gác xép của căn nhà nhỏ, nơi chứa rất nhiều sách mà ba mẹ đã giữ lại được sau bấy nhiêu năm. Và trong một dịp tình cờ, đã phát hiện ra “Hương Rừng Cà Mau”, chỉ là một tập sách mỏng, bìa giấy hơi rách và đã ố vàng, với kiểu chữ in cũ kỹ của những năm 70, 80. Không biết nó đã có ở đó từ lúc nào.
Và mình đã đọc Hương Rừng Cà Mau, không như đọc một tác phẩm văn học, mà như là đọc một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện huyền thoại mông lung của những người đi khai hoang mở đất.
"Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Tới Cà Mau, Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng..."
Cái hài hước, hóm hỉnh của “Hát bội giữa rừng hoang”, cảnh những con ong đi hút mật tràm, người đàn ông tay không đi săn sấu…như là huyền thoại về một vùng đất nào vừa gần gũi vừa xa lạ. Và cái tình của người Nam Bộ sao mà chất phác, cô Lài con thầy Năm Điền với cây huê xà quấn quít, một tấm lòng của cô Bảy đưa đò, và cái tình của câu hò tha thiết:
Một mai thiếp có xa chàng 
Ðôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Tại sao đôi bông thì trả, đôi vàng thì xin ? Không lẽ người đàn bà nước mình mang thói tham lam ? Sự thiệt nó có tích như vầy : đôi bông là vật cha mẹ chồng cho nàng dâu hồi đám nói ; đôi vàng là của riêng mà hai vợ chồng trẻ nhờ dành dụm sắm được lúc sau. Nàng dâu than vãn bà mẹ chồng khắc nghiệt, sẵn sàng "trả đôi bông" lại cho mẹ chồng. Nhưng nàng vẫn thương chồng - "xin giữ đôi vàng" - nài nỉ chồng cất nhà ở riêng để thoát ách. Câu hát đó cao sâu lắm ! Hồi xưa, khách qua đường hễ nghe nó là hiểu được tánh tình của bà mẹ chồng trong nhà như thế nào. Bởi vậy người hát phải biết hát, người nghe phải biết nghe. “ (Miễu Bà Chúa Xứ)
Tác phẩm điện ảnh nổi tiếng “Mùa Len Trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng lấy từ cốt truyện “Mùa Len Trâu” của nhà văn Sơn Nam trong tập truyện này.
Có lẽ, cái giọng văn xa xưa của nhà văn Sơn Nam không còn phù hợp với tuổi trẻ bây giờ, và có khi là khó hiểu nữa. Mình cũng không có ý định giới thiệu tập truyện ngắn này như là một tác phẩm đáng đọc hay là nên đọc. Chỉ đơn giản, là một mảnh ký ức cũ ngày xưa của riêng mình...
Một lúc nào đó, muốn đi một vòng các tỉnh đồng bằng sông nước Nam Bộ, để nghe, để thấy, để nhìn....Nam Bộ bây giờ chắc đã khác với cái thời của Sơn Nam rất nhiều rồi, nhưng cái linh hồn, cái tấm lòng chất phác ấy sẽ còn lưu lại mãi...



  Đêm qua thức khuya hơn mọi ngày để đọc cho hết "Và khi tro bụi" của Đoàn Minh Phượng. Mình thích giọng văn của ĐMP, sắc và mạnh, cấu trúc thông minh và chuẩn xác. Đôi khi trong một đoạn văn chị viết hàm chứa rất nhiều những suy tưởng, ý nghĩ đậm đặc đến nỗi phải đọc đi đọc lại vài lần mới thấm hết được. "Và khi tro bụi" có một cấu trúc chuyện lạ, đôi khi mơ hồ, nhưng lại rất sâu xa và có tình người. Đọc văn của chị, đọc câu chuyện chị kể, đôi khi thấy như muốn ngạt thở vì những suy tưởng và thông điệp mà chị muốn gửi gắm. Đôi khi thấy như mình được đánh thức. Như là khi uống một ly cà phê phin không đường thật đậm, nếu không quen, ban đầu bạn sẽ thấy thật nặng và đắng ngắt, nhưng rồi cái hương thơm đặc sánh, cái dư vị để lại trên đầu lưỡi, trong cuống họng, và trên vỏ não của bạn là sâu sắc, riêng biệt và không thể nào quên.
Thích cái triết lý này của chị. "Bởi vì con người chỉ chấp nhận sự thật khi nó đi kèm với ý nghĩa, ý nghĩa hiếm hoi, nên hiểu biết của con người cũng nhỏ nhoi.Ý nghĩa chủ quan, nên chỉ có sự thật của mẹ nuôi tôi và sự thật của tôi, chứ không có sự thật đứng riêng một mình nó. Nếu đứng riêng một mình, nó đứng trong bóng tối. Khi được nhìn thấy, nghĩa là nó đã đứng trong ánh sáng của tôi hoặc là của mẹ nuôi tôi. Ánh sáng có thể nhiều dối trá. Bóng tối thành thật, nhưng nó đồng nghĩa với im lặng."



                                            (Ảnh: "Thích cầm đồ", Tống Huy Tông)
Âm nhạc xuất hiện từ khá lâu đời tại Trung Quốc và đạt được sự phát triển thịnh vượng trải qua hàng ngàn năm. Trong số rất nhiều bài cổ nhạc được lưu truyền cho đến tận ngày nay, có 10 bài cổ nhạc được người đời xưng tụng là “Trung Hoa thập đại cổ khúc” (mười bài nhạc cổ lớn của Trung Quốc). Đó là: Cao sơn lưu thủy, Quảng lăng tản cầm khúc, Bình sa lạc nhạn, Thập diện mai phục, Ngư tiều vấn đáp, Tịch dương tiêu cổ, Hán cung thu nguyệt, Mai hoa tam lộng, Dương xuân bạch tuyết và Hồ gia thập bát phách. Mỗi một khúc nhạc đều gắn liền với một điển tích, một câu chuyện khác nhau. Trong trường hợp này, âm nhạc còn mang ý nghĩa lịch sử và thông điệp văn hóa.
1. Quảng lăng tán cầm khúc (广陵散琴曲): Trong truyện Kiều, khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe tại vườn Thúy, có đoạn: 
Kê Khang này khúc Quảng Lăng 
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân
 
