Poster  phim (wikipedia)  
"Bá vương biệt cơ" (chữ Hán: 霸王别姬), là bộ phim nói tiếng Hoa duy nhất đạt giải Cannes 1993 của đạo diễn Trần Khải Ca. Công nhận bây giờ xem lại phim này mới thấy....thấm (+ mệt đầu). Diễn được một Trình Điệp Y như thế, chắc chỉ có mỗi mình Trương Quốc Vinh. Và diễn được một Cơ như thế, chắc chỉ có mỗi mình Trình Điệp Y. Từ dáng đi, giọng nói, cái liếc mắt, cử động từng ngón tay....Nhiều khi xem mà thấy nổi cả gai ốc. Nhất là đoạn cuối phim, xem Trình Điệp Y cầm kiếm tự kết liễu mình trên sân khấu, mà nhớ lại cuộc đời đồng tính và cái chết bi thảm của Trương Quốc Vinh.
"Quân vương chí khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh...."
Là Ngu Cơ, là Điệp Y, hay là Quốc Vinh?
Khi nói về vai diễn Điệp Y của Trương Quốc Vinh, đạo diễn Trần Khải Ca đã từng nói rằng, “đó cũng là một diễn viên, và trong thế giới của anh ta, ranh giới giữa thực và mộng, sống và chết, đàn ông và đàn bà là không rõ ràng. Cũng vì không ý thức được mình và các nhân vật do mình diễn xuất, anh ta đã hoà tan cuộc sống thực của mình vào với Kinh kịch. Ngoài Trương Quốc Vinh ra, tôi nghĩ không còn ai có thể đảm nhiệm vai này. Anh ấy đã thể hiện tới mức tột cùng của niềm đam mê, và cả sự ghen tỵ”.
"Bá Vương biệt Cơ" xuyên suốt lịch sử 50 năm của Trung Quốc, từ những năm đầu Dân Quốc đến cuối cách mạng văn hóa, trong đó số phận con người cũng đảo loạn và biến động như thời cuộc. Bi kịch của "Bá Vương biệt Cơ" không chỉ là là bi kịch giữa cuộc đời và sân khấu, mà còn là bi kịch của con người, của tình yêu và sự phản bội. Tình yêu với nghệ thuật, tình yêu khác giới, tình yêu đồng giới, tình yêu giữa con người và con người.
Đắc Chí - để trở thành một nghệ sĩ kinh kịch danh tiếng với nghệ danh Trình Điệp Y, đã phải trả giá không chỉ bằng máu, nước mắt và những tủi nhục ê chề, mà còn bằng cả một tình yêu cố chấp và lẫn loạn kể từ khi vứt bỏ đi sự phân minh nam nữ để diễn trọn một lớp tuồng, "bản chất ta là nữ, không phải là nam". Trình Điệp Y tự xem mình như vai diễn kinh kịch Ngu Cơ, làm tất cả mọi thứ cũng chỉ vì một Bá Vương - Đoàn Tiểu Lâu. Để rồi cuối cùng bị chính Đoàn Tiểu Lâu bỏ rơi và bán đứng trong cuộc đấu tố. Hình ảnh mà tôi nhớ nhất của Điệp Y, là cảnh anh đội long mão cho Tiểu Lâu và đẩy Tiểu Lâu ra ngoài sân khấu, trong khi anh bị chính đứa học trò vô ơn của mình cướp đi mất vai Ngu Cơ. Trong trang phục lộng lẫy Ngu Cơ - Điệp Y loạng choạng quay lưng bỏ đi, và giọng hát của Tiểu Lâu cất lên ngoài sân khấu "ta đã trở về ..."
Vai Cúc Tiên, vợ Đoàn Tiểu Lâu, của Củng Lợi cũng là một vai rất hay. Người phụ nữ xuất thân kỹ nữ, có khôn ngoan, có xảo trá, nhưng lại yêu Đoàn Tiểu Lâu với một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt. Nhân vật của cô như là một bức tường trong mối quan hệ ngoài sân khấu giữa Tiểu Lâu và Điệp Y. Vậy mà cuối cùng cô lại phải chứng kiến cảnh 2 người đàn ông đấu tố lẫn nhau trong cách mạng văn hóa, tự mắt chứng kiến người đàn ông mình yêu, mình tôn thờ kia, người anh hùng Bá Vương Hạng Vũ xưa kia lại phản bội bạn mình, phản bội mình. Nếu như Điệp Y khi bị Tiểu Lâu bán đứng, thì anh vẫn còn có kinh kịch - Bá Vương thực sự của lòng mình - để sống và tồn tại, nhưng tất cả những gì Cúc Tiên có chính là người chồng của mình. Cô đã chết thật sự từ khoảnh khắc Tiểu Lâu nói " Cô ta là một con điếm, tôi không yêu cô ta". Hình ảnh Cúc Tiên treo cổ tự vẫn trong chiếc áo cưới, đôi giày đỏ vẫn đặt trên bàn, không khỏi làm người ta nhớ đến ngày cô bỏ ra khỏi kỹ viện với đôi chân trần giá lạnh.
Đoàn Tiểu Lâu, đáng thương hay đáng trách? Đoàn Tiểu Lâu chính là chân dung sống động của một con người trong thời cuộc hỗn loạn của cách mạng văn hóa. Liệu anh ta có đau không khi phản bội vợ mình, phản bội bạn mình, khi anh phải tự chứng kiến nỗi bất lực, cái xấu xa, ô nhục của bản thân mình? Tôi tin là có. Nhưng ai dám tự khẳng khái nói rằng mình sẽ không làm thế trước cái đám đông cuồng loạn đó?
Dù được ca ngợi là một phim Trung Quốc hay nhất mọi thời đại và đoạt giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes 1993, nhưng "Bá Vương biệt Cơ" không phải là một phim dễ xem. Có đôi khi tưởng mình sẽ khóc vì nhân vật, nhưng lại không khóc được. Xem xong phim không khỏi có cảm giác buồn và có nhiều điều phải suy nghĩ. "Bá Vương biệt Cơ" không chỉ đơn giản là một bộ phim, đó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.
Chợt nhớ tới lời của Shakespear, "cuộc đời là một sân khấu lớn". 


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.