Ngoại tôi là người Bình Định, người xứ “nẫu”. Dân Phú Yên, Bình Định hay dùng từ “nẫu” để chỉ bọn họ, người ta, bằng một thứ giọng nằng nặng, thô ráp nhưng không lẫn vào đâu được. “Nẫu nói gì kệ nẫu chớ”, “dẫy na?”, “dẫy neng”, “dẫy ngheng”,…
  Nhiều năm trước, ngoại và cậu sống ở Quy Nhơn, trong một ngôi nhà nhỏ, sâu hun hút. Ngày đó, ngoại cũng như đa số nhiều người khác cùng thời, cũng nghèo khó và vất vả kế sinh nhai. Thỉnh thoảng tôi lại được phép về thăm ngoại và ở với ngoại lâu lâu. Khi ấy tôi còn rất nhỏ, 3 hay 4 tuổi, hoặc cũng có lẽ là 5 hay 6 tuổi gì đó. Xa quá rồi. Có lẽ đã gần 20 năm.
  Ngoại mê hát tuồng lắm. Xứ Bình Định là nơi khai sinh của tuồng cổ mà. Ngoại thuộc nằm lòng những bài bản tuồng xưa, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Bạch viên tôn các, Phụng Nghi Đình…Trưa trưa ngoại thường nằm hát khe khẽ cho cháu nghe. Tóc ngoại ngày xưa rất dài, thường hay xức dầu dừa cho mượt tóc. Mỗi khi nhìn ngoại xức dầu dừa, tôi lại liên tưởng đến xứ dừa Tam Quan của Bình Định.
  Tam Quan ngọt nước dừa xiêm
  Cha từ, mẹ bỏ, vẫn tìm theo anh…
  Mỗi lần về thăm ngoại lại được ăn bao nhiêu là đồ ngon, những món ngon Bình Định. Bánh hỏi thịt heo luộc, bánh tráng dừa, cá nục hấp cuốn bánh tráng….Canh chua lá giang thịt bò ngoại nấu thì không ai sánh bằng. Ngoại lại khéo tay hay làm bánh trái. Bánh ít, bánh gai, bánh thuẫn, bánh bột lọc…những thứ bánh nhà quê đơn giản mộc mạc mà chân chất tình người. Còn có một thứ bánh ngoại hay làm mà lâu lắm rồi, có lẽ đã gần mười năm nay tôi chưa được ăn lại hoặc nghe ai nhắc đến nữa. Đó là bánh hồng.

Bánh hồng là một loại bánh được làm bằng nếp thơm và đường. Người Bình Định thường hay làm bánh hồng vào những ngày đám tiệc. Sau khi đãi tiệc mặn xong, họ thường hay mời khách tráng miệng bằng món bánh hồng. Nguyên liệu của bánh hồng rất đơn giản, chỉ có nếp và đường. Thích thì cho màu, không thì thôi. Ngâm nếp cho mềm đem xay thành bột, đăng bột cho thật ráo nước rồi đổ bột ra mâm. Bốc bột thành từng nắm cho vào nồi nước đang sôi để luộc chín bột. Luộc bột phải thật khéo, sao cho bột không được chín bấy, cũng không được sống bên trong. Nếu bột chín bấy, thì bánh hồng khuấy lâu tới, dễ bị chảy nước. Còn luộc bột sống, bánh lợn cợn vón cục, không mịn màng mặt bánh. Bột luộc xong vớt ra cho vào ngay chảo đường đang sên sôi sùng sục. Bột luộc đang nóng, gặp đường cũng đang nóng, dùng đũa bếp hai tay đánh thật nhanh để các cục bột tan ra trộn lẫn vào nước đường. Sau khi bột đã tan đều thì phải hạ lửa riu riu, cứ thế mà đánh không cho bột sít. Đây là giai đoạn đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kiên nhẫn. Sau cùng, rải bột nếp khô lên mâm, dùng đũa bếp vớt nguyên dề bột trong chảo ra, dùng tay dạt bánh cho đều ra mâm. Dạt bánh dày hay mỏng tùy ý, nhưng thường là dạt dày khoảng 2 đến 3 cm, rồi rưới lên trên mặt bánh một lớp mỏng bột nếp khô, vậy là có bánh hồng. Đôi khi người ta cũng pha màu để bánh có màu xanh, màu vàng, màu hồng cho đẹp. Khi dọn mời khách, thì dùng dao bén xắt bánh hồng ra từng dải, có chiu rộng khoảng chừng 4-5cm, rồi xắt xéo theo hình con thoi. Bánh hồng ăn rất thơm lại vừa dẻo, vừa dai, ăn ít ngán.
  Nguyên liệu bánh hồng tuy thật đơn giản nhưng cách làm lại khá nhọc công và tốn thời gian. Có lẽ vì vậy mà hiện nay không còn mấy ai làm nữa. Nhưng không hiểu sao, bây giờ mỗi khi nhớ về ngoại, tôi lại thường nhớ về bánh hồng của ngày xưa. Bánh hồng của ngoại. Miếng bánh hồng mà bà ngồi cạnh cháu, vừa khuấy bánh, vừa ngâm nga mấy câu trong lớp Phụng Nghi Đình…Sức khỏe ngoại bây giờ không còn đủ sức để làm bánh hồng cho con cháu ăn được nữa. Tiếc thay, con cháu bây giờ cũng không ai còn biết làm bánh hồng như ngoại ngày xưa…
  Ký ức về ngoại của tôi, chỉ đơn giản là một vài món ăn, một vài hình ảnh, những câu nói, những câu chuyện rời rạc…Nhưng đó là một phần trong xâu chuỗi ký ức mà tôi vẫn luôn nâng niu, trân trọng và gìn giữ. Những ký ức, kỷ niệm đó đã góp phần làm nên hai tiếng “quê hương” mà cho dù có đi bất cứ nơi đâu, tôi cũng không thể nào quên được.
  Quê hương có ngoại…

------------------------------------------------------------------

Bài này được viết cách đây 6 năm, lúc đó ngoại vẫn còn. 
Giờ, ngoại thương yêu đã đi xa mất rồi. Những ký ức về ngoại, lại càng thêm nhớ thương, da diết và ngậm ngùi...


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.