câu đầu chính là để chỉ khúc "Quảng lăng tán" . Nhắc đến "Quảng lăng tán", thì phải nhắc đến hai câu chuyện, chuyện của thích khách Nhiếp Chính thời Chiến Quốc và chuyện của Kê Khang.
Cha của Nhiếp Chính vì Hàn Vương mà đúc kiếm, do trễ ngày giao kiếm mà bị thảm sát, Nhiếp Chính vì trả thù cha luyện đàn mười năm, nổi tiếng khắp nơi, được Hàn Vương triệu vào đàn. Nhiếp Chính nhân cơ hội này giết chết Hàn Vương rồi hủy dung tự tử để khỏi liên lụy thân nhân. Người đời sau vì cảm khái câu chuyện này mà soạn nên khúc "Quảng lăng tán".
Sáu trăm năm sau, đời Ngụy Tấn, có Kê Khang là một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” đã phát triển khúc này thành một khúc nhạc tuyệt luân. Đương thời họ Tư Mã đang tiếm quyền Tào Nguỵ, Kê Khang tài giỏi nhưng tính cương liệt, đứng về phía nhà Nguỵ một mực tỏ thái độ không hợp tác với họ Tư Mã. Năm 262 tr.CN Kê Khang vì tội làm loạn triều chính đã bị chặt đầu giữa chợ, trước khi chết ông đã tấu khúc "Quảng lăng tán" một lần cuối cùng rồi thốt lên rằng: "Quảng Lăng Tán từ nay thất truyền! " 
Ngàn năm sau khi nghe khúc này không thể không quên cái khúc ý “anh hùng cao nghĩa, danh sĩ tuyệt đường” bàng bạc trong khúc nhạc này. 
(Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, Hướng Vấn Thiên đã dùng cầm phổ của khúc "Quảng lăng tán" này để "dụ" Giang Nam tứ hữu :P. Cũng dựa vào bản "Quảng lăng tán" mà Khúc Dương trưởng lão và Lưu Chính Phong đã soạn ra khúc "Tiếu ngạo giang hồ" cho tiêu cầm hợp tấu. 
Mình rất khoái bản Tiếu Ngạo Giang Hồ được soạn cho bộ phim Tiếu Ngạo Giang Hồ 1998 của Lữ Tụng Hiền (Lệnh Hồ Xung) với Lương Bội Linh (Nhậm Doanh Doanh) !....
2. Bình sa lạc nhạn (平沙落雁): Thời Minh triều còn có tên Lạc nhạn bình sa (落雁平沙), khúc điệu du dương, dìu dập, trong tiếng đàn có tiếng nhạn. Miêu tả chim nhạn đáp xuống giữa không trung, ngoái đầu ngắm cảnh. 
3. Thập diện mai phục (十面埋伏): Nhạc khúc miêu tả tình cảnh quyết chiến oanh liệt cuối cùng của chiến tranh Sở Hán vào năm 202 trước công nguyên. Trận ấy, tứ diện Sở ca, bốn bề mai phục, Hạng Vũ phải tự tử ở Ô Giang, Lưu Bang giành được thắng lợi. Theo GS Trần Văn Khê thì “Thập diện mai phục” là một trong những bản khó đàn nhất, đặc biệt từ chương Ba đến sau có mấy đoạn khi đàn phải chen ngón giữa của bàn tay trái vào các dây làm âm thanh phát ra đục và giống như tiếng gươm giáo chạm nhau, như Nguyễn Du đã tả khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe khúc này:
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau 
4. Ngư tiều vấn đáp (渔樵问答): bày tỏ niềm an vui tự tại của “ngư tiều” giữa chốn rừng xanh núi biếc (thanh sơn lưu thuỷ).Nhạc khúc dùng phương thức đối thoại giữa “ngư giả” và “tiều giả”, những lúc mà nhạc khúc lên cao chính biểu đạt câu hỏi, lúc mà giai điệu thấp xuống thì biểu thị câu trả lời. Toàn khúc phiêu dật tiêu sái, biểu hiện thần thái thong dong tự tại của "ngư tiều"…

5. Tịch dương tiêu cổ (夕阳箫鼓): Là khúc nhạc trữ tình khoảng trước sau năm 1925. 
6. Hán cung thu nguyệt (汉宫秋月): kể lại tâm tình của cung nữ thời xưa thường bị áp bức, khóc lóc thê lương, gợi nên sự đồng cảm của mọi người. 
7. Mai hoa tam lộng (梅花三弄): nhạc khúc thuộc loại "tá vật vịnh hoài", mượn hình ảnh tinh khiết,sự thơm ngát và sức kiên cường chống chọi với cái lạnh của hoa mai để tán tụng những người có tiết tháo cao thượng.Nửa đầu khúc nhạc giai điệu du dương, thanh u gợi lên sự cao quý và trạng thái tĩnh tại an tường của hoa mai. Nửa đoạn sau vội vàng, hấp tấp biểu hiện động thái bất khuất của hoa mai.Giai điệu tiết tấu hai đoạn đầu và cuối như là bất đồng, tương phản rõ rệt... 
8. Dương xuân bạch tuyết (阳春白雪): “Dương xuân bạch tuyết” dùng tiếng đàn miêu tả cảnh mùa xuân sang, tuyết đang tan ra. Ở thời điểm giao mùa vẫn còn cái hơi lạnh của mùa đông nhưng đã có cái ấm áp của mùa xuân. Tiếng đàn trầm bổng khoan hòa, nhẹ nhàng như nước chảy bên tai, làm người nghe quên cả trời đất, cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng sảng khoái, mơ màng như thấy có những tia nắng ấm áp lan tỏa lên thân mình, xa xa những lớp tuyết đang từ từ tan ra trên một cành mai gầy... 
9. Hồ gia thập bát phách (胡笳十八拍): “Hồ gia thập bát phách” kể về về cố sự “Văn Cơ quy hán”. Trong khung cảnh chiến loạn thời mạt Hán, Thái Diễm ( Thái Văn Cơ) lưu lạc ở đất Hung Nô 20 năm. Nàng thân tuy là sống bên cạnh của nhà vua, nhưng lòng thì luôn hoài niệm về cố hương. Lúc Tào Tháo phái người đón nàng về cố hương, nàng không nỡ rời xa hai đứa con nhỏ, niềm vui hồi hương bị nỗi đau cốt nhục chia ly bao phủ làm tâm tình nàng cực kỳ mâu thuẫn… 
10. Cao sơn lưu thủy (高山流水): Trong mười bài cổ khúc thì mình thích khúc này nhất. Khúc ý thanh tân tao nhã, liên miên bất tuyệt, nghe ra núi cao, vực sâu, biển rộng, sông dài, lòng người nghe tựa hồ như cánh nhạn đang bay khắp non xanh nước thẳm. Khúc “Cao sơn lưu thủy” gắn liền với điển tích Sở Bá Nha – Chung Tử Kỳ. Tương truyền Bá Nha hay tấu khúc này, nhưng chỉ một mình Tử Kỳ là hiểu được. Một lần Bá Nha gảy đàn, lòng nhớ tới núi cao, Tử Kì liền bảo “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn” (Đánh đàn hay thay, vòi vọi tựa Thái Sơn). Đến lúc Bá Nha nghĩ đến vực sâu, Tử Kì nhận ngay ra rằng “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy” (Cuồn cuộn như nước chảy). 
Khi Tử Kỳ lâm bệnh chết, Bá Nha chỉ gẩy đàn thêm một lần duy nhất trước mộ người tri âm rồi đập đàn vào tảng đá, không bao giờ cầm đến cây đàn nữa. 
Bản “Cao sơn lưu thủy” lưu truyền ngày nay chủ yếu là bản do Xuyên Phái đời Thanh gia công và phát triển, được Đường Di Minh đời nhà Thanh ghi lại trong “Thiên văn các cầm phổ” (năm 1876). Ông đã hết sức phát huy các thủ pháp cổn, phất, xước, chú, khiến hình tượng núi cao, nước chảy thêm rạng rỡ, nên mới có danh xưng “Thất thập nhị cổn phất lưu thủy”. 

