Buổi tối, ngồi xem TN 91, nghe câu ca dao Nam Bộ sao mà thương lạ:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về…
Chợt nhớ đến tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Với nhiều người, tác phẩm văn học viết về Nam Bộ thành công nhất có lẽ là Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, nhưng với mình, những câu chuyện về đất rừng U Minh “muỗi vắt nhiều như cỏ, chướng khí mù như sương…”, với hương tràm bạt ngàn và sức sống của những con người đi mở đất trong câu văn chất phác của nhà văn Sơn Nam đã lưu lại một ấn tượng khó phai mờ.
Những năm 13, 14 tuổi, thường hay ngồi một mình trên gác xép của căn nhà nhỏ, nơi chứa rất nhiều sách mà ba mẹ đã giữ lại được sau bấy nhiêu năm. Và trong một dịp tình cờ, đã phát hiện ra “Hương Rừng Cà Mau”, chỉ là một tập sách mỏng, bìa giấy hơi rách và đã ố vàng, với kiểu chữ in cũ kỹ của những năm 70, 80. Không biết nó đã có ở đó từ lúc nào.
Và mình đã đọc Hương Rừng Cà Mau, không như đọc một tác phẩm văn học, mà như là đọc một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện huyền thoại mông lung của những người đi khai hoang mở đất.
"Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Tới Cà Mau, Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng..."
Cái hài hước, hóm hỉnh của “Hát bội giữa rừng hoang”, cảnh những con ong đi hút mật tràm, người đàn ông tay không đi săn sấu…như là huyền thoại về một vùng đất nào vừa gần gũi vừa xa lạ. Và cái tình của người Nam Bộ sao mà chất phác, cô Lài con thầy Năm Điền với cây huê xà quấn quít, một tấm lòng của cô Bảy đưa đò, và cái tình của câu hò tha thiết:
Một mai thiếp có xa chàng 
Ðôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Tại sao đôi bông thì trả, đôi vàng thì xin ? Không lẽ người đàn bà nước mình mang thói tham lam ? Sự thiệt nó có tích như vầy : đôi bông là vật cha mẹ chồng cho nàng dâu hồi đám nói ; đôi vàng là của riêng mà hai vợ chồng trẻ nhờ dành dụm sắm được lúc sau. Nàng dâu than vãn bà mẹ chồng khắc nghiệt, sẵn sàng "trả đôi bông" lại cho mẹ chồng. Nhưng nàng vẫn thương chồng - "xin giữ đôi vàng" - nài nỉ chồng cất nhà ở riêng để thoát ách. Câu hát đó cao sâu lắm ! Hồi xưa, khách qua đường hễ nghe nó là hiểu được tánh tình của bà mẹ chồng trong nhà như thế nào. Bởi vậy người hát phải biết hát, người nghe phải biết nghe. “ (Miễu Bà Chúa Xứ)
Tác phẩm điện ảnh nổi tiếng “Mùa Len Trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng lấy từ cốt truyện “Mùa Len Trâu” của nhà văn Sơn Nam trong tập truyện này.
Có lẽ, cái giọng văn xa xưa của nhà văn Sơn Nam không còn phù hợp với tuổi trẻ bây giờ, và có khi là khó hiểu nữa. Mình cũng không có ý định giới thiệu tập truyện ngắn này như là một tác phẩm đáng đọc hay là nên đọc. Chỉ đơn giản, là một mảnh ký ức cũ ngày xưa của riêng mình...
Một lúc nào đó, muốn đi một vòng các tỉnh đồng bằng sông nước Nam Bộ, để nghe, để thấy, để nhìn....Nam Bộ bây giờ chắc đã khác với cái thời của Sơn Nam rất nhiều rồi, nhưng cái linh hồn, cái tấm lòng chất phác ấy sẽ còn lưu lại mãi...


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.