Bài viết ngày 1.12.2008, hai hôm sau ngày mất của nghệ sĩ cải lương Minh Phụng.
------------------------------------------------------------------------------------------------------
                      Bìa dĩa than thu âm cải lương của nghệ sĩ Minh Phụng trước 1975 (nguồn internet)
Hai hôm trước, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Minh Phụng vừa mới qua đời. Vậy là sân khấu cải lương đã mất đi một trong ba "Minh" kép chánh tài hoa: Minh Cảnh - Minh Phụng - Minh Vương.
Khi bức màn buông, danh vọng hết 
Người về lòng rũ sạch sầu thương 
Người vào cởi áo lau son phấn 
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường...
(Trích bản vọng cổ Kiếp Cầm Ca của soạn giả Viễn Châu)
Thế hệ 8X, 9X sinh sau đẻ muộn không mấy mặn mòi với bộ môn truyền thống cải lương. Gắn liền với hai chữ "cải lương" thường là liên tưởng đến một cái gì đó cũ kỹ, "sến", quê mùa...Chỉ có bà già mới ngồi nghe cải lương. Chứ người trẻ bây giờ, bận rộn đã đành, những lúc rỗi rãi thà dành thời gian để lên net, chat chit, nghe nhạc hiphop, xem phim Tây Tàu....chứ rảnh đâu mà ngồi nghe "mấy ông bà cải lương rên rỉ". Âu đó cũng là cái lẽ khó tránh, khi mà thời đại ngày càng thay đổi thì con người cũng phải đổi thay. Nhà trường ở Việt Nam bây giờ cũng chỉ dạy trẻ con những đồ rê mi fa sol si la của Tây phương, chứ không dạy rằng nhạc cổ truyền của dân mình là âm nhạc ngũ cung gồm hò, xự, xang, xê, cống...thì còn nói chi là đưa âm nhạc cổ truyền vào lớp học. Thế nên, khả năng nghe và cảm nhận nhạc dân tộc của giới trẻ bị hạn chế là điều khó tránh khỏi.
Thuở nhỏ, tôi cũng chỉ ngồi coi cải lương theo bà nội, bà ngoại, coi vì thấy mấy cô đào xúng xính áo quần lấp lánh, chứ chẳng hiểu gì. Bây giờ, khi lớn lên, nghe lại những bài ca cũ, thử lần tay gõ theo nhịp song lang, để ý lắng nghe lời ca, tiếng hát, tôi mới dần dần cảm nhận được cái hay của cải lương, một bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Người phương Tây có nhạc kịch, có opera, người Trung Quốc có Kinh Kịch, người Nhật có kịch No...., thì người Việt Nam mình cũng có hát chèo, hát bội và cải lương.
Cải lương bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sinh sau đẻ muộn hơn rất nhiều những bộ môn khác. Ban đầu là từ đờn ca tài tử, sau đến lối "Ca ra bộ", rồi đến năm 1920, cái tên “cải lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bản hiệu gánh hát Tân Thịnh (1920) với câu liên đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Cải lương không như ca trù hay hát bội có nhiều hình thức quy ước, điển lệ mà khi xem, nghe, phải có người giải thích mới hiểu được, cải lương gần gũi với cuộc sống con người, mà đặc biệt là người dân Nam Bộ.
Thời vàng son bền vững nhất lịch sử Cải lương kéo dài từ cuối thập kỉ 20 đến thế chiến thứ II (1939 – 1945) với lực lượng tiền phong Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Út Trà Ôn, Thanh Tao, Năm Nghĩa...
Thời hoàng kim thứ hai được nhận diện từ giữa thập kỉ 50 đến cuối những năm 1960 (hơn 15 năm) với sự nhập cuộc 3 danh ca kiệt xuất – trong vọng cổ ngũ bá là Hữu Phước, Thanh Hương, Út Bạch Lan. Họ “hô phong hoán vũ” chốn kịch trường, dĩa nhựa, đài phát thanh, đến báo chí tốn hao bao nhiêu giấy mực, công chúng bàn tán xôn xao. Tiếp theo là những Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Nguyệt, Hồng Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệp Lang, Phương Quang, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Minh Cảnh, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Minh Vương... Đầu thập niên 80, một thế hệ nghệ sĩ mới ca hay, diễn giỏi đến với công chúng và được đón nhận nồng nhiệt, đặc sắc nhất là Vũ Linh, Thanh Hằng, cùng những gương mặt khác như Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Cẩm Thu, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Phượng Hằng, Lương Tuấn, Khánh Tuấn, Chí Linh, Tiểu Linh, Ngân Tuấn, Linh Châu, Vân Hà...
Từ cuối thập niên 80 trở đi, khi công nghệ thông tin bùng nổ, với điện ảnh, truyền hình, video, audio, CD, DVD, internet..... kéo theo đó là sự suy yếu của cải lương bởi kịch bản suy giảm về lượng, sáo mòn về chất, hình thức sân khấu vá víu, kĩ thuật âm thanh, ánh sáng lạc hậu…Cho đến nay, cải lương vẫn đang cố gắng hòa mình với thời đại để sống còn, có chỗ thành chỗ bại, có vàng có sạn....
Nhưng, gạn đục khơi trong, đừng vì những cái chưa hay, những chỗ bị phô, bị kém mà quay lưng lại với cải lương...Linh hồn của cải lương chính là lời ca tiếng hát của người nghệ sĩ. Xét cho cùng, người nghệ sĩ cải lương cũng là một ca sĩ. Chỉ có điều, để ca được một bài vọng cổ, nhớ hết một lớp tuồng, người nghệ sĩ phải bỏ ra rất nhiều thời gian khổ luyện, đòi hỏi tâm huyết và nỗ lực, nhất là trong thời buổi cải lương đang suy yếu hiện nay.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Một số ghi chép từ trang web của giáo sư Trần Văn Khê
Giọng ca cải lương hơn 2/3 giống giọng hát bội. Cũng giọng Bắc, Oán, Nam, Lý, Bình, Ngâm, Hò, Nói thơ và giọng Quảng.
20 Bản Tổ của Cổ Nhạc Tài Tử VN Gồm có:
- Ba bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung + Song Cước .
- Sáu bài Bắc gồm: Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục , Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản.
- Bảy bài Lễ gồm: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc.
- Bốn bài Oán gồm: Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng Cầu.
- 4 bài Oán phụ gồm: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Xuân Nữ
20 bản tổ chia ra 4 loại: 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Ðông) và 4 hướng (Ðông, Tây, Nam, Bắc), kể ra:
1. Sáu bài Bắc: xếp vào mùa Xuân, giọng nhạc vui tươi. Nhạc sĩ đờn 6 bài nầy thì day mặt về hướng Bắc. Sáu bài Bắc gồm: Lưu Thủy Trường, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Tây Thi, Cổ Bản. Các bài này có điệu vui, ngắn, gọn.
2. Bảy bài nhạc Lễ: xếp vào mùa Hạ, nên thường gọi là 7 bài Hạ, giọng nhạc bực tức, hùng hồn. 
Nhạc sĩ đờn 7 bài nầy day mặt về hướng Ðông. Bảy bài nhạc Lễ gồm: Xàng Xê, Ngũ Ðối Thượng, 
Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc.
Ý nghĩa như sau:
Xàng Xê: Thời kỳ Hỗn độn sơ khai, các khí lộn lạo. hùng tráng uy nghi nhưng dịu dàng, êm áị
Ngũ Ðối Thượng: Ngũ Khí nhẹ nổi lên làm Trời.
Ngũ Ðối Hạ: Ngũ Khí nặng hạ xuống làm đất. Ðó là Ngũ Hành: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. còn gọi tắt là bài Hạ, có tính uy nghi, nghiêm trang, man mác, thanh thản.
Long Ðăng: Rồng lên, tượng trưng Dương khí. giống bài Hạ, nhưng tiết tấu khỏe, ít nghiêm trang.
Long Ngâm: Rồng xuống, tượng trưng Âm khí. : giống bài Hạ, ít thấy dùng trên sân khấu cải lương.
Vạn Giá: Vạn vật sinh thành đều có giá trị,
Tiểu khúc: Nhỏ ngắn đều có định luật.
Ba bài Ngũ Đối Thượng, Vạn Giá, Tiểu Khúc có nhiều âm hưởng nhạc lễ.
Các bài này là bảy bài lớn dùng trong nhạc lễ, mỗi khi cúng lễ, cúng tế, tính chất nghiêm 
trang. Riêng bài Ngũ Đối Hạ sân khấu hát bội thường dùng, trên sân khấu cải lương thì bài 
Xàng Xê được dùng nhiều hơn.
3. Ba bài Nam: xếp vào mùa Thu, giọng nhạc trầm buồn ai oán. Nhạc sĩ đờn 3 bài nầy thì day mặt về hướng Nam. 
Ba bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai, Ðảo Ngũ Cung.
Nam Xuân: gặp mời, mừng. (Thượng nguơn)
Nam Ai: trông mong, ngưỡng mộ. (Trung nguơn)
Ðảo Ngũ Cung: bày tỏ, tái ngộ. (Hạ nguơn)
Ba bài Nam nầy có 4 giọng đờn khác nhau tùy theo 4 mùa (Tứ quí: Xuân, Hạ, Thu, Ðông) kể ra:
Nam Xuân : điệu nhạc thanh thản lâng lâng, sảng khoái, nghiêm trang, nhẹ nhàng, có người cho là "tiên phong đạo cốt". Bài này được dùng để mở đầu các chương trình ca nhạc cải lương ở Sài Gòn.
Nam Ai : buồn ảo não, não nùng, bi thảm. Bài này có 8 lớp, cấu trúc cũng như Nam Xuân (cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lớp). Lớp 7 và 8 (hai lớp Mái) thường hay dùng nhất.
Nam Đảo (hay Đảo Ngũ Cung) : tôn nghiêm, hùng tráng, gay gắt. Hai câu cuối được chuyển sang hơi Hò Ba âm điệu buồn, để chấm dứt, gọi là "song cước".
Giọng Xuân (mùa Xuân) biểu thị mát mẻ, tỏ rạng, vui tươi,
Giọng Ai (mùa Hạ) biểu thị nóng nực, tâm hồn buồn thảm.
Giọng Ðảo (mùa Thu) biểu thị mưa dầm, xây vần, đảo lộn.
Giọng Song cước (mùa Ðông) biểu thị thâm trầm, mùi mẫn.
4. Bốn bài Oán: xếp vào mùa Ðông, giọng nhạc hiền hòa, non nước thanh bình. Nhạc sĩ đờn 4 bài nầy thì day mặt về hướng Tây. 
Bốn bài Oán gồm: Tứ Ðại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu, Phụng Hoàng.
Tứ Đại Oán : điệu nhạc thất vọng, bi thiết, oán hờn giống bài Văn Thiên Tường, nhưng hơi hướng có phần cổ và chơn chất hơn. Hai lớp Xang vắn thường hay được dùng.
Phụng Hoàng : như Tứ Đại Oán, nhưng hơi dựng hơn.
Giang Nam : trầm hơn Tứ Đại Oán, chậm rãị
Phụng Cầu : như Phụng Hoàng.
4 bài Oán phụ:
Văn Thiên Tường : trần thuật, thổ lộ tâm tình, buồn ảo nãọ Có nhiều mức độ, khi buồn vừa vừa thì dùng lớp 1, khi buồn nhiều thì dùng lớp 2 (lớp Oán). Lớp Xế Xảng thật ngắn thường dùng để gối đầu vào Vọng Cổ.
Bình Sa Lạc Nhạn : hơi ngang và dựng.
Thanh Dạ Đề Quyên : cao hơn Bình Sa Lạc Nhạn. 
Xuân Nữ: ngắn, có tính bi thiết, thường dùng trong cảnh bi ai, đau thưong đột xuất.
Mỗi bài Oán có sắc thái riêng biệt, nhưng khác biệt rõ nhứt là giữa hai bài Tứ Đại Oán và Văn Thiên Tường. Các bài Oán khác đều có những nét giống với bài Tứ Đại Oán hoặc Văn Thiên Tường. Hai bài này là tiêu biểu cho loại Oán và được dùng nhiều trong cải lương. 
...............................................
Phân Loại Bài Bản Cải Lương Tài Tử
Theo các sách hướng dẫn đờn hát cải lương nói trên thì nhạc cổ và cải lương được phân thành mười mục:
- Nhứt Lý : các điệu Lý
- Nhì Ngâm : ngâm Kiều, ngâm thơ, ngâm sa mạc...
- Tam Nam : ba bài Nam lớn
- Tứ Oán : các bài Oán
- Ngũ Điểm : sáu bài Bắc lớn
- Lục Xuất : sáu bài ngắn
- Thất Chinh : bảy bài nhạc lớn lễ, cung đình
- Bát Ngự : tám bài Ngự
- Cửu Nhĩ : 2 bài do nhóm tài tử miền Đông biên soạn
- Thập Thủ : thập thủ liên hoàn, 10 bài ngắn 

Bài Vọng Cổ, hậu thân của bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu ở Bạc Liêu sáng tác trong những năm 1920, không thấy trong bảng phân loại nói trên. Không biết là bởi vì bài Vọng Cổ quá đặc biệt để phân loại hay do sự phân loại này được làm trước khi bản Vọng Cổ được phổ biến rộng rãị 


Cũng cần nên nhắc qua là trước khi bài Vọng Cổ chiếm được vị trí số một trong âm nhạc cải lương thì bài Hành Vân được dùng rất rộng rải trên sân khấu cải lương, như bài Vọng Cổ ngày nay vậỵ 


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.