Cũng phải gần 7,8 năm rồi mình mới trở lại Huế, mặc dù đường từ Đà Nẵng ra Huế chỉ mất gần 3 tiếng đi ô tô. Sau 7, 8 năm, vậy mà Huế vẫn không có gì thay đổi lắm, vẫn cái nắng gay gắt như đốt da đốt thịt giữa buổi trưa hè, vẫn sự tĩnh lặng trầm lắng của buổi đêm, và nhịp sống vẫn trôi chầm chậm như dòng sông Hương muôn đời không thay đổi...

Người ta bảo, Huế quá buồn, loanh quanh chỉ Hoàng Thành, chợ Đông Ba, chùa Thiên Mụ, mấy cái lăng tẩm của vua Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định, vậy là hết, nếu không phải mùa Festival Huế thì chắc chỉ ở 2 ngày là thấy chán. Nhưng mình lại thích Huế như vậy hơn, nhẹ nhàng, từ tốn, đài các một cách thâm trầm, không có lớp son phấn rực rỡ thường thấy của một thành phố du lịch, mà chỉ có những câu chuyện, những di tích lịch sử nhuốm bụi thời gian...

Đi ăn ở Huế quả thực rất thú vị. Thành phố nhỏ bé này là thánh địa cho các tín đồ ẩm thực, với vô vàn món ăn như bún bò Huế, cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh khoái, bánh canh cá lóc, chè, các món chay... món nào cũng ngon và rẻ.

1. Bún bò Huế



Lần này mình chọn đi ăn bún bò bà Phụng, quán nằm trên đường Nguyễn Du, gần góc giao với đường Chi Lăng, là quán nổi tiếng chỉ bán buổi chiều, người Huế ăn nườm nượp. Mình đến lúc khoảng gần 4h chiều mà đông nghẹt khách, hầu như không còn bàn trống.

Khi tô bún được bưng ra, lúc đầu mình hơi...thất vọng. Vì mình quen ăn bún bò Huế ở Sài Gòn, sợi bún to, nước màu nhiều, trên mặt tô bún có bò bắp, huyết, chả cua, nhưng tô bún này lại có sợi bún nhỏ, trên mặt tô chỉ có thịt bò tái và chả viên, nước dùng lại trong chứ không đỏ nhiều nước màu.
Nhưng khi ăn vào thì mình phải công nhận là nước bún rất ngon, vị thanh và ngọt, cái ngọt từ xương chứ không phải ngọt do bột nêm, nước lại không bị gắt vị sả hay vị mắm ruốc như nhiều quán khác, cay cay, ăn đến đâu biết đến đó. Thịt bò tái mềm, chả bò quết dai và mịn, thiệt đúng là một tô bún "đạt chuẩn". Nếu bạn thích ăn bò bắp hay giò heo thì cứ thoải mái gọi, bảo đảm sẽ được một tô .... ăn đã ghiền luôn ;))

Ngoài ra, một trong những cái hay ở những quán bún bò Huế là nồi nước bún, không giống với nồi nước bún thường có hình tròn mà lại có hình như chiếc bình hoa, cổ eo, miệng loe, sâu lòng, được làm bằng nhôm. Nhìn người bán nhanh tay thoăn thoắt múc từng tô bún từ cái nồi mang hơi hướng cổ xưa đó, không khỏi làm cho thực khách bâng khuâng nghĩ về một truyền thống ẩm thực lâu đời của xứ kinh kỳ...

Một số địa chỉ bún bò Huế nổi tiếng khác ở Huế:
- Bún bò đường Bạch Đằng (đoạn gần cầu Gia Hội, chỉ phục vụ vào buổi sáng)
- Bún bò Mỹ Tâm đường Lê Duẩn (chỉ phục vụ buổi chiều và tối, chân cầu Phú Xuân)
- Bún bò ông Dũng đường Nguyễn Sinh Cung (đối diện trường tiều học Vĩ Dạ
- Bún bò bà Rớt trong công viên Thương Bạc (chỉ phục vụ vào buổi chiều tối sau 5h)
- Bún bò Huế 14 Lý Thường Kiệt