Trong 10 khúc nhạc trên thì ngoại trừ vài khúc dùng cho đàn tỳ bà, tiêu, còn đa phần đều là những khúc được tấu trên cổ cầm. Người Trung Quốc coi cây đàn cổ cầm như một báu vật văn hóa. Ngày nay, người chơi đàn vẫn giữ được những lễ tiết của văn hóa cổ xưa như việc đốt mỗi lư trầm đặt trước giá đàn mỗi khi tấu một bản nhạc. Năm 2003 Nghệ thuật âm nhạc cổ cầm của Trung Quốc đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là Kiệt tác văn hóa truyền khẩu phi vật thể của nhân loại (trước đó năm 2001, UNESCO đã phong cho nghệ thuật Kinh Kịch và năm 2005, phong tặng cho công phu Thiếu Lâm) cùng đợt tôn vinh này nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế ở Việt Nam cũng đã được công nhận.



Bài viết ngày 1.12.2008, hai hôm sau ngày mất của nghệ sĩ cải lương Minh Phụng.
------------------------------------------------------------------------------------------------------
                      Bìa dĩa than thu âm cải lương của nghệ sĩ Minh Phụng trước 1975 (nguồn internet)
Hai hôm trước, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Minh Phụng vừa mới qua đời. Vậy là sân khấu cải lương đã mất đi một trong ba "Minh" kép chánh tài hoa: Minh Cảnh - Minh Phụng - Minh Vương.
Khi bức màn buông, danh vọng hết 
Người về lòng rũ sạch sầu thương 
Người vào cởi áo lau son phấn 
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường...
(Trích bản vọng cổ Kiếp Cầm Ca của soạn giả Viễn Châu)
Thế hệ 8X, 9X sinh sau đẻ muộn không mấy mặn mòi với bộ môn truyền thống cải lương. Gắn liền với hai chữ "cải lương" thường là liên tưởng đến một cái gì đó cũ kỹ, "sến", quê mùa...Chỉ có bà già mới ngồi nghe cải lương. Chứ người trẻ bây giờ, bận rộn đã đành, những lúc rỗi rãi thà dành thời gian để lên net, chat chit, nghe nhạc hiphop, xem phim Tây Tàu....chứ rảnh đâu mà ngồi nghe "mấy ông bà cải lương rên rỉ". Âu đó cũng là cái lẽ khó tránh, khi mà thời đại ngày càng thay đổi thì con người cũng phải đổi thay. Nhà trường ở Việt Nam bây giờ cũng chỉ dạy trẻ con những đồ rê mi fa sol si la của Tây phương, chứ không dạy rằng nhạc cổ truyền của dân mình là âm nhạc ngũ cung gồm hò, xự, xang, xê, cống...thì còn nói chi là đưa âm nhạc cổ truyền vào lớp học. Thế nên, khả năng nghe và cảm nhận nhạc dân tộc của giới trẻ bị hạn chế là điều khó tránh khỏi.
Thuở nhỏ, tôi cũng chỉ ngồi coi cải lương theo bà nội, bà ngoại, coi vì thấy mấy cô đào xúng xính áo quần lấp lánh, chứ chẳng hiểu gì. Bây giờ, khi lớn lên, nghe lại những bài ca cũ, thử lần tay gõ theo nhịp song lang, để ý lắng nghe lời ca, tiếng hát, tôi mới dần dần cảm nhận được cái hay của cải lương, một bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Người phương Tây có nhạc kịch, có opera, người Trung Quốc có Kinh Kịch, người Nhật có kịch No...., thì người Việt Nam mình cũng có hát chèo, hát bội và cải lương.
Cải lương bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sinh sau đẻ muộn hơn rất nhiều những bộ môn khác. Ban đầu là từ đờn ca tài tử, sau đến lối "Ca ra bộ", rồi đến năm 1920, cái tên “cải lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bản hiệu gánh hát Tân Thịnh (1920) với câu liên đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Cải lương không như ca trù hay hát bội có nhiều hình thức quy ước, điển lệ mà khi xem, nghe, phải có người giải thích mới hiểu được, cải lương gần gũi với cuộc sống con người, mà đặc biệt là người dân Nam Bộ.
Thời vàng son bền vững nhất lịch sử Cải lương kéo dài từ cuối thập kỉ 20 đến thế chiến thứ II (1939 – 1945) với lực lượng tiền phong Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Út Trà Ôn, Thanh Tao, Năm Nghĩa...
Thời hoàng kim thứ hai được nhận diện từ giữa thập kỉ 50 đến cuối những năm 1960 (hơn 15 năm) với sự nhập cuộc 3 danh ca kiệt xuất – trong vọng cổ ngũ bá là Hữu Phước, Thanh Hương, Út Bạch Lan. Họ “hô phong hoán vũ” chốn kịch trường, dĩa nhựa, đài phát thanh, đến báo chí tốn hao bao nhiêu giấy mực, công chúng bàn tán xôn xao. Tiếp theo là những Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Nguyệt, Hồng Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệp Lang, Phương Quang, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Minh Cảnh, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Minh Vương... Đầu thập niên 80, một thế hệ nghệ sĩ mới ca hay, diễn giỏi đến với công chúng và được đón nhận nồng nhiệt, đặc sắc nhất là Vũ Linh, Thanh Hằng, cùng những gương mặt khác như Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Cẩm Thu, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Phượng Hằng, Lương Tuấn, Khánh Tuấn, Chí Linh, Tiểu Linh, Ngân Tuấn, Linh Châu, Vân Hà...
Từ cuối thập niên 80 trở đi, khi công nghệ thông tin bùng nổ, với điện ảnh, truyền hình, video, audio, CD, DVD, internet..... kéo theo đó là sự suy yếu của cải lương bởi kịch bản suy giảm về lượng, sáo mòn về chất, hình thức sân khấu vá víu, kĩ thuật âm thanh, ánh sáng lạc hậu…Cho đến nay, cải lương vẫn đang cố gắng hòa mình với thời đại để sống còn, có chỗ thành chỗ bại, có vàng có sạn....
