(Ảnh: "Thích cầm đồ", Tống Huy Tông)
Âm nhạc xuất hiện từ khá lâu đời tại Trung Quốc và đạt được sự phát triển thịnh vượng trải qua hàng ngàn năm. Trong số rất nhiều bài cổ nhạc được lưu truyền cho đến tận ngày nay, có 10 bài cổ nhạc được người đời xưng tụng là “Trung Hoa thập đại cổ khúc” (mười bài nhạc cổ lớn của Trung Quốc). Đó là: Cao sơn lưu thủy, Quảng lăng tản cầm khúc, Bình sa lạc nhạn, Thập diện mai phục, Ngư tiều vấn đáp, Tịch dương tiêu cổ, Hán cung thu nguyệt, Mai hoa tam lộng, Dương xuân bạch tuyết và Hồ gia thập bát phách. Mỗi một khúc nhạc đều gắn liền với một điển tích, một câu chuyện khác nhau. Trong trường hợp này, âm nhạc còn mang ý nghĩa lịch sử và thông điệp văn hóa.
1. Quảng lăng tán cầm khúc (广陵散琴曲): Trong truyện Kiều, khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe tại vườn Thúy, có đoạn: 
Kê Khang này khúc Quảng Lăng 
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân
 
câu đầu chính là để chỉ khúc "Quảng lăng tán" . Nhắc đến "Quảng lăng tán", thì phải nhắc đến hai câu chuyện, chuyện của thích khách Nhiếp Chính thời Chiến Quốc và chuyện của Kê Khang.
Cha của Nhiếp Chính vì Hàn Vương mà đúc kiếm, do trễ ngày giao kiếm mà bị thảm sát, Nhiếp Chính vì trả thù cha luyện đàn mười năm, nổi tiếng khắp nơi, được Hàn Vương triệu vào đàn. Nhiếp Chính nhân cơ hội này giết chết Hàn Vương rồi hủy dung tự tử để khỏi liên lụy thân nhân. Người đời sau vì cảm khái câu chuyện này mà soạn nên khúc "Quảng lăng tán".
Sáu trăm năm sau, đời Ngụy Tấn, có Kê Khang là một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” đã phát triển khúc này thành một khúc nhạc tuyệt luân. Đương thời họ Tư Mã đang tiếm quyền Tào Nguỵ, Kê Khang tài giỏi nhưng tính cương liệt, đứng về phía nhà Nguỵ một mực tỏ thái độ không hợp tác với họ Tư Mã. Năm 262 tr.CN Kê Khang vì tội làm loạn triều chính đã bị chặt đầu giữa chợ, trước khi chết ông đã tấu khúc "Quảng lăng tán" một lần cuối cùng rồi thốt lên rằng: "Quảng Lăng Tán từ nay thất truyền! " 
Ngàn năm sau khi nghe khúc này không thể không quên cái khúc ý “anh hùng cao nghĩa, danh sĩ tuyệt đường” bàng bạc trong khúc nhạc này. 
(Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, Hướng Vấn Thiên đã dùng cầm phổ của khúc "Quảng lăng tán" này để "dụ" Giang Nam tứ hữu :P. Cũng dựa vào bản "Quảng lăng tán" mà Khúc Dương trưởng lão và Lưu Chính Phong đã soạn ra khúc "Tiếu ngạo giang hồ" cho tiêu cầm hợp tấu. 
Mình rất khoái bản Tiếu Ngạo Giang Hồ được soạn cho bộ phim Tiếu Ngạo Giang Hồ 1998 của Lữ Tụng Hiền (Lệnh Hồ Xung) với Lương Bội Linh (Nhậm Doanh Doanh) !....
2. Bình sa lạc nhạn (平沙落雁): Thời Minh triều còn có tên Lạc nhạn bình sa (落雁平沙), khúc điệu du dương, dìu dập, trong tiếng đàn có tiếng nhạn. Miêu tả chim nhạn đáp xuống giữa không trung, ngoái đầu ngắm cảnh. 
3. Thập diện mai phục (十面埋伏): Nhạc khúc miêu tả tình cảnh quyết chiến oanh liệt cuối cùng của chiến tranh Sở Hán vào năm 202 trước công nguyên. Trận ấy, tứ diện Sở ca, bốn bề mai phục, Hạng Vũ phải tự tử ở Ô Giang, Lưu Bang giành được thắng lợi. Theo GS Trần Văn Khê thì “Thập diện mai phục” là một trong những bản khó đàn nhất, đặc biệt từ chương Ba đến sau có mấy đoạn khi đàn phải chen ngón giữa của bàn tay trái vào các dây làm âm thanh phát ra đục và giống như tiếng gươm giáo chạm nhau, như Nguyễn Du đã tả khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe khúc này:
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau 
4. Ngư tiều vấn đáp (渔樵问答): bày tỏ niềm an vui tự tại của “ngư tiều” giữa chốn rừng xanh núi biếc (thanh sơn lưu thuỷ).Nhạc khúc dùng phương thức đối thoại giữa “ngư giả” và “tiều giả”, những lúc mà nhạc khúc lên cao chính biểu đạt câu hỏi, lúc mà giai điệu thấp xuống thì biểu thị câu trả lời. Toàn khúc phiêu dật tiêu sái, biểu hiện thần thái thong dong tự tại của "ngư tiều"…

