Thứ sáu, xế trưa, trung tâm thành phố Kuala Lumpur. 

Những người đàn ông lũ lượt kéo nhau về phía thánh đường, chuẩn bị cho buổi hành lễ và cầu nguyện. Mỗi ngày, người Hồi giáo sẽ cầu nguyện năm lần, vào lúc bình minh, trưa, xế trưa, hoàng hôn và buổi tối. Trong đó, buổi cầu nguyện lâu nhất kéo dài một tiếng đồng hồ, diễn ra vào xế trưa mỗi ngày thứ sáu.

Tôi ngồi trong xe ô tô, nhẫn nại trong cảnh kẹt xe không dứt ở thành phố này, và nhìn họ, những người đàn ông với đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Có người trẻ măng chỉ khoảng mười mấy tuổi, có những ông già 60, 70 tuổi. Có những người ăn mặc quý phái, nề nếp, chỉn chu, cổ đeo thẻ ra vào, chắc là nhân viên của một ngân hàng quanh đó. Có người ăn mặc tuyềnh toàng, áo cộc tay sờn màu, quần kaki cũ kỹ. Lại có người ăn mặc thời thượng đúng mốt như mới vừa bước ra từ một tạp chí thời trang…

Tất cả họ, đều cùng hướng về một phía, thánh đường Hồi Giáo, và cùng chuẩn bị làm một chuyện, cầu nguyện.

Nhìn ngắm họ một cách lặng lẽ, tự nhiên, tôi lại nghĩ mông lung về những phận người, về cuộc đời, về cái gọi là số phận và hạnh phúc. Những người đàn ông đi ngang qua trước mặt tôi, họ đang sống một cuộc đời như thế nào? Và họ cầu nguyện với đức Allah của họ điều gì ? Có phải chăng là những điều thật thiêng liêng và cao cả, như là sự cứu rỗi, hay chỉ đơn giản là những điều thật nhỏ nhặt tầm thường, như, cầu thượng đế cho con một cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn?

Hạnh phúc, mỗi người có một định nghĩa khác nhau. Với một số người, hạnh phúc là sự giàu có và đảm bảo về tài chính. Với một số người, đó là sức mạnh quyền lực và tiếng nói trong cộng đồng. Với một số người khác, hạnh phúc là yêu và được yêu, bao hàm cả gia đình, bè bạn và người bạn đời. Và với một số người khác nữa, hạnh phúc chỉ đơn giản là sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.

Với tôi, dường như tôi vẫn chưa tìm ra được định nghĩa hạnh phúc thực sự của mình. Có lẽ hành trình tìm kiếm định nghĩa đó của tôi sẽ dài hơn những người khác. Chỉ hy vọng, đừng để lúc đánh rơi rồi mới biết mình đã từng có được.

Đang suy nghĩ vẩn vơ thì người lái xe, một thanh niên Malay chính gốc, vui vẻ bắt chuyện, “sắp đến tháng Ramadan rồi mày ạ. Tao sẽ không được ăn uống bất cứ thứ gì từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn”. À ừ nhỉ, chưa đến 2 tuần nữa là đến tháng Ramadan, tháng nhịn ăn để tưởng nhớ và biết thương xót người nghèo, tháng mà người Hồi Giáo tin rằng mọi cánh cổng địa ngục sẽ đóng lại và mọi cánh cửa thiên đường sẽ mở ra.

“Tao ấy à, không ăn thì cũng chả sao, nhưng khổ nhất là không được uống nước và không được hút thuốc lá”, người lái xe nói. “Cả những người lao động chân tay nặng nhọc, ví dụ như công nhân xây dựng, họ cũng không uống một giọt nước nào à?”, tôi hỏi.

“Không, tuyệt đối không”.

Câu trả lời dứt khoát của người lái xe trẻ tuổi, thích học tiếng Nhật và yêu nhạc rock, đã làm tôi hiểu một điều. Bạn có thể che đậy, dối trá với cả thế giới, nhưng có 2 nơi bạn không bao giờ được dối trá, đó là chính bản thân bạn và đức tin của bạn. Và tôi tin, những người có một cái tôi chân chính, hay một đức tin chân chính, đều là nhưng người đáng được tin cậy và tôn trọng.

Tôi không là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào, vì thế tôi không có cái hạnh phúc được tin vào một vị thánh nào đó, được có một điểm tựa tinh thần vĩnh hằng và bất biến. Nhưng, tôi tin vào sự nhiệm màu của cuộc sống. Và tôi tin, mỗi người sinh ra đều mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó với cuộc đời. Chúng ta sinh ra để sống, để làm nên ý nghĩa đó, chứ không phải chỉ để an phận tồn tại. Vậy thì hãy sống sao cho đáng sống, cho khỏi ân hận với cuộc đời.

Bởi chúng ta, kiếp người phàm trần, ai cũng vậy,
chỉ được sống duy nhất có một lần.

Ngoài kia, tiếng tụng kinh Koran đã vang lên đâu đó…


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.