Nhưng, gạn đục khơi trong, đừng vì những cái chưa hay, những chỗ bị phô, bị kém mà quay lưng lại với cải lương...Linh hồn của cải lương chính là lời ca tiếng hát của người nghệ sĩ. Xét cho cùng, người nghệ sĩ cải lương cũng là một ca sĩ. Chỉ có điều, để ca được một bài vọng cổ, nhớ hết một lớp tuồng, người nghệ sĩ phải bỏ ra rất nhiều thời gian khổ luyện, đòi hỏi tâm huyết và nỗ lực, nhất là trong thời buổi cải lương đang suy yếu hiện nay.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Một số ghi chép từ trang web của giáo sư Trần Văn Khê
Giọng ca cải lương hơn 2/3 giống giọng hát bội. Cũng giọng Bắc, Oán, Nam, Lý, Bình, Ngâm, Hò, Nói thơ và giọng Quảng.
20 Bản Tổ của Cổ Nhạc Tài Tử VN Gồm có:
- Ba bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung + Song Cước .
- Sáu bài Bắc gồm: Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục , Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản.
- Bảy bài Lễ gồm: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc.
- Bốn bài Oán gồm: Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng Cầu.
- 4 bài Oán phụ gồm: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Xuân Nữ
20 bản tổ chia ra 4 loại: 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Ðông) và 4 hướng (Ðông, Tây, Nam, Bắc), kể ra:
1. Sáu bài Bắc: xếp vào mùa Xuân, giọng nhạc vui tươi. Nhạc sĩ đờn 6 bài nầy thì day mặt về hướng Bắc. Sáu bài Bắc gồm: Lưu Thủy Trường, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Tây Thi, Cổ Bản. Các bài này có điệu vui, ngắn, gọn.
2. Bảy bài nhạc Lễ: xếp vào mùa Hạ, nên thường gọi là 7 bài Hạ, giọng nhạc bực tức, hùng hồn. 
Nhạc sĩ đờn 7 bài nầy day mặt về hướng Ðông. Bảy bài nhạc Lễ gồm: Xàng Xê, Ngũ Ðối Thượng, 
Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc.
Ý nghĩa như sau:
Xàng Xê: Thời kỳ Hỗn độn sơ khai, các khí lộn lạo. hùng tráng uy nghi nhưng dịu dàng, êm áị
Ngũ Ðối Thượng: Ngũ Khí nhẹ nổi lên làm Trời.
Ngũ Ðối Hạ: Ngũ Khí nặng hạ xuống làm đất. Ðó là Ngũ Hành: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. còn gọi tắt là bài Hạ, có tính uy nghi, nghiêm trang, man mác, thanh thản.
Long Ðăng: Rồng lên, tượng trưng Dương khí. giống bài Hạ, nhưng tiết tấu khỏe, ít nghiêm trang.
Long Ngâm: Rồng xuống, tượng trưng Âm khí. : giống bài Hạ, ít thấy dùng trên sân khấu cải lương.
Vạn Giá: Vạn vật sinh thành đều có giá trị,
Tiểu khúc: Nhỏ ngắn đều có định luật.
Ba bài Ngũ Đối Thượng, Vạn Giá, Tiểu Khúc có nhiều âm hưởng nhạc lễ.
Các bài này là bảy bài lớn dùng trong nhạc lễ, mỗi khi cúng lễ, cúng tế, tính chất nghiêm 
trang. Riêng bài Ngũ Đối Hạ sân khấu hát bội thường dùng, trên sân khấu cải lương thì bài 
Xàng Xê được dùng nhiều hơn.
3. Ba bài Nam: xếp vào mùa Thu, giọng nhạc trầm buồn ai oán. Nhạc sĩ đờn 3 bài nầy thì day mặt về hướng Nam. 
Ba bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai, Ðảo Ngũ Cung.
Nam Xuân: gặp mời, mừng. (Thượng nguơn)
Nam Ai: trông mong, ngưỡng mộ. (Trung nguơn)
Ðảo Ngũ Cung: bày tỏ, tái ngộ. (Hạ nguơn)
Ba bài Nam nầy có 4 giọng đờn khác nhau tùy theo 4 mùa (Tứ quí: Xuân, Hạ, Thu, Ðông) kể ra:
Nam Xuân : điệu nhạc thanh thản lâng lâng, sảng khoái, nghiêm trang, nhẹ nhàng, có người cho là "tiên phong đạo cốt". Bài này được dùng để mở đầu các chương trình ca nhạc cải lương ở Sài Gòn.
Nam Ai : buồn ảo não, não nùng, bi thảm. Bài này có 8 lớp, cấu trúc cũng như Nam Xuân (cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lớp). Lớp 7 và 8 (hai lớp Mái) thường hay dùng nhất.
Nam Đảo (hay Đảo Ngũ Cung) : tôn nghiêm, hùng tráng, gay gắt. Hai câu cuối được chuyển sang hơi Hò Ba âm điệu buồn, để chấm dứt, gọi là "song cước".
Giọng Xuân (mùa Xuân) biểu thị mát mẻ, tỏ rạng, vui tươi,
Giọng Ai (mùa Hạ) biểu thị nóng nực, tâm hồn buồn thảm.
Giọng Ðảo (mùa Thu) biểu thị mưa dầm, xây vần, đảo lộn.
Giọng Song cước (mùa Ðông) biểu thị thâm trầm, mùi mẫn.
4. Bốn bài Oán: xếp vào mùa Ðông, giọng nhạc hiền hòa, non nước thanh bình. Nhạc sĩ đờn 4 bài nầy thì day mặt về hướng Tây. 
Bốn bài Oán gồm: Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu, Phụng Hoàng.
Tứ Đại Oán : điệu nhạc thất vọng, bi thiết, oán hờn giống bài Văn Thiên Tường, nhưng hơi hướng có phần cổ và chơn chất hơn. Hai lớp Xang vắn thường hay được dùng.
Phụng Hoàng : như Tứ Đại Oán, nhưng hơi dựng hơn.
Giang Nam : trầm hơn Tứ Đại Oán, chậm rãị
Phụng Cầu : như Phụng Hoàng.
4 bài Oán phụ:
Văn Thiên Tường : trần thuật, thổ lộ tâm tình, buồn ảo nãọ Có nhiều mức độ, khi buồn vừa vừa thì dùng lớp 1, khi buồn nhiều thì dùng lớp 2 (lớp Oán). Lớp Xế Xảng thật ngắn thường dùng để gối đầu vào Vọng Cổ.
Bình Sa Lạc Nhạn : hơi ngang và dựng.
Thanh Dạ Đề Quyên : cao hơn Bình Sa Lạc Nhạn. 
Xuân Nữ: ngắn, có tính bi thiết, thường dùng trong cảnh bi ai, đau thưong đột xuất.
Mỗi bài Oán có sắc thái riêng biệt, nhưng khác biệt rõ nhứt là giữa hai bài Tứ Đại Oán và Văn Thiên Tường. Các bài Oán khác đều có những nét giống với bài Tứ Đại Oán hoặc Văn Thiên Tường. Hai bài này là tiêu biểu cho loại Oán và được dùng nhiều trong cải lương. 
...............................................
Phân Loại Bài Bản Cải Lương Tài Tử
Theo các sách hướng dẫn đờn hát cải lương nói trên thì nhạc cổ và cải lương được phân thành mười mục:
- Nhứt Lý : các điệu Lý
- Nhì Ngâm : ngâm Kiều, ngâm thơ, ngâm sa mạc...
- Tam Nam : ba bài Nam lớn
- Tứ Oán : các bài Oán
- Ngũ Điểm : sáu bài Bắc lớn
- Lục Xuất : sáu bài ngắn
- Thất Chinh : bảy bài nhạc lớn lễ, cung đình
- Bát Ngự : tám bài Ngự
- Cửu Nhĩ : 2 bài do nhóm tài tử miền Đông biên soạn
- Thập Thủ : thập thủ liên hoàn, 10 bài ngắn 