5. Tịch dương tiêu cổ (夕阳箫鼓): Là khúc nhạc trữ tình khoảng trước sau năm 1925. 
6. Hán cung thu nguyệt (汉宫秋月): kể lại tâm tình của cung nữ thời xưa thường bị áp bức, khóc lóc thê lương, gợi nên sự đồng cảm của mọi người. 
7. Mai hoa tam lộng (梅花三弄): nhạc khúc thuộc loại "tá vật vịnh hoài", mượn hình ảnh tinh khiết,sự thơm ngát và sức kiên cường chống chọi với cái lạnh của hoa mai để tán tụng những người có tiết tháo cao thượng.Nửa đầu khúc nhạc giai điệu du dương, thanh u gợi lên sự cao quý và trạng thái tĩnh tại an tường của hoa mai. Nửa đoạn sau vội vàng, hấp tấp biểu hiện động thái bất khuất của hoa mai.Giai điệu tiết tấu hai đoạn đầu và cuối như là bất đồng, tương phản rõ rệt... 
8. Dương xuân bạch tuyết (阳春白雪): “Dương xuân bạch tuyết” dùng tiếng đàn miêu tả cảnh mùa xuân sang, tuyết đang tan ra. Ở thời điểm giao mùa vẫn còn cái hơi lạnh của mùa đông nhưng đã có cái ấm áp của mùa xuân. Tiếng đàn trầm bổng khoan hòa, nhẹ nhàng như nước chảy bên tai, làm người nghe quên cả trời đất, cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng sảng khoái, mơ màng như thấy có những tia nắng ấm áp lan tỏa lên thân mình, xa xa những lớp tuyết đang từ từ tan ra trên một cành mai gầy... 
9. Hồ gia thập bát phách (胡笳十八拍): “Hồ gia thập bát phách” kể về về cố sự “Văn Cơ quy hán”. Trong khung cảnh chiến loạn thời mạt Hán, Thái Diễm ( Thái Văn Cơ) lưu lạc ở đất Hung Nô 20 năm. Nàng thân tuy là sống bên cạnh của nhà vua, nhưng lòng thì luôn hoài niệm về cố hương. Lúc Tào Tháo phái người đón nàng về cố hương, nàng không nỡ rời xa hai đứa con nhỏ, niềm vui hồi hương bị nỗi đau cốt nhục chia ly bao phủ làm tâm tình nàng cực kỳ mâu thuẫn… 
10. Cao sơn lưu thủy (高山流水): Trong mười bài cổ khúc thì mình thích khúc này nhất. Khúc ý thanh tân tao nhã, liên miên bất tuyệt, nghe ra núi cao, vực sâu, biển rộng, sông dài, lòng người nghe tựa hồ như cánh nhạn đang bay khắp non xanh nước thẳm. Khúc “Cao sơn lưu thủy” gắn liền với điển tích Sở Bá Nha – Chung Tử Kỳ. Tương truyền Bá Nha hay tấu khúc này, nhưng chỉ một mình Tử Kỳ là hiểu được. Một lần Bá Nha gảy đàn, lòng nhớ tới núi cao, Tử Kì liền bảo “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn” (Đánh đàn hay thay, vòi vọi tựa Thái Sơn). Đến lúc Bá Nha nghĩ đến vực sâu, Tử Kì nhận ngay ra rằng “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy” (Cuồn cuộn như nước chảy). 
Khi Tử Kỳ lâm bệnh chết, Bá Nha chỉ gẩy đàn thêm một lần duy nhất trước mộ người tri âm rồi đập đàn vào tảng đá, không bao giờ cầm đến cây đàn nữa. 
Bản “Cao sơn lưu thủy” lưu truyền ngày nay chủ yếu là bản do Xuyên Phái đời Thanh gia công và phát triển, được Đường Di Minh đời nhà Thanh ghi lại trong “Thiên văn các cầm phổ” (năm 1876). Ông đã hết sức phát huy các thủ pháp cổn, phất, xước, chú, khiến hình tượng núi cao, nước chảy thêm rạng rỡ, nên mới có danh xưng “Thất thập nhị cổn phất lưu thủy”. 

Trong 10 khúc nhạc trên thì ngoại trừ vài khúc dùng cho đàn tỳ bà, tiêu, còn đa phần đều là những khúc được tấu trên cổ cầm. Người Trung Quốc coi cây đàn cổ cầm như một báu vật văn hóa. Ngày nay, người chơi đàn vẫn giữ được những lễ tiết của văn hóa cổ xưa như việc đốt mỗi lư trầm đặt trước giá đàn mỗi khi tấu một bản nhạc. Năm 2003 Nghệ thuật âm nhạc cổ cầm của Trung Quốc đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là Kiệt tác văn hóa truyền khẩu phi vật thể của nhân loại (trước đó năm 2001, UNESCO đã phong cho nghệ thuật Kinh Kịch và năm 2005, phong tặng cho công phu Thiếu Lâm) cùng đợt tôn vinh này nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế ở Việt Nam cũng đã được công nhận.


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.