2. Cơm hến



Chắc chẳng có ở đâu mà mật độ các quán cơm hến lại dày đặc như ở Huế. Cảm tưởng như hầu như con đường nào ở Huế cũng có một vài quán cơm hến, gánh cơm hến. Một nồi nước hến nóng nghi ngút, một nồi hến xào, thêm vài cái lọ đựng mắm ruốc, tóp mỡ, mè, da heo chiên giòn, đậu phộng, tương ớt, một rổ rau trộn thiệt ngon, vài ba cái bàn cái ghế con con, vậy là đã thành một gánh cơm hến hấp dẫn. Rau trộn cơm hến nhất định phải có môn, rau thơm, khế, tất cả thái nhỏ, trộn đều. Hến thì chắc chắn phải là hến từ cồn Hến rồi, thịt mập và tròn. Nồi nước hến phải thiệt là nóng, thêm chút gừng, bột canh, người ta hay nói ăn cơm hến phải uống nước hến để ngon hơn và không bị đau bụng vì hến có tính hàn. Ngoài ra, bún hến cũng là một món hấp dẫn ở đây, thay vì trộn cơm thì trộn bún.

Ở Huế, nổi tiếng nhất các quán cơm hến ở cồn Hến (hơi bị xa), hoặc quán chị Nhỏ, bán trong ngõ đường Phạm Hồng Thái, góc giao với Trương Định (nhưng chỉ bán buổi sáng), bán cả ngày thì có cơm hến ở số 2 Trương Định cũng có khá nhiều người khen ngon. Lần này vì khách sạn mình ở gần chợ Đông Ba, nên mình đi ăn cơm hến của o Móm trong chợ Đông Ba. O Móm làm cho mình một tô cơm hến thiệt ngon, rồi cứ hỏi mình từ đâu tới, rồi lại liên tục nhắc bằng cái giọng Huế nằng nặng, "trộn đều đi nghe, trộn đều vô ăn mới ngon ! ".

Cơm hến, bún hến, có lẽ là món "fast food" bình dân được yêu thích nhất ở Huế.


3. Bánh canh Nam Phổ
Mình nghe tiếng món bánh canh này đã lâu mà chưa có dịp ăn thử, nên định bụng lần này ra Huế nhất định phải ăn cho biết.
Bánh canh Nam Phổ được các o, các mệ ở làng Nam Phổ nấu và gánh đi bán vào các buổi chiều trên những con đường xứ Huế, được nấu chủ yếu từ bột gạo và tôm thịt, nước bánh canh sền sệt, có màu đỏ của gạch tôm và ớt, hạt điều. Chan vào tô bánh canh một ít nước mắm cốt pha với ớt thiệt là cay, vừa ăn vừa hít hà cái vị cay cay của ớt, vị thơm ngọt của tôm thịt vo thành từng viên nhỏ nhỏ, vị mềm mại dai dai của sợi bánh canh, rất lành bụng và không ngán.


Lần này lý ra mình định đi ăn bánh canh Nam Phổ ở quán o Thu số 374 đường Chi Lăng, qua cầu An Cựu khoảng 1km, nhưng xui sao mà lúc đi bộ tới nơi là khoảng 3h chiều thì quán vừa bán hết ! Thế là đành ngậm ngùi sáng hôm sau ra chợ Đông Ba, ăn ở gánh bánh canh Nam Phổ kế bên hàng cơm hến....

Một chỗ bán bánh canh Nam Phổ rất nổi tiếng khác đó là gánh bánh canh của mệ Sau ở chợ Dinh, ngoài ra nếu canh me được mấy mệ gánh bánh canh từ làng Nam Phổ ra bán dọc trên mấy con đường vào mỗi buổi chiều thì ăn cũng rất ngon và thú vị...


4. Bánh canh cá lóc



Một món bánh canh Huế khác cũng rất nổi tiếng đó là bánh canh cá lóc. Cá lóc tươi mua về xát muối làm sạch, hấp cho vừa chín tới thì lọc kỹ từng phần thịt nạc ra khỏi xương, rồi dùng nhíp lấy sạch những phần xương còn dính. Xương và đầu cá đem giã thành từng miếng nhỏ, cho vào một bọc vải sạch rồi đem ninh cùng gia vị, làm nước bánh canh. Thịt cá ướp với nước mắm, ruốc, tiêu, hành, tỏi, nghệ, rồi cho vào chảo xào sơ cho thịt cá thấm gia vị và săn lại. Bột bánh canh là bột gạo được giã kỹ, nhồi mịn, sau đó được cán mỏng trên một cái ống bằng sắt, rồi dùng dao thái thành từng sợi dài cho vào nồi nước sôi để luộc chín bánh. Cho vào tô một ít bánh canh đã luộc chín, thịt cá lóc, chan nước bánh canh lên, thêm hành lá, nước mắm, tiêu, vậy là đã có một tô bánh canh nóng hổi, ngon lành, ngọt thơm thịt cá.

Ở Huế, chỗ bán bánh canh cá lóc nhiều nhất là dọc đoạn quốc lộ 1A trước cổng Nhà máy dệt Huế (người ta gọi là bánh canh cá lóc Thủy Dương). Nhưng lần này mình lại không ăn ở đó mà lại ăn ở một quán nhỏ trên đường Mai Thúc Loan. Chuyện cũng khá vui, thực ra tối đó do đi bộ nhiều nên mình khá mệt và đói bụng, trong đầu chưa nghĩ ra là sẽ đi đâu hay ăn món gì nên leo lên đại một chiếc xích lô, rồi nói với bác xích lô, "bác ơi, bác biết giờ này ở đâu có món gì ăn ngon thì chở con đi ăn thử cho biết với, món nào mà bác hay ăn á". Vậy là bác chở mình tới một quán bánh canh ở đường Mai Thúc Loan, cực rẻ và cực ngon, một tô chỉ có 10 ngàn ! Ở thời điểm 2014, một tô bánh canh 10 ngàn thì chắc chỉ ở Huế mới có ! Mà lại ngon cực kỳ ! Thịt cá thơm, mềm, đậm đà, nước thì trong, ngọt vị cá, sợi bánh canh luộc vừa độ chín. Trên bàn còn có sẵn chả bò gói lá, trứng cuốc luộc nóng hổi, bóc một cái trứng luộc, cho vào tô bánh canh, vị trứng bùi bùi ăn với bánh canh thiệt sự là...rất hợp !


5. Cơm chay
Cơm chay không nằm trong danh sách các món ăn nổi tiếng của Huế, nhưng theo mình, cơm chay là một món rất nên thử khi đến Huế. Bởi Huế là vùng đất Phật Giáo lâu đời, đa số người Huế đều theo đạo Phật, ngày rằm mùng một ăn chay. Lần này mình đến quán Liên Hoa (gần nhà văn hóa thiếu nhi) là quán chay rất nổi tiếng và lâu đời mà ở Huế ai cũng biết. Trúng dịp lễ Vesak, nên quán đông kinh khủng, hầu bàn chạy không kịp thở, khách thì đông nườm nượp. Mình gọi một đĩa cơm phần và một đĩa bún trộn, vậy mà ăn rồi chỉ muốn ăn nữa, vì quá ngon.

Bún trộn là bún tươi trộn với rau sống, rau trộn, tàu hủ ky, đậu phộng, nước xốt tương xì dầu. Cơm phần gồm có cơm trắng ăn với mít non chiên dòn, rau xào, nấm xào, muối mè, chao. Hương vị mộc mạc, nhẹ nhàng, đúng chất món chay thuần túy chứ không phải là chay giả mặn như nhiều quán khác. Đây là một địa chỉ mà mình thực sự muốn quay lại nếu có lần sau đi Huế...





Huế vẫn còn có nhiều món lắm, như chè bột lọc thịt heo quay, bánh khoái, bánh ép, bánh bèo bánh nậm bánh bột lọc..... mà mình vẫn chưa kịp thử.

Thôi thì, đành hẹn lại Huế, một lần sau !


Leave a Reply

Food & Travel & Everyday Life

.