Bài Vọng Cổ, hậu thân của bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu ở Bạc Liêu sáng tác trong những năm 1920, không thấy trong bảng phân loại nói trên. Không biết là bởi vì bài Vọng Cổ quá đặc biệt để phân loại hay do sự phân loại này được làm trước khi bản Vọng Cổ được phổ biến rộng rãị 


Cũng cần nên nhắc qua là trước khi bài Vọng Cổ chiếm được vị trí số một trong âm nhạc cải lương thì bài Hành Vân được dùng rất rộng rải trên sân khấu cải lương, như bài Vọng Cổ ngày nay vậỵ 



                                                             Poster  phim (wikipedia)  
"Bá vương biệt cơ" (chữ Hán: 霸王别姬), là bộ phim nói tiếng Hoa duy nhất đạt giải Cannes 1993 của đạo diễn Trần Khải Ca. Công nhận bây giờ xem lại phim này mới thấy....thấm (+ mệt đầu). Diễn được một Trình Điệp Y như thế, chắc chỉ có mỗi mình Trương Quốc Vinh. Và diễn được một Cơ như thế, chắc chỉ có mỗi mình Trình Điệp Y. Từ dáng đi, giọng nói, cái liếc mắt, cử động từng ngón tay....Nhiều khi xem mà thấy nổi cả gai ốc. Nhất là đoạn cuối phim, xem Trình Điệp Y cầm kiếm tự kết liễu mình trên sân khấu, mà nhớ lại cuộc đời đồng tính và cái chết bi thảm của Trương Quốc Vinh.
"Quân vương chí khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh...."
Là Ngu Cơ, là Điệp Y, hay là Quốc Vinh?
Khi nói về vai diễn Điệp Y của Trương Quốc Vinh, đạo diễn Trần Khải Ca đã từng nói rằng, “đó cũng là một diễn viên, và trong thế giới của anh ta, ranh giới giữa thực và mộng, sống và chết, đàn ông và đàn bà là không rõ ràng. Cũng vì không ý thức được mình và các nhân vật do mình diễn xuất, anh ta đã hoà tan cuộc sống thực của mình vào với Kinh kịch. Ngoài Trương Quốc Vinh ra, tôi nghĩ không còn ai có thể đảm nhiệm vai này. Anh ấy đã thể hiện tới mức tột cùng của niềm đam mê, và cả sự ghen tỵ”.
"Bá Vương biệt Cơ" xuyên suốt lịch sử 50 năm của Trung Quốc, từ những năm đầu Dân Quốc đến cuối cách mạng văn hóa, trong đó số phận con người cũng đảo loạn và biến động như thời cuộc. Bi kịch của "Bá Vương biệt Cơ" không chỉ là là bi kịch giữa cuộc đời và sân khấu, mà còn là bi kịch của con người, của tình yêu và sự phản bội. Tình yêu với nghệ thuật, tình yêu khác giới, tình yêu đồng giới, tình yêu giữa con người và con người.
Đắc Chí - để trở thành một nghệ sĩ kinh kịch danh tiếng với nghệ danh Trình Điệp Y, đã phải trả giá không chỉ bằng máu, nước mắt và những tủi nhục ê chề, mà còn bằng cả một tình yêu cố chấp và lẫn loạn kể từ khi vứt bỏ đi sự phân minh nam nữ để diễn trọn một lớp tuồng, "bản chất ta là nữ, không phải là nam". Trình Điệp Y tự xem mình như vai diễn kinh kịch Ngu Cơ, làm tất cả mọi thứ cũng chỉ vì một Bá Vương - Đoàn Tiểu Lâu. Để rồi cuối cùng bị chính Đoàn Tiểu Lâu bỏ rơi và bán đứng trong cuộc đấu tố. Hình ảnh mà tôi nhớ nhất của Điệp Y, là cảnh anh đội long mão cho Tiểu Lâu và đẩy Tiểu Lâu ra ngoài sân khấu, trong khi anh bị chính đứa học trò vô ơn của mình cướp đi mất vai Ngu Cơ. Trong trang phục lộng lẫy Ngu Cơ - Điệp Y loạng choạng quay lưng bỏ đi, và giọng hát của Tiểu Lâu cất lên ngoài sân khấu "ta đã trở về ..."
Vai Cúc Tiên, vợ Đoàn Tiểu Lâu, của Củng Lợi cũng là một vai rất hay. Người phụ nữ xuất thân kỹ nữ, có khôn ngoan, có xảo trá, nhưng lại yêu Đoàn Tiểu Lâu với một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt. Nhân vật của cô như là một bức tường trong mối quan hệ ngoài sân khấu giữa Tiểu Lâu và Điệp Y. Vậy mà cuối cùng cô lại phải chứng kiến cảnh 2 người đàn ông đấu tố lẫn nhau trong cách mạng văn hóa, tự mắt chứng kiến người đàn ông mình yêu, mình tôn thờ kia, người anh hùng Bá Vương Hạng Vũ xưa kia lại phản bội bạn mình, phản bội mình. Nếu như Điệp Y khi bị Tiểu Lâu bán đứng, thì anh vẫn còn có kinh kịch - Bá Vương thực sự của lòng mình - để sống và tồn tại, nhưng tất cả những gì Cúc Tiên có chính là người chồng của mình. Cô đã chết thật sự từ khoảnh khắc Tiểu Lâu nói " Cô ta là một con điếm, tôi không yêu cô ta". Hình ảnh Cúc Tiên treo cổ tự vẫn trong chiếc áo cưới, đôi giày đỏ vẫn đặt trên bàn, không khỏi làm người ta nhớ đến ngày cô bỏ ra khỏi kỹ viện với đôi chân trần giá lạnh.
Đoàn Tiểu Lâu, đáng thương hay đáng trách? Đoàn Tiểu Lâu chính là chân dung sống động của một con người trong thời cuộc hỗn loạn của cách mạng văn hóa. Liệu anh ta có đau không khi phản bội vợ mình, phản bội bạn mình, khi anh phải tự chứng kiến nỗi bất lực, cái xấu xa, ô nhục của bản thân mình? Tôi tin là có. Nhưng ai dám tự khẳng khái nói rằng mình sẽ không làm thế trước cái đám đông cuồng loạn đó?
Dù được ca ngợi là một phim Trung Quốc hay nhất mọi thời đại và đoạt giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes 1993, nhưng "Bá Vương biệt Cơ" không phải là một phim dễ xem. Có đôi khi tưởng mình sẽ khóc vì nhân vật, nhưng lại không khóc được. Xem xong phim không khỏi có cảm giác buồn và có nhiều điều phải suy nghĩ. "Bá Vương biệt Cơ" không chỉ đơn giản là một bộ phim, đó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.
Chợt nhớ tới lời của Shakespear, "cuộc đời là một sân khấu lớn". 


Ngoại tôi là người Bình Định, người xứ “nẫu”. Dân Phú Yên, Bình Định hay dùng từ “nẫu” để chỉ bọn họ, người ta, bằng một thứ giọng nằng nặng, thô ráp nhưng không lẫn vào đâu được. “Nẫu nói gì kệ nẫu chớ”, “dẫy na?”, “dẫy neng”, “dẫy ngheng”,…
  Nhiều năm trước, ngoại và cậu sống ở Quy Nhơn, trong một ngôi nhà nhỏ, sâu hun hút. Ngày đó, ngoại cũng như đa số nhiều người khác cùng thời, cũng nghèo khó và vất vả kế sinh nhai. Thỉnh thoảng tôi lại được phép về thăm ngoại và ở với ngoại lâu lâu. Khi ấy tôi còn rất nhỏ, 3 hay 4 tuổi, hoặc cũng có lẽ là 5 hay 6 tuổi gì đó. Xa quá rồi. Có lẽ đã gần 20 năm.
  Ngoại mê hát tuồng lắm. Xứ Bình Định là nơi khai sinh của tuồng cổ mà. Ngoại thuộc nằm lòng những bài bản tuồng xưa, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Bạch viên tôn các, Phụng Nghi Đình…Trưa trưa ngoại thường nằm hát khe khẽ cho cháu nghe. Tóc ngoại ngày xưa rất dài, thường hay xức dầu dừa cho mượt tóc. Mỗi khi nhìn ngoại xức dầu dừa, tôi lại liên tưởng đến xứ dừa Tam Quan của Bình Định.
  Tam Quan ngọt nước dừa xiêm
  Cha từ, mẹ bỏ, vẫn tìm theo anh…
  Mỗi lần về thăm ngoại lại được ăn bao nhiêu là đồ ngon, những món ngon Bình Định. Bánh hỏi thịt heo luộc, bánh tráng dừa, cá nục hấp cuốn bánh tráng….Canh chua lá giang thịt bò ngoại nấu thì không ai sánh bằng. Ngoại lại khéo tay hay làm bánh trái. Bánh ít, bánh gai, bánh thuẫn, bánh bột lọc…những thứ bánh nhà quê đơn giản mộc mạc mà chân chất tình người. Còn có một thứ bánh ngoại hay làm mà lâu lắm rồi, có lẽ đã gần mười năm nay tôi chưa được ăn lại hoặc nghe ai nhắc đến nữa. Đó là bánh hồng.

Bánh hồng là một loại bánh được làm bằng nếp thơm và đường. Người Bình Định thường hay làm bánh hồng vào những ngày đám tiệc. Sau khi đãi tiệc mặn xong, họ thường hay mời khách tráng miệng bằng món bánh hồng. Nguyên liệu của bánh hồng rất đơn giản, chỉ có nếp và đường. Thích thì cho màu, không thì thôi. Ngâm nếp cho mềm đem xay thành bột, đăng bột cho thật ráo nước rồi đổ bột ra mâm. Bốc bột thành từng nắm cho vào nồi nước đang sôi để luộc chín bột. Luộc bột phải thật khéo, sao cho bột không được chín bấy, cũng không được sống bên trong. Nếu bột chín bấy, thì bánh hồng khuấy lâu tới, dễ bị chảy nước. Còn luộc bột sống, bánh lợn cợn vón cục, không mịn màng mặt bánh. Bột luộc xong vớt ra cho vào ngay chảo đường đang sên sôi sùng sục. Bột luộc đang nóng, gặp đường cũng đang nóng, dùng đũa bếp hai tay đánh thật nhanh để các cục bột tan ra trộn lẫn vào nước đường. Sau khi bột đã tan đều thì phải hạ lửa riu riu, cứ thế mà đánh không cho bột sít. Đây là giai đoạn đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kiên nhẫn. Sau cùng, rải bột nếp khô lên mâm, dùng đũa bếp vớt nguyên dề bột trong chảo ra, dùng tay dạt bánh cho đều ra mâm. Dạt bánh dày hay mỏng tùy ý, nhưng thường là dạt dày khoảng 2 đến 3 cm, rồi rưới lên trên mặt bánh một lớp mỏng bột nếp khô, vậy là có bánh hồng. Đôi khi người ta cũng pha màu để bánh có màu xanh, màu vàng, màu hồng cho đẹp. Khi dọn mời khách, thì dùng dao bén xắt bánh hồng ra từng dải, có chiu rộng khoảng chừng 4-5cm, rồi xắt xéo theo hình con thoi. Bánh hồng ăn rất thơm lại vừa dẻo, vừa dai, ăn ít ngán.
  Nguyên liệu bánh hồng tuy thật đơn giản nhưng cách làm lại khá nhọc công và tốn thời gian. Có lẽ vì vậy mà hiện nay không còn mấy ai làm nữa. Nhưng không hiểu sao, bây giờ mỗi khi nhớ về ngoại, tôi lại thường nhớ về bánh hồng của ngày xưa. Bánh hồng của ngoại. Miếng bánh hồng mà bà ngồi cạnh cháu, vừa khuấy bánh, vừa ngâm nga mấy câu trong lớp Phụng Nghi Đình…Sức khỏe ngoại bây giờ không còn đủ sức để làm bánh hồng cho con cháu ăn được nữa. Tiếc thay, con cháu bây giờ cũng không ai còn biết làm bánh hồng như ngoại ngày xưa…
  Ký ức về ngoại của tôi, chỉ đơn giản là một vài món ăn, một vài hình ảnh, những câu nói, những câu chuyện rời rạc…Nhưng đó là một phần trong xâu chuỗi ký ức mà tôi vẫn luôn nâng niu, trân trọng và gìn giữ. Những ký ức, kỷ niệm đó đã góp phần làm nên hai tiếng “quê hương” mà cho dù có đi bất cứ nơi đâu, tôi cũng không thể nào quên được.
  Quê hương có ngoại…

------------------------------------------------------------------

Bài này được viết cách đây 6 năm, lúc đó ngoại vẫn còn. 
Giờ, ngoại thương yêu đã đi xa mất rồi. Những ký ức về ngoại, lại càng thêm nhớ thương, da diết và ngậm ngùi...



Thứ sáu, xế trưa, trung tâm thành phố Kuala Lumpur. 

Những người đàn ông lũ lượt kéo nhau về phía thánh đường, chuẩn bị cho buổi hành lễ và cầu nguyện. Mỗi ngày, người Hồi giáo sẽ cầu nguyện năm lần, vào lúc bình minh, trưa, xế trưa, hoàng hôn và buổi tối. Trong đó, buổi cầu nguyện lâu nhất kéo dài một tiếng đồng hồ, diễn ra vào xế trưa mỗi ngày thứ sáu.

Tôi ngồi trong xe ô tô, nhẫn nại trong cảnh kẹt xe không dứt ở thành phố này, và nhìn họ, những người đàn ông với đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Có người trẻ măng chỉ khoảng mười mấy tuổi, có những ông già 60, 70 tuổi. Có những người ăn mặc quý phái, nề nếp, chỉn chu, cổ đeo thẻ ra vào, chắc là nhân viên của một ngân hàng quanh đó. Có người ăn mặc tuyềnh toàng, áo cộc tay sờn màu, quần kaki cũ kỹ. Lại có người ăn mặc thời thượng đúng mốt như mới vừa bước ra từ một tạp chí thời trang…

Tất cả họ, đều cùng hướng về một phía, thánh đường Hồi Giáo, và cùng chuẩn bị làm một chuyện, cầu nguyện.

Nhìn ngắm họ một cách lặng lẽ, tự nhiên, tôi lại nghĩ mông lung về những phận người, về cuộc đời, về cái gọi là số phận và hạnh phúc. Những người đàn ông đi ngang qua trước mặt tôi, họ đang sống một cuộc đời như thế nào? Và họ cầu nguyện với đức Allah của họ điều gì ? Có phải chăng là những điều thật thiêng liêng và cao cả, như là sự cứu rỗi, hay chỉ đơn giản là những điều thật nhỏ nhặt tầm thường, như, cầu thượng đế cho con một cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn?

Hạnh phúc, mỗi người có một định nghĩa khác nhau. Với một số người, hạnh phúc là sự giàu có và đảm bảo về tài chính. Với một số người, đó là sức mạnh quyền lực và tiếng nói trong cộng đồng. Với một số người khác, hạnh phúc là yêu và được yêu, bao hàm cả gia đình, bè bạn và người bạn đời. Và với một số người khác nữa, hạnh phúc chỉ đơn giản là sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.

Với tôi, dường như tôi vẫn chưa tìm ra được định nghĩa hạnh phúc thực sự của mình. Có lẽ hành trình tìm kiếm định nghĩa đó của tôi sẽ dài hơn những người khác. Chỉ hy vọng, đừng để lúc đánh rơi rồi mới biết mình đã từng có được.

Đang suy nghĩ vẩn vơ thì người lái xe, một thanh niên Malay chính gốc, vui vẻ bắt chuyện, “sắp đến tháng Ramadan rồi mày ạ. Tao sẽ không được ăn uống bất cứ thứ gì từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn”. À ừ nhỉ, chưa đến 2 tuần nữa là đến tháng Ramadan, tháng nhịn ăn để tưởng nhớ và biết thương xót người nghèo, tháng mà người Hồi Giáo tin rằng mọi cánh cổng địa ngục sẽ đóng lại và mọi cánh cửa thiên đường sẽ mở ra.

“Tao ấy à, không ăn thì cũng chả sao, nhưng khổ nhất là không được uống nước và không được hút thuốc lá”, người lái xe nói. “Cả những người lao động chân tay nặng nhọc, ví dụ như công nhân xây dựng, họ cũng không uống một giọt nước nào à?”, tôi hỏi.

“Không, tuyệt đối không”.

Câu trả lời dứt khoát của người lái xe trẻ tuổi, thích học tiếng Nhật và yêu nhạc rock, đã làm tôi hiểu một điều. Bạn có thể che đậy, dối trá với cả thế giới, nhưng có 2 nơi bạn không bao giờ được dối trá, đó là chính bản thân bạn và đức tin của bạn. Và tôi tin, những người có một cái tôi chân chính, hay một đức tin chân chính, đều là nhưng người đáng được tin cậy và tôn trọng.

Tôi không là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào, vì thế tôi không có cái hạnh phúc được tin vào một vị thánh nào đó, được có một điểm tựa tinh thần vĩnh hằng và bất biến. Nhưng, tôi tin vào sự nhiệm màu của cuộc sống. Và tôi tin, mỗi người sinh ra đều mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó với cuộc đời. Chúng ta sinh ra để sống, để làm nên ý nghĩa đó, chứ không phải chỉ để an phận tồn tại. Vậy thì hãy sống sao cho đáng sống, cho khỏi ân hận với cuộc đời.

Bởi chúng ta, kiếp người phàm trần, ai cũng vậy,
chỉ được sống duy nhất có một lần.

Ngoài kia, tiếng tụng kinh Koran đã vang lên đâu đó…


                   
Thật ra, sushi nguyên thủy không có hình dạng như ngày nay. Sushi phổ biến ngày nay mà ta thường thấy là nigiri-sushi, với cơm trộn dấm được nắm lại thành nắm nhỏ (shari) và đặt cá (neta) ở trên, thật ra chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ 19, thuộc vào hàng "em út" trong lịch sử sushi.
     Ở Nhật, sushi cổ nhất được biết tới là nare-sushi, xuất hiện từ cách đây khoảng hơn một nghìn năm, gồm cá được rửa sạch, ướp muối, sau đó ủ kín trong cơm và để lên men. Về thực chất, đây là một cách chế biến và bảo quản cá, thời gian lên men có thể từ vài tuần đến 1,2 tháng, và sau đó người ta ăn cá là chính chứ không ăn với cơm. Đây được coi là một món ăn quý và chỉ dành cho tầng lớp quí tộc.

                                                 Nare-sushi (nguồn: wikipedia)
   Về sau này, đến thời Muromachi (khoảng thế kỷ 15), người ta rút ngắn thời gian ủ lại chỉ còn một vài ngày, và bắt đầu ăn cả cơm dùng để ủ cá. Lúc này sushi mới chính thức từ một phương pháp bảo quản cá lên trở thành một món ăn. Và cho đến thời gian này, trong sushi không hề sử dụng giấm, hoặc bất cứ gia vị nào khác ngoài muối.
  Sau đó, để làm tăng tốc độ lên men, người ta bắt đầu cho rượu, đường, rượu ngọt mirin vào cơm. Đến khoảng năm 1600 thì thay vì chờ cơm lên men, người ta mới cho luôn giấm vào trong cơm để tăng vị chua. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật lên men và sản xuất giấm, sushi ngày càng phát triển và phổ biến rộng rãi trong xã hội Nhật.                  
  Vào thời Edo đầu thế kỷ 19, xuất hiện nigiri-sushi với cơm được nắm thành từng nắm nhỏ và ăn ngay, vừa dễ chế biến mà lại giữ được vị tươi ngon của cá. Thời đó sushi vẫn chưa là món ăn trong nhà hàng như bây giờ, mà còn là một món ăn đường phố rất bình dân. Một số sách chép rằng thời đó người ta thường cho sushi vào trong các khay, làn, và mang sushi đi rao bán khắp các thôn cùng ngõ hẻm. Vì chưa có tủ lạnh, nên giấm, muối, đường, shoyu (xì dầu Nhật) được sử dụng linh hoạt để giữ hương vị và độ tươi cho sushi, ngoài ra sushi với cá nướng, cá hấp cũng được cho là xuất hiện trong thời gian này.


                                                      Cắt cá làm sushi
Ngoại trừ nigiri-sushi, còn có nhiều loại sushi khác nhau như maki-sushi (sushi cuộn rong biển), inari-sushi (sushi bọc trong đậu phụ rán mỏng), oshi-sushi (sushi ép chặt trong khuôn), chirashi-sushi (sushi với cơm dàn mỏng, ăn cùng với nhiều loại hải sản),..... Hiện nay bạn còn có thể ăn được cả sushi cổ nare-sushi nếu đến các tỉnh Akita, Wakayama hay Saga của Nhật.  


                                                            Nắm sushi 
                               (góc bên trái là thúng cơm, trên tay thợ là lát cá) 
    Với lịch sử gần một nghìn năm, các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc của sushi, hay nói đúng hơn là nguồn gốc của nare-sushi, không xuất phát từ Nhật. Nhiều giả thuyết cho rằng nare-sushi vốn là cách bảo quản cá truyền thống của vùng Đông Nam Á (à há !), mà cụ thể là vùng thượng Lào, đông bắc Thái Lan, Myanmar, đảo Borneo của Malaysia, sau đó mới bắt đầu được lan truyền sang Nhật. Tuy nhiên, vẫn chưa có một bằng chứng nào xác đáng và cụ thể vì sách vở và tư liệu từ một nghìn năm trước thì quá ít ỏi, nhất lại về một món ăn.


                                                       Sushi nhím biển (uni)
   Về cách ăn thì về cơ bản, bạn có thể dùng đũa gắp, hoặc bốc tay đều không sao, vì sushi từ xưa đã là món ăn bốc. Không có một quy định rõ ràng về cách ăn sushi, nhưng nếu bạn đến một nhà hàng sushi xịn và muốn được phục vụ tốt hơn, bạn có thể gọi theo thứ tự: cá thịt trắng hoặc mực, hotate trước, sau đó đến cá thịt đỏ như toro, maguro, salmon, sau đó mới đến các loại sushi có mùi mạnh như uni (nhím biển), tôm sống, gạch cua sống,...., sau cùng là maki-sushi. Đầu bếp sẽ biết bạn là người "biết ăn" sushi. Lý do cũng chẳng có gì cao siêu, chỉ là bạn nên ăn từ các loại sushi vị nhạt, thanh trước, sau đó mới ăn sushi vị nồng, đậm sau, cho miệng bạn dễ cảm nhận mùi vị. 


                                                 Sushi lươn nướng, ăn với muối
  Có một bộ phim nói về sushi rất rổi tiếng đó là bộ phim "Những giấc mơ về sushi của Jiro" (Jiro Dreams of Sushi), một bộ phim tài liệu về nghệ nhân sushi Jiro Ono, một trong những nghệ nhân sushi nổi tiếng nhất Nhật Bản. Nhà hàng sushi "Sukiyabashi Jiro" của ông ở Ginza được xếp vào hàng 3 sao của sách ẩm thực Michelin danh giá. 
                                             Poster phim (Nguồn: Wikipedia)
  Với mình, sau khi xem phim, mình cảm thấy đam mê về sushi của ông Jiro có phần quá quyết liệt và ám ảnh, một chút cực đoan, nhưng đây tuyệt đối là một bộ phim đáng xem nếu bạn thích văn hóa Nhật và yêu sushi. Jiro là một nghệ nhân Nhật điển hình, là sự hòa trộn tuyệt vời của một nghệ sĩ tài năng và một người thợ cần mẫn. Xem phim mình cứ thấy thương cho người con trai cả của ông Jiro, hơn 50 tuổi đầu rồi mà vẫn còn là bếp phụ, vì người bố vẫn cứ mãi say mê với những giấc mơ sushi, đến hơn 80 rồi mà cụ vẫn chưa chịu nhường ghế bếp trưởng cho con trai cả. Trong khi người con trai thứ đã đàng hoàng có một nhà hàng sushi riêng rất nổi tiếng ở Roppongi.
  Bạn có thể xem trailer của phim ở đây: 
  http://www.youtube.com/watch?v=M-aGPniFvS0
  Dù sao, với cái giá thấp nhất là hơn 30 nghìn yên (gần 6 triệu rưỡi) cho một phần ăn sushi ở nhà hàng của Jiro, thì dân thường như mình không dám với tới. Thôi thì cứ xem, mơ, và ăn sushi bình dân cho nó khỏe, hehe.


Food & Travel & Everyday Life

.