4.
Bánh bèo - bánh nậm - bánh ít ram.
Bánh bèo - bánh nậm - bánh ít ram hay được bán chung với nhau. Mà ăn 3 món này thì mình "kết" nhất là quán bánh bèo nóng ở góc đường Nguyễn Chí Thanh - Lê Hồng Phong, luôn có bánh bèo và bánh nậm nóng hổi, bánh ít ram dòn rụm vào mỗi buổi sáng. Mình ăn ở đây từ hồi học cấp 2 tới giờ, mười mấy năm không đổi.
Bánh bèo có 2 loại nhân là nhân ướt và nhân khô, nhân ướt là nhân tôm thịt, nấm mèo, hành lá thái nhỏ nấu sền sệt, nhân khô là nhân làm từ ruốc thịt và tôm khô. Thích ăn nhân nào thì cứ gọi tùy ý, ví dụ "dì, cho con một khay khô !", hoặc là "một khay nửa ướt nửa khô nghe dì !", rứa là 3 phút sau sẽ có ngay một khay bánh bèo mười chén ngon lành như ý đặt ngay trước mặt. Ăn kèm với nước mắm ngọt, lâu lâu "chơi sang" thêm một cây chả bò nữa là hết ý.
Bánh nậm là món bánh xuất phát từ Huế, làm từ bột gạo nhân tôm thịt hành lá, gói lá chuối hấp. Hồi xưa ra Hà Nội mình thấy ở Hà Nội còn có bánh giò, nguyên liệu cũng tương tự bánh nậm nhưng to hơn và hình tam giác. Công thức bột gao + tôm/thịt có lẽ là công thức chung của nhiều loại bánh Việt Nam, không chỉ có bánh nậm, bánh gói, mà bánh xèo, bánh khoái, bánh cuốn cũng có chung mấy nguyên liệu này.
Bánh ít ram là món cực kỳ quyến rũ đối với mấy đứa ghiền ăn nếp như mình. Gọi là ít ram vì nó gồm bánh ít (hay còn gọi là bánh dầy ở ngoài Bắc, nhưng nhỏ hơn), kẹp với một miếng bánh ram chiên giòn, ăn chung với mỡ hành, ruốc tôm, chả bò và nước mắm mặn. Ăn sáng với một dĩa bánh ít ram, thêm một ly sữa đậu nành nữa là cả ngày hôm đó mặt tươi roi rói :D.
5.
Bánh cuốn.
Bánh cuốn ở Đà Nẵng hơi khác một chút với bánh cuốn Hà Nội, cuộn ít nhân hơn, và ăn kèm với ruốc thịt, chả chiên, rau sống, chấm nước mắm đu đủ chua ngọt, người Đà Nẵng cũng không biết ăn cà cuống như người Bắc. Dù mình đã từng ăn bánh cuốn nóng ở Hà Nội nhưng mình vẫn thích ăn bánh cuốn Đà Nẵng hơn, cũng như Hà Nội là xứ của phở nhưng mình vẫn thích ăn phở bán ở Đà Nẵng hay ở Sài Gòn hơn (vì có nhiều rau thơm ăn kèm). Cái ngon và sở thích luôn là một hàm số với nhiều ẩn số (như thói quen, phong tục tập quán, sức khỏe, môi trường sống,.....), và mỗi người đều có một đáp án, một định nghĩa khác nhau.
6.
Bánh mì.
Bánh mì là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, không chỉ ăn sáng, mà còn ăn trưa, ăn tối, ăn cả ngày lúc nào cũng được. Nhiều khi mình thấy ở Việt Nam được ăn bánh mì như vầy là xa xỉ hơn, sung sướng hơn các bạn Tây phương rất nhiều. Thử nghĩ xem, với giá cả rẻ và dễ mua tương ứng như vậy thì các bạn Tây ở nước ngoài chỉ có burger của McDonald, KFC, Lotteria hay bánh mì kẹp Subway, .... thử hỏi mấy món đó làm sao ngon bằng bánh mì Việt Nam được !
Nếu phải lấy một ví dụ để nói về sự linh hoạt, phong phú và sáng tạo của món ăn Việt Nam, thì mình sẽ chọn bánh mì đầu tiên. Không có món ăn nào vừa biến hóa đa dạng mà vẫn luôn luôn hấp dẫn như bánh mì.
Đầu tiên, ta có bánh mì kẹp thịt chả jambon pa tê điển hình. Sau đó thì có bánh mì thịt nướng, thịt được nướng trên lửa than, ở Đà Nẵng thì còn ướp thịt với sả giã nhuyễn, thịt nướng thơm mà không bị khô, kẹp vào bánh mì ăn kèm với dưa chua.
Còn có bánh mì bột lọc, là bánh mì kẹp với bánh bột lọc ở trong, thêm chút nước mắm ớt hành, rau thơm, cắn tới đâu biết tới đó. Rồi lại có bánh mì gà, không phải kẹp thịt gà đâu (bạn mình nói chắc tại cái ổ bánh mì gà nó tròn tròn dài dài giống đùi con gà (??) nên mới gọi vậy), bên trong kẹp xốt trứng gà, ruốc thịt, dưa chua, dìu dịu dễ ăn. Rồi thì bánh mì ốp la, bánh mì xíu mại, bánh mì thịt kho, bánh mì cá... thiệt là kể hoài không hết.
Hồi nhỏ mình hay ăn bánh mì bơ của mấy chú bán dạo, loại bánh mì dài cỡ nhỉnh hơn gang tay chút xíu, bề ngang chỉ cỡ bằng cái lóng tay người lớn, nướng bơ thật giòn, bên trong kẹp chút xíu pa tê, tương ớt, giá rất bèo chỉ khoảng 1, 2 ngàn gì đó một ổ.
Bây giờ thì mấy xe bánh mì như vậy hình như đã "tuyệt tích giang hồ", cũng như gần mười năm nay mình không còn thấy ai bán xôi gói trong lá chuối như hồi xưa nữa.
Những kỷ niệm, trôi qua đi rồi mới thấy nhớ khôn nguôi.
~*~*~*~~*~*~*~
Bonus
Bún mắm.
Thiệt ra thì ít ai ăn sáng bằng bún mắm lắm, tại vì cái mùi mắm nêm nó "hơi bị thơm", ăn sáng xong có khi "cả ngày vương vấn" luôn thì ngại lắm :D. Nhưng trên đời này chỉ có một loại bún duy nhất mà lần nào mình cũng "ăn một tô không đã", đó là bún mắm. Nên thôi lỡ viết thì viết nốt luôn cho zồi. Linh hồn của bún mắm là mắm nêm, pha với chanh ớt đường và quả dứa (thơm). Công thức pha thế nào thì là bí quyết riêng của từng quán.
Bún mắm Đà Nẵng có mít non luộc, món mít non này mình mới chỉ thấy ở Đà Nẵng chứ chưa thấy ở đâu khác, ăn kèm với thịt heo quay, chả bò, nem chua, đậu phộng, hành phi, rau sống. Mình hay ăn bún mắm ở quán Vân trong hẻm nhỏ đường Đoàn Thị Điểm mà chắc dân Đà Nẵng ai cũng biết.
Trong Sài Gòn cũng có bún mắm, nhưng là bún mắm nước nấu với thịt, tôm, mực, cà tím, ăn với các loại rau miền Nam, mình thấy cũng ngon không kém, nhưng dễ làm cho dân Đà Nẵng mới vô Sài Gòn (cụ thể là mình) "té ngửa" vì cứ tưởng "bún mắm nớ cũng giống bún mắm mình" hehe.
(